Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Thuốc xỉa
    Một nhúm thuốc lào được ngậm bằng môi trên trong lúc ăn trầu để tẩy cổ trầu (nước bọt có màu hồng) và xác trầu bám vào răng. Động tác bỏ thuốc xỉa vào miệng gọi là xỉa thuốc.
  2. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  3. Đây là một cách nói lối (nói quá) của người dân xứ Truồi về sự đắt đỏ của trầu cau.
  4. Làng La
    Tên gọi chung bảy làng ở huyện Từ Liêm, trấn Sơn Tây xưa, nay thuộc quận Hà Đông và huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội. Bảy làng gồm: La Cả (Ỷ La và La Nội), La Khê, La Du, La Dương, La Phù, La Tinh. Xưa kia bảy làng này đều có nghề dệt cổ truyền. La (羅) theo nghĩa chữ Hán có nghĩa là dệt sợi, đan sợi. Các làng dệt thờ 10 vị tiên sư sống vào thời Lê Trung Hưng từ nơi khác đến cư ngụ và có công cải tiến nâng cao kỹ thuật dệt. Ngoài ra nơi đây còn thờ ông Trần Quý (thế kỷ 19) làm ông tổ nghề dệt gấm.
  5. Có bản chép: Vải Quang. Quang tức làng Thanh Liệt, nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội.
  6. Yên Lãng
    Tên nôm là làng Láng, nay thuộc phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội, xưa thuộc xã Yên Lãng, gần cửa Bảo Khánh, thành Thăng Long. Làng có nghề trồng rau, trong đó nổi tiếng nhất là rau húng. Húng Láng khi trồng ở làng thì có một hương vị riêng rất đặc biệt, hương vị này không còn nếu đem đi trồng ở làng khác.

    Húng Láng

    Húng Láng

  7. Diêm Khê
    Tên Nôm là làng Đầm, một làng nay thuộc xã Hợp Tiến, Mỹ Đức, Hà Tây, Hà Nội.
  8. Cá rô
    Loại cá rất thường gặp trên các đồng ruộng ở nước ta. Nhân dân ta thường tát đồng để bắt cá rô. Cá rô đồng có thịt béo, thơm, dai, ngon, dù hơi nhiều xương, và được chế biến thành nhiều món ngon như kho, nấu canh, làm bún...

    Lưu ý: Có một giống cá khác gọi là cá rô phi, thường được nuôi ở ao, nhưng khi nhắc đến cá rô thì người ta nghĩ ngay đến cá rô đồng.

    Cá rô đồng kho tộ

    Cá rô đồng kho tộ

  9. Đầm Sét
    Một cái đầm lớn thuộc địa phận làng Sét, tên chữ là Thịnh Liệt, còn có tên là Giáp Nhị - quê hương của Tể tướng Bùi Huy Bích cuối thời vua Lê - chúa Trịnh. Cá rô ở đầm Sét, cùng với sâm cầm ở hồ Tây, là một trong những sản vật của Thăng Long-Hà Nội xưa.
  10. Sâm cầm
    Một loài chim thuộc họ gà nước, có đầu và cổ màu đen tuyền, mắt nâu đỏ, mỏ nhọn dài và miếng sừng sau mỏ có màu trắng. Đây là giống chim di cư, mùa đông thường bay về phía Nam và Tây tránh rét. Ở ta, trước đây sâm cầm là đặc sản của vùng hồ Tây (Hà Nội), xưa là một trong những món tiến vua.

    Sâm cầm Hồ Tây

    Sâm cầm Hồ Tây

  11. Hồ Tây
    Còn có các tên gọi khác như đầm Xác Cáo, hồ Kim Ngưu, Lãng Bạc, Dâm Đàm, Đoài Hồ, là hồ nước tự nhiên lớn nhất ở nội thành Hà Nội, có diện tích hơn 500 ha với chu vi là 18 km. Hồ là một đoạn của sông Hồng ngày trước. Từ xa xưa, hồ Tây đã là một thắng cảnh nổi tiếng, nhiều lần được đưa vào văn chương nghệ thuật.

    Hồ Tây buổi chiều

    Hồ Tây buổi chiều

  12. Một loại cây cho quả ngọt, nhiều nước, thịt hơi xốp. Nước ép quả lê có thể dùng làm thạch, mứt trái cây, hoặc ủ men làm rượu. Gỗ lê là một loại gỗ tốt, được dùng làm đồ nội thất, chạm khắc... Lê là một hình ảnh mang tính ước lệ thường gặp trong ca dao tục ngữ, tượng trưng cho người con trai hoặc con gái.

    Quả lê

    Quả lê

  13. Lựu
    Một loại cây ăn quả có hoa màu đỏ tươi, thường nở vào mùa hè. Quả khi chín có màu vàng hoặc đỏ, trong có rất nhiều hạt tròn mọng, sắc hồng trắng, vị ngọt thơm. Vỏ, thân, rễ lựu còn là những vị thuốc Đông y.

    Dưới trăng quyên đã gọi hè
    Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông

    (Truyện Kiều)

    Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Hoa lựu

    Hoa lựu

    Quả lựu

    Quả lựu

  14. Đào
    Loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, cũng được trồng để lấy quả hay hoa. Hoa đào nở vào mùa xuân, là biểu tượng của mùa xuân và ngày Tết ở miền Bắc. Quả đào vị ngọt hoặc chua, mùi thơm, vỏ quả phủ một lớp lông mịn. Đào xuất hiện rất nhiều trong văn học cổ Trung Quốc và các nước đồng văn. Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Quả đào

    Quả đào

  15. Ba sinh
    Ba kiếp người: kiếp trước, kiếp này và kiếp sau, theo thuyết luân hồi của Phật giáo. Văn học cổ thường dùng chữ "nghĩa ba sinh" hoặc "nguyện ước ba sinh" để nói về sự gắn kết nam nữ.

    Ví chăng duyên nợ ba sinh,
    Làm chi những thói khuynh thành trêu ngươi?

    (Truyện Kiều)

  16. Chương Đài
    Tên một con đường ở thành Trường An (Trung Quốc) thời Đường, nơi có nhiều lầu xanh. Nhà thơ Hàn Hoằng cưới một kĩ nữ họ Liễu làm vợ, nhà ở đường Chương Đài. Hàn Hoằng đi Thanh Châu nhậm chức, ba năm không về được, chỉ gửi cho vợ bài thơ: "Chương Đài liễu, Chương Đài liễu, tích nhật thanh thanh kim tại phủ? Túng sử trường điều y cựu thùy, dã ưng phan chiết tha nhân thủ." (Liễu Chương Đài, Liễu Chương Đài, ngày trước xanh xanh giờ ở đâu? Dẫu rằng cành dài rủ như xưa, cũng tay người khác vin bẻ rồi). Liễu thị cũng làm thơ đáp lại. Về sau, Liễu thị bị tướng Phiên là Sa Tra Lợi bắt làm thiếp. Một tráng sĩ là Hứa Tuấn dùng bài thơ cũ của Hàn Hoằng làm tin, liên lạc với Liễu thị, rồi lập mưu cứu nàng đưa về sum họp với Hàn Hoằng.

    Cụm khách Chương Đài dùng để chỉ người yêu, và liễu Chương Đài chỉ sự xa cách của hai người đang yêu.

    Khi về hỏi liễu Chương Đài,
    Cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay.

    (Truyện Kiều)

  17. Bốn câu đầu tương tự bốn câu 1259-1262 trong Truyện Kiều:

    Nhớ lời nguyện ước ba sinh,
    Xa xôi ai có thấu tình chăng ai ?
    Khi về hỏi liễu Chương Đài,
    Cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay.

  18. Hai Bà Trưng
    Hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị, hai nữ tướng của Giao Chỉ (Việt Nam ta lúc bấy giờ) đã nổi cờ khởi nghĩa vào năm 40 sau Công nguyên để chống lại sự nô thuộc của nhà Đông Hán. Khởi nghĩa thắng lợi, Thái thú Giao Chỉ người Hán là Tô Định bỏ chạy về phương Bắc, Trưng Trắc xưng vương, lấy hiệu là Trưng Nữ Vương, chọn kinh đô là Mê Linh, trị vì được ba năm, đến năm 43 bại trận dưới tay tướng nhà Hán là Mã Viện. Tục truyền do không muốn đầu hàng, hai Bà đã nhảy xuống sông tự tử, nhưng cũng có thuyết cho hai Bà đã bị quân Mã Viện bắt và xử tử.

    Hai Bà Trưng đánh đuổi Tô Định (tranh Đông Hồ)

    Hai Bà Trưng đánh đuổi Tô Định (tranh Đông Hồ)

  19. Chạo rạo
    Xôn xao, ồn ào (phương ngữ Trung Bộ).
  20. Xóm Bầu
    Một thôn nay thuộc xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên.
  21. Quế Sơn
    Địa danh thuộc huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam trước đây. Quế Sơn có nghề truyền thống là làm đồ gốm.
  22. Do Lễ
    Một làng nay thuộc xã Liên Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.
  23. Khả Phong
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Đây là một vùng thung lũng có phong cảnh đẹp.

    Đường vào xã Khả Phong

    Đường vào xã Khả Phong

  24. Dùi đục
    Còn gọi là đục, dụng cụ gồm một thanh thép có chuôi cầm, đầu có lưỡi sắc, dùng để tạo những chỗ lõm hoặc những lỗ trên các vật rắn như gỗ, đá, kim loại.

    Sử dụng dùi đục

    Sử dụng dùi đục

  25. Hết đời Trịnh Sâm, các con ông là Trịnh Khải và Trịnh Cán vì tranh quyền đã gây rối loạn ở kinh thành. Chữ tông trong bài ca dao này ám chỉ tước hiệu của chúa Trịnh Cán (Tông Đô Vương). Đục long cán gãy là nghiệp chúa của Trịnh Cán không tồn tại bao lâu nữa.
  26. Lạch
    Dòng nước nhỏ hơn sông.
  27. Chợ Bàn Thạch
    Một chợ phiên họp tại phía nam cầu Bàn Thạch, thôn Bàn Thạch, xã Hòa Xuân Đông, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Chợ họp sáu phiên chính vào các ngày mồng 2, 6, 12, 16, 22 và 26 hằng tháng, ngoài ra chợ còn họp vào mỗi buổi sáng. Đây là một ngôi chợ khá sầm uất nằm sát Quốc lộ 1A ở phía nam tỉnh Phú Yên. Những cánh đồng hai bên bắc nam sông Bàn Thạch là nơi sản sinh rất nhiều lươn, nên trước đây, lúc việc đi lại chuyên chở còn khó khăn, chợ Bàn Thạch là đầu mối nơi lái buôn thu mua lươn để mang về bán lại tại thị xã Tuy Hoà.

  28. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  29. Sông Cái
    Tên con sông lớn nhất tỉnh Khánh Hoà, dài 79 km, phát nguyên từ Hòn Gia Lê, cao 1.812 m, chảy qua các huyện Khánh Vĩnh, Diên Khánh và thành phố Nha Trang rồi đổ ra biển ở Cửa Lớn. Phần thượng lưu của sông có rất nhiều thác: Đồng Trăng, Ông Hào, Đá Lửa, Nhét, Mòng, Võng, Giằng Xay, Tham Dự, Ngựa Lồng, Hông Tượng, Trâu Đụng, Giang Ché, Trâu Á... Sông còn có tên là sông Cù (do chữ Kaut của người Chiêm Thành xưa) hoặc sông Nha Trang.

    Cầu Xóm Bóng bắc qua sông Cái

    Cầu Xóm Bóng bắc qua sông Cái

  30. Xoan
    Một loại cây được trồng nhiều ở các vùng quê Việt Nam, còn có tên là sầu đâu (đọc trại thành thầu đâu, thù đâu), sầu đông... Cây cao, hoa nở thành từng chùm màu tím nhạt, quả nhỏ hình bầu dục (nên có cụm từ "hình trái xoan"). Xoan thường được trồng lấy gỗ, vì gỗ xoan không bị mối mọt.

    Hoa xoan

    Hoa xoan

  31. Sái
    Phần bã thuốc phiện, thuốc lào còn lại sau khi hút. Người hút thuốc phiện, sau khi hút cữ đầu tiên, nếu còn thòm thèm mà không còn tiền thì thường nạo sái trong ống thuốc ra để hút lại.

    Dân gian có từ "hưởng sái" chính là từ chữ này.

  32. Gẫm
    Ngẫm, suy nghĩ.
  33. Gia đạo
    Phép tắc trong gia đình.
  34. Chèo
    Một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian tiêu biểu của nước ta, nhất là ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Người sáng lập chèo là bà Phạm Thị Trân, một vũ ca tài ba trong hoàng cung nhà Đinh vào thế kỷ 10. Chèo dùng cách nói ví von luyến láy, thường có nội dung lấy từ các truyện cổ tích, truyện nôm, mô tả cuộc sống của người dân. Nhạc cụ được dùng trong chèo gồm đàn nguyệt, đàn nhị, đàn bầu, các loại trống, chũm chọe...

    Xem vở chèo Hề cu Sứt do nghệ sĩ Xuân Hinh trình diễn.