Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Cỏ tranh
    Loại cỏ thân cao, sống lâu năm, có thân rễ lan dài, ăn sâu dưới đất. Lá mọc đứng, cứng, gân nổi, dáng lá hẹp dài, mép lá rất sắc, có thể cứa đứt tay. Ở nhiều vùng quê, nhân dân ta thường đánh (bện) cỏ tranh thành tấm lợp nhà. Tro của cỏ tranh có vị mặn, vì vậy thú rừng thường liếm tro cỏ tranh thay cho muối.

    Nhà dài Ê Đê lợp tranh

    Nhà dài Ê Đê lợp tranh

  2. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  3. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  4. Có bản chép: Tại em bạc trước, đừng hiềm trách anh.
  5. Nén
    Đơn vị đo khối lượng trước đây, tương đương 378 gram. Một nén bằng mười lạng, một lạng bằng 10 đồng.
  6. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  7. Tày
    Bằng (từ cổ).
  8. Quảng Ngãi
    Địa danh nay là một tỉnh nằm ở duyên hải Nam Trung Bộ, nằm hai bên bờ sông Trà Khúc, được mệnh danh là vùng đất Núi Ấn Sông Trà. Quảng Ngãi là mảnh đất có bề dày lịch sử về văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Chăm Pa, đặc biệt là hệ thống thành lũy Chàm. Tại đây cũng nổi tiếng cả nước với đặc sản đường mía (đường phèn, đường phổi, mạch nha...) và tỏi ở Lý Sơn.

    Núi Ấn

    Núi Ấn sông Trà

  9. Ao Vuông
    Một địa danh nằm ở phía bắc huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Trước kia, đây là vùng cây cối rậm rạp, nhiều giặc cướp và thú dữ.
  10. Ba Gò
    Một địa danh nằm giữa hai huyện Bình Sơn và Sơn Tịnh thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Vào thời xa xưa, đây là vùng cây cối rậm rạp, có nhiều giặc cướp và thú dữ.
  11. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  12. Đá Tượng
    Tên một hòn núi cao 127m thuộc dãy Trường Sơn, nằm ở phía Tây vịnh Xuân Đài, thuộc địa phận thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên.
  13. Phu thê
    Vợ chồng (từ Hán Việt).

    Có âm dương, có vợ chồng,
    Dẫu từ thiên địa cũng vòng phu thê.

    (Cung oán ngâm khúc)

  14. Tuồng
    Từ dùng với ý coi thường để chỉ hạng người cùng có một đặc điểm chung nào đó.
  15. Vũ phu
    Người chồng có hành động thô bạo, thường là hay đánh đập vợ mình; nghĩa rộng là người đàn ông có thái độ, hành động thô bạo đối với phụ nữ.
  16. Hội An
    Một địa danh thuộc tỉnh Quảng Nam, nay là thành phố trực thuộc tỉnh này. Trong lịch sử, nhất là giai đoạn từ thế kỉ 15 đến thế kỉ 19, Hội An từng là một hải cảng rất phồn thỉnh. Hiện nay địa danh này nổi tiếng về du lịch với phố cổ cùng các ngành truyền thống: mộc, gốm, trồng rau, đúc đồng... Hội An còn được gọi là phố Hội hoặc Hoài Phố, hay chỉ ngắn gọi là Phố theo cách gọi của người địa phương.

    Vẻ đẹp của Hội An

    Vẻ đẹp của Hội An

  17. Bình vôi
    Ngày xưa nhân dân ta thường hay ăn trầu với cau và vôi. Bình vôi là dụng cụ bằng gốm hay kim loại để đựng vôi ăn trầu, đôi khi được chế tác rất tinh xảo, và tùy theo hình dạng mà cũng gọi là ống vôi.

    Bình vôi bằng gốm làng Dưỡng Động (Hải Phòng)

    Bình vôi bằng gốm làng Dưỡng Động (Hải Phòng)

  18. Cống
    Học vị dành cho những người thi đỗ khoa thi Hương dưới chế độ phong kiến.

    Nào có ra gì cái chữ Nho
    Ông Nghè, ông Cống cũng nằm co

    (Chữ Nho - Tú Xương)

  19. Nghè
    Tên gọi dân gian của học vị Tiến sĩ dưới chế độ phong kiến.
  20. Phỗng
    Tượng bằng đất hoặc đá thường được đặt ở đền thờ trong tư thế quỳ gối, hai tay chắp lại. Phỗng còn là loại tượng dân gian bằng đất, sành hoặc bằng sứ, cỡ nhỏ, dáng to béo, lạc quan, để bày chơi trong các gia đình. Từ ông phỗng, thằng phỗng thường dùng để chỉ người ngây, đần.

    Ông đứng làm chi đó hỡi ông?
    Trơ trơ như đá, vững như đồng.
    Đêm ngày gìn giữ cho ai đó?
    Non nước đầy vơi có biết không?

    (Ông phỗng đá - Nguyễn Khuyến)

    Phỗng đá

    Phỗng đá

  21. Cò quăm
    Còn gọi là cò quắm, một họ cò có mỏ dài và cong về phía trước. Cò quăm thường gặp ở các vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long.

    Cò quăm

    Cò quăm

  22. Củ ấu
    Một loại củ có vỏ màu tím thẫm, có hai sừng hai bên, được dùng ăn độn hoặc ăn như quà vặt.

    Củ ấu

    Củ ấu

  23. Chà Và
    Việt hóa từ âm chữ Java, chỉ đảo Java ở Indonesia. Nhưng do từ xưa, người Việt chưa phân biệt rõ về địa lý và nhân chủng của khu vực biển đảo phía nam nên dùng từ "người Chà Và" để gọi chung những người có nguồn gốc từ Ấn Độ, Malaysia, Indonesia di cư đến Việt Nam.
  24. Thạch đen
    Còn gọi là sương sáo hay xưng xáo, một loại cây thân thảo, lá mọc đối, nguyên, dày, mép có răng cưa. Thân cây và lá cây được chế biến thành thạch sương sa, một món ăn rất phổ biến và được ưa chuộng trong mùa hè. Cái tên sương sáo là đọc trại từ chữ xiên xáo, cách phát âm chữ tiên thảo (cỏ tiên) của người Triều Châu.

    Cây sương sáo

    Cây sương sáo

    Thạch sương sáo

    Thạch sương sáo

  25. Sương sa
    Tên một loại thạch trắng được chế biến từ một số loại rong biển, tảo biển không độc. Sương sa hay được dùng chung với nước đường và nước cốt dừa để làm món giải khát, rất được ưa chuộng trong mùa hè.

    Sương sa cacao-dừa

    Sương sa cacao-dừa

  26. Trám
    Người Nam Bộ gọi là cà na từ cách phát âm của người Triều Châu, âm Hán Việt là cảm lãm, một loại cây thân gỗ thường đươc trồng để lấy gỗ và nhựa. Quả trám căng tròn màu xanh nhạt, dài hơn một lóng tay, vị chua chua hơi chát, dùng kho cá hoặc muối dưa.

    Trái cà na

    Trái trám

  27. Cánh chỉ
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Cánh chỉ, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  28. Thèo lèo
    Một loại kẹo được ăn kèm khi uống trà. Người Trung Quốc gọi các thứ kẹo dùng kèm khi uống trà là 茶料, âm Hán Việt là trà liệu. Người Việt Nam nghe Hoa kiều Triều Châu phát âm nghe như tề liếu/tề léo nên phiên thành thèo lèo.

    Kẹo thèo lèo

    Kẹo thèo lèo