Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Bến Tre
    Một tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, cũng được gọi là đất Trúc (thị xã Bến Tre trước đây còn có tên là Trúc Giang). Đây là vùng đất gắn liền với cuộc đời của nhiều danh nhân: Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Trường Toản, Trương Vĩnh Ký... Bến Tre cũng rất nổi tiếng vì trồng rất nhiều dừa, nên còn được gọi là Xứ Dừa.

    Dừa Bến Tre

    Dừa Bến Tre

  2. Đồng Tháp Mười
    Một vùng đất ngập nước thuộc đồng bằng sông Cửu Long, trải rộng trên ba tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp, là vựa lúa lớn nhất của cả nước. Vùng này có khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, vườn quốc gia Tràm Chim.

    Vườn quốc gia Tràm Chim

    Vườn quốc gia Tràm Chim

  3. Thiên lý
    Một loại cây dây leo, thường được trồng thành giàn lấy bóng mát, lá non và hoa dùng để nấu ăn.

    Hoa thiên lý

    Hoa thiên lý

  4. Cá rô
    Loại cá rất thường gặp trên các đồng ruộng ở nước ta. Nhân dân ta thường tát đồng để bắt cá rô. Cá rô đồng có thịt béo, thơm, dai, ngon, dù hơi nhiều xương, và được chế biến thành nhiều món ngon như kho, nấu canh, làm bún...

    Lưu ý: Có một giống cá khác gọi là cá rô phi, thường được nuôi ở ao, nhưng khi nhắc đến cá rô thì người ta nghĩ ngay đến cá rô đồng.

    Cá rô đồng kho tộ

    Cá rô đồng kho tộ

  5. Nong
    Dụng cụ hình tròn, đan bằng tre, có vành, đáy nông, thường dùng để phơi nông sản hoặc để nuôi tằm. Có vùng gọi là nống. Nhỏ hơn nong một chút gọi là nia.

    Nong, nia, thúng

    Nong, nia, thúng

  6. Núi Vồng
    Tên một ngọn núi cao nằm ở phía Bắc xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam hiện nay.
  7. Quyển Sơn
    Một làng nay thuộc xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Làng tựa lưng vào một dãy núi lớn, có nhiều phong cảnh đẹp. Hằng năm vào tháng giêng, tháng hai, làng tổ chức lễ hội hát giặm (dậm) và bơi chải.

    Tương truyền khi Lý Thường Kiệt đem quân đi chinh phạt giặc phương Nam vào năm 1069, đoàn chiến thuyền đi theo sông Đáy, qua trại Canh Dịch thì gặp một trận gió lớn, phải nép vào chân núi để tránh gió. Trận cuồng phong này đã bẻ gãy cột buồm và cuốn luôn lá cờ đại lên đỉnh núi. Thấy điều lạ, Lý Thường Kiệt cho quân sĩ dừng lại dưới chân núi rồi cùng tướng lĩnh lên bờ sửa lễ tế trời đất cầu mong chiến thắng. Ông đặt đàn tế trong rừng trúc, gần ngôi đền thờ hai mẹ con bà hàng nước. Nửa đêm, hai mẹ con bà hiện lên báo mộng, xin cùng đi theo phù ông đánh giặc. Từ đó ông đặt tên núi là núi Quyển Sơn (núi Cuốn) và trại Canh Dịch cũng được đổi thành làng Quyển Sơn.

  8. Chợ Dầu
    Tên một cái chợ thuộc xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, trước đây còn được gọi là chợ Trầu. Tượng Lĩnh được coi là nơi phát tích chuyện cổ tích Trầu Cau.
  9. Bồ Nâu
    Đọc trại là Bù Nâu, một cánh đồng rộng hàng trăm mẫu, ngày nay thuộc làng Bạch Nao, xã Thanh Văn, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Lúa cấy trên cánh đồng Bồ Nâu cho thứ gạo tuyệt ngon, ngày xưa chuyên dùng để tiến vua.
  10. Có bản chép: Cứng cổ.
  11. Đanh Xá
    Tên một làng nay thuộc xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, gần sông Đáy. Làng Đanh Xá trước làm gốm, và nổi tiếng có chùa Bà Đanh.

    Chùa Bà Đanh

    Chùa Bà Đanh

  12. Cơ cầu
    Chắt chiu, tiết kiệm một cách khắt khe, hà khắc.
  13. Lúa ré
    Cũng gọi là lúa gié, một loại lúa mùa truyền thống, hạt lúa nhỏ, cơm ngon.
  14. Chiêm
    (Lúa hay hoa màu) gieo cấy ở miền Bắc vào đầu mùa lạnh, khô (tháng mười, tháng mười một) và thu hoạch vào đầu mùa nóng, mưa nhiều (tháng năm, tháng sáu), phân biệt với mùa. Đây cũng là cách gọi tắt của "lúa chiêm." Theo sách Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn, người Việt trước đây đã học cách trồng một số giống lúa gieo vào mùa đông, thu hoạch vào mùa hạ từ người Chiêm Thành, nên gọi là lúa chiêm hay lúa chăm.

    Cấy lúa chiêm

    Cấy lúa chiêm

  15. Cấy lúa ré, nếu thừa mạ thì cấy thêm. Ngược lại, cấy lúa chiêm, thừa mạ thì nên bỏ đi.
  16. Điều
    Một loại cây nhỏ cho quả có nhiều lông, màu đỏ, trong có nhiều hạt nhỏ. Từ hạt điều chiết xuất được một chất màu vàng đỏ (gọi là màu điều), được dùng để nhuộm vải. Vải được nhuộm điều thường gọi là vải điều.

    Quả và hạt điều

    Quả và hạt điều

  17. Ve
    Ve vãn, tán tỉnh.
  18. Mông Phụ
    Một làng cổ nay thuộc địa phận Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội. Làng có từ lâu đời, nhà cửa san sát, chủ yếu xây bằng đá ong, đến nay vẫn còn bảo tồn được những cảnh quan từ xưa. Trong làng có đình Mông Phụ, một trong những ngôi đình tiêu biểu cho kiến trúc đình chùa của người Việt xưa, hiện được công nhận là di tích cấp quốc gia.

    Cổng làng Mông Phụ

    Cổng làng Mông Phụ

    Giếng cổ trong đình Mông Phụ

    Giếng cổ trong đình Mông Phụ

  19. Trôn
    Mông, đít, đáy (thô tục).
  20. Đường Lâm
    Tên nôm là làng Mía, cũng gọi là làng Đồng Sàng, một ngôi làng nay là xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Làng nằm bên hữu ngạn sông Hồng, còn có tên là đất hai vua vì là quê hương của hai vị vua là Ngô Quyền và Phùng Hưng - hiện làng vẫn còn đền thờ hai vị vua này. Ngày nay, làng vẫn giữ được hầu hết các đặc trưng cơ bản của một ngôi làng người Việt với cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình, chùa, miếu, điếm canh, giếng nước, ruộng nước, gò đồi... Hệ thống đường xá của Đường Lâm rất đặc biệt vì có hình xương cá. Với cấu trúc này, nếu đi từ đình sẽ không bao giờ quay lưng vào cửa Thánh. Tại làng còn có chùa Mía, ngôi chùa lưu giữ nhiều tượng nghệ thuật nhất nước ta (287 tượng).

    Cổng vào làng cổ Đường Lâm

    Cổng vào làng cổ Đường Lâm

    Chùa Mía

    Chùa Mía

  21. Cá lóc
    Còn có các tên khác là cá tràu, cá quả tùy theo vùng miền. Đây là một loại cá nước ngọt, sống ở đồng và thường được nuôi ở ao để lấy giống hoặc lấy thịt. Thịt cá lóc được chế biến thành nhiều món ăn ngon. Ở miền Trung, cá tràu và được coi là biểu tượng của sự lanh lợi, khỏe mạnh, vì thế một số nơi có tục ăn cá tràu đầu năm.

    Cá lóc

    Cá lóc

  22. Ải
    Chỗ qua lại hẹp và hiểm trở trên biên giới giữa các nước hoặc thành trì, trước đây thường có đặt đồn binh. Cũng gọi là quan ải.

    Ải Chi Lăng

    Ải Chi Lăng

  23. Phá Tam Giang
    Tên một cái phá nay thuộc địa phận của ba huyện là Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế. Phá Tam Giang có khúc cạn khúc sâu bất thường nên việc đi lại rất khó khăn nguy hiểm.

    Ngày nay phá Tam Giang là một hệ sinh thái rộng 52 km², cung cấp hàng nghìn tấn hải sản hàng năm, đồng thời cũng là một địa điểm du lịch khá nổi tiếng của Huế.

    Phá Tam Giang

    Phá Tam Giang

  24. Sịa
    Một địa danh nay là tên thị trấn của huyện Quảng Điền nằm ở phía bắc của Thừa Thiên-Huế, cách thành phố Huế khoảng 30km theo hướng Đông trên Quốc lộ 1. Về tên Sịa, có một số giả thuyết:

    - Sịa là cách đọc trại của sỉa, cũng như sẩy (trong sẩy chân), nghĩa là vùng trũng, vùng sỉa, lầy.
    - Sịa là cách đọc trại của sẻ. Vùng Sịa xưa là vùng có nhiều lúa, chim sẻ thường về.
    - Sịa là cách đọc trại của sậy, vì trước đây vùng này nhiều lau sậy.

  25. Đông Hồ
    Tên Nôm là làng Mái, một làng nay thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, nổi tiếng với nghề làm tranh in truyền thống trên giấy điệp. Để làm giấy điệp in tranh, người làng Đông Hồ giã nát lớp vỏ mỏng của một loại sò biển tên là điệp, trộn với hồ nấu từ bột gạo tẻ, gạo nếp hoặc bột sắn rồi dùng chổi lá thông quét lên mặt giấy dó. Màu sắc sử dụng trong tranh là màu tự nhiên từ cây cỏ như đen (than xoan hay than lá tre), xanh (gỉ đồng, lá chàm), vàng (hoa hòe), đỏ (sỏi son, gỗ vang)... Đây là những màu khá cơ bản, không pha trộn và vì số lượng màu tương ứng với số bản khắc gỗ, nên thường tranh Đông Hồ chỉ dùng nhiều nhất 4 màu.

    Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
    Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp

    (Bên kia sông Đuống - Hoàng Cầm)

    Đám cưới chuột - tranh Đông Hồ

    Đám cưới chuột - tranh Đông Hồ

  26. Kinh Bắc
    Một địa danh thuộc miền Bắc trước đây, hiện nay bao gồm toàn bộ ranh giới hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và một phần nhỏ các tỉnh thành lân cận là Hà Nội (toàn bộ khu vực phía bắc sông Hồng là: Gia Lâm, Long Biên, Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn); Hưng Yên (Văn Giang, Văn Lâm) và Lạng Sơn (Hữu Lũng). Là nơi có ba kinh đô cổ của Việt Nam gồm: Cổ Loa, Mê Linh và Long Biên. Kinh Bắc cùng với xứ Đoài là hai vùng văn hóa cổ nhất so với xứ Sơn Nam và xứ Đông, với nhiều di tích lịch sử có giá trị như Cổ Loa, đền Sóc, chùa Phật Tích, đền thờ Hai Bà Trưng...

    Quê hương Kinh Bắc có dân ca quan họlễ hội Gióng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

    Hội Gióng

    Hội Gióng

  27. Quan họ
    Lối hát dân gian của vùng đồng bằng Bắc Bộ, tập trung ở vùng văn hóa Kinh Bắc, tức tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Quan họ được chia làm hai loại: Quan họ truyền thống chỉ tồn tại ở 49 làng Quan họ gốc ở xứ Kinh Bắc với những quy định nghiêm ngặt, khắt khe, đòi hỏi liền anh, liền chị phải am tường tiêu chuẩn, tuân theo luật lệ, không có nhạc đệm và chủ yếu là hát đôi giữa liền anh và liền chị vào dịp lễ hội ở các làng quê. Quan họ mới còn được gọi là "hát Quan họ," có nhiều hình thức biểu diễn phong phú hơn, bao gồm cả hát đơn, hát đôi, hát tốp, hát có múa phụ họa, được biểu diễn trên sân khấu hoặc trong các sinh hoạt cộng đồng Tết đầu xuân, lễ hội...

    Năm 2009, cùng đợt với ca trù, quan họ được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại sau nhã nhạc cung đình Huế và không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên.

    Giã bạn - Người ơi người ở đừng về - Đến hẹn lại lên (Quan họ Bắc Ninh)

  28. Canh cửi
    Sợi chỉ dọc (canh hoặc kinh) trên Khung cửi">khung dệt (cửi). Chỉ công việc dệt vải, dệt lụa.

    Dệt cưởi

    Dệt cửi

  29. Yên Thái
    Tên một làng nằm ở phía tây bắc thành Thăng Long, nay là thủ đô Hà Nội. Tên nôm của làng là làng Bưởi, cũng gọi là kẻ Bưởi. Theo truyền thuyết ngày xưa đây là vùng bãi lầy nơi hợp lưu của sông Thiên Phù và sông Tô Lịch. Dân vùng Bưởi có hai nghề thủ công truyền thống là dệt lĩnh và làm giấy.

    Làng Bưởi ngày xưa

    Làng Bưởi ngày xưa

  30. Seo
    Một công đoạn trong quá trình làm giấy dó. Vỏ cây dó được nấu và ngâm trong nước vôi với thời gian ba tháng, bóc bỏ lần vỏ đen đi, giã bằng cối và chày rồi dùng chất nhầy từ cây mò tạo hỗn hợp kết dính. Hỗn hợp này gọi là "huyền phù" mà người thợ sẽ pha với nước độ lỏng hay đặc tùy theo loại giấy. Khi seo giấy, người thợ dùng "liềm seo" (khuôn có mành trúc, nứa hay dây đồng ken dày) chao đi chao lại trong bể bột dó. Lớp bột dó trên liềm chính là tờ giấy dó sau khi kết thúc công đoạn ép, phơi, sấy, nén hay cán phẳng. Xơ dó kết lại với nhau, như cái mạng nhện nhiều lớp, tạo nên tờ giấy dó.

    Làm giấy dó

    Làm giấy dó

  31. Ăn cho, buôn so
    Trong chuyện ăn uống thì có thể dễ dãi, nhưng trong chuyện buôn bán thì phải tính toán hơn thiệt kĩ càng.
  32. Anh hào
    Anh hùng hào kiệt, người có tài năng, chí khí. Hội anh hào là dịp để anh hào gặp và thi thố lẫn nhau để lập nên những công trạng hiển hách.

    Đường đường một đấng anh hào,
    Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài.

    (Truyện Kiều)

  33. Phan Đình Phùng
    Nhà thơ, nhà yêu nước, lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Hương Khê (1885-1896) thuộc phong trào Cần Vương vào cuối thế kỷ 19. Ông sinh ra và lớn lên tại làng Đông Thái, huyện La Sơn (nay là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ), tỉnh Hà Tĩnh, trong một gia đình nho học, sau thi đỗ rồi ra làm quan. Từ năm 1885 đến 1896, ông hưởng ứng chiếu Cần Vương, lãnh đạo nghĩa quân đánh Pháp nhiều trận. Đến ngày 28 tháng 12 năm 1895, ông bị thương nặng và hi sinh trong một trận giao tranh ác liệt. Nguyễn Thân đã cho quật mồ ông ở chân núi Quạt, đổ dầu đốt cho xương thịt ông cháy thành tro, rồi trộn vào thuốc súng bắn xuống sông La.

    Phan Đình Phùng

    Phan Đình Phùng

  34. Đông Thái
    Tên một làng thuộc huyện La Sơn, nay là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là quê hương của nhà yêu nước Phan Đình Phùng, lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Hương Khê thuộc phong trào Cần Vương.
  35. Hàng xáo
    Nghề đong thóc về xay giã thành gạo rồi đem bán để kiếm lãi. "Hàng xáo" còn để chỉ chung những người buôn bán nhỏ, ít vốn, phải xoay xở mua rồi bán trong thời gian ngắn nhất.
  36. Đĩ khóc, tù van, hàng xáo kêu lỗ, thế gian sự thường
    Việc gái đĩ kêu khóc, tù tội van nài… là chuyện thường trong xã hội, không có gì phải ngạc nhiên.
  37. Tùng
    Cây thuộc họ thông, thân và tán có dáng đẹp. Tùng có rất nhiều loại, có loại cao lớn, cũng có loại làm cảnh nhỏ. Theo quan điểm Nho giáo, cây tùng thường được ví với lòng kiên trinh, người quân tử.

    Loại tùng bách mọc trên núi

    Loại tùng bách mọc trên núi

  38. Liễu
    Một loại cây thân nhỏ, lá rủ. Liễu xuất hiện rất nhiều trong thơ ca Á Đông, và thường tượng trưng cho người con gái chân yếu tay mềm.

    Liễu rủ bên hồ Gươm

    Liễu rủ bên hồ Gươm

  39. Hồ Long Vân
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Hồ Long Vân, hãy đóng góp cho chúng tôi.