Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Xẩm
    Một loại hình dân ca từng phổ biến ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Bộ nhạc cụ đơn giản nhất để hát xẩm chỉ gồm đàn nhị và sênh. Nhóm hát xẩm đông người có thể dùng thêm đàn bầu, trống mảnh và phách bàn. Ca từ của xẩm chủ yếu là thơ lục bát, lục bát biến thể có thêm các tiếng láy, tiếng đệm cho phù hợp với làn điệu. Nội dung của các bài xẩm có thể mang tính tự sự như than thân trách phận, nêu gương các anh hùng, liệt sĩ hay châm biếm những thói hư, tật xấu...

    "Xẩm" cũng còn được dùng để gọi những người hát xẩm - thường là người khiếm thị (mù) đi hát rong kiếm sống.

    Cụ bà Hà Thị Cầu (1928-2013), nghệ nhân hát xẩm cuối cùng của thế kỉ 20

    Cụ bà Hà Thị Cầu (1928-2013), nghệ nhân hát xẩm cuối cùng của thế kỉ 20

    Thưởng thức một bài hát xẩm do nghệ nhân Hà Thị Cầu trình bày.

  2. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  3. Kiều khấu
    Bộ đồ trang sức cho con ngựa, gồm: hàm thiếc, nòng cổ, dây nịt lưng, dây cương, v.v. Bộ yên được trang trí phủ trên mình voi cũng gọi là kiều khấu.
  4. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  5. Lậu
    Để lộ (phương ngữ Nam Bộ, nguyên là âm Hán Việt của chữ lậu 漏).
  6. Têm trầu
    Quệt vôi vào lá trầu không, cuộn lại rồi cài chặt lại bằng cuống lá để thành một miếng trầu vừa miệng ăn.

    Têm trầu

    Têm trầu

    Trầu têm cánh phượng

    Trầu têm cánh phượng

  7. Cơm lam
    Loại cơm được làm từ gạo (thường là gạo nếp) cùng một số nguyên liệu khác, cho vào ống tre (hoặc ống giang, ống nứa...) và nướng chín trên lửa. Đây là loại cơm đặc trưng của các dân tộc vùng Tây Bắc và Tây Nguyên.

    Cơm lam

    Cơm lam

  8. Kẻ Quạ
    Tên một cánh đồng ở trung du Tây Bắc Nghệ An, nổi tiếng với món đặc sản là cơm lam.
  9. Cá mát
    Một loại cá nước ngọt, mình có từ ba đến sáu chấm đen, vây màu hồng. Cá mát nhỏ con chỉ bằng hai ba ngón tay người lớn. Con to nhất cũng chỉ nặng từ 0,5kg đến 0,8kg. Cá sống từng đàn ở các khe đá và nơi nước chảy xiết, thường bơi kiếm ăn vào ban đêm. Bắt đầu từ tháng 8 âm lịch là mùa cá mát.

    Cá mát vừa lành vừa bổ, thịt thơm ngon, mỡ béo, ít xương, tốt cho sức khỏe. Ở nước ta, cá mát có nhiều ở sông Giăng, Nghệ An, và được xem là đặc sản Nghệ An.

    Cá mát

    Cá mát

  10. Sông Giăng
    Tên một con sông thuộc địa bàn tỉnh Nghệ An. Sông bắt nguồn từ chân núi Pu-loong (núi Rồng) cao gần 1.300m, chảy qua các vùng đồi Hạnh Lâm, Cao Điền, La Mạc... trước khi nhập vào sông Lam. Thượng nguồn sông Giăng là nơi tộc người Đan Lai sinh sống như một “bộ lạc” biệt lập với thế giới bên ngoài. Sông Giăng có đặc sản là cá mát, cũng là đặc sản của cả tỉnh Nghệ An.

    Sông Giăng

    Sông Giăng

  11. Rơm
    Các loại cây lúa hoặc các loại cỏ, cây hoa màu khác sau khi thu hoạch phần hạt, phần thân và lá được đem đi cắt, sấy khô (phơi nắng) và được lưu trữ để sử dụng làm thức ăn cho gia súc. Ngoài ra rơm còn được sử dụng để thổi lửa, đun nấu rất tốt. Bên cạnh đó, rơm còn là nguyên liệu quan trọng để nuôi trồng nấm rơm (một loài nấm chuyên mọc trên rơm).

    Một ụ rơm

    Một ụ rơm

  12. Ôm rơm nặng bụng
    (Khẩu ngữ) ví việc làm không đâu, không phải việc của mình nhưng cứ làm, nên không những không mang lại lợi ích mà còn tự gây vất vả, phiền phức cho mình.
  13. Tản Viên
    Tên một ngọn núi nổi tiếng thuộc dãy núi Ba Vì, huyện Ba Vì, Hà Nội. Tản Viên còn có tên gọi khác là Ngọc Tản, Tản Sơn hoặc Phượng Hoàng Sơn.
    Tản Viên cao 1281m, gần đỉnh thắt lại, đến đỉnh lại xòe ra như chiếc ô nên gọi là Tản (傘). Chân núi này có đền Hạ, lưng chừng núi có đền Trung, đỉnh núi có đền Thượng là nơi thờ Sơn Tinh (Đức Thánh Tản). Núi Tản Viên là nơi gắn với huyền thoại về Sơn Tinh, một trong bốn vị thánh bất tử (tứ bất tử) của người Việt.

    Tản Viên

    Tản Viên

  14. Vũng Thủy Tiên, cửa Vường
    Ngã ba sông, nơi giao nhau giữa sông Luộc và sông Hồng, nay gọi là ngã ba Phương Trà.
  15. Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Nhì Bí.
  16. Đổng Trọng Thư
    Một nhà nho thời Tây Hán trong lịch sử Trung Hoa. Ông sinh năm 179, mất năm 117 trước Công nguyên. Xuất thân trong một gia đình đại địa chủ, từ nhỏ ông đã khổ công học tập, nổi tiếng là "học ba năm không nhìn ra vườn" (Tam niên học vấn bất khuy viên).

    Đổng Trọng Thư

    Đổng Trọng Thư

  17. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  18. Lưu liên dạ hành
    Hay đi chơi đêm.
  19. Kinh Thi
    Một trong Ngũ Kinh, gồm 311 bài thơ vô danh được sáng tác trong khoảng thời gian 500 năm, từ đầu thời Tây Chu đến giữa thời Xuân Thu, chia làm ba bộ phận lớn là Phong, Nhã và Tụng. Nguồn gốc các bài thơ trong Kinh Thi khá phức tạp, gồm cả ca dao, dân ca và nhã nhạc triều đình, với các tác giả thuộc mọi tầng lớp trong xã hội đương thời.
  20. Trương Lương
    (262 TCN-188 TCN) Tự là Tử Phòng, một trong những khai quốc công thần của nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc. Ông cùng với Hàn Tín và Tiêu Hà được người đời xưng tụng là "Hán triều Tam kiệt." Sau này ông được Hán Cao Tổ phong là Lưu Hầu, nên đời sau cũng gọi ông với tên ấy.

    Hình vẽ Trương Lương

    Hình vẽ Trương Lương

  21. Kèo
    Thanh bằng tre hay gỗ từ nóc nhà xuôi xuống đỡ các tay đòn hay xà gỗ.

    Kèo

    Kèo

  22. Bình Định
    Tên một tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Đây là mảnh đất có bề dày lịch sử với nền văn hoá Sa Huỳnh, từng là cố đô của vương quốc Chămpa, đồng thời là quê hương của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ. Bình Định cũng là nơi có nghệ thuật tuồng rất phát triển, gắn liền với tên tuổi của Đào Duy Từ. Những món đặc sản của vùng đất này gồm có rượu Bàu Đá, bánh tráng nước dừa, bánh ít lá gai...

    Bình Định

    Bình Định

  23. Tam Quan
    Thị trấn phía bắc tỉnh Bình Định, thuộc huyện Hoài Nhơn. Đây nổi tiếng là "xứ dừa" của Bình Định.

    Dừa Tam Quan

    Dừa Tam Quan

  24. Chùa Keo
    Còn gọi là chùa Keo Thượng, một ngôi chùa cổ (xây năm 1630) thuộc xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Chùa nguyên là chùa Keo có từ thời Lý (tên Nghiêm Quang tự, sau đổi thành Thần Quang tự), được xây ở hương Giao Thủy (tên Nôm là Keo), phủ Hà Thanh, thuộc huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Năm 1611, nước sông Hồng dâng lên làm ngập hương Giao Thủy nên một bộ phận dân làng buộc phải di cư lập làng mới Dũng Nhuệ trên đất Thái Bình, xây chùa Keo mới gọi là chùa Keo Thượng (phân biệt với chùa Keo Hạ do nhóm di dân khác lập ở Nam Định cũng trong thời gian ấy). Chùa mang nét kiến trúc đặc sắc và tiêu biểu của thời Lê. Hàng năm vào các ngày đầu xuân và rằm tháng chín, nhân dân quanh vùng lại mở hội chùa rất đông vui.

    Chùa Keo

    Chùa Keo

  25. Chí
    Đến, kéo dài cho đến (từ Hán Việt).