Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Kim lan
    Bạn bè tâm đầu ý hợp, do lấy từ hai chữ của một câu trong Kinh Dịch: Nhị nhân đồng tâm kỳ lợi đoạn kim, đồng tâm chi ngôn kỳ xú như lan (hai người đồng tâm với nhau lợi có thể chặt đứt được vàng, lời nói đồng tâm thì mùi thơm như hoa lan). Rượu kim lan là rượu hai người bạn tri kỉ mời nhau.
  2. Ve
    Cái ly (phiên âm từ danh từ tiếng Pháp "le verre"), còn được hiểu là chai nhỏ, lọ nhỏ.
  3. Chước tưởu
    Rót rượu mời (chữ Hán).
  4. Tương tri
    Hiểu nhau, biết rõ lòng nhau (từ Hán Việt).
  5. Xem chú thích Tri âm.
  6. Đờn
    Đàn (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  7. Luống chịu
    Đeo đẳng mãi hoàn cảnh không may mà đành phải chấp nhận (phương ngữ Nam Bộ).
  8. Bần
    Nghèo (từ Hán Việt).
  9. Phú quý đa nhân hội
    Giàu sang thì nhiều người lân la đến làm quen.
  10. Hào
    Một trong các đơn vị tiền tệ (hào, xu, chinh, cắc) bắt đầu xuất hiện ở nước ta từ thời Pháp thuộc. Mười xu bằng một hào, mười hào bằng một đồng.

    Tiền giấy năm hào

    Tiền giấy năm hào

  11. Thuốc lào
    Theo học giả Đào Duy Anh, cây thuốc lào có lẽ từ Lào du nhập vào Việt Nam nên mới có tên gọi như thế. Sách Vân Đài loại ngữĐồng Khánh dư địa chí gọi cây thuốc lào là tương tư thảo (cỏ nhớ thương), vì người nghiện thuốc lào mà hai, ba ngày không được hút thì trong người luôn cảm thấy bứt rứt khó chịu, trong đầu luôn luôn nghĩ đến một hơi thuốc, giống như nhớ người yêu lâu ngày không gặp. Thời xưa, ngoài "miếng trầu là đầu câu chuyện," thuốc lào cũng được đem ra để mời khách. Hút thuốc lào (cũng gọi là ăn thuốc lào) cần có công cụ riêng gọi là điếu.

    Thuốc lào thường được đóng thành bánh để lưu trữ, gọi là bánh thuốc lào.

    Hút thuốc lào bằng ống điếu

    Hút thuốc lào bằng ống điếu

  12. Cá liệt
    Còn gọi là cá ót, một loại cá biển có thân có hình thoi, dẹt bên, to khoảng ba, bốn ngón tay, nhiều xương. Cá thường được kho khô ăn kèm với cơm, nấu canh chua hay nấu riêu, hoặc để làm bột cá.

    Cá liệt

    Cá liệt

  13. Xà lách
    Còn gọi là rau diếp, một loại rau ăn kèm hay dùng để trang trí món ăn. Tên xà lách nguyên từ chữ Pháp salade, nghĩa là món rau củ trộn.

    Xà lách trộn thịt bò

    Xà lách trộn thịt bò

  14. Rau răm
    Một loại cây nhỏ, lá có vị cay nồng, được trồng làm gia vị hoặc để ăn kèm.

    Rau răm

    Rau răm

  15. Vừng
    Miền Trung và miền Nam gọi là mè, một loại cây nông nghiệp ngắn ngày, cho hạt. Hạt vừng là loại hạt có hàm lượng chất béo và chất đạm cao, dùng để ăn và ép lấy dầu.

    Hạt vừng có hai loại: trắng và đen

    Hạt vừng có hai loại: trắng và đen

  16. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  17. Mần
    Làm (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Như mần ăn, mần việc, đi mần...
  18. Chương Đài
    Tên một con đường ở thành Trường An (Trung Quốc) thời Đường, nơi có nhiều lầu xanh. Nhà thơ Hàn Hoằng cưới một kĩ nữ họ Liễu làm vợ, nhà ở đường Chương Đài. Hàn Hoằng đi Thanh Châu nhậm chức, ba năm không về được, chỉ gửi cho vợ bài thơ: "Chương Đài liễu, Chương Đài liễu, tích nhật thanh thanh kim tại phủ? Túng sử trường điều y cựu thùy, dã ưng phan chiết tha nhân thủ." (Liễu Chương Đài, Liễu Chương Đài, ngày trước xanh xanh giờ ở đâu? Dẫu rằng cành dài rủ như xưa, cũng tay người khác vin bẻ rồi). Liễu thị cũng làm thơ đáp lại. Về sau, Liễu thị bị tướng Phiên là Sa Tra Lợi bắt làm thiếp. Một tráng sĩ là Hứa Tuấn dùng bài thơ cũ của Hàn Hoằng làm tin, liên lạc với Liễu thị, rồi lập mưu cứu nàng đưa về sum họp với Hàn Hoằng.

    Cụm khách Chương Đài dùng để chỉ người yêu, và liễu Chương Đài chỉ sự xa cách của hai người đang yêu.

    Khi về hỏi liễu Chương Đài,
    Cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay.

    (Truyện Kiều)

  19. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  20. Sậy
    Loại cây thuộc họ lúa, thân rỗng, thường mọc dày đặc thành các bãi sậy.

    Bãi sậy

    Bãi sậy

  21. Tùng
    Cây thuộc họ thông, thân và tán có dáng đẹp. Tùng có rất nhiều loại, có loại cao lớn, cũng có loại làm cảnh nhỏ. Theo quan điểm Nho giáo, cây tùng thường được ví với lòng kiên trinh, người quân tử.

    Loại tùng bách mọc trên núi

    Loại tùng bách mọc trên núi

  22. Nghiên
    Đồ dùng để mài mực hoặc son khi viết chữ Hán hoặc gần đây là thư pháp.

    Bút và nghiên mực Tàu

    Bút và nghiên mực Tàu

  23. Nhắc tay hay dạ
    Cầm lấy tay người nào là biết ngay lòng dạ người ấy.
  24. La Mạc
    Một địa danh nay thuộc xã Thanh Liên, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, có nghề trồng khoai từ lâu đời.
  25. Cao Điền
    Một địa danh nay thuộc huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Vùng này có nghề truyền thống là trồng trầu không.
  26. Hạnh Lâm
    Tên một xã thuộc huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Ngày xưa đây là một vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, có nhiều sản vật.
  27. Văn Chấn
    Một làng nay thuộc huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An (phân biệt với huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái).
  28. Mấn
    Váy (phương ngữ Nghệ Tĩnh).
  29. Cát Ngạn
    Một địa danh nay thuộc xã Cát Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Cát Ngạn cũng là tên một tổng của Nghệ An ngày trước.
  30. Tao khang
    Cũng nói là tào khang hay tào khương, từ Hán Việt: tao là bã rượu, khang là cám gạo, những thứ mà người nghèo khổ thường phải ăn. Vua Hán Quang Vũ (đời Đông Hán, Trung Quốc) có ý muốn gả người chị góa chồng là Hồ Dương công chúa cho quan đại phu Tống Hoằng, nên hỏi "Ngạn vân: phú dịch thê, quý dịch giao, hữu chư?" (Ngạn ngữ có nói: giàu thì đổi vợ, sang thì đổi bạn, có chăng?). Tống Hoằng đáp "Thần văn: Bần tiện chi giao mạc khả vong, tao khang chi thê bất khả hạ đường" (Thần nghe: Bạn bè lúc nghèo hèn chớ nên quên, người vợ tấm cám chớ để ở nhà sau). Nghĩa tao khang do đó chỉ tình nghĩa vợ chồng vun đắp từ những ngày cực khổ.
  31. Kẻ chợ
    Kinh đô (từ cũ). Khi dùng như danh từ riêng, Kẻ Chợ là tên gọi dân gian của kinh thành Thăng Long xưa.
  32. Đòi
    Đuổi (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  33. Số chó đòi
    Chó đã bám đuổi được con mồi thì đuổi bắt cho kì được. Người được ví mắc phải số chó đòi là người liên tục gặp vận rủi, cuộc đời long đong lận đận.
  34. Tư lương
    Tư: lo nghĩ. Lương: đo lường. Tư lương: Đoán trước sự thể về sau.

    Đạo học ngày nay đã chán rồi
    Mười người đi học, chín người thôi
    Cô hàng bán sách lim dim ngủ
    Thầy khóa tư lương nhấp nhổm ngồi

    (Đạo học ngày nay - Tú Xương)

  35. Hồng đào
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Hồng đào, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  36. Nghĩa nhân
    Cũng viết nhân nghĩa, nghĩa là "lòng yêu thương người (nhân) và biết làm điều phải (nghĩa)." Hiểu rộng là đạo nghĩa sống ở đời.
  37. Trọng
    Nặng (từ Hán Việt). Cũng đọc là trượng.
  38. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).