Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Còng
    Một loại sinh vật giống cua cáy, sống ở biển hoặc các vùng nước lợ. Còng đào hang dưới cát và có tập tính vê cát thành viên nhỏ để kiếm thức ăn. Ngư dân ở biển hay bắt còng làm thức ăn hằng ngày hoặc làm mắm.

    Con còng

    Con còng

  2. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  3. Ghe
    Thuyền nhỏ, thường đan bằng tre (gọi là ghe nan) hoặc bằng gỗ. Từ này đôi khi được dùng để chỉ tàu thuyền nói chung, nhất là ở vùng Trung và Nam Bộ.

    Chèo ghe

    Chèo ghe

  4. Bất lương
    Không lương thiện (từ Hán Việt).
  5. Nguyệt hoa
    Cũng viết là hoa nguyệt (trăng hoa), chỉ chuyện trai gái yêu đương. Từ này có gốc từ nguyệt hạ hoa tiền (dưới trăng, trước hoa, những cảnh nên thơ mà trai gái hẹn hò để tình tự với nhau), nay thường dùng với nghĩa chê bai.

    Cởi tình ra đếm, ra đong
    Đâu lời chân thật, đâu vòng trăng hoa?

    (Tơ xuân - Huy Trụ)

  6. Rù Rì
    Tên một cái đèo nằm ở phía Bắc thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà. Đèo chỉ dài hơn một cây số nhưng đường đi gấp khúc, rất nguy hiểm cho xe cộ. Theo Việt Nam Tự điển của Lê Văn Đức, tên đèo bắt nguồn từ tên kĩ sư người Pháp Rury, người đã làm đường đèo này.

    Đèo Rù Rì

    Đèo Rù Rì

  7. Chữ chi
    Đường dích dắc, đường hình chữ Z, giống như hình chữ chi 之 trong tiếng Hán.
  8. Lý Quốc Sư
    (1065-1141) Tên thật là Nguyễn Chí Thành, tên hiệu Nguyễn Minh Không, đạo hiệu Không Lộ, được nhân dân tôn là Đức thánh Nguyễn. Ông sinh tại xã Đàm Xá, phủ Tràng An (nay thuộc Gia Viễn, Ninh Bình), là một vị cao tăng đứng đầu tổ chức phật giáo thời nhà Lý. Ông đã dựng tới 500 ngôi chùa trên đất Đại Việt, đồng thời là người sưu tầm và phục hưng nghề đúc đồng, được suy tôn là ông tổ nghề đúc đồng. Lý Quốc Sư là người đúc tượng Phật chùa Quỳnh Lâm ở Quảng Ninh và đỉnh đồng trên tháp Báo Thiên ở Thăng Long, hai trong số bốn báu vật nổi tiếng gọi là "An Nam Tứ đại khí” của nước Đại Việt thời Lý - Trần (hai báu vật còn lại là chuông Quy Điền và vạc Phổ Minh).

    Tháp Báo Thiên

    Tháp Báo Thiên

  9. Niêu
    Nồi nhỏ bằng đất nung hoặc đồng, có nắp đậy, dùng để nấu nướng hoặc sắc thuốc. Niêu sắc thuốc thì có thêm cái vòi để rót thuốc.

    Cơm niêu

    Cơm niêu

  10. Quang
    Vật dụng gồm có một khung đáy và các sợi dây quai thắt bằng sợi dây mây (hoặc vật liệu khác) tết lại với nhau, có 4 (hoặc 6) quai để mắc vào đầu đòn gánh khi gánh, và có thể treo trên xà nhà để đựng đồ đạc (thường là thức ăn). Người ta đặt đồ vật (thùng, chum, rổ, rá) vào trong quang, tra đòn gánh vào rồi gánh đi. Quang thường có một đôi để gánh cho cân bằng.

    Cái quang

    Cái quang

    Quang gánh

    Quang gánh

  11. Tương truyền khi Lý Quốc Sư vào chữa bệnh cho vua đã thổi một niêu đồng gạo mà nở ra nhiều cơm người ăn không hết.
  12. Đọi
    Cái chén, cái bát (phương ngữ một số vùng ở Bắc Trung Bộ).
  13. Chè tàu
    Chè sản xuất từ búp chè không ủ lên men, cánh nhỏ, nước xanh, có hương thơm. Chè có tên như vậy vì nguyên sản xuất ở Trung Quốc.
  14. Trâm anh
    Cái trâm cài đầu và dải mũ; dùng để chỉ dòng dõi quyền quý, cao sang trong xã hội phong kiến.
  15. Bố kình
    Cũng đọc là bố kinh. Bố là vải; kinh là gai, do câu “bố quần kinh thoa” (mặc quần áo bằng vải, cài trâm bằng gai). Thành ngữ xuất phát từ điển tích Lương Hồng đời Ngụy Võ Đế (Trung Quốc), học thức uyên bác và rất trọng khí tiết. Lương Hồng cưới vợ là nàng Mạnh Quang, con nhà giàu có. Lúc mới về nhà chồng, nàng ăn mặc lộng lẫy, trang sức theo con nhà đài các. Lương Hồng lẳng lặng trong bảy ngày không nhìn đến vợ. Mạnh Quang nhận biết, tự thay đổi hàng lụa, mặc quần áo vải, cài trâm bằng gai. Lương Hồng mừng rỡ bảo: “Đây mới chính là vợ của Lương Hồng.” Bố kình vì vậy chỉ người vợ hiền từ, cũng có thể hiểu là người con gái hiền hậu.
  16. Bấc
    Sợi vải tết lại, dùng để thắp đèn dầu hoặc nến. Ở một số vùng quê, bấc còn được tết từ sợi bông gòn. Hành động đẩy bấc cao lên để đèn cháy sáng hơn gọi là khêu bấc.

    Đèn dầu

    Đèn dầu

  17. Tây Nguyên
    Khu vực địa lí hiện nay bao gồm năm tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng, nằm ở vùng Nam Trung Bộ. Tây Nguyên nằm ở độ cao 500-600m so với mặt nước biển, trập trùng đồi núi, là nơi sinh sống của nhiều dân tộc: Kinh, Gia Rai, Ba Na, Ê Đê, Xê Đăng, Mơ Nông... và nhờ vậy mà có những nét văn hóa riêng hết sức độc đáo: đàn T'rưng, nhà sàn, rượu cần, cồng chiêng...

    Cồng chiêng Tây Nguyên

    Cồng chiêng Tây Nguyên

  18. Khu
    Đít, mông (phương ngữ).
  19. Chận
    Chăn (trâu, bò) (phương ngữ).
  20. Rương
    Hòm để đựng đồ (sách vở, quần áo...) hoặc tiền vàng, thường làm bằng gỗ, có móc khóa.

    Cái rương

    Cái rương

  21. Cá ngạnh
    Một loại cá da trơn nước ngọt có hình dáng tương tự cá trê nhưng nhỏ hơn, thịt ăn rất ngon. Hai bên mang cá có hai cái ngạnh, nếu ai vô tình bị ngạnh cá đâm trúng thì rất đau nhức. Loài cá ngạnh của Huế thường thích sống ở các khe suối nước chảy nên dân địa phương gọi là cá ngạnh nguồn.

    Cá ngạnh nấu măng chua

    Cá ngạnh nấu măng chua

  22. Theo dân gian, trai và gái sinh vào những ngày này thường có tính cách thái quá, thiếu ôn hòa.
  23. Bụt
    Cách gọi dân gian của Phật, bắt nguồn từ cách phiên âm từ Buddha (bậc giác ngộ - Phật) trong tiếng Ấn Độ.
  24. Cai
    Từ gọi tắt của cai vệ, chức danh chỉ huy một tốp lính dưới thời thực dân Pháp.

    Lính lệ

    Lính lệ

  25. Đầu rau
    Kiểu bếp ngày trước (nay vẫn còn ở các làng quê) gồm ba hòn đất nặn hơi khum đặt chụm đầu vào nhau để bắc nồi lên đun. Xem thêm ông Táo.

    Đầu rau

    Đầu rau