Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  2. Dao cau
    Thứ dao nhỏ và sắc, dùng để bổ cau.

    Dao cau

    Dao cau

  3. Yến sào
    Tổ chim yến, được hình thành bằng nước bọt của chim yến, tìm thấy trên các vách đá nơi chim ở. Yến sào có hình dạng như chén trà bổ đôi, là thực phẩm rất bổ dưỡng nên từ xưa đã được coi là một món cao lương mĩ vị. Ở nước ta, yến sào nổi tiếng nhất có lẽ là ở Khánh Hòa.

    Yến sào

    Yến sào

  4. Đường phèn
    Loại đường làm từ mía (như đường cát bình thường) nhưng công đoạn chế biến phức tạp hơn. Người ta làm đường phèn bằng cách nấu sôi đường cát với trứng gà và nước vôi, hớt bọt rồi thả những cái đũa có buộc các búi chỉ vào, để khô thành những cục đường kết tinh trong suốt gọi là đường phèn. Đường phèn có vị thanh và dịu hơn đường cát. Vì nhìn giống đá băng nên đường phèn còn có tên là băng đường.

    Đường phèn

    Đường phèn

  5. Bo bo
    Còn có tên là ý dĩ, một loại ngũ cốc thân cao, hay bị nhầm với lúa mạch, hạt có thể ăn như lương thực hoặc dùng làm thuốc. Trong chiến tranh Việt Nam (1955 - 1975) và cả thời bao cấp (1976 - 1986), dân ta phải ăn cơm độn với bo bo, khoai, sắn, mì...

    Bo bo, tên khoa học là Coix Lacryma-jobi.

    Bo bo

  6. Bòng
    Một loại quả rất giống bưởi. Ở một số tỉnh miền Trung, người ta không phân biệt bưởi và bòng. Trong ca dao hay có sự chơi chữ giữa chữ "bòng" trong "đèo bòng" và quả bòng.
  7. Quận công
    Một tước hiệu thời phong kiến trong lịch sử nước ta, phổ biến nhất vào thời vua Lê - chúa Trịnh. Khi ấy quận công được xếp chỉ sau vua, chúa và vương.
  8. Tởn
    Sợ (khẩu ngữ).
  9. Hà ăn chân
    Còn gọi là nước ăn chân, một loại bệnh do nấm gây ra. Bệnh xuất hiện ở những người thường xuyên tiếp xúc với nước hoặc môi trường ẩm ướt, biểu hiện bằng hình thức tróc vảy khô, mụn nước hoặc viêm kẽ chân, gây đau rát hoặc ngứa ngáy rất khó chịu.
  10. Trần Quang Châu
    Cũng gọi là Trương Giao, một tướng nhà Lê vào thế kỉ 18. Ông đã cùng tướng nhà Tây Sơn là Vũ Văn Nhậm giao chiến nhiều trận ở cửa sông Đuống. Năm 1789, khi quân Thanh sang nước ta, ông dẫn quân Thanh đánh Tây Sơn. Quân Thanh đại bại, ông chạy lên Yên Thế phối hợp với Dương Đình Tuấn, sau bị tướng Tây Sơn là Võ Văn Dũng bắt sống và hành quyết năm 1792.
  11. Dương Đình Tuấn
    Cũng gọi là Dáo Mao tuần lĩnh, người huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Ông là tướng nhà Lê, nhiều lần lập công và được Lê Chiêu Thống phong làm trấn thủ Kinh Bắc, Thái Nguyên. Về sau, ông bị quân Tây Sơn bao vây và chết trong rừng Yên Thế.
  12. Có phúc thì gặp Trương Giao, vô phúc thì gặp Dáo Mao tuần lĩnh
    Trong hành quân, so với Trương Giao (Trần Quang Châu), Dáo Mao tuần lĩnh (Dương Đình Tuấn) thường chém giết tùy tiện hơn.
  13. Vũ Mao
    Có tài liệu cho là Vũ Văn Nhậm, tướng nhà Tây Sơn. Tuy nhiên chúng tôi chưa tìm ra tư liệu về tên gọi này.
  14. Tiền trinh
    Tiền xu bằng đồng, đục lỗ ở giữa để xâu thành chuỗi.

    ... Khốn nạn, con mụ tái mặt. Nó vội giơ phắt hai cánh tay lên trời. Thầy quản khoác súng vào vai, dần dần lần các túi áo.
    Túi bên phải: một gói thuốc lào. Thầy chẳng nói gì, quẳng toạch xuống đất.
    Túi bên trái: bốn đồng trinh.
    - À, con này gớm thật, mày vẫn còn trinh à?
    Chẳng biết cho là câu nói ý nhị hay nói hớ, thầy quản liếc mắt cười tủm, rồi lại nắn.

    (Lập gioòng - Nguyễn Công Hoan)

  15. Loại cây dây leo được trồng mọc trên giàn để lấy quả. Tương tự như bầu, quả, hoa, hạt và đọt bí được dùng làm thức ăn. Hai loại bí thường gặp nhất là bí xanh (còn gọi là bí đao, bí dài, bí chanh) và bí đỏ (bí rợ).

    Giàn bí đao

    Giàn bí đao

  16. Gạo tám xoan
    Cũng gọi là gạo tám thơm, loại gạo hạt nhỏ và dài, khi nấu thành cơm thì dẻo và thơm đặc biệt.

    Gạo tám xoan Hải Hậu

    Gạo tám xoan Hải Hậu

  17. Chim ra ràng
    Chim non vừa mới đủ lông đủ cánh, có thể bay ra khỏi tổ.
  18. Gái mãn tang
    Gái vừa hết tang chồng.
  19. Gà giò
    Gà trống mới lớn, còn non.
  20. Chửa
    Chưa (từ cổ, phương ngữ).
  21. Triệu Vân
    Tự là Tử Long (nên cũng gọi là Triệu Tử), một danh tướng nhà Thục, thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Một trong Ngũ Hổ tướng (cùng với Quan Vũ, Trương Phi, Mã Siêu và Hoàng Trung), ông có công rất lớn trong việc thành lập nhà Thục Hán. Triệu Tử Long thường được nhắc đến với trận Đương Dương trong tác phẩm Tam Quốc Diễn Nghĩa, trong đó ông một mình một ngựa đưa ấu chúa Lưu Thiện vượt vòng vây của địch, chém gãy 2 lá cờ to, cướp 3 ngọn giáo, cướp được gươm Thanh Cang, trước sau giết được hơn 50 tướng Tào.

    Hình vẽ Triệu Vân

    Hình vẽ Triệu Vân

  22. Gia Cát Lượng
    Tên chữ là Khổng Minh, biệt hiệu là Ngọa Long (rồng nằm), quân sư của Lưu Bị và thừa tướng của nhà Thục Hán thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Hoa. Ông giỏi cầm quân, có tài nội trị, ngoại giao, lại hết lòng trung thành, được đời sau gọi là "vạn đại quân sư" (vị quân sư muôn đời). Ảnh hưởng của Gia Cát Lượng trong dân gian rất lớn - những người có trí tuệ xuất chúng thường được xưng tụng là Khổng Minh tái thế.

    Gia Cát Lượng

    Gia Cát Lượng

  23. Sái
    Phần bã thuốc phiện, thuốc lào còn lại sau khi hút. Người hút thuốc phiện, sau khi hút cữ đầu tiên, nếu còn thòm thèm mà không còn tiền thì thường nạo sái trong ống thuốc ra để hút lại.

    Dân gian có từ "hưởng sái" chính là từ chữ này.

  24. Cao Biền
    Một viên tướng của nhà Đường (Trung Hoa), giữ chức Tiết độ sứ, cai quản Giao Châu (tên gọi của nước ta khi ấy) từ năm 866 đến năm 875. Theo Cựu Đường thư, Cao Biền liệt truyện thì Cao Biền thuộc dòng dõi thế gia, từ bé đã giỏi văn chương, lại có tài võ nghệ. Trong văn hóa Việt Nam có nhiều huyền thoại về nhân vật này như Cao Biền giỏi địa lí, thuật số, thường cưỡi diều bay đi yểm những chỗ có long mạch, hay chuyện Cao Biền rải đậu thành binh...
  25. Gia Cát cầu phong
    Một điển tích được trong tác phẩm Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung nhưng không có thật trong lịch sử. Theo đó, Lưu Bị và Tôn Quyền liên minh với nhau chống lại quân Tào Tháo với danh nghĩa triều đình. Chu Du muốn dùng hỏa công để phá thủy quân của Tào Tháo, nhưng không có gió thuận vì bấy giờ là mùa đông. Cuối cùng trước khi trận Xích Bích diễn ra, Khổng Minh lập đàn cầu gió. Trời liền nổi gió Đông, thuyền của quân Tào bắt lửa cháy rụi.
  26. Tào Tháo
    Một nhà quân sự kiệt xuất cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc, được người Việt Nam biết đến chủ yếu qua tác phẩm Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, theo đó ông được miêu tả là một người gian hùng và đa nghi. Trong lịch sử, Tào Tháo là người đặt cơ sở cho thế lực quân sự cát cứ ở miền Bắc Trung Quốc, lập nên chính quyền Tào Ngụy thời Tam Quốc, và có công rất lớn trong việc dẹp loạn Khăn Vàng (Huỳnh Cân) và nạn Đổng Trác.

    Tào Tháo

    Tào Tháo

  27. Trận Xích Bích
    Một trận đánh lớn diễn ra vào mùa đông năm 208, thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Trong trận này, liên quân Tôn Quyền-Lưu Bị đã đánh bại 80 vạn binh của Tào Tháo bằng hỏa công, mở đầu định hình thế chân vạc chia ba thiên hạ. Trận Xích Bích đã được tiểu thuyết hóa trong tác phẩm Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung với các tình tiết hư cấu như Gia Cát lập đàn cầu phong, thuyền cỏ mượn tên...
  28. Trong tác phẩm Tam Quốc Diễn Nghĩa, sau khi bại trận Xích Bích, Tào Tháo dẫn tàn quân tháo chạy, nhưng liên tục bị các cánh quân của Lã Mông, Lăng Thống, Cam Ninh, Triệu Vân, Trương Phi phục kích đổ ra đánh, trước khi bị quân của Quan Vân Trường chặn lại ở đường hẻm Hoa Dung. Tại đây Tào Tháo đã phải van xin Quan Vũ "vì tình xưa nghĩa cũ" mà tha mạng. Chi tiết này không có thật trong lịch sử.
  29. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  30. Nước hến
    Nước sau khi luộc hến, có màu đục lờ.

    Cơm hến và bát nước hến

    Cơm hến và bát nước hến

  31. Còi tầm
    Còi báo bắt đầu hoặc kết thúc giờ làm việc các xưởng, mỏ, công trường, nhà máy…
  32. Cá thu
    Loại cá biển, thân dài, thon, không có hoặc có rất ít vảy. Từ cá thu chế biến ra được nhiều món ăn ngon.

    Cá thu

    Cá thu

  33. Má hồng
    Từ chữ hồng nhan (cũng nói là hường nhan ở Nam Bộ), từ dùng trong văn thơ cổ chỉ người con gái đẹp.

    Phận hồng nhan có mong manh
    Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương

    (Truyện Kiều)

  34. Thuốc bắc
    Tên chung của các loại thuốc được sử dụng trong y học cổ truyền của Trung Quốc, phân biệt với thuốc nam là thuốc theo y học cổ truyền Việt Nam. Các vị trong thuốc bắc có nguồn gốc từ thực vật (vỏ, rễ, lá cây...), động vật (sừng, xương, da lông...) và khoáng chất (hoàng thổ, thạch tín ...) được chia thành thang, luộc trong nước (gọi là sắc thuốc) trước khi uống.

    Một số vị thuốc bắc

    Một số vị thuốc bắc

  35. Đông phòng
    Căn phòng ở hướng đông.
  36. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  37. Kết nguyền
    Nguyện kết nghĩa (vợ chồng) với nhau.