Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Cá mè
    Tên chung của một số loài cá nước ngọt cùng họ với cá chép, có thân dẹp, đầu to, vẩy nhỏ, trắng. Có nhiều loài cá mè, nhưng cá mè trắng và mè hoa là phổ biến hơn cả. Nhân dân ta đánh bắt cá mè để lấy thịt, mỡ và mật cá, vừa để chế biến thức ăn vừa làm thuốc.

    Cá mè

    Cá mè

  2. Làng Quỷnh
    Tên một làng thuộc xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Làng có nghề truyền thống là trồng chè.
  3. Chè
    Cũng gọi là trà, tên chung của một số loại cây được trồng lấy lá nấu thành nước uống. Một loại có thân mọc cao, lá lớn và dày, có thể hái về vò nát để nấu uống tươi, gọi là chè xanh. Loại thứ hai là chè đồn điền du nhập từ phương Tây, cây thấp, lá nhỏ, thường phải ủ rồi mới nấu nước, hiện được trồng ở nhiều nơi, phổ biến nhất là Thái Nguyên và Bảo Lộc thành một ngành công nghiệp.

    Đồi chè Thái Nguyên

    Đồi chè Thái Nguyên

  4. Cá rô
    Loại cá rất thường gặp trên các đồng ruộng ở nước ta. Nhân dân ta thường tát đồng để bắt cá rô. Cá rô đồng có thịt béo, thơm, dai, ngon, dù hơi nhiều xương, và được chế biến thành nhiều món ngon như kho, nấu canh, làm bún...

    Lưu ý: Có một giống cá khác gọi là cá rô phi, thường được nuôi ở ao, nhưng khi nhắc đến cá rô thì người ta nghĩ ngay đến cá rô đồng.

    Cá rô đồng kho tộ

    Cá rô đồng kho tộ

  5. Bồ
    Đồ cỡ lớn đựng thóc lúa, thường đan bằng tre.

    Bồ và cối xay thóc

    Bồ và cối xay thóc

  6. Trấu
    Lớp vỏ cứng đã tách ra của hạt thóc.

    Trấu

    Trấu

  7. Hầm
    Nấu chín kĩ. Ở miền Bắc, những món hầm được gọi là món ninh.
  8. Bà gia
    Mẹ chồng hoặc mẹ vợ (cách gọi của một số địa phương miền Trung).
  9. Trong chay ngoài bội
    Những đám lễ lớn, bên trong làm cỗ chay, bên ngoài dựng rạp mời đoàn hát bội. Cụm từ "trong chay ngoài bội" chỉ những cảnh bận bịu rộn ràng.

    Hát bội

    Hát bội

  10. Dưa hồng
    Dưa hấu non. Gọi vậy vì dưa hấu non có ruột màu hồng nhạt (hường) chứ chưa đỏ như khi dưa chín.
  11. Dưa hồng thường được trồng vào mùa nắng, trời càng nắng quả dưa chín càng ngọt. Nếu gặp trời mưa thì vị dưa sẽ nhạt.
  12. Cá mương
    Một loại cá sông, thân dài khoảng 10 đến 15 cm, có vảy màu trắng bạc, to bằng ngón tay trỏ người lớn. Cá mương sống và di chuyển thành từng đàn, thường được đánh bắt để làm các món nướng, canh chua...

    Cá mương nướng

    Cá mương nướng

  13. Cá giếc
    Loại cá trắng nước ngọt, mắt có viền đỏ, thân dẹt hai bên, có màu bạc, sống phổ biến ở ao hồ, ruộng vùng đồng bằng hay vùng cao. Thịt thơm ngon nhưng nhiều xương dăm. Ngoài những món chế biến thông thường, cá giếc còn là một món ăn bài thuốc.

    Cá diếc

    Cá giếc

  14. Có bản chép: cá liệt.
  15. Cá hồng
    Loài cá có thân bầu dục dài dẹt, thân cá có màu hồng, viền lưng cong đều, viền bụng tương đối thẳng. Đầu cá lõm, mõm dài và nhọn, vây lưng dài, có gai cứng khỏe. Đa số các giống cá hồng sống ở biển, trừ một số ít loài sống trong môi trường nước ngọt.

    Cá hồng biển

    Cá hồng biển

  16. Khuyển, ưng
    Chó và chim ưng (từ Hán Việt). Thường dùng để chỉ hạng tay sai cho giặc.
  17. Hoàng Cao Khải
    (1850 - 1933) Nguyên danh Hoàng Văn Khải, đại thần triều Nguyễn. Ông chủ trương thân Pháp, đàn áp các phong trào yêu nước. Ông lại có tài văn học, sáng tác bằng cả chữ Hán lẫn chữ Nôm. Những đánh giá về ông hiện vẫn chưa thống nhất. Sinh thời ông cho xây khu dinh thự, lăng tẩm ở ấp Thái Hà (còn gọi là ấp Hoàng Cao Khải) được đánh giá cao về kiến trúc.

    Hoàng Cao Khải

    Hoàng Cao Khải

  18. Lê Hoan
    (1856 - 1915) Còn gọi Lê Tôn, một đại thần triều Nguyễn. Trước ông theo Quân Cờ Đen chống Pháp, sau cộng tác với Pháp tham gia khủng bố các phong trào yêu nước, nhất là cuộc khởi nghĩa Yên Thế của Hoàng Hoa Thám. Những đánh giá lịch sử về ông hiện vẫn chưa thống nhất.

    Lê Hoan

    Lê Hoan

  19. Công lênh
    Cũng đọc công linh, công sức bỏ vào việc gì (từ cổ).
  20. Ngoan
    Giỏi giang, lanh lợi (từ cổ).
  21. An Vinh
    Một làng nay thuộc xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Làng từ xưa đã nổi tiếng là đất võ, đặc biệt có nhiều phụ nữ có tài võ nghệ.
  22. An Thái
    Tên một làng nay thuộc xã Nhơn Phúc, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Làng nằm ven bờ sông Côn, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 30 km về hướng tây bắc, nổi tiếng là một trong những nôi võ của Bình Định. Tại đây vào ngày rằm tháng 7 hằng năm có tổ chức lễ hội đổ giàn.

    "Tranh heo" trong lễ hội Đổ giàn

    "Tranh heo" trong lễ hội Đổ giàn

  23. Bài đồng dao này thường được hát khi chơi trò chơi "kéo cưa lừa xẻ." Hai người chơi (ví dụ hai mẹ con) ngồi đối diện, nắm chặt tay nhau, sau đó vừa hát vừa kéo tay qua lại như đang cưa gỗ. Mỗi lần hát một từ thì lại đẩy hoặc kéo về một lần theo nhịp bài hát.
  24. Trân đồng Táo đồng Dành, Thành đồng Lau đồng Sậy
    Bà Nguyễn Thị Trân và ông Trương Văn Thành là hai vợ chồng quê ở làng Đạo Sử, huyện Lang Tài, nay thuộc xã Phá Lãng, huyện Gia Lương tỉnh Bắc Ninh, có công chiêu mộ được nhiều nghĩa quân theo cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Hữu Cầu (thế kỷ 18). Sau hai vợ chồng được cử về làng chăm lo binh lương trên 4 cánh đồng: Táo, Dành, Lau, Sậy.
  25. Hội Nõ Nường
    Còn gọi là lễ hội Trò Trám, diễn ra vào đêm 11 và ngày 12 tháng Giêng Âm lịch hàng năm ở xóm Trám, xã Tứ Xá, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Lễ hội Trò Trám là lễ hội phồn thực của người Việt cổ nhằm tôn vinh sức sống con người, cầu cho mùa màng tươi tốt, mọi vật sinh sôi nảy nở. Lễ hội này gồm ba phần chính:

    1. Lễ mật tắt đèn hay lễ hội "Linh tinh tình phộc," diễn ra tại Miếu Trò vào đêm ngày 11 tháng Giêng. Chủ tế đưa cho người con trai một vật bằng gỗ gọi là Nõ (tượng trưng cho sinh khí thực nam) và người con gái một vật hình mui rùa gọi là Nường (tượng trưng cho sinh thực khí nữ). Sau đó, đèn đóm được tắt hết, người chủ tế sẽ hô ba lần câu "Linh tinh tình phộc". Cứ sau mỗi câu hô, đôi trai gái phải rướn người lên, giơ cao dùi gỗ, mui rùa để miệng há rồi chọc mạnh vào nhau. Nếu cả ba lần đều đâm trúng thì đó là điềm lành báo trước một năm mùa màng tốt tươi, gặp nhiều may mắn thuận lợi.

    2. Lễ rước lúa thần được tổ chức vào sáng 12 tháng Giêng. Lúa thần là những bông lúa thật to, thật mẩy, lá lúa được tượng trưng bằng lá mía được đặt trên hương án kiệu, giữa cắm một gióng mía to, róc vỏ. Lễ hội này ngoài mục đích cầu mong cho mùa màng tươi tốt còn là dịp để tỏ lòng biết ơn của dân làng đối với các vua Hùng - những người đã dạy cho người dân nghề trồng lúa

    3. Hội trình nghề Tứ dân chi nghiệp, còn có tên gọi khác là "Bách nghệ khôi hài," bao gồm những màn kịch dân gian vui nhộn khắc họa bốn nghề chính trong đời sống (sĩ, nông, công, thương) do chính những người nông dân tham gia trình diễn các vai: thợ cày, thợ cấy, thợ mộc, người chăn tằm, dệt vải, thầy đồ, thầy thuốc, thầy cúng, người đi buôn, đi câu, bắt cá… với những động tác, ngôn ngữ gây cười cho người xem.>

    Linh tinh tình phộc

    Linh tinh tình phộc

  26. Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Bạch Huê.
  27. Phú Phong
    Một địa danh nay là thị trấn huyện lỵ huyện Tây Sơn, nằm về phía tây của tỉnh Bình Định, từ xưa đã nổi tiếng với nghề ươm tơ dệt lụa.
  28. Cây Dừa
    Tên một vùng đất nằm ở vùng thung lũng thượng lưu sông Côn, nay thuộc huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định.
  29. Nhớm
    Nhón (phương ngữ Trung Bộ).
  30. Vả
    Cây cùng họ với sung, lá to, quả (thực ra là hoa) lớn hơn quả sung, ăn được.

    Quả vả

    Quả vả

  31. Sung
    Một loại cây gặp nhiều trên các vùng quê Việt Nam. Thân cây sần sùi, quả mọc thành chùm. Quả sung ăn được, có thể muối để ăn như muối dưa, cà, ngoài ra còn dùng trong một số bài thuốc dân gian.

    Cây và quả sung

    Cây và quả sung