Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Nghinh hôn
    Cũng nói là nghênh hôn, nghĩa là đón dâu. Đây là một lễ trong phong tục cưới hỏi của người Việt.
  2. Giá thú
    Giá là lấy chồng, thú là lấy vợ. Giá thú vì thế chỉ việc cưới hỏi nói chung.
  3. Một tiếng gà gáy sáu huyện cùng nghe
    Chỉ vùng ngã ba Bông thuộc tỉnh Thanh Hóa, tiếp giáp với các xã Hà Sơn (huyện Hà Trung), Hoằng Khánh (Hoằng Hóa), Châu Lộc (Hậu Lộc), Vĩnh An (Vĩnh Lộc), Định Công (Yên Định), và Thiệu Quang (Thiệu Hóa).
  4. Ô đước
    Một loại cây mọc theo mé sông, bờ suối các cánh rừng Nam Bộ. Cây không lớn lắm, đường kính thân cây độ 25-30 cm, lá lớn, mặt trên lá láng bóng. Vỏ cây ô đước thường được khai thác, phơi khô, tán ra thành bột để làm nhang.

    Nghề làm nhang

    Nghề làm nhang

  5. Bời lời
    Một loại cây được trồng để khai thác vỏ và gỗ, thường gặp ở cửa rừng và ven khe suối lớn. Vỏ bời lời được dùng làm thuốc, nguyên liệu keo dán sơn trong công nghiệp chế biến, làm nhang đốt; lá dùng làm thức ăn gia súc. Gỗ bời lời có màu nâu vàng, cứng không bị mối mọt, có thể sử dụng đóng đồ, làm nguyên liệu giấy...

    Lá bời lời

    Lá bời lời

  6. Sao
    Một loại cây thân gỗ lớn, cho gỗ cứng và quý, đồng thời thường được trồng để lấy bóng râm.

    Hàng cây sao đen trên phố Lò Đúc, Hà Nội

    Hàng cây sao đen trên phố Lò Đúc, Hà Nội

  7. Sến
    Loại cây cho gỗ lớn, mọc rải rác trong các cánh rừng rậm từ Lào Cai, Lạng Sơn đến Quảng Bình. Gỗ sến màu đỏ nâu, cứng, được xếp vào nhóm tứ thiết (bốn loại gỗ cứng như sắt) cùng với đinh, limtáu.

    Cây sến

    Cây sến

  8. Bần
    Còn gọi là cây thủy liễu, loài cây gặp nhiều ở các vùng ngập mặn Nam Bộ. Gỗ bần chủ yếu dùng làm chất đốt, còn trái bần có vị chua, chát với mùi thơm đặc trưng được chế biến thành nhiều món ăn đặc sản của Nam Bộ như mắm bần, lẩu cá nấu bần, mứt bần, kẹo bần...

    Cây và quả bần

    Cây và quả bần

  9. Đào
    Loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, cũng được trồng để lấy quả hay hoa. Hoa đào nở vào mùa xuân, là biểu tượng của mùa xuân và ngày Tết ở miền Bắc. Quả đào vị ngọt hoặc chua, mùi thơm, vỏ quả phủ một lớp lông mịn. Đào xuất hiện rất nhiều trong văn học cổ Trung Quốc và các nước đồng văn. Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Quả đào

    Quả đào

  10. Chửa
    Chưa (từ cổ, phương ngữ).
  11. Nón quai thao
    Còn gọi là nón ba tầm, nón thúng, một loại nón xưa của phụ nữ đồng bằng Bắc Bộ. Nón làm bằng lá gồi hoặc lá cọ, mặt nón rộng 70 - 80 cm, hình bánh xe, đỉnh bằng, có vành cao độ 10 - 12 cm. Mặt dưới nón gắn một vành tròn vừa đầu người đội, gọi là khua. Quai nón dài, khi đội thì thả võng đến thắt lưng, người đội dùng tay giữ quai. Quai nón làm bằng từ một 1 tới 8 dây thao đen kết bằng tơ, chỉ, ngoài bọc tơ dệt liên tục. Đời nhà Trần, nón này được cải tiến cho cung nữ đội và gọi là nón thượng.

    Phụ nữ Hà Nội đội nón quai thao (đầu thế kỉ 20).

    Phụ nữ Hà Nội đội nón quai thao (đầu thế kỉ 20).

  12. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  13. Tày
    Bằng (từ cổ).
  14. Giành
    Còn gọi là trác, đồ đan bằng tre nứa hoặc mây, đáy phẳng, thành cao, thường dùng để chứa nông sản, gặp ở miền Bắc và một số tỉnh Bắc Trung Bộ.

    Cái giành

    Cái giành

  15. Trung Trữ
    Tên một làng nay thuộc xã Ninh Giang, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, có truyền thống thượng võ. Hội làng Trung Trữ mở vào năm Tý mỗi giáp (12 năm một lần), kéo dài nhiều ngày từ 10 đến 15 tháng 3 âm lịch, bao gồm nhiều tiết mục cổ truyền như hát chèo, hát xẩm, hát chầu văn, tổ tôm, tam cúc điếm, cờ người…
  16. Trường Yên
    Một làng nay thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Vào thế kỉ thứ 10, đây là kinh đô Hoa Lư của nước ta, lúc ấy quốc hiệu là Đại Cồ Việt. Tại đây có đền thờ Đinh Tiên Hoàng trên nền cung điện Hoa Lư xưa, và đền thờ Lê Đại Hành ở gần đó. Hằng năm vào tháng 2, nhân dân tổ chức lễ hội ghi nhớ công lao của hai vị vua dựng nước và giữ nước này.

    Trường Yên - Hoa Lư

    Trường Yên - Hoa Lư

  17. Châu thành
    Phố phường, thành thị, nơi dân cư đông đúc. Các tỉnh Nam Bộ ngày xưa đều có quận, huyện châu thành.
  18. Cần Thơ
    Một thành phố nằm bên bờ sông Hậu, thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long. Năm 1739, vùng đất Cần Thơ được khai phá và chính thức có mặt trên dư đồ Việt Nam với tên gọi là Trấn Giang. Thời Nhà Nguyễn Cần Thơ là đất cũ của tỉnh An Giang. Thời Pháp thuộc, Cần Thơ được tách ra thành lập tỉnh, một thời được mệnh danh là Tây Đô, và là trung tâm của vùng Tây Nam Bộ. Hiện nay Cần Thơ là một trong năm thành phố trực thuộc trung ương của nước ta.

    Cầu Cần Thơ

    Cầu Cần Thơ

  19. Phân tay
    Chia tay (cách nói của người Nam Bộ).
  20. Sáo
    Nhạc cụ thổi hơi, có mặt ở nhiều nước trên thế giới. Ở ta sáo thường làm bằng ống trúc, được thổi trong những lúc hội hè.

    Mục đồng thổi sáo (Tranh Đông Hồ)

    Mục đồng thổi sáo (Tranh Đông Hồ)

  21. Hữu ý
    Có ý, có tình (từ Hán Việt).
  22. Tường
    Rõ ràng, hiểu rõ, nói đủ mọi sự không thiếu tí gì. Như tường thuật 詳述  kể rõ sự việc, tường tận 詳盡  rõ hết sự việc (Thiều Chửu).
  23. Cương thường
    Cũng đọc là cang thường, cách nói tắt của tam cương ngũ thường, một khái niệm về đạo lí của Nho giáo trong chế độ phong kiến dành cho nam giới. Tam cương nghĩa là ba giềng mối (cương là đầu mối của lưới, nắm được cương thì các mắt lưới sẽ giương lên), gồm có quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), và phu phụ (chồng vợ). Ngũ thường (năm đức tính phải có) gồm: Nhân (đức khoan dung), lễ (lễ độ), nghĩa (đạo nghĩa), trí (trí tuệ) và tín (lòng thành thật).

    Trong ca dao - dân ca, đạo cang thường thường dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.

  24. Họa
    Vẽ (từ Hán Việt).
  25. Có bản chép: Lẳng lơ.
  26. Cung quế
    Mặt trăng. Theo điển tích Trung Quốc: vua Đường Minh Hoàng đêm Trung thu đi chơi cung trăng, thấy bầy vũ nữ múa hát dưới một cây quế rất to. Từ đó cách nói cung quế, thềm quế, điện quế, bóng quế... đều để chỉ mặt trăng.

    Cũng có kẻ màn lan trướng huệ
    Những cậy mình cung quế Hằng Nga

    (Văn tế thập loại chúng sinh - Nguyễn Du)

  27. Phù dung
    Còn gọi là mộc phù dung, địa phù dung, mộc liên, loại cây thân nhỡ có hoa, lá có năm cánh, hoa lớn, có hai loại là hoa đơn và hoa kép, hoa nở xòe to bằng cái bát, chất cánh xốp, trông như hoa giấy. Hoa thay đổi màu sắc từ sáng đến chiều (sáng trắng, trưa hồng, chiều đỏ).

    Hoa phù dung

    Hoa phù dung

  28. Núi Bụt Mọc
    Cũng gọi là rú (núi) Bụt, tên chữ là Tiên Tích Sơn, một ngọn núi nằm trên địa bàn 3 xã Gia Hanh, Phú Lộc, Thường Nga, thuộc địa bàn huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Lưng núi có tảng đá giống hình người, có vết lõm của bàn chân khổng lồ gọi là Tiên Tích. Trên núi có chùa Bụt Sơn nổi tiếng.
  29. Trụt
    Tụt (phương ngữ).
  30. Khe Giao
    Một làng nay thuộc xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.
  31. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  32. Thơ
    Thư (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  33. Quốc ngữ
    Trước gọi là chữ tân trào, hệ thống chữ viết chính thức hiện nay của tiếng Việt. Hệ thống này được xây dựng dựa trên chữ cái Latin thêm các chữ ghép và 9 dấu phụ. Chữ Quốc ngữ được phổ biến sâu rộng vào khoảng thế kỷ 19 và 20 nhưng đã xuất hiện phôi thai từ lâu vào khoảng thế kỷ 16 khi các giáo sĩ Tây phương đầu tiên đến Việt Nam và giao tiếp với người Việt rồi vì nhu cầu học hỏi ngôn ngữ Việt (lúc đó còn dùng chữ Hán và chữ Nôm) để giao tiếp với người bản xứ mà bắt đầu ghi lại bằng cách phiên âm tiếng Việt dưới dạng chữ Latin.
  34. Giang hà
    Sông nước nói chung (từ Hán Việt).

    Con chim chết dưới cội hoa
    Tiếng kêu rụng giữa giang hà xanh xao

    (Đưa em tìm động hoa vàng - Phạm Thiên Thư)

  35. Giấy hồng đơn
    Cũng gọi là giấy hồng điều, loại giấy đỏ dùng để viết câu đối hoặc chữ để dán lên trái dưa, trái bưởi, thường dùng vào dịp Tết.

    Viết chữ ngày Tết trên giấy hồng đơn

    Viết chữ ngày Tết trên giấy hồng đơn

  36. Dương gian
    Cõi dương, thế giới của người sống, đối lập với cõi âm hay âm phủ là thế giới của người chết.
  37. Khoai lang
    Một loại cây nông nghiệp với rễ củ lớn, chứa nhiều tinh bột, có vị ngọt, gọi là củ khoai lang. Nhân dân ta trồng và sử dụng khoai lang làm lương thực, tận dụng cả phần củ (rễ), thân, và lá.

    Thu hoạch khoai lang

    Thu hoạch khoai lang