Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Chiêm, mùa
    Trước đây, nông dân thường làm một năm hai vụ. Vụ chiêm cấy trước Tết và gặt vào tháng năm âm lịch, vụ mùa cấy tháng sáu và gặt tháng mười âm lịch.
  2. Cành dâu mềm, gẩy đất lên rất nông. Ý nói mạ mùa phải cấy nông.
  3. Đồng Nai
    Tên gọi chung của toàn thể miền đồng bằng Nam Bộ, phổ biến vào thế kỉ 19 trở về trước, nay được giới hạn để chỉ một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ. Lịch sử của Đồng Nai gắn liền với lịch sử của vùng đất Nam Bộ, khi có làn sóng di dân từ Bắc vào Nam trong cuộc Trịnh-Nguyễn phân tranh vào thế kỉ 16. Hiện nay Đồng Nai là cửa ngõ đi vào vùng kinh tế Đông Nam Bộ, đồng thời là một trong ba mũi nhọn kinh tế miền Nam cùng với thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương.

    Văn miếu Trấn Biên - di tích tiêu biểu của Đồng Nai

    Văn miếu Trấn Biên - di tích tiêu biểu của Đồng Nai

  4. Phá Cầu Hai
    Tên một cái phá trong hệ thống đầm phá Tam Giang-Cầu Hai, thuộc địa phận huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Trước đây phá Cầu Hai là một nơi hiểm trở, tàu bè qua lại rất khó khăn.

    Đầm phá Cầu Hai

    Đầm phá Cầu Hai

  5. Mỗi người làm việc bằng hai
    Phong trào thi đua "Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt" được nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở miền Bắc phát động năm 1964 nhằm huy động nguồn lực cho chiến tranh với Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam. Câu khẩu hiệu này nay vẫn còn được nhắc lại ở nhiều nhà máy, xí nghiệp thuộc nhà nước quản lý.
  6. Vải lĩnh
    Còn gọi là lãnh, loại vải dệt bằng tơ tằm nõn, một mặt bóng mịn, một mặt mờ. Lĩnh được cho là quý hơn lụa, có quy trình sản xuất rất cầu kì. Vải lãnh thường có màu đen, trơn bóng hoặc có hoa, gọi là lĩnh hoa chanh, thường dùng để may quần dài cho các nhà quyền quý. Lĩnh Bưởi ở vùng Kẻ Bưởi miền Bắc (gồm các làng An Thái, Bái Ân, Hồ Khẩu, Trích Sài) và lãnh Mỹ A ở miền Nam là hai loại vải lãnh nổi tiếng ở nước ta.

    Khăn nhỏ, đuôi gà cao
    Lưng đeo dải yếm đào
    Quần lĩnh, áo the mới
    Tay cầm nón quai thao

    (Chùa Hương - Nguyễn Nhược Pháp)

    Vải lãnh Mỹ A

    Vải lãnh Mỹ A

  7. Vải the
    Loại vải dệt bằng tơ nhỏ sợi, mỏng, thưa, không bóng, thời trước thường được dùng may áo dài khoặc khăn, màn.

    Áo the, khăn đóng

    Áo the, khăn đóng

  8. Động Từ Thức
    Còn gọi là động Bích Đào, một hệ thống hang động núi đá vôi với nhiều nhũ đá, hiện thuộc xã Nga Thiện, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Đây là nơi gắn liền với tích Từ Thức gặp tiên.

    Động Từ Thức

    Động Từ Thức

  9. Hang Bạch Á
    Một cái hang gần động Từ Thức, thuộc xã Nga Thiện, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
  10. Gấm
    Một loại vải dệt từ tơ tằm có nền dày, bóng. Nền gấm thường có hoa văn hay chữ Hán với màu sắc sặc sỡ bằng kim tuyến, ngân tuyến được dệt như thêu. Một tấm gấm thường có nhiều màu, phổ biến là năm màu hay bảy màu, gọi là gấm ngũ thể hay thất thể. Do sợi ngang (tạo hoa nổi lên trên) và sợi dọc (tạo nền chìm ở dưới) đều được nhuộm màu nên khi dưới những góc nhìn khác nhau, gấm sẽ có nhiều màu sắc khác nhau. Gấm có vẻ đẹp lộng lẫy, rực rỡ nên ngày xưa chỉ dành may y phục của vua chúa và quan lại, thường dân không được dùng.

    Gấm

    Gấm

  11. Nhiễu
    Hàng dệt bằng tơ, sợi ngang xe rất săn, làm cho mặt nổi cát.
  12. Áo chẹt
    Áo bó sát người (chẹt có nghĩa là chỗ hẹp).
  13. Chuyên tập nghiệp hằng: chăm chỉ học tập, rèn luyện.
  14. Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách, sắc bất ba đào dị nịch nhân
    Dịch nghĩa là “mưa không có khóa mà giữ được khách, sắc đẹp không phải sóng gió mà làm đắm người.” Tương truyền đây là đôi câu đối của thượng thư Đàm Thận Huy và học trò là Trạng Me Nguyễn Giản Thanh, tuy nhiên lại có tài liệu cho là của thầy học và Nguyễn Trãi. Cả hai giả thuyết đều kể học trò (Nguyễn Giản Thanh hoặc Nguyễn Trãi) được thầy khen nhưng tiên đoán là sẽ bị hại vì nhan sắc đàn bà.
  15. Khăn mùi xoa
    Khăn vuông nhỏ dùng để lau nước mắt, chùi miệng (từ tiếng Pháp mouchoir). Cũng đọc là mù xoa, mu soa hoặc bô sa.
  16. Chặm
    Thấm từng tí cho khô (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  17. Ghềnh
    Cũng gọi là gành, chỗ lòng sông hoặc biển có đá lởm chởm nằm chắn ngang làm nước dồn lại, chảy xiết. Ở nước ta có nhiều địa danh có chữ Gành hoặc Ghềnh như Gành Son, Gành Hào, Gành Cả, Gành Ráng...

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

  18. Cù lao
    Khoảng đất nổi lên ở giữa biển hoặc sông.

    Cù lao Chàm

    Cù lao Chàm

  19. Chợ Chì
    Ngôi chợ ở làng Chì, nay thuộc địa phận xã Bồng Lai, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.
  20. Xảo
    Đồ đan bằng tre tương tự như giần nhưng có mắt thưa hơn nhiều, thường dùng để lọc lấy thóc và loại bỏ rơm rác. Động tác dùng xảo cũng gọi là xảo.
  21. Sàng
    Đồ đan bằng tre, hình tròn, lòng nông, có lỗ nhỏ và thưa, thường dùng để làm cho gạo sạch thóc, trấu và tấm. Hành động dùng cái sàng mà lắc cho vật vụn rơi xuống, vật to còn lại cũng gọi là sàng.

    Sàng gạo

    Sàng gạo

  22. Bắc Ninh
    Một tỉnh thuộc khu vực phía bắc của vùng đồng bằng sông Hồng, rất giàu truyền thống văn hóa. Bắc Ninh có nhiều lễ hội (hội Lim, hội Đền Đô, hội Phù Đổng...), nhiều đền chùa (chùa Bút Tháp, chùa Dâu, chùa Phật Tích...), là quê hương của danh tướng Cao Lỗ, Lý Thái Tổ, Nguyên Phi Ỷ Lan, đồng thời là cái nôi của dân ca quan họ.

    Hát quan họ

    Hát quan họ

  23. Đình Bảng
    Tên một ngôi làng ở tỉnh Bắc Ninh, xưa là làng Cổ Pháp, có tên Nôm là làng Báng. Đây là quê hương của Lý Thái Tổ – vị vua sáng lập triều Lý, người đã dời đô về Thăng Long-Hà Nội.

    Đền Lý Bát Đế, còn gọi là Đền Đô, thờ 8 vị vua nhà Lý.

    Đền Lý Bát Đế, còn gọi là Đền Đô, thờ 8 vị vua nhà Lý ở làng Đình Bảng

  24. Phù Lưu
    Một ngôi làng cổ ở Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh, còn gọi là làng Giầu, Chợ Giầu. Làng có truyền thống buôn bán và văn hóa. Vào các thế kỷ 15, 16, 17, Phù Lưu là một làng chợ lớn nên mới có tên chữ là Thị thôn (làng chợ). Nay Thị Thôn là tên một thôn ở xã Hán Quảng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.
  25. Bây lớn
    Chỉ lớn chừng này (phương ngữ Trung Bộ).
  26. Bầu
    Loại cây dây leo cho quả, thường được nhân dân ta trồng cho bò trên giàn. Quả bầu, hoa bầu và đọt bầu non thường được dùng làm thức ăn, ruột và vỏ bầu khô có thể dùng làm các vật dụng gia đình hoặc làm mĩ nghệ. Có nhiều loại bầu: bầu dài, bầu tròn, bầu hồ lô (bầu nậm)...

    Giàn bầu nậm

    Giàn bầu nậm

  27. Trụ Vương
    Tên thật là Tử Thụ, vị vua cuối đời nhà Thương trong lịch sử Trung Quốc, khét tiếng là một ông vua dâm đãng và tàn ác.
  28. Sim
    Loại cây thân gỗ nhỏ, mọc hoang nhiều ở các vùng đồi núi, cho hoa màu tím, quả khi chín có thịt màu tím đậm, vị ngọt chát. Theo Đông y, tất cả các bộ phận của cây đều có thể dùng làm thuốc.

    Hoa sim

    Hoa sim

    Quả sim

    Quả sim

  29. Hai câu này vốn của nhà thơ Kiên Giang, trích từ vở cải lương Người vợ không bao giờ cưới.
  30. Buồng hương
    Do chữ Hán hương khuê (phòng thơm), chỉ phòng riêng của người phụ nữ.
  31. Lượt
    Một loại vải dệt thưa từ tơ tằm, mượt, rất mịn và mềm, thường nhuộm đen để may khăn hay may áo.
  32. Đồng hồ quả quýt
    Loại đồng hồ bỏ túi, có hình dáng tròn, nhỏ gọn trong lòng bàn tay, thường có dây xích nhỏ để móc vào ve áo hay lưng quần phòng mất cắp. Đồng hồ quả quýt được chế tạo từ thế kỉ 16, phổ biến cho đến cuối thế chiến thứ nhất, khi đồng hồ đeo tay ra đời.

    Đồng hồ quả quýt

    Đồng hồ quả quýt

  33. Lục soạn
    Thứ lụa mỏng, trơn, xưa hay dùng.

    Quanh năm phong vận, áo hàng tầu, khăn nhiễu tím, ô lục soạn xanh
    Ra phố nghênh ngang, quần tố nữ, bít tất tơ, giày Gia Định bóng

    (Phú hỏng khoa Canh Tý - Tú Xương)

  34. Nói không
    Khoác lác, nói mà không làm, nói cho có.
  35. Phần thủ
    Chòi cất bên sông để canh gác.
  36. Chơn
    Chân (phương ngữ Trung và Nam Bộ).