Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Tứ linh
    Bốn loài vật thiêng trong văn hóa của nhiều nước phương Đông chịu ảnh hưởng của Trung Quốc, gồm long (rồng), lân (kì lân, cũng gọi là ly), quy (rùa) và phụng (chim phượng).

    Tứ linh (tranh Đông Hồ)

    Tứ linh (tranh Đông Hồ)

  2. Giã ơn
    Cảm tạ ơn.

    Kíp truyền thu lễ, trao lời giã ơn
    (Nhị Độ Mai)

  3. Sông Vịnh
    Cũng gọi là sông Cửa Khẩu, tên một đoạn sông nhỏ ở Hà Tĩnh do sông Kinh từ phía Bắc, sông Trí từ phía Tây và sông Quyền từ phía Nam tạo thành. Sông dài khoảng 10 km, nay thuộc địa phận xã Kỳ Ninh, huyện Kỳ Anh.
  4. Xe kéo
    Cũng gọi là xe tay, một loại xe hai bánh do một người kéo, thường dùng để chở khách. Xe kéo xuất hiện ở nước ta vào khoảng cuối thế kỉ 19, do người Pháp đem qua, và đã trở thành biểu tượng cho sự phân biệt giai cấp, người bóc lột người trong xã hội Pháp thuộc. Sau 1945, xe kéo bị cấm sử dụng ở Việt Nam.

    Xe kéo

    Xe kéo

    Hàng xóm khóc bằng câu đối đỏ
    Ông chồng thương đến cái xe tay

    (Mồng hai Tết viếng cô Ký - Tú Xương)

  5. Kim thời
    Thời nay (từ Hán Việt), chỉ sự tân tiến, đổi mới (đối lập với lề thói cũ). Nghĩa cũng như "Tân thời".
  6. Khăn rằn
    Một loại khăn đặc trưng của người Nam Bộ, thường có hai màu đen và trắng hoặc nâu và trắng. Hai màu này đan chéo nhau, tạo thành ô vuông nhỏ, trải dài khắp mặt khăn.

    Thiếu nữ Nam Bộ với áo bà ba và khăn rằn

    Thiếu nữ Nam Bộ với áo bà ba và khăn rằn

  7. Sen
    Loài cây mọc dưới nước, thân hình trụ, lá tỏa tròn, cuống dài. Hoa to, màu trắng hay đỏ hồng, có nhị vàng.

    Hoa sen trắng

    Hoa sen trắng

  8. Tùng
    Cây thuộc họ thông, thân và tán có dáng đẹp. Tùng có rất nhiều loại, có loại cao lớn, cũng có loại làm cảnh nhỏ. Theo quan điểm Nho giáo, cây tùng thường được ví với lòng kiên trinh, người quân tử.

    Loại tùng bách mọc trên núi

    Loại tùng bách mọc trên núi

  9. Tía tô
    Một loại cây thảo, lá có màu tía, mùi hơi hăng, dùng làm gia vị, pha trà, hoặc làm vị thuốc dân gian.

    Cây và lá tía tô

    Cây và lá tía tô

  10. Trà
    Độ tuổi, lứa tuổi.
  11. Ba quân
    Người xưa chia quân đội thành ba cánh quân: tả quân (bên trái), trung quân (chính giữa) và hữu quân (bên phải), hoặc thượng quân (phía trên), trung quân, hạ quân (phía dưới), hoặc tiền quân (phía trước), trung quân, hậu quân (phía sau). Ba quân vì vậy chỉ quân đội nói chung, và chốn ba quân chỉ nơi chiến trường.
  12. Có bản chép: Trăm quan.
  13. Huy Quận
    Huy Quận công Hoàng Đình Bảo, một nhân vật lịch sử thời Lê-Trịnh. Ông nguyên tên là Phúc Bảo, được Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc nhận làm con nuôi, đổi tên thành Hoàng Đăng Bảo, sau đổi thành Hoàng Tố Lý, và cuối cùng lại đổi thành Hoàng Đình Bảo. Ông đỗ Hương Cống (Cử nhân), rồi đỗ tiếp Tạo sỹ (Tiến sỹ võ), được phong tới tước Quận công nên thường được gọi là Quận Huy, được chúa Trịnh Doanh gả con gái cho nên càng chiếm vị trí đáng nể trong triều, về sau có nhiều công lao, càng lúc tiếng tăm càng lừng lẫy.

    Khi xảy ra sự việc tranh chấp ngôi thế tử giữa hai con trai Trịnh Sâm là Trịnh Tông và Trịnh Cán, Quận Huy ngả theo phe Tuyên phi Đặng Thị Huệ là mẹ Trịnh Cán - lúc đó còn rất nhỏ. Sau vụ án năm Canh Tý (1780), Trịnh Tông bị kết án làm loạn, ngôi thế tử thuộc về Trịnh Cán. Năm 1782, Trịnh Sâm mất, Trịnh Cán lên ngôi lúc mới 5 tuổi. Lính kiêu binh ủng hộ Trịnh Tông cùng nhau âm mưu đảo chính lật đổ Trịnh Cán, phế truất Đặng Thị Huệ và giết chết Quận Huy.

  14. Chính cung
    Cung ở chính giữa, là nơi hoàng hậu ở. Cũng thường dùng để gọi hoàng hậu.
  15. Theo sách Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô Gia Văn Phái, câu ca dao này xuất phát từ lời đồn đại về mối quan hệ không minh bạch giữa Tuyên phi Đặng Thị Huệ và Quận công Hoàng Đình Bảo vào thời điểm liên minh quyền lực của họ ngày càng mạnh trong triều nhà Trịnh.
  16. Chiêm, mùa
    Trước đây, nông dân thường làm một năm hai vụ. Vụ chiêm cấy trước Tết và gặt vào tháng năm âm lịch, vụ mùa cấy tháng sáu và gặt tháng mười âm lịch.
  17. Cần
    Siêng năng (từ Hán Việt).
  18. Ngàn
    Rừng rậm.
  19. Bể
    Biển (từ cũ).
  20. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  21. Ở đợ
    Làm công trong nhà người khác để trừ nợ (phương ngữ Nam Bộ). "Đợ" có nghĩa là thế vật hoặc người để trừ nợ.
  22. Nhài
    Còn gọi là lài, loại cây nhỏ có hoa màu trắng rất thơm. Nhân dân ta thường dùng hoa lài để ướp trà.

    Bông hoa nhài

    Bông hoa lài (nhài)

  23. Phù dung
    Còn gọi là mộc phù dung, địa phù dung, mộc liên, loại cây thân nhỡ có hoa, lá có năm cánh, hoa lớn, có hai loại là hoa đơn và hoa kép, hoa nở xòe to bằng cái bát, chất cánh xốp, trông như hoa giấy. Hoa thay đổi màu sắc từ sáng đến chiều (sáng trắng, trưa hồng, chiều đỏ).

    Hoa phù dung

    Hoa phù dung

  24. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  25. Yếm cổ xây
    Loại yếm có cổ khoét tròn.
  26. Trẩy
    Đi đến nơi xa (thường nói về một số đông người). Trẩy hội nghĩa là đi dự ngày hội hằng năm.
  27. Cá chạch
    Miền Nam gọi là cá nhét, một loại cá nước ngọt trông giống như lươn, nhưng cỡ nhỏ, thân ngắn và có râu, thường rúc trong bùn, da có nhớt rất trơn. Vào mùa mưa cá chạch xuất hiện nhiều ở các ao hồ, kênh rạch; nhân dân ta thường đánh bắt về nấu thành nhiều món ngon như canh nấu gừng, canh chua, chiên giòn, kho tộ...

    Cá chạch

    Cá chạch

  28. Chạch bỏ giỏ cua
    Địa vị khó tránh khỏi nguy hiểm, cũng như con chạch bỏ giỏ cua thì bị cua cắp tứ phía, không tránh đâu cho thoát.