Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Có bản chép:
    Rồi ra kẻ ngược, người xuôi,
    Nỗi lòng tưởng nhớ sao nguôi hỡi chàng
  2. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  3. Khắc
    Đơn vị tính thời gian ban ngày thời xưa. Người xưa chia ban ngày ra thành sáu khắc (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo Lý Thái Thuận, khắc một là giờ Mão/Mạo (5h-7h), khắc hai là giờ Thìn (7h-9h), khắc ba là giờ Tị (9h-11h), khắc tư là giờ Ngọ (11h-13h), khắc năm là giờ Mùi (13-15h), khắc sáu là giờ Thân (15-17h). Theo đó, giờ Dậu (17-19h) không thuộc về ngày cũng như đêm. Xem thêm chú thích Canh.
  4. Têm trầu
    Quệt vôi vào lá trầu không, cuộn lại rồi cài chặt lại bằng cuống lá để thành một miếng trầu vừa miệng ăn.

    Têm trầu

    Têm trầu

    Trầu têm cánh phượng

    Trầu têm cánh phượng

  5. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  6. Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Ba Bụng.
  7. Cươi
    Sân (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  8. Sấm tháng mười cày cươi mà cấy
    Tháng mười có sấm thì nhất định vụ chiêm sau đó sẽ được mùa, nên tận dụng đất (cày cả sân nhà) để cấy lúa.
  9. Xâu
    Cũng gọi là sưu, món tiền mà người đàn ông từ mười tám tuổi trở lên phải nộp (sưu thế), hoặc những công việc mà người dân phải làm cho nhà nước phong kiến hay thực dân (đi xâu).
  10. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  11. Trường thọ
    Sống lâu (từ Hán Việt).
  12. Ghe
    Thuyền nhỏ, thường đan bằng tre (gọi là ghe nan) hoặc bằng gỗ. Từ này đôi khi được dùng để chỉ tàu thuyền nói chung, nhất là ở vùng Trung và Nam Bộ.

    Chèo ghe

    Chèo ghe

  13. Làng Sét
    Một làng thuộc xã Định Hải, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Theo sử liệu, ông Trương Cảnh Tường là người đầu tiên đến khai hoang lập ấp tại núi Quy Sơn, tên gọi Ấp Sát. Do đây là vùng đất địa linh, an vui lạc thổ, sông núi hữu tình nên người nghe tìm đến ngày càng phồn thịnh. Buổi đầu ở trên lưng núi, sau mở rộng dần xuống đất bằng. Ấp Sát trở thành thôn Sát (Sét), nay là làng Sét. Bến đò của làng cũng gọi là bến Sét.

    Đình làng Sét

    Đình làng Sét

  14. O
    Cô, cô gái, thím (phương ngữ miền Trung). Trong gia đình, o cũng dùng để chỉ em gái của chồng.
  15. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  16. Tơ hào
    (cũng phát âm là ti) là sợi tơ, một loại sợi rất nhỏ. Hào là sợi lông rất nhỏ khi chim mới mọc lông. Tơ hào hay ti hào vì vậy được dùng để chỉ một phần rất nhỏ, một chút xíu, mảy may, hoặc một chút mơ tưởng thoáng qua.
  17. Có bản chép: Với.
  18. Gò Găng
    Một địa danh nay thuộc phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Tại đây có nghề làm nón truyền thống, đồng thời có phiên chợ nón Gò Găng rất độc đáo, họp từ nửa đêm đến rạng sáng. Nón làm ở chợ Găng ngày xưa chủ yếu là nón ngựa.

    Chợ nón Gò Găng

    Chợ nón Gò Găng

  19. Vải lĩnh
    Còn gọi là lãnh, loại vải dệt bằng tơ tằm nõn, một mặt bóng mịn, một mặt mờ. Lĩnh được cho là quý hơn lụa, có quy trình sản xuất rất cầu kì. Vải lãnh thường có màu đen, trơn bóng hoặc có hoa, gọi là lĩnh hoa chanh, thường dùng để may quần dài cho các nhà quyền quý. Lĩnh Bưởi ở vùng Kẻ Bưởi miền Bắc (gồm các làng An Thái, Bái Ân, Hồ Khẩu, Trích Sài) và lãnh Mỹ A ở miền Nam là hai loại vải lãnh nổi tiếng ở nước ta.

    Khăn nhỏ, đuôi gà cao
    Lưng đeo dải yếm đào
    Quần lĩnh, áo the mới
    Tay cầm nón quai thao

    (Chùa Hương - Nguyễn Nhược Pháp)

    Vải lãnh Mỹ A

    Vải lãnh Mỹ A

  20. An Thái
    Tên một làng nay thuộc xã Nhơn Phúc, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Làng nằm ven bờ sông Côn, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 30 km về hướng tây bắc, nổi tiếng là một trong những nôi võ của Bình Định. Tại đây vào ngày rằm tháng 7 hằng năm có tổ chức lễ hội đổ giàn.

    "Tranh heo" trong lễ hội Đổ giàn

    "Tranh heo" trong lễ hội Đổ giàn

  21. Trầu nguồn
    Loại trầu của đồng bào dân tộc trồng trên núi, có lá to, hương đậm.
  22. Bánh xèo
    Một loại bánh làm bằng bột, bên trong có nhân là tôm, thịt, giá, đúc hình tròn. Tùy theo mỗi vùng mà cách chế biến và thưởng thức bánh xèo có khác nhau. Ở Huế, món ăn này thường được gọi là bánh khoái và thường kèm với thịt nướng, nước chấm là nước lèo gồm tương, gan, đậu phộng. Ở miền Nam, bánh có cho thêm trứng, chấm nước mắm chua ngọt. Ở miền Bắc, nhân bánh xèo còn có thêm củ đậu thái mỏng hoặc khoai môn thái sợi. Các loại rau ăn kèm với bánh xèo rất đa dạng gồm rau diếp, cải xanh, diếp cá, tía tô, rau húng, lá quế, lá cơm nguội non...

    Bánh xèo

    Bánh xèo

  23. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  24. Cá trèn bầu
    Một loài cá nước ngọt phổ biến ở miền Nam nước ta, đặc biệt gặp nhiều ở vùng trung lưu và hạ lưu sông Đồng Nai và sông Sài Gòn. Cá trèn bầu dài từ 9 đến 50 cm, thân hơi dẹp ngang, thịt ngon là loài có giá trị kinh tế cao.

    Cá trèn bầu

    Cá trèn bầu

  25. Của ăn hay hết người còn thấy nhau
    Của cải là thứ tạm thời, con người ăn ở, cư xử với nhau mới là thứ bền lâu. Có câu tương tự: Của vắn mặt dài hay Người đời của tạm.