Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Mỏ nhát
    Một loài chim nhỏ, lông rằn, vàng nâu, mỏ dài nhọn, bay rất nhanh và xa; thường kiếm mồi trong các ruộng ít nước ban ngày và kêu ban đêm. Người dân quê thường bắt chim mỏ nhát làm món nướng.

    Chim mỏ nhát

    Chim mỏ nhát

  2. Thiên tải nhất thì
    Nghìn năm mới có một lần (chữ Hán).
  3. Diều hâu
    Loài chim dữ, mỏ quặp, có thị lực rất sắc bén, hay bắt gà, chuột, rắn.

    Một loại diều hâu

    Một loại diều hâu

  4. Chèo chẹo
    Đòi hỏi điều gì dai dẳng đến nỗi gây khó chịu cho người khác (thường để nói trẻ nhỏ).
  5. Tiện
    Gọt vòng quanh cho đứt hoặc tạo thành khía.
  6. Trai (gái) tơ
    Trai gái mới lớn, chưa có vợ có chồng.
  7. Nước ròng
    Mực nước thấp nhất khi thủy triều xuống. Ngược lại với nước ròng là nước lớn, mực nước khi triều lên cao nhất.
  8. Nam Vang
    Tên tiếng Việt của thành phố Phnom Penh, thủ đô nước Campuchia. Vào thời Pháp thuộc, để khai thác triệt để tài nguyên thuộc địa, chính quyền thực dân cho thành lập công ty tàu thủy, mở nhiều tuyến đường sông từ Sài Gòn và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, vận chuyển hành khách, thổ sản, hàng hoá các loại đến Nam Vang, và ngược lại. Do đời sống quá khổ cực, nhiều người Việt Nam đã đến lập nghiệp tại Nam Vang.
  9. Thơ
    Thư (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  10. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  11. Châu Đốc
    Địa danh nay là thị xã của tỉnh An Giang, nằm sát biên giới Việt Nam - Campuchia và cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 250 km về phía Tây. Châu Đốc nổi tiếng vì có nhiều món ăn ngon và nhiều di tích lịch sử. Dưới thời Pháp thuộc, Châu Đốc là điểm khởi đầu thủy trình đến Nam Vang.

    Theo học giả Vương Hồng Sển, địa danh Châu Đốc có nguồn gốc từ tiếng Khmer moat-chrut, nghĩa là "miệng heo."

    Đêm Châu Đốc

    Đêm Châu Đốc

  12. Chợ Bến Thành
    Còn gọi là chợ Sài Gòn, ban đầu được xây bằng gạch, sườn gỗ, lợp tranh, nằm bên cạnh sông Bến Nghé, gần thành Gia Định (nên được gọi là Bến Thành). Sau một thời gian, chợ cũ xuống cấp, người Pháp cho xây mới lại chợ tại địa điểm ngày nay. Chợ mới được xây trong khoảng hai năm (1912-1914), cho đến nay vẫn là khu chợ sầm uất bậc nhất của Sài Gòn, đồng thời là biểu tượng của thành phố.

    Chợ Bến Thành

    Chợ Bến Thành

  13. Chợ Vĩnh Long
    Chợ trung tâm tỉnh Vĩnh Long hiện nay, thuộc hàng lớn nhất các tỉnh miền Tây, từ xưa đã có tiếng là tấp nập. Hiện nay chợ Vĩnh Long là đầu mối nhiều mặt hàng nông sản, nhất là trái cây.

    Chợ Vĩnh Long hiện nay

    Chợ Vĩnh Long hiện nay

  14. Cầu hiền
    Tìm người tài đức.
  15. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  16. Biểu
    Bảo (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  17. Cửa tam quan
    Cũng gọi là cổng tam quan, mái tam quan, loại cổng có ba lối đi thường thấy ở chùa chiền theo lối kiến trúc truyền thống.

    Cổng tam quan chùa Láng

    Cổng tam quan chùa Láng

  18. Nhài
    Còn gọi là lài, loại cây nhỏ có hoa màu trắng rất thơm. Nhân dân ta thường dùng hoa lài để ướp trà.

    Bông hoa nhài

    Bông hoa lài (nhài)

  19. Kiến lửa
    Loài kiến có đầu và thân màu đồng hoặc nâu, có râu hai nhánh rất đặc biệt. Kiến lửa thường làm ổ dưới đất, đá, cây mục... cắn đau, tạo mụn mủ.

    Kiến lửa

    Kiến lửa

  20. Kiến vàng
    Loài kiến nhỏ, màu vàng, đốt đau, làm tổ trên cây. Ở Tây Nguyên người ta dùng kiến vàng làm muối chấm với thịt nướng rất ngon.

    Kiến vàng

    Kiến vàng

  21. Kiến hùm
    Loại kiến lớn, thân màu đen, thường làm tổ trên các cây cao.
  22. Kiến gió
    Còn gọi kiến kim, loài kiến rất nhỏ, màu hơi đen, cắn rất đau, vết cắn thành mẩn to.
  23. Kiến nhọt
    Loại kiến có màu đen bóng, đốt rất đau và độc.
  24. Mọt
    Giống bọ cánh cứng có hàm khỏe, chuyên đục khoét tre, gỗ, ngũ cốc khô.

    Mọt gạo

    Mọt gạo

  25. Kiến hôi
    Loài kiến màu nâu hoặc đen, làm tổ dưới đất hoặc trên các cây ăn quả, thức ăn là các chất đường, mật. Kiến hôi có tên gọi như vậy do có một mùi hôi rất đặc trưng.

    Kiến hôi

  26. Kiến cánh
    Kiến chúa và kiến đực thường có cánh. Tới mùa sinh sản chúng bay đi tìm nơi giao phối và lập tổ kiến mới.

    Kiến cánh

    Kiến cánh

  27. Kiến riện
    Loại kiến có màu nâu đen, kích thước nhỏ khoảng đầu kim. Kiến riện thường làm tổ gây hại trên các loại cây ăn quả.

    Kiến riện

    Kiến riện

  28. Đơn chai
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Đơn chai, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  29. Bàn Cổ
    Vị thần khai thiên lập địa, sáng tạo ra vũ trụ trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc.

    Chân dung Bàn Cổ trong sách Tam tài đồ hội (1609)

    Chân dung Bàn Cổ trong sách Tam tài đồ hội (1609)

  30. Sở phân
    Phân chia rõ ràng (từ Hán Việt).
  31. Ấu tử
    Trẻ con (từ Hán Việt).
  32. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  33. Chạc
    Dây bện bằng lạt tre, lạt nứa, ngắn và nhỏ hơn dây thừng.
  34. Chửa
    Chưa (từ cổ, phương ngữ).
  35. Luân lý
    Hệ thống đạo đức của xã hội loài người, bao gồm hững qui tắc ứng xử, những tập tục, những giá trị phổ quát được công nhận ở trong một xã hội hay một nền văn hóa nào đó để giúp cho người ta biết phân biệt đúng sai.
  36. Mầu
    Huyền diệu, cao sâu.
  37. Ghe bầu
    Loại ghe (thuyền) đi biển chạy bằng buồm, chủ yếu dùng để vận chuyển hàng hóa. Ghe bầu ra đời từ giữa thế kỷ 16, có nguồn gốc tương đồng với loại thuyền prao (hay prau) của Mã Lai. Tên "ghe bầu" bắt nguồn từ tiếng Khmer xòm pầu.

    Hình vẽ ghe bầu và các dụng cụ đi biển của ngư dân Hoàng Sa

    Hình vẽ ghe bầu và các dụng cụ đi biển của ngư dân Hoàng Sa

  38. Đoái
    Nghĩ tới, nhớ tới.
  39. Đờn
    Đàn (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  40. Đàn bầu
    Còn gọi là đàn độc huyền hoặc gọi tắt là đàn độc, vì chỉ có duy nhất một dây. Hộp đàn làm bằng ống tre hay gỗ, bầu đàn được làm từ một nửa quả bầu khô. Trước đây, dây đàn trước đây được làm bằng tơ, sau này thay bằng dây kim loại. Đàn bầu là một loại nhạc khí truyền thống rất độc đáo của dân tộc ta và chỉ duy nhất người Việt Nam mới có. 

    Xem nhạc sĩ Huỳnh Khải giảng giải về những nét độc đáo của đàn bầu Việt Nam đây và nghe nghệ sĩ ưu tú Thanh Tâm diễn tấu đàn bầu tại đây.

    Đàn bầu Việt Nam

    Đàn bầu Việt Nam

  41. Mành mành
    Đồ dùng được làm từ tre, gỗ hoặc nhựa, thường được treo ở cửa chính hoặc cửa sổ nhà ở để che bớt ánh sáng.

    Mành mành

    Mành mành