Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Bão lụt năm Thìn
    Một trận bão lụt lớn xảy ra vào năm Giáp Thìn (1904), gây thiệt hại rất nặng nề cho các tỉnh miền Tây Nam Bộ, và còn lan ra đến tận Thừa Thiên-Huế. Trong quyển Gò Công xưa và nay của Huỳnh Minh và Gò Công cảnh cũ người xưa của Việt Cúc có viết về trận bão lụt năm Thìn này, như sau: Từ 10 giờ cho đến 3 giờ chiều ngày 16-3 âm lịch, mưa không ngớt hạt. Từ 4 giờ chiều cho đến về đêm, gió càng ngày càng thổi mạnh, trốc gốc cây, trốc nóc nhà, tường xiêu vách đổ. Sóng chụp cao 3,5m, cuốn mất nhà cửa và người ra biển. Rắn rít bò khắp nơi, cắn chết nhiều người. Qua ngày 17-3 âm lịch, nước dần rút, người người đi tìm xác thân nhân. Hôm sau mới thấy mặt đất, quang cảnh thật là hãi hùng. Mãi đến ngày 19-3 âm lịch chính quyền mới tổ chức chôn cất những người chết, hễ gặp đâu thì chôn đó. Bọn trộm cướp thừa cơ đi gỡ bông tai, vòng vàng trên các xác chết. Kết quả thống kê: Mỹ Tho thiệt hại 35%, các vùng phụ cận tỉnh Mỹ Tho từ Thừa Đức lên tới An Hồ 30% nhà cửa sập đổ, vườn dừa bị gãy; Gò Công trên 60%, 5.000 người chết trôi ở các làng ven biển vùng cửa Khâu, làng Kiểng Phước, Tân Bình Điền, Tân Thành, Tăng Hòa..., 60% nhà cửa bị sập, 80% gia súc chết.

    Vào các năm Nhâm Thìn (1952), Giáp Thìn (1964), Bính Thìn (1976) cũng xảy ra những trận lụt lớn.

  2. Chợ Ba Kè
    Một chợ lâu đời nay thuộc xã Hòa Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.
  3. Chợ Giồng Ké
    Tên mới là chợ Trung Ngãi nhưng người dân vẫn quen gọi là Giồng Ké, một ngôi chợ lâu đời nay thuộc xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.
  4. Hồ Sông Mực
    Còn có tên là hồ Bến Mẩy, một cái hồ thuộc vườn quốc gia Bến En, tỉnh Thanh Hóa. Tại đây có đặc sản cá mè Sông Mực, có con nặng trên 30kg, thịt rất béo.

    Cá mè Sông Mực

    Cá mè Sông Mực

  5. Do Xuyên
    Một làng biển nay thuộc xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Do Xuyên có nghề làm nước mắm; từ lâu nước mắm Do Xuyên đã có tiếng tăm trong và ngoài tỉnh. Thời hưng thịnh của mắm Do Xuyên, cả làng có đến 300 hộ làng nghề.

    Làm nước mắm ở Do Xuyên

    Làm nước mắm ở Do Xuyên

  6. Âm phủ
    Cũng gọi là âm ty, âm cung, một khái niệm trong tín ngưỡng dân gian của nhiều dân tộc. Theo đó, linh hồn của người chết sẽ được đưa đến âm phủ, được luận xét công tội khi còn là người trần, sau đó tuỳ mức độ công tội mà được đưa đi đầu thai (thành người hoặc vật) hoặc phải chịu các hình phạt khủng khiếp. Trong văn hoá Trung Hoa và Việt Nam, âm phủ cũng có hệ thống như trần gian: đứng đầu âm phủ là Diêm Vương (cũng gọi là Diêm La Vương, nên âm phủ còn có tên là Điện Diêm La), dưới là các phán quan, cuối cùng là các quỷ dạ xoa.

    Một hình vẽ âm phủ

    Một hình vẽ âm phủ

  7. Viền
    Về (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  8. Lèn
    Núi đá vôi (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  9. Vện
    (Chó) có vằn trên lông màu vàng xám.

    Chó vện

    Chó vện

  10. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  11. Ông Tịt bà Tịt
    Hình tượng dân gian của bệnh nổi mề đay (cũng gọi là bệnh tịt). Theo tín ngưỡng, trẻ con mắc bệnh tịt là vì bị một giống "ma tịt" đốt phải.
  12. Trầu lá lốt
    Lá lốt được têm thành miếng như miếng trầu.
  13. Theo tín ngưỡng dân gian, để chữa bệnh nổi mề đay (bệnh tịt) ở trẻ con, người ta sửa soạn một lễ cúng gồm cứt trâu và lá lốt (được têm như trầu), mang đặt vào một chỗ cây cỏ rậm rạp có nhiều muỗi rồi thắp nhang cúng, vừa cúng vừa khấn vái bài này.
  14. Mần
    Làm (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Như mần ăn, mần việc, đi mần...
  15. Một đêm nằm bằng một năm ở
    Có hai cách giải nghĩa:

    1. Được nhờ cậy những lúc khó khăn, bệnh tật (nằm) còn quý giá hơn nhiều những lúc bình thường (ở).
    2. Ngủ đỗ dọc đường thường hay gặp nhiều nỗi nguy hiểm, nên một đêm nằm trọ dài bằng cả một năm ở nhà.

  16. Bụt
    Cách gọi dân gian của Phật, bắt nguồn từ cách phiên âm từ Buddha (bậc giác ngộ - Phật) trong tiếng Ấn Độ.
  17. Miếu
    Trung và Nam Bộ cũng gọi là miễu, một dạng công trình có ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng trong văn hóa nước ta. Nhà nghiên cứu Toan Ánh trong Tín ngưỡng Việt Nam, quyển thượng, cho rằng: Miếu cũng như đền, là nơi quỷ thần an ngự. Miếu nhỏ hơn đền, thường xây theo kiểu hình chữ nhật với hai phần cách nhau bởi một bức rèm, nội điện bên trong và nhà tiền tế bên ngoài… Miếu thường được xây trên gò cao, nơi sườn núi, bờ sông hoặc đầu làng, cuối làng, những nơi yên tĩnh để quỷ thần có thể an vị, không bị mọi sự ồn ào của đời sống dân chúng làm nhộn. Trong miếu cũng có tượng thần hoặc bài vị thần linh, đặt trên ngai, ngai đặt trên bệ với thần sắc hoặc bản sao…

    Miếu Nhị Phủ ở Sài Gòn

    Miếu Nhị Phủ ở Sài Gòn

  18. Thành hoàng
    Cũng gọi là thần hoàng, vị thần được thờ trong các đình làng ở nước ta, được cho là người phù hộ, giúp đỡ cho làng đó. Thành hoàng có gốc từ chữ Hán: Thành là cái thành, hoàng là cái hào bao quanh cái thành; và khi ghép chung lại thành một từ dùng để chỉ vị thần coi giữ, bảo trợ cho cái thành. Theo sách Việt Nam phong tục, mỗi làng phụng sự một vị Thành hoàng; có làng thờ hai ba vị, có làng thờ năm bảy vị, gọi chung là Phúc Thần. Phúc Thần có ba hạng: Thượng Đẳng Thần, Trung Đẳng Thần và Hạ Đẳng Thần.

    Tượng Thành hoàng

    Tượng Thành hoàng

  19. Bình vôi
    Ngày xưa nhân dân ta thường hay ăn trầu với cau và vôi. Bình vôi là dụng cụ bằng gốm hay kim loại để đựng vôi ăn trầu, đôi khi được chế tác rất tinh xảo, và tùy theo hình dạng mà cũng gọi là ống vôi.

    Bình vôi bằng gốm làng Dưỡng Động (Hải Phòng)

    Bình vôi bằng gốm làng Dưỡng Động (Hải Phòng)

  20. Hà Châu
    Dân địa phương cũng gọi là Hà Chiêu, một thôn thuộc xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Đây là khu vực trũng thấp, thường bị ngập lụt và cô lập trong mùa mưa bão.
  21. Cá mú
    Tên chung một họ cá biển cho thịt trắng, dai, ngọt. Có ba loại cá mú chính là cá mú đỏ, cá mú đen, cá mú cọp, trong đó cá mú đỏ là loài cá quý hiếm nhất, hai loại còn lại thì hiện nay đang được nuôi khá nhiều. Tùy theo từng địa phương mà cá mú còn được gọi là cá song, cá gàu (gầu), cá mao…

    Cá mú đỏ

    Cá mú đỏ

  22. Lộ bất hành bất đáo, chung bất đả bất minh
    Đường không đi không đến được, chuông không đánh không kêu được. Nguyên trích từ sách Tăng quảng hiền văn (tuyển tập những câu ngạn ngữ dân gian của Trung Quốc): "Lộ bất hành bất đáo, sự bất vi bất thành. Nhân bất khuyến bất thiện, chung bất đả bất minh."
  23. Lụy
    Nước mắt (phương ngữ Nam Bộ, nói trại từ lệ).
  24. Trí tri
    Biết rõ, suy xét thấu đáo (chữ Hán).
  25. Năng may hơn dày giẻ
    Bán hàng giá rẻ nhưng nhiều người mua (năng may) thì có lợi mau giàu hơn là bán mắc (dày giẻ) mà ít người mua. Cũng có nguồn giải thích: cần cù lao động (năng may) thì hơn là làm giàu bất chính ("dày giẻ" được hiểu là ăn cắp vải của khách).
  26. Gióng
    Còn gọi là quang, đồ vật làm bằng mây, gồm có đế gióng và 4 hay 6 quai gióng. Gióng được dùng kết hợp với đòn gánh - đòn gánh ở giữa, hai chiếc gióng hai bên, để gánh gạo và các loại nông sản khác.

    Quang gánh

    Quang gánh

  27. Lọi
    Gãy lìa (phương ngữ).
  28. Đòn triên
    Đòn gánh (phương ngữ Trung Bộ). Xem thêm Gióng.
  29. Cùng một hoàn cảnh như nhau (một bên mất chồng một bên mất vợ).
  30. Dao cau
    Thứ dao nhỏ và sắc, dùng để bổ cau.

    Dao cau

    Dao cau

  31. Ngâu
    Một loài cây bụi nhỏ. Trong văn hóa người Việt, ngâu là một trong ba loài gắn liền với nghệ thuật thưởng thức trà hương của người xưa. Cây ngâu gắn liền với kiến trúc Việt cổ. Nhà dân dã thuần Việt thường có cây ngâu trước sân. Đình chùa và các công trình văn hóa tín ngưỡng của người Việt cũng luôn có bóng dáng và hương thơm của hoa ngâu. Trong kiến trúc hiện đại ở Việt Nam cũng như Đông Nam Á, ngâu được sử dụng nhiều trong cảnh quan làm cây cảnh, có thể xén cắt hình khối dễ dàng (tròn đều, vuông góc).

    Hoa và quả ngâu

    Hoa và quả ngâu

  32. Sen
    Loài cây mọc dưới nước, thân hình trụ, lá tỏa tròn, cuống dài. Hoa to, màu trắng hay đỏ hồng, có nhị vàng.

    Hoa sen trắng

    Hoa sen trắng