Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Kết cỏ ngậm vành
    Đời đời nhớ ơn. Từ thành ngữ gốc Hán Kết thảo hàm hoàn 結草銜環, liên quan đến hai tích:

    Kết thảo: Cha của Ngụy Khỏa thời Xuân Thu dặn ông "khi ta chết thì chôn thiếp yêu của ta theo cùng." Nhưng khi cha chết, Ngụy Khỏa không theo lời cha, cho người thiếp về lấy chồng. Về sau Ngụy Khỏa ra trận, đánh nhau với tướng giặc Đỗ Hồi mới vài hiệp, Đỗ Hồi đã ngã lăn xuống đất, bị Ngụy Khỏa bắt sống. Đêm ấy Ngụy Khỏa nằm mơ thấy một ông già đến tạ ơi, bảo "Tôi là cha của người thiếp được ông cứu sống, nay cảm cái ơn mà kết cỏ vướng chân ngựa Đỗ Hồi giúp ông để báo đáp."

    Hàm hoàn: Dương Bảo đời Hán cứu một con sẻ vàng bị chim cắt đánh rơi xuống đất, mang về nuôi cho khỏe mạnh rồi thả đi. Đêm hôm ấy có đứa trẻ mặc áo vàng, ngậm bốn vòng ngọc đến lạy tạ, nói rằng: "Tôi là sứ giả của Tây Vương Mẫu được ông cứu vớt, nay xin đem lễ này đến tạ, cầu cho con cháu của ông được hiển đạt cao sang như vòng ngọc này." Về sau con cháu của Dương Bảo đều làm quan to.

  2. Ngồng
    Thân non của một số cây như cải, thuốc lá... mọc cao lên và ra hoa. "Ngồng" cũng có nghĩa là trổ hoa ở các loại cây này.

    Ngồng cải

    Ngồng cải

  3. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  4. Làng Sét
    Một làng thuộc xã Định Hải, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Theo sử liệu, ông Trương Cảnh Tường là người đầu tiên đến khai hoang lập ấp tại núi Quy Sơn, tên gọi Ấp Sát. Do đây là vùng đất địa linh, an vui lạc thổ, sông núi hữu tình nên người nghe tìm đến ngày càng phồn thịnh. Buổi đầu ở trên lưng núi, sau mở rộng dần xuống đất bằng. Ấp Sát trở thành thôn Sát (Sét), nay là làng Sét. Bến đò của làng cũng gọi là bến Sét.

    Đình làng Sét

    Đình làng Sét

  5. O
    Cô, cô gái, thím (phương ngữ miền Trung). Trong gia đình, o cũng dùng để chỉ em gái của chồng.
  6. Đình
    Công trình kiến trúc cổ truyền ở làng quê Việt Nam, là nơi thờ Thành hoàng, và cũng là nơi hội họp của người dân trong làng.

    Đình Tiên Canh (tỉnh Vĩnh Phúc)

    Đình Tiên Canh (tỉnh Vĩnh Phúc)

  7. Tu thân
    Sửa thân mình (từ Hán Việt). Đây là một khái niệm của Nho giáo, chỉ việc chỉnh đốn, sửa chữa bản thân để luôn ngay chánh, hợp theo đạo đức.
  8. Hào
    Giỏi, tài trí hơn người.
  9. Chựa
    Chữa (cách phát âm của người Huế).
  10. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  11. Vong
    Chết, mất (từ Hán Việt).
  12. Nhật Tảo
    Cũng đọc là Nhựt Tảo theo cách đọc miền Nam, một con sông chảy qua địa bàn huyện Kiên Giang, đồng thời cũng là tên một vàm sông nơi sông Nhật Tảo gặp sông Vàm Cỏ Đông, nay thuộc xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An. Tại đây vào ngày 10 tháng 12 năm 1861, nghĩa quân của Nguyễn Trung Trực đã bất ngờ tấn công và đốt chìm tiểu hạm Espérance của Pháp, giết chết 37 lính Pháp trong một trận đánh làm nức lòng nhân dân ta.
  13. Trận đồn Kiên Giang
    Tên trận đánh chiếm đồn Kiên Giang (còn gọi là đồn Rạch Giá) do Nguyễn Trung Trực khởi xướng, xảy ra vào ngày 16 tháng 6 năm 1868. Giặc Pháp mất 5 sĩ quan và 67 lính, đồng thời mất khoảng một trăm khẩu súng đủ loại cùng nhiều đạn dược. Tuy nghĩa quân chỉ giữa được đồn 5 ngày, nhưng sự kiện này đã được tác giả George Diirrwell đánh giá là một sự kiện bi thảm (un événement tragique) của thực dân Pháp ở nước ta.
  14. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  15. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  16. Sở đất
    Đám đất, miếng đất (phương ngữ Nam Bộ).
  17. Hổ thân
    Xấu hổ (phương ngữ Nam Bộ).
  18. Hòn Khói
    Một bán đảo nằm cách thị trấn Ninh Hoà, huyện Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà chừng 10km về hướng Đông Bắc. Có tài liệu chép rằng xưa kia tại đây là cửa biển quan trọng, triều đình nhà Nguyễn cho đặt quan trấn phòng ngự, trên đỉnh núi có chất củi khô, khi nào có giặc bể vào cướp bóc thì quan trấn ra lệnh đốt lửa un khói làm hiệu để gọi quân tiếp viện. Vì vậy nơi này có tên là Hòn Khói, tên chữ là Yên Cang.

    Ngày nay, Hòn Khói là một bán đảo đẹp, cảnh quan hấp dẫn, nơi có nhiều chim yến làm tổ của tỉnh Khánh Hoà, đồng thời cũng là vựa muối của cả nước.

    Ruộng muối ở Hòn Khói

    Ruộng muối ở Hòn Khói

  19. Đồng Hương
    Địa danh nay thuộc huyện Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà. Ngày xưa, đây là vùng có giống lúa gòn nổi tiếng thơm ngon nhất phủ Thái Khang (Ninh Hòa – Vạn Ninh) nhờ thổ nhưỡng đặc biệt, thường được dùng làm quà biếu.
  20. Hòn Hèo
    Tên một bán đảo thuộc địa phận huyện Ninh Hòa, cách thành phố Nha Trang khoảng 15 cây số. Hòn Hèo còn có tên gọi là Phước Hà Sơn do địa danh này là một quần thể có trên 10 ngọn núi lớn, nhỏ khác nhau, cao nhất là Hòn Hèo (cao 813m) nằm chính giữa. Theo dân gian, trên đỉnh Phước Hà Sơn có rất nhiều cây hèo, nên gọi là Hòn Hèo.

    Hiện nay Hòn Hèo là một địa điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Khánh Hòa.

    Phong cảnh Hòn Hèo

    Phong cảnh Hòn Hèo

  21. Cửa Bô
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Cửa Bô, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  22. Mắm
    Thức ăn làm bằng tôm cá sống ướp muối và để lâu ngày cho ngấu.
  23. Làm mai
    Còn gọi là làm mối, mai mối. Người làm mai gọi là ông (bà) mối hay ông (bà) mai, là người đứng trung gian, giới thiệu cho hai bên trai gái làm quen hoặc cưới nhau.
  24. Dĩa bàng thang
    Dĩa làm bằng sứ, lớn, thường dùng để đựng đồ thờ cúng.
  25. Tôm càng
    Một loài tôm lớn nước ngọt có càng dài. Tôm càng có thể dài đến 30 cm, là một loại hải sản có giá trị và nhiều dinh dưỡng. Trong lúc còn là ấu trùng, tôm càng sống ở nước lợ, nhưng khi trưởng thành chúng sống hoàn toàn ở nước ngọt. Vì là một loại hải sản quý, tôm càng được chăn nuôi rộng rãi ở nước ta.

    Tôm càng xanh

    Tôm càng xanh

  26. Ba Giai
    Một danh sĩ sống vào cuối thế kỉ 19, được biết đến chủ yếu qua các giai thoại về Ba Giai-Tú Xuất. Hiện không còn nhiều thông tin về ông, tuy nhiên theo một số nhà nghiên cứu thì ông tên thật là Nguyễn Văn Giai, sống ở khoảng triều Thiệu Trị (1841 - 1847) và Tự Đức (1848 - 1883). Ông cũng được cho là tác giả của Hà thành chính khí ca, thi phẩm gồm 140 câu thơ lục bát về sự kiện thành Hà Nội bị quân Pháp xâm chiếm ngày 25 tháng 4 năm1882.
  27. Tú Xuất
    Một danh sĩ sống vào khoảng cuối thế kỉ 18. Theo các tài liệu, ông tên thật là Nguyễn Đình Xuất, người gốc làng Chuông, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Tây cũ. Ông là một người thông minh, tri thức hơn người nhưng hay gặp thất bại trong khoa cử, từ đó sinh ra tính hay bông đùa, trêu cợt, đặc biệt là thích đả kích những thói hư tật xấu của người đời. Cùng với Ba Giai, ông tạo thành cặp Ba Giai-Tú Xuất nổi tiếng trong văn hóa dân gian.