Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Điều
    Một loại cây nhỏ cho quả có nhiều lông, màu đỏ, trong có nhiều hạt nhỏ. Từ hạt điều chiết xuất được một chất màu vàng đỏ (gọi là màu điều), được dùng để nhuộm vải. Vải được nhuộm điều thường gọi là vải điều.

    Quả và hạt điều

    Quả và hạt điều

  2. Có ý kiến cho rằng "người áo trắng" trong dị bản này chỉ ông Trần Văn Thành, thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa, và tác giả bài ca dao này chính là bà Trần Thị Thạnh, phu nhân của ông. Xem thêm về Trần Văn Thành và cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa trên Wikipedia.
  3. Ráng
    Một loài dương xỉ lớn thường mọc thành bụi ở bờ kinh rạch, trong các rừng ngập mặn. Chồi, bẹ và lá ráng non được chế biến thành các món luộc hoặc xào. Cọng lá khô thì cứng và lâu mục nên được dùng bó chổi, làm chà thả xuống ao đầm nuôi cá. Thân lá được dùng làm vị thuốc Đông y.

    Cây ráng

    Cây ráng

  4. Đìa
    Ao được đào sâu có bờ chắn giữ nước để nuôi cá.

    Bắt cá trong đìa

    Bắt cá trong đìa

  5. Cá cựu
    Cá sống lâu năm trong vùng đất ngập nước hoặc ở lâu trong đìa liên tiếp mấy năm không tát.
  6. Vìa
    Về (phương ngữ Trung và Nam Bộ), thường được phát âm thành dìa.
  7. Trong tiếng địa phương Nghệ Tĩnh, các con giống nặn bằng bột màu bán ở chợ làm đồ chơi cho trẻ em, có nơi gọi chung là voi. Trẻ em địa phương có thể gọi là voi, tên chung cho các con giống (miền Bắc còn có nơi gọi là tò he), hoặc gọi tên riêng của từng con giống: voi, ngựa, gà, vịt, ông tiên...Thường trong các mẹt hàng đồ chơi này ở nông thôn, voi là con giống phổ biến hơn cả. “Voi” ở đây không to lớn gì hơn so với các con giống khác, do đó cũng không đắt tiền hơn. Duy chỉ có tiên là loại con giống hiếm hơn, và dĩ nhiên là cũng đắt tiền hơn. Cho nên “được voi đòi tiên” ban đầu có thể chỉ là câu trách các em bé có tính hay vòi vĩnh đối với thứ quà quê cụ thể đó.

    Con giống tò he hình voi.

    Con giống tò he hình voi.

  8. So đũa
    Một loại cây dân dã được trồng nhiều ở miền Nam. Bông so đũa được hái để nấu canh, lẩu hoặc làm các món xào, khi ăn có vị đăng đắng.

    Bông so đũa

    Bông so đũa

  9. Ba sinh
    Ba kiếp người: kiếp trước, kiếp này và kiếp sau, theo thuyết luân hồi của Phật giáo. Văn học cổ thường dùng chữ "nghĩa ba sinh" hoặc "nguyện ước ba sinh" để nói về sự gắn kết nam nữ.

    Ví chăng duyên nợ ba sinh,
    Làm chi những thói khuynh thành trêu ngươi?

    (Truyện Kiều)

  10. Nhũ
    Vú (từ Hán Việt).
  11. Na
    Mang theo, vác theo (phương ngữ, khẩu ngữ).
  12. Gò Găng
    Một địa danh nay thuộc phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Tại đây có nghề làm nón truyền thống, đồng thời có phiên chợ nón Gò Găng rất độc đáo, họp từ nửa đêm đến rạng sáng. Nón làm ở chợ Găng ngày xưa chủ yếu là nón ngựa.

    Chợ nón Gò Găng

    Chợ nón Gò Găng

  13. Bún song thần
    Tên gốc là song thằng, có nghĩa là dây (bún) đôi, một loại bún của vùng An Thái, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Bún song thần là đặc sản của người Minh Hương, tương truyền có từ thế kỷ thứ 18, nghĩa là lúc người Hoa đến định cư ở đây và phát triển làm bột đậu xanh và nghề làm bún. Bún song thần dùng để xào hay nấu canh cá đều ngon.

    Làm bún song thần

    Làm bún song thần

  14. An Thái
    Tên một làng nay thuộc xã Nhơn Phúc, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Làng nằm ven bờ sông Côn, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 30 km về hướng tây bắc, nổi tiếng là một trong những nôi võ của Bình Định. Tại đây vào ngày rằm tháng 7 hằng năm có tổ chức lễ hội đổ giàn.

    "Tranh heo" trong lễ hội Đổ giàn

    "Tranh heo" trong lễ hội Đổ giàn

  15. Đậu
    Chắp hai hay nhiều sợi với nhau. Vải (lụa) đậu ba, đậu tư là loại vải tốt, dệt dày.
  16. Nhơn Ngãi
    Tên một trong bốn tổng của phủ An Nhơn, Bình Định ngày trước.
  17. Hưng Long
    Một địa danh nay thuộc xã Nhơn An, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định.
  18. Sập
    Loại giường không có chân riêng, nhưng các mặt chung quanh đều có diềm thường được chạm trổ. Sập thường được làm bằng gỗ quý, thời xưa chỉ nhà giàu mới có.

    Cái sập

    Cái sập

  19. Bình phong
    Bức vách làm bằng các tấm gỗ, mây tre đan hoặc gạch đất. Ngoài tác dụng chắn gió hoặc ngăn không gian trong nhà, bình phong còn dùng để trang trí.

    Bình phong tứ quý (mai, lan, cúc, trúc)

    Bình phong tứ quý (mai, lan, cúc, trúc)

  20. Chiếu miến
    Loại chiếu nhỏ sợi, nằm êm.
  21. Xuyến
    Loại vải dệt bằng tơ tằm có cát nổi ngang, mỏng hơn the trơn và thoáng trông tựa mành mành do sợi dày xen lẫn sợi thưa.
  22. The
    Hàng dệt bằng tơ nhỏ sợi, mặt thưa, mỏng, không bóng, thời xưa thường dùng để may áo dài hoặc khăn, màn.

    Áo dài the

    Áo dài the

  23. Ngã Bảy
    Địa danh nay là một thị xã thuộc tỉnh Hậu Giang, là nơi gặp nhau của bảy dòng kênh là Xẻo Môn, Xẻo Đông, Bún Tàu, Lái Hiếu, Cái Côn, Mang Cá và kênh Xáng. Trước đây ở đây có chợ nổi Ngã Bảy (cũng gọi là chợ Phụng Hiệp), một khu chợ trên sông nổi tiếng của vùng Tây Nam Bộ, là đầu mối buôn bán giao thương rất sầm uất. Chợ nổi Ngã Bảy được nhắc đến trong bản vọng cổ Tình anh bán chiếu của cố soạn giả Viễn Châu:

    Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào bên dòng kinh Ngã Bảy
    Sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra chào?

    Chợ Ngã Bảy

    Chợ Ngã Bảy

  24. Lụy
    Nhẫn nhịn, chiều theo ý người khác vì cần nhờ vả họ.
  25. Cam
    Bằng lòng chịu vì cho là không thể nào khác được.
  26. Có bản chép: Hai vây.
  27. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  28. Khoai mài
    Một loại dây leo cho củ (gọi là củ mài, củ chụp hoặc củ hoài sơn). Củ mài ăn được và còn có tác dụng chữa bệnh.

    Củ mài

    Củ mài

  29. Nước ròng
    Mực nước thấp nhất khi thủy triều xuống. Ngược lại với nước ròng là nước lớn, mực nước khi triều lên cao nhất.
  30. Bầu
    Loại cây dây leo cho quả, thường được nhân dân ta trồng cho bò trên giàn. Quả bầu, hoa bầu và đọt bầu non thường được dùng làm thức ăn, ruột và vỏ bầu khô có thể dùng làm các vật dụng gia đình hoặc làm mĩ nghệ. Có nhiều loại bầu: bầu dài, bầu tròn, bầu hồ lô (bầu nậm)...

    Giàn bầu nậm

    Giàn bầu nậm