Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Năng văn năng võ
    Giỏi cả văn lẫn võ.
  2. Ví dầu
    Nếu mà, nhược bằng (từ cổ). Cũng nói là ví dù.
  3. Cầu ván
    Cầu được lát bằng những tấm ván nằm ngang. Đây là một loại cầu rất thường gặp ở vùng sông nước Tây Nam Bộ, cùng với cầu khỉ, cầu dừa và cầu tre.

    Cầu ván

    Cầu ván

  4. Cầu khỉ
    Loại cầu đặc trưng của vùng sông nước Tây Nam Bộ. Cầu rất đơn sơ, thường làm bằng thân tre (gọi là cầu tre), thân dừa (cầu dừa) hoặc cây gỗ tạp, bắt ngang qua kênh rạch. Cầu khỉ có thể có hoặc không có tay vịn, nhưng đều chỉ cho một người đi. Người ta hình dung chỉ có những con khỉ hay leo trèo mới có thể đi được, nên đặt tên là cầu khỉ. Một ý kiến khác lại cho rằng chính dáng người đi lom khom như con khỉ của khách bộ hành là nguồn gốc của cái tên này.

    Cầu tre

    Cầu tre

  5. Đờn
    Đàn (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  6. Đàn cò
    Còn gọi là đàn nhị, một loại đàn có hai dây, chơi bằng cách kéo vĩ. Xem nhạc sĩ Huỳnh Khải giảng giải thêm về đàn cò tại đây.

    Kéo đàn nhị

    Kéo đàn nhị

  7. Ngũ cung
    Năm âm giai trong âm nhạc dân tộc: Hò, Xự, Xang, Xê, Cống (tương đương với Sol, La, Do, Re, Mi ngày nay). Ở miền Nam có thêm hai âm là Liếu (Líu) và Ú, thật ra là hai nấc trên của Hò và Xự.
  8. Đột
    Cách khâu găm đứng mũi kim để may từng mũi thật khít cho chắc chắn.
  9. Lược
    May thưa đường chỉ lúc ráp sơ các miếng vải để sau này theo đó may lại cho kỹ lưỡng, ngay ngắn hơn.
  10. Chộ
    Thấy (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  11. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  12. Bưng
    Che, bịt, phủ, bọc cho kín (ví dụ: bưng miệng cười, bưng mặt khóc, bưng trống).

    Nghĩ đà bưng kín miệng bình
    Nào ai có khảo mà mình lại xưng?

    (Truyện Kiều)

  13. Ma trơi
    Đám sáng thường thấy lập lòe ban đêm trên bãi tha ma, do hợp chất phốt-pho từ xương người chết thoát ra và bốc cháy khi gặp không khí, theo mê tín cho là có ma hiện.

    Bàn độc chen chân chó nhảy ngồi
    Mồ chiều xanh lạnh lửa ma trơi
    Dậu chưa đổ đã bìm chen lấn
    Huyệt chửa đào xong đã quỷ cười

    (Chờ đợi nghìn năm - Mai Thảo)

  14. Chưn
    Chân (cách phát âm của Trung và Nam Bộ).
  15. Tao
    Lần, lượt, phen.
  16. Tuyết
    Cũng ghi là "tiết." Từ này vốn không có nghĩa, được sử dụng làm đối âm với "tao" trong cấu trúc thành ngữ.
  17. Ba sinh
    Ba kiếp người: kiếp trước, kiếp này và kiếp sau, theo thuyết luân hồi của Phật giáo. Văn học cổ thường dùng chữ "nghĩa ba sinh" hoặc "nguyện ước ba sinh" để nói về sự gắn kết nam nữ.

    Ví chăng duyên nợ ba sinh,
    Làm chi những thói khuynh thành trêu ngươi?

    (Truyện Kiều)

  18. Hát huê tình
    Hay hát hoa tình, cũng gọi hát đối, hát giao duyên, hát ghẹo, lối hát mang âm hưởng hát ru pha với điệu hò, thường có đệm thêm những câu "em ôi," "bớ anh ơi," hay "này bạn mình ơi" v.v. Hát huê tình có nội dung chủ yếu là lời tán tỉnh, trêu ghẹo, ướm tình ý giữa đôi trai gái với nhau.
  19. Một trong những thể loại âm nhạc dân gian Việt Nam. Lý đặc biệt phát triển từ Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, vô Nam Trung Bộ rồi đến Nam Bộ. Thể tài rất đa đa dạng và hết sức bình dị, từ các loại cây trái, thức ăn bình dân cho tới những phong tục, lễ nghi, hội hè, sinh hoạt hàng ngày...
  20. Kình càng
    Kềnh càng (phương ngữ Nam Bộ).
  21. Cau
    Loại cây nhiều đốt, thân nhỏ và cao vút, có quả dùng để ăn với trầu.

    Cây cau

    Cây cau

    Quả cau và lá trầu

    Quả cau và lá trầu

  22. O
    Cô, cô gái, thím (phương ngữ miền Trung). Trong gia đình, o cũng dùng để chỉ em gái của chồng.
  23. Cồi
    Cùi, lõi (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  24. Cựu
    Cũ, xưa (từ Hán Việt).
  25. Đa mang
    Tự vương vấn vào nhiều tình cảm để rồi phải đeo đuổi, vấn vương, dằn vặt không dứt ra được.

    Thôi em chả dám đa mang nữa
    Chẳng buộc vào chân sợi chỉ hồng

    (Xuân tha hương - Nguyễn Bính)

  26. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  27. Cá thiều
    Còn gọi là cá gúng, một loại cá biển có da trơn, chế biến được thành nhiều món ăn ngon như khô tẩm, muối chiên, kho sả ớt nước cốt dừa… Cá thiều đi theo đàn, nên ngư dân trên biển nếu gặp cá thiều thì coi như trúng lớn.

    Cá thiều

    Cá thiều

  28. Bàn độc
    Bàn thờ. Từ này vốn là bàn đọc, dần dần đọc trại ra thành bàn độc.
  29. Chó nhảy bàn độc
    “Vắng nhà hoặc cơn loạn-ly, trật-tự đảo-lộn, ai muốn làm chi thì làm” (Việt Nam tự điển). Theo cách hiểu phổ biến hiện nay, câu này chỉ những kẻ bất tài vô dụng nhưng gặp vận may mà có được địa vị cao.
  30. Rượu tăm
    Loại rượu ngon, khi lắc thì sủi tăm lên.