Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Min-khơ
    Cách phát âm của Minsk, một nhãn hiệu xe máy lấy theo tên thủ đô của nước Cộng hòa Belarus, trước đây thuộc Liên Xô. Xe Minsk rất có tiếng ở nước ta vào thời kì bao cấp, khi phong trào đưa người đi lao động và học tập tại các nước Đông Âu xã hội chủ nghĩa lên cao.

    Xe Minsk

  2. Ngõ Trạm
    Tên một con đường ngắn thuộc phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Nguyên Ngõ Trạm ngày xưa là phố Hà Trung bây giờ (trước gọi Ngõ Trạm cũ hay Ngõ Trạm chính), phố bây giờ mới mở từ thời Pháp thuộc (ngày trước gọi Ngõ Trạm mới). Về tên gọi Ngõ Trạm, theo Doãn Kế Thiện trong Hà Nội cũ (1943): "Ngõ ấy có một cái nhà trạm, nhận các công văn ở trong tỉnh chuyển đệ đi các nơi. Cái nhà ấy ở vào giữa phố. Chừng bốn mươi năm trước, từ phía Hàng Da đi xuống, ai qua phố ấy, thường vẫn thấy về bên tay phải, một cái nhà một tầng, chật hẹp và lụp xụp, bên ngoài che mành mành. Đó tức là nhà trạm, tới nay vì người ở đông, người ta đã thay đổi mất hẳn cái di chỉ của nhà ấy rồi."

    Phố Ngõ Trạm

    Phố Ngõ Trạm

  3. Tạm Thương
    Tên một ngõ thuộc phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Thời nhà Nguyễn đây là nơi đặt một cái kho tạm để thu thóc lúa thuế của dân trước khi chuyển vào kho chính, nên mới có tên gọi Tạm Thương (kho tạm).

    Ngõ Tạm Thương ngày nay

    Ngõ Tạm Thương ngày nay

  4. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  5. Nhạn
    Vốn nghĩa là con ngỗng trời. Theo Thiều Chửu: Chim nhạn, mùa thu lại, mùa xuân đi, cho nên gọi là hậu điểu 候鳥  chim mùa. Chim nhạn bay có thứ tự, nên anh em gọi là nhạn tự 雁序. Có khi viết là nhạn 鴈. Ta gọi là con chim mòng. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng chép “Nhạn: Thứ chim giống con ngỗng.” Trong văn học cổ ta thường bắt gặp những cụm từ "nhạn kêu sương," "tin nhạn." Hiện nay từ này thường được dùng để chỉ chim én.
  6. Én
    Loài chim nhỏ, cánh dài nhọn, đuôi chẻ đôi, mỏ ngắn, thường bay thành đàn.

    Chim én

    Chim én

  7. Gẫm
    Ngẫm, suy nghĩ.
  8. Gò Găng
    Một địa danh nay thuộc phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Tại đây có nghề làm nón truyền thống, đồng thời có phiên chợ nón Gò Găng rất độc đáo, họp từ nửa đêm đến rạng sáng. Nón làm ở chợ Găng ngày xưa chủ yếu là nón ngựa.

    Chợ nón Gò Găng

    Chợ nón Gò Găng

  9. Lịnh
    Lệnh (phương ngữ Nam Bộ).
  10. Con so
    Con đầu lòng.
  11. Chửa con so, làm cho láng giềng
    Quan niệm cho rằng khi mang thai đứa con đầu lòng thì người phụ nữ nên lao động nhiều để sau này dễ sinh.
  12. Bánh giầy
    Cũng viết là bánh dầy hoặc bánh dày, một loại bánh truyền thống của dân tộc ta. Bánh thường được làm bằng xôi đã được giã thật mịn, có thể có nhân đậu xanh và sợi dừa với vị ngọt hoặc mặn. Bánh có thể được làm vào các dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt và vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch (ngày giỗ tổ), nhằm thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời xứ sở. Theo truyền thuyết, Lang Liêu, hoàng tử đời Hùng Vương thứ 6 là người nghĩ ra bánh chưng và bánh giầy.

    Cùng với bánh chưng, bánh giầy có thể tượng trưng cho quan niệm về vũ trụ của người Việt xưa. Bánh có màu trắng, hình tròn, được coi là đặc trưng cho bầu trời trong tín ngưỡng của người Việt. Có ý kiến lại cho rằng bánh chưng và bánh giầy tượng trưng cho dương vật và âm hộ trong tín ngưỡng phồn thực Việt Nam.

    Bánh giầy

    Bánh giầy

  13. Lụy
    Nước mắt (phương ngữ Nam Bộ, nói trại từ lệ).
  14. Bâu
    Cổ áo.
  15. Hàm Rồng
    Tên một ngọn núi nằm trong dãy Ngũ Hoa Phong nằm bên bờ sông Mã, có dáng như đầu rồng. Tên Hàm Rồng cũng được đặt cho một cây cầu ở khu vực này, đồng thời là tên của một phường thuộc thành phố Thanh Hóa hiện nay.
  16. Áo tơi
    Áo khoác dùng để che mưa nắng. Áo được làm bằng lá cây (thường là lá cọ) hoặc rơm rạ, khâu chồng thành lớp gối lên nhau dày hàng đốt tay, như kiểu lợp ngói, đánh thành tấm, phía trên có dây rút để đeo vào cổ giữ áo cố định trên lưng.

    Người mặc áo tơi

    Người mặc áo tơi

  17. Già đời còn mang tơi chữa cháy
    Tơi làm bằng lá cây hoặc rơm rạ, rất dễ cháy. Mang tơi mà chữa cháy là việc làm vụng dại.
  18. Nói khó
    Nói chuyện riêng, chuyện vãn cùng nhau (Đại Nam quấc âm tự vị - Huình Tịnh Của).
  19. Chú khách
    Một cách gọi người Hoa sống ở Việt Nam. Từ này bắt nguồn từ chữ "khách trú," cũng gọi trại thành cắc chú.
  20. Làm như khách chìm tàu
    Làm xí xô xí xào, làm ra tiếng ồ ào, kêu la inh ỏi, như người Ngô chìm tàu, có nghĩa là làm tâng bầng vỡ lở, dấy tiếng om sòm, rần rần. (Đại Nam quấc âm tự vị - Huình Tịnh Của)
  21. Chữ chương 章 nhìn từ trên xuống dưới gồm các chữ lập 立 (gây dựng), viết 曰 (rằng) và thập 十 (mười).