Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Ngâu
    Một loài cây bụi nhỏ. Trong văn hóa người Việt, ngâu là một trong ba loài gắn liền với nghệ thuật thưởng thức trà hương của người xưa. Cây ngâu gắn liền với kiến trúc Việt cổ. Nhà dân dã thuần Việt thường có cây ngâu trước sân. Đình chùa và các công trình văn hóa tín ngưỡng của người Việt cũng luôn có bóng dáng và hương thơm của hoa ngâu. Trong kiến trúc hiện đại ở Việt Nam cũng như Đông Nam Á, ngâu được sử dụng nhiều trong cảnh quan làm cây cảnh, có thể xén cắt hình khối dễ dàng (tròn đều, vuông góc).

    Hoa và quả ngâu

    Hoa và quả ngâu

  2. Ba
    Tiếng đọc chữ "hoa" dưới triều Nguyễn, để kiêng húy bà Hồ Thị Hoa, vợ của hoàng tử Nguyễn Phúc Đảm (sau là vua Thiệu Trị).
  3. Dạm ngõ
    Một nghi lễ trong phong tục hôn nhân của người Việt. Nhà trai xin đến nhà gái đặt vấn đề chính thức cho đôi nam nữ được tìm hiểu nhau một cách kỹ càng hơn trước khi đi đến quyết định hôn nhân. Về bản chất, lễ này chỉ là một ứng xử văn hóa, thông qua đó hai gia đình biết cụ thể về nhau hơn (về gia cảnh, gia phong), từ đó dẫn tới quyết định tiếp tục hay không quan hệ hôn nhân của hai gia đình. Lễ vật của lễ chạm ngõ theo truyền thống rất đơn giản: chỉ có trầu cau.
  4. Phượng hoàng
    Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

  5. Thầy
    Cha, bố (phương ngữ một số địa phương Bắc và Bắc Trung Bộ).
  6. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  7. Cầu Long Biên
    Cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng tại Hà Nội, do Pháp xây dựng (1898 - 1902), là cây cầu sắt dài thứ nhì thế giới thời bấy giờ (sau cầu Brooklyn ở Mỹ). Cầu ban đầu mang tên viên Toàn quyền Đông Dương là Paul Doumer, dân gian hay gọi là cầu sông Cái, cầu Bồ Đề, cầu Dốc Gạch. Năm 1954, cầu được đổi tên thành cầu Long Biên. Là một cây cầu lâu năm và có giá trị lịch sử, hiện nay có nhiều đề xuất tu sửa, cải tạo cầu Long Biên.

    Cầu Long Biên hồi đầu thế kỉ XX

    Cầu Long Biên hồi đầu thế kỉ 20

  8. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  9. Bầu
    Loại cây dây leo cho quả, thường được nhân dân ta trồng cho bò trên giàn. Quả bầu, hoa bầu và đọt bầu non thường được dùng làm thức ăn, ruột và vỏ bầu khô có thể dùng làm các vật dụng gia đình hoặc làm mĩ nghệ. Có nhiều loại bầu: bầu dài, bầu tròn, bầu hồ lô (bầu nậm)...

    Giàn bầu nậm

    Giàn bầu nậm

  10. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  11. Song toàn
    Còn nói song tuyền, vẹn toàn cả hai (từ Hán Việt).
  12. Hồ Tây
    Còn có các tên gọi khác như đầm Xác Cáo, hồ Kim Ngưu, Lãng Bạc, Dâm Đàm, Đoài Hồ, là hồ nước tự nhiên lớn nhất ở nội thành Hà Nội, có diện tích hơn 500 ha với chu vi là 18 km. Hồ là một đoạn của sông Hồng ngày trước. Từ xa xưa, hồ Tây đã là một thắng cảnh nổi tiếng, nhiều lần được đưa vào văn chương nghệ thuật.

    Hồ Tây buổi chiều

    Hồ Tây buổi chiều

  13. Trâu vàng hồ Tây
    Theo truyền thuyết, Không Lộ thiền sư, tổ thần của nghề đúc đồng Việt Nam, đã đúc một quả chuông rất lớn. Khi đánh chuông lên, tiếng vọng qua đến Trung Quốc. Con trâu vàng của nước này tưởng là tiếng mẹ gọi, lồng sang nước ta. Không thấy mẹ đâu, trâu vàng bực mình vùng vẫy làm cho cả một đám rừng sụt xuống hoá thành hồ, nên gọi là hồ Kim Ngưu (hồ Trâu Vàng). Kim Ngưu chính là một tên khác của hồ Tây.
  14. Vạc
    Một loại chim có chân cao, cùng họ với diệc, , thường đi ăn đêm, tiếng kêu rất to.

    Vạc

    Vạc

  15. Sông Lam
    Còn gọi là sông Ngàn Cả hay sông Cả, một trong hai con sông lớn nhất ở Bắc Trung Bộ. Sông bắt nguồn từ cao nguyên Xiengkhuang, Lào. Phần chính sông Lam chảy qua Nghệ An, phần cuối hợp lưu với sông La từ Hà Tĩnh, tạo thành ranh giới của Nghệ An và Hà Tĩnh, đổ ra biển tại cửa Hội.

    Sông Lam

    Sông Lam

  16. Nông sờ
    Rất cạn, cạn nhìn thấy đáy.

    Sông Tương một giải nông sờ
    Bên trông đầu nọ, bên chờ cuối kia.
    (Truyện Kiều)

  17. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  18. Bài ca dao này là niềm tiếc thương của nhân dân với nhà yêu nước Phan Đình Phùng.
  19. Mã tà
    Lính cảnh sát thời thuộc địa. Nguồn gốc của từ này đến nay vẫn chưa thống nhất. Có ý kiến cho rằng từ này có gốc từ tiếng Mã Lai là mata-mata, có nghĩa là "cảnh sát," lại có người cho rằng xuất xứ từ này là matraque, tiếng Pháp nghĩa là cái dùi cui.
  20. Phao
    Quăng, ném (từ cũ).
  21. An Bình
    Tên một cù lao giữa sông Tiền, đối diện với thị xã Vĩnh Long, gồm bốn xã: An Bình, Bình Hòa Phước, Hòa Ninh và Ðồng Phú, đều thuộc huyện Long Hồ. Cù lao rộng khoảng 60km2, đất đai màu mỡ và trù phú, nước ngọt quanh năm, dân cư trồng nhiều cây ăn trái như: chôm chôm, xoài, nhãn, sầu riêng...

    Đường trên cù lao An Bình

    Đường trên cù lao An Bình

  22. Cổ Chiên
    Tên một phân lưu của sông Cửu Long, có chiều dài 82km, bắt nguồn tại tỉnh Vĩnh Long, chảy qua Trà Vinh trước khi đổ ra biển tại hai cửa sông là cửa Cung Hầu (Bến Tre) và cửa Cổ Chiên (Trà Vinh). Có thuyết cho rằng tên sông có liên quan đến một sự kiện lịch sử cuối thế kỷ 18: Vào năm 1785, khi bị đại bại ở trận Rạch Gầm – Xoài Mút, tàn quân của Nguyễn Ánh phải dùng thuyền chạy trốn xuống phía Nam, đến dòng sông này bị thuyền của quân Tây Sơn đuổi theo sát quá, quan quân của Nguyễn Ánh cuống quít, sợ hãi đã làm rơi cả trống (cổ) và chiêng lệnh (chinh) xuống sông. Từ đó, nhân dân địa phương gọi tên sông là Cổ Chiên (do đọc trại từ "Cổ Chinh" mà ra).

    Sông Cổ chiên đoạn chảy qua Vĩnh Long

    Sông Cổ chiên đoạn chảy qua Vĩnh Long

  23. Tróc
    Bắt (từ Hán Việt).

    Cuộc săn dù ráo riết đến đâu cũng không sao tróc đủ một trăm người phải đi xem đá bóng. (Tinh thần thể dục - Nguyễn Công Hoan)

  24. Dắt dẫn, bắt kẻ có tội (từ Hán Việt).
  25. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  26. Nỏ
    Một loại vũ khí cổ truyền thường được dùng trong săn bắn và chiến tranh trước đây. Một chiếc nỏ đơn giản gồm một cánh nỏ nằm ngang hơi cong, đẽo từ một loại gỗ có sức đàn hồi cao, lắp vào báng nỏ có xẻ rãnh để đặt mũi tên. Trước khi bắn, cánh nỏ bị uốn cong bằng cách kéo căng và gài dây cung vào lẫy nỏ. Khi bóp cò, sức đàn hồi của cánh nỏ bắn mũi tên ra với sức đâm xuyên lớn và độ chính xác cao. Cây nỏ nổi tiếng trong lịch sử dân tộc ta với truyền thuyết nỏ thần của An Dương Vương, bắn một phát ra nhiều mũi tên đồng, đánh lui quân xâm lược. Trong kháng chiến chống Pháp, nhiều dân tộc Tây Nguyên đã dùng nỏ giết được nhiều quân địch.

    Ở một số vùng, nỏ cũng được gọi là ná (lưu ý phân biệt với cái bắn đạn sỏi).

    Bắn nỏ

    Bắn nỏ

  27. Nhạn
    Vốn nghĩa là con ngỗng trời. Theo Thiều Chửu: Chim nhạn, mùa thu lại, mùa xuân đi, cho nên gọi là hậu điểu 候鳥  chim mùa. Chim nhạn bay có thứ tự, nên anh em gọi là nhạn tự 雁序. Có khi viết là nhạn 鴈. Ta gọi là con chim mòng. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng chép “Nhạn: Thứ chim giống con ngỗng.” Trong văn học cổ ta thường bắt gặp những cụm từ "nhạn kêu sương," "tin nhạn." Hiện nay từ này thường được dùng để chỉ chim én.
  28. Tiền
    Năm 1439, vua Lê Thánh Tông quy định: 1 quan = 10 tiền = 600 đồng, gọi là tiền tốt hoặc tiền quý (quy định này ổn định cho đến năm 1945). Khoảng thế kỉ 18, trong dân gian xuất hiện cách tính tiền gián, mỗi quan tiền gián chỉ gồm 360 đồng.
  29. Chó đá
    Tượng đá tạc hình chó, thường đặt trước cổng nhà, đền chùa, hoặc đặt trên bệ thờ, cùng có mục đích là để cầu phúc, trừ tà. Đây là một phong tục đặc thù trong tín ngưỡng của người Việt.

    Chó đá canh trước phủ quận công Nguyễn Ngọc Trì (Hát Môn, Phúc Thọ, Hà Nội). Ảnh: Hoàng Phương.

    Chó đá canh trước phủ quận công Nguyễn Ngọc Trì (Hát Môn, Phúc Thọ, Hà Nội). Ảnh: Hoàng Phương.

  30. Đánh chó đá vãi cứt
    Chỉ hạng bủn xỉn, hà tiện quá đáng. Tương tự như câu "Vắt cổ chày ra nước."