Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Đồng Tháp Mười
    Một vùng đất ngập nước thuộc đồng bằng sông Cửu Long, trải rộng trên ba tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp, là vựa lúa lớn nhất của cả nước. Vùng này có khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, vườn quốc gia Tràm Chim.

    Vườn quốc gia Tràm Chim

    Vườn quốc gia Tràm Chim

  2. Sáu Chơi
    Một người hò hay có tiếng ở Đồng Tháp Mười ngày trước. Đến nay vẫn chưa ai biết rõ họ tên, quê quán, năm sinh, năm mất của ông. Theo lời kể lại, ông là một nông dân nghèo, mù chữ, xấu trai nhưng có giọng hò trời phú, lại có khả năng ứng biến khi hò, nên giọng hò của ông nổi tiếng khắp vùng. Đến nay những cụ già giỏi hò vẫn tự xưng mình là "đệ tử" của Sáu Chơi.
  3. Hò mép, hò môi
    Hò theo kiểu ứng biến, nhanh nhạy, tiếp ngay sau câu người khác đã hò để đối đáp lại.
  4. Tày
    Bằng (từ cổ).
  5. Bánh phu thê
    Còn gọi là bánh xu xê, xu xuê, một loại bánh ngọt cổ truyền, thành phần chủ yếu là bột gạo, bột năng, đậu xanh, đường trắng, được gói trong hai lớp lá chuối và lá dừa, tùy nơi mà bánh có màu sắc và nhân khác nhau. Bánh tượng trưng cho tình nghĩa vợ chồng, thường được dùng trong các dịp cưới hỏi.

    "...Bánh xu xê. Cái tên kì khôi này ở đâu mà ra? Thứ bột vàng và trong như hổ phách ấy, dẻo và quánh dưới hàm răng, là một thứ bánh rất ngon. Dù sao, cũng là một thứ bột thẳng thắn, vì nó dễ cho ta đoán trước để mà thèm thuồng những cái ngon ngọt hơn ẩn náu bên trong. Qua cái màu vàng óng ánh ấy, màu trắng của sợi dừa và màu vàng nhạt của đậu thêm một sắc nóng ấm và thân mật. Tôi bao giờ cũng ưa thức ăn nào có một hình sắc đẹp đẽ, cái đẹp lúc trông ngắm giúp nhiều cho cái thưởng thức lúc ăn lắm." (Hà Nội băm sáu phố phường - Thạch Lam)

    Bánh phu thê

    Bánh phu thê

  6. Nam đáo nữ phòng
    (Chữ Hán) Con trai đến phòng của con gái. Nguyên văn:

    Nam đáo nữ phòng nam tất đãng
    Nữ đáo nam phòng nữ tất dâm

    (Con trai đến phòng của con gái thì là người phóng đãng, không đứng đắn
    Con gái đến phòng của con trai thì là người dâm dật).

    Đây là một trong những lễ giáo khắc nghiệt thời phong kiến.

  7. The
    Hàng dệt bằng tơ nhỏ sợi, mặt thưa, mỏng, không bóng, thời xưa thường dùng để may áo dài hoặc khăn, màn.

    Áo dài the

    Áo dài the

  8. Lụa
    Một loại vải mịn dệt từ tơ kén của các loài sâu bướm, thường nhất từ tơ tằm. Lụa có thể dệt trơn và hay dệt có hoa hoa từ tơ nõn (tơ bên trong của kén tằm) sao cho sợi dọc và sợi ngang khít với nhau, tạo nên vẻ mịn màng, óng ả và độ dày vừa phải. Lụa tơ tằm cổ truyền thường được nhuộm màu từ những nguyên liệu thiên nhiên như củ nâu, nước bùn, cánh kiến, ...
    Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
    Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
    Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
    Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng

    (Áo lụa Hà Đông - Thơ Nguyên Sa)
  9. Đồng thau
    Hợp kim của đồng và kẽm. Đồng thau có màu khá giống màu của vàng, nên khi xưa thường được dùng để đúc đồ trang trí hay làm tiền xu. Tuy nhiên, khi hơ lửa đồng thau sẽ bị xỉn màu (do bị oxy hóa) còn vàng thì không.

    Vòng tay làm bằng đồng thau

    Vòng tay làm bằng đồng thau

  10. Cẩm lai
    Một loại cây cao, tán rộng, cho gỗ rất cứng. Gỗ cẩm lai là một loại gỗ quý, được khai thác để làm nhà cửa, bàn ghế, đồ thủ công mĩ nghệ...

    Bộ bàn ghế bằng gỗ cẩm lai

    Bộ bàn ghế bằng gỗ cẩm lai

  11. Cốm hai lu
    Một kiểu bán bánh cốm đặc trưng của các o ở Huế ngày trước: chứa cốm trong hai cái lu lớn gánh đi bán.
  12. An Thuận
    Một làng nay thuộc địa phận Hương Toàn, Hương Trà, Huế. Làng có nghề truyền thống là làm cốm dẹp.
  13. Làm mai
    Còn gọi là làm mối, mai mối. Người làm mai gọi là ông (bà) mối hay ông (bà) mai, là người đứng trung gian, giới thiệu cho hai bên trai gái làm quen hoặc cưới nhau.
  14. Khêu
    Dùng một vật có đầu nhọn để kéo cho tim đèn trồi lên. Đèn ngày xưa đốt bằng dầu, dùng bấc. Để đèn cháy sáng thì thỉnh thoảng phải khêu bấc. Bấc đèn cũng gọi là khêu đèn.

    Một cây đèn dầu

    Một cây đèn dầu

  15. Đá Dàn
    Tên một con suối phát nguyên ở vùng núi Phú Lạc, thuộc Bình Khê (tỉnh Bình Định), chảy xuống Kiên Ngãi, Thuận Yên, rồi chảy ra suối Thuận Ninh. Suối còn một tên nữa là suối Cây Cóm.
  16. Phải dè
    Biết vậy thì... (phương ngữ Nam Bộ).
  17. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  18. Của ruộng đắp bờ
    Lấy đất ở dưới ruộng đắp lên bờ ruộng. Nghĩa bóng: Người thân cho nhau thì chẳng mất mát đi đâu, chẳng thiệt thòi gì. Cũng có nguồn giải thích: Giúp đỡ lo liệu cho người khác mà dùng chính tiền của của người ấy thì chẳng mất mát gì mà lại được tiếng.
  19. Trái lí
    Trái với lí lẽ thông thường (nước chảy qua đèo, bà già cưới chồng).
  20. Rượu lưu ly
    Rượu tiễn. Rượu người con gái rót mời cha mẹ uống trong lễ đón dâu, trước khi về nhà chồng thường được gọi là rượu lưu ly.
  21. Chung
    Chén nhỏ dùng khi uống rượu hoặc trà. Cũng nói chung thỉ (người Nam Bộ phát âm chữ thủy thành thỉ).

    Chung trà

    Chung trà

  22. Thời vận bất tề
    Vận số không được bình thường, suôn sẻ.

    Ta hô! Thời vận bất tề, mệnh đồ đa suyễn
    (Than ôi! Thời vận chẳng bình thường, đường đời nhiều ngang trái)
    (Đằng Vương các tự - Vương Bột).

  23. Tu bị
    Sửa sang, trau giồi bản thân.