Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Ăn tấm trả giặt
    "Tấm" là gạo giã nhỏ, "giặt" là gạo nguyên hạt. Câu này có nghĩa như "ăn ít trả nhiều."
  2. Đàn nguyệt
    Từ Hán Việt là nguyệt cầm, Nam Bộ gọi là đàn kìm. Loại đàn này có hộp đàn hình tròn như mặt trăng nên mới có tên là "đàn nguyệt." Theo sách xưa thì đàn nguyên thủy có 4 dây, sau rút lại còn 2 dây. Sách của Phạm Đình Hổ ghi rằng đàn nguyệt xuất hiện ở Việt Nam vào thế kỷ 18. Xem thêm nhạc sĩ Huỳnh Khải giải thích về đàn kìm tại đây.

    Giáo sư Trần Văn Khê đang chơi đàn nguyệt

    Giáo sư Trần Văn Khê đang chơi đàn nguyệt

  3. Lơ lửng
    Ở đây ý nói thuyền nhẹ, còn nổi lơ lửng.
  4. Đưng
    Một loại cây cỏ thân cao cùng họ với cỏ lác, cỏ bàng, có thân cắt ngang hình tam giác, mọc nhiều ở các vùng đầm lầy ngập mặn.

    Bụi cây đưng ở Bàu Sấu, Nam Cát Tiên

    Bụi cây đưng ở Bàu Sấu, Nam Cát Tiên

  5. Mẫu
    Đơn vị đo diện tích ruộng đất, bằng 10 sào tức 3.600 mét vuông (mẫu Bắc Bộ) hay 4.970 mét vuông (mẫu Trung Bộ).
  6. Cá bống
    Một họ cá sông rất quen thuộc ở khắp ba miền Bắc, Trung, Nam (tại đây loài cá này cũng được gọi là cá bóng). Cá bống sống thành đàn, thường vùi mình xuống bùn. Họ Cá bống thật ra là có nhiều loài. Tỉnh Quảng Ngãi ở miền Trung nước ta có loài cá bống sông Trà nổi tiếng, trong khi ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, loài được nhắc tới nhiều nhất là cá bống tượng. Cá bống được chế biến thành nhiều món ăn ngon, có giá trị cao.

    Cá bống tượng Kiên Giang.

    Cá bống tượng

    Cá bống kho tộ

    Cá bống kho tộ

  7. Bói cá
    Tên chung của một số loài chim săn mồi có bộ lông rất sặc sỡ. Thức ăn chính của bói cá là cá, nhưng chúng có thể ăn cả các động vật nhỏ như ếch nhái, tôm, côn trùng, thằn lằn... Bói cá còn có các tên gọi khác như chim thầy bói, trả, tra trả, sả, thằng chài...

    Chim bói cá

    Chim bói cá

  8. Nỏ
    Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).
  9. Gia thất
    Vợ chồng. Theo Thiều Chửu: Vợ gọi chồng là gia 家, cũng như chồng gọi vợ là thất 室. Vợ chồng lấy nhau vì thế gọi là “thành gia thất.”
  10. Trúc mai
    Trong văn chương, trúc và mai thường được dùng như hình ảnh đôi bạn tình chung thủy, hoặc nói về tình nghĩa vợ chồng.

    Một nhà sum họp trúc mai
    Càng sâu nghĩa bể càng dài tình sông

    (Truyện Kiều)

  11. Lóng
    Đốt (lóng tay: đốt tay, lóng mía: đốt mía, lóng tre: đốt tre...) (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  12. Sàng
    Đồ đan bằng tre, hình tròn, lòng nông, có lỗ nhỏ và thưa, thường dùng để làm cho gạo sạch thóc, trấu và tấm. Hành động dùng cái sàng mà lắc cho vật vụn rơi xuống, vật to còn lại cũng gọi là sàng.

    Sàng gạo

    Sàng gạo

  13. Đỗ quyên
    Có giả thuyết cho là chim cuốc. Theo hai học giả Đào Duy Anh và An Chi thì chim quyên là chim tu hú. Hình ảnh chim quyên trong ca dao dân ca thường tượng trưng cho những điều tốt đẹp.

    Chim tu hú

    Chim tu hú

  14. Ngũ phụng tề phi
    Năm con chim phượng cùng bay, một danh xưng dùng để chỉ 5 người đồng hương cùng đỗ đại khoa trong cùng một khoa thi. Ở nước ta, danh hiệu này thường dùng để chỉ 5 thí sinh tỉnh Quảng Nam cùng đỗ khoa thi Mậu Tuất (1898) đời Thành Thái: Tiến sĩ Phạm Liệu (1872-1936, quê xã Điện Trang, huyện Điện Bàn), tiến sĩ Phan Quang (1875-1939, quê xã Quế Châu, huyện Quế Sơn), tiến sĩ Phạm Tuấn (1852-?, quê xã Điện Quang, huyện Điện Bàn), phó bảng Ngô Chuẩn, tức Ngô Lý (1873-?, quê xã Điện Nam, huyện Điện Bàn), phó bảng Dương Hiền Tiến (1866-?, quê xã Điện Phong, huyện Điện Bàn).
  15. Thầy
    Cha, bố (phương ngữ một số địa phương Bắc và Bắc Trung Bộ).
  16. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  17. Nằm bãi
    Ra bờ biển nằm đợi bắt đồi mồi cái lên đẻ trứng.
  18. Châu Thành
    Tên một huyện thuộc tỉnh An Giang.
  19. Phỉ dạ
    Thỏa lòng, thỏa mãn.
  20. Lạng Sơn
    Còn gọi là xứ Lạng, một tỉnh ở vùng Đông Bắc nước ta. Lạng Sơn có nhiều thắng cảnh nổi tiếng như động Nhị Thanh, chùa Tam Thanh, ải Chi Lăng, núi Tô Thị...

    Phong cảnh Lạng Sơn

    Phong cảnh Lạng Sơn

  21. Thành cổ Lạng Sơn
    Một di tích kiến trúc quân sự nằm ở phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn. Thời phong kiến, đây là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Lạng Sơn. Đoàn thành có vị trí quan trọng trong việc trấn giữ phòng thủ quân sự nơi cửa ngõ đất nước, nằm trong thung lũng thành phố Lạng Sơn, xung quanh có núi cao bao bọc.

    Thành cổ Lạng Sơn

    Thành cổ Lạng Sơn

  22. Tam Cờ
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Tam Cờ, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  23. Giấy phong
    Tờ giấy niêm phong, để ngăn việc mở ra một cách trái phép.
  24. Kết nguyền
    Nguyện kết nghĩa (vợ chồng) với nhau.
  25. Mỏ Cày
    Tên một huyện cũ của tỉnh Bến Tre. Hiện nay huyện Mỏ Cày cùng một phần của huyện Chợ Lách được chia tách thành huyện Mỏ Cày Bắc và Mỏ Cày Nam. Vùng này có một đặc sản nổi tiếng là cây thuốc lá, đặc biệt là thuốc trồng ở những con giồng thuộc các xã Đa Phước Hội, An Thạnh, vùng quanh thị trấn và vùng phía Tây Bắc Mỏ Cày.
  26. Giồng Trôm
    Một huyện thuộc tỉnh Bến Tre, trước đây còn có tên là quận Tán Kế, đặt theo tên Tán Lý quân cơ Lê Thành Kế (? - 1869), một vị quan triều Nguyễn, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp ở Giồng Trôm. Địa danh Giồng Trôm có từ việc nơi đây từng là một giồng đất trồng nhiều cây trôm.
  27. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  28. Cô phòng
    Buồng riêng của người sống cảnh cô đơn (từ Hán Việt). Thường dùng để chỉ cảnh cô đơn của người phụ nữ không chồng hoặc xa chồng.

    Đình thoa trường nhiên tư viễn nhân,
    Độc túc cô phòng lệ như vũ.

    (Ô dạ đề - Lí Bạch)

    Tản Đà dịch:
    Dừng thoi buồn bã nhớ ai,
    Phòng không gối chiếc, giọt dài tuôn mưa.

  29. Măng vòi
    Măng mọc ra từ nhánh tre (thay vì từ gốc), có thể dùng làm thức ăn như măng chua.

    Măng vòi

    Măng vòi