Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Phận hẩm duyên ôi
    Số phận hẩm hiu, tình duyên lỡ dở.

    Trách mình phận hẩm lại duyên ôi
    Đỗ suốt hai trường hỏng một tôi
    Tế đổ làm Cao mà chó thế
    Kiện trông ra Tiệp hỡi trời ôi!

    (Hỏng Thi Khoa Quý Mão - Tú Xương)

  2. Lung
    Nhiều, hăng. Nghĩ lung: nghĩ nhiều, gió lung: gió nhiều.
  3. Khoai lang
    Một loại cây nông nghiệp với rễ củ lớn, chứa nhiều tinh bột, có vị ngọt, gọi là củ khoai lang. Nhân dân ta trồng và sử dụng khoai lang làm lương thực, tận dụng cả phần củ (rễ), thân, và lá.

    Thu hoạch khoai lang

    Thu hoạch khoai lang

  4. Sùng
    Bị sâu, bị thối. Sùng cũng có nghĩa là sâu.
  5. Dao cau
    Thứ dao nhỏ và sắc, dùng để bổ cau.

    Dao cau

    Dao cau

  6. Nem chợ Huyện
    Nem ở huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Đây là đặc sản rất nổi tiếng của tỉnh Bình Định.

    Nem chợ Huyện

    Nem chợ Huyện

  7. Tháp Hưng Thạnh
    Tên một khu tháp của Chăm Pa, gồm hai tháp là tháp phía bắc và tháp phía nam cạnh nhau (nên gọi là tháp Đôi), hiện nằm ở phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

    Tháp Hưng Thạnh (tháp Đôi)

    Tháp Hưng Thạnh (tháp Đôi)

  8. Chốc mòng
    Ước mong, muốn cho được (theo Đại Nam quấc âm tự vị - Huình Tịnh Của). Có nơi giảng: bấy lâu, bấy nay. Còn viết là chóc mòng.

    Nước non cách mấy buồng thêu
    Những là trộm nhớ thầm yêu chốc mòng

    (Truyện Kiều)

  9. Mống
    Cầu vồng (phương ngữ).
  10. Ráng
    Những đám mây sáng rực, có màu vàng hay màu hồng sẫm, do phản xạ ánh sáng mặt trời vào lúc rạng đông hay chiều tà. Từ màu sắc của ráng, nhân dân ta có thể dự đoán được thời tiết.

    Áo chàng đỏ tựa ráng pha
    Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in

    (Chinh phụ ngâm khúc)

    Ráng chiều (Ảnh: Trương Công Khả)

    Ráng chiều (Ảnh: Trương Công Khả)

  11. Tháng ba và tháng bảy, tháng tám là hai thời kì giáp hạt trong năm.
  12. Phú Gia
    Tên nôm là làng Gạ, nay thuộc địa phận phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội. Làng Gạ có nghề truyền thống nấu xôi, rượu nếp, bánh trôi, bánh đa kê...
  13. Bánh trôi nước
    Một loại bánh làm bằng bột gạo nếp, hình tròn, nhân đường phèn, trên rắc vừng hoặc sợi dừa nạo. Bánh trôi cùng với bánh chay thường được ăn trong dịp Tết Hàn thực vào mùng 3 tháng 3 âm lịch hàng năm.

    Ở miền Nam có một món ăn tương tự là chè trôi nước (cũng gọi là chè xôi nước), nhưng nhiều nước đường hơn, có khi cho thêm nước cốt dừa.

    Bánh trôi nước

    Bánh trôi nước

  14. Phú Xá
    Tên nôm là làng Sù, nay thuộc địa phận phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội. Làng Sù xưa nổi tiếng nghề làm bún và trồng đào. Mộ nữ sĩ Đoàn Thị Điểm cũng được táng ở đây.
  15. Có thực mới vực được đạo
    Có thực là có ăn. Đạo là những nguyên tắc tốt đẹp, những điều to tát, thiêng liêng, lý tưởng. Có thực mới vực được đạo ý nói khi những nhu cầu vật chất căn bản được đáp ứng, người ta mới làm được việc tốt hay việc lớn.
  16. Câu này thường dùng để chê kẻ ăn nói mò mẫm không căn cứ chắc vào đâu. Ban đầu không có nghĩa ấy. Mà lại có nghĩa ăn nói hợp hoàn cảnh, đúng lúc, khi ăn ốc nói đến chuyện đi mò ốc. Vì chính tục ngữ có câu: "Ăn ốc nói mò, ăn măng nói mọc, ăn cò nói bay." (Tục ngữ lược giải - Lê Văn Hòe)
  17. Bòng
    Một loại quả rất giống bưởi. Ở một số tỉnh miền Trung, người ta không phân biệt bưởi và bòng. Trong ca dao hay có sự chơi chữ giữa chữ "bòng" trong "đèo bòng" và quả bòng.
  18. Cả
    Lớn, nhiều (từ cổ).
  19. Lương duyên
    Duyên lành, duyên tốt đẹp (từ cũ trong văn chương).
  20. Cheo cheo
    Gọi tắt là cheo, một loài thú giống hoẵng và hươu nhưng nhỏ hơn nhiều, toàn thân phủ lông màu nâu đỏ, vùng ngực và dưới bụng có ba vệt lông trắng song song với thân, lông mịn, ngắn và bóng mượt.

    Cheo

    Cheo