Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Rạch Giá
    Địa danh nay là thành phố thuộc tỉnh Kiên Giang. Có ý kiến cho rằng tên "Rạch Giá" có nguồn gốc từ việc vùng đất này có rất nhiều cây giá mọc hai bên bờ rạch. Vào thời vua Gia Long, Rạch Giá là một vùng đất chưa khai khẩn, còn hoang vu, dân cư thưa thớt, chủ yếu là người Khmer. Dưới thời kháng chiến chống Pháp, Rạch Giá là căn cứ địa của người anh hùng Nguyễn Trung Trực. Thành phố Rạch Giá ngày nay có nhiều lợi thế về giao thông đường thủy, đường biển, đường bộ và đường hàng không nhằm kết nối với các trung tâm lớn trong nước và khu vực Đông Nam Á.
  2. Truông
    Vùng đất hoang, có nhiều cây thấp, lùm bụi, hoặc đường qua rừng núi, chỗ hiểm trở (theo Đại Nam quấc âm tự vị).
  3. Sậy
    Loại cây thuộc họ lúa, thân rỗng, thường mọc dày đặc thành các bãi sậy.

    Bãi sậy

    Bãi sậy

  4. Nghĩa câu này cũng tương tự như câu Họa vô đơn chí.
  5. Thanh Hà
    Tên một ngôi làng ở Quảng Nam, nằm ngay bên bờ sông Thu Bồn, cách phố cổ Hội An chừng 3 km về hướng Tây. Làng có nghề làm gốm truyền thống từ đầu thế kỉ 16.

    Gốm Thanh Hà

    Gốm Thanh Hà

  6. Theo giai thoại dân gian truyền lại thì đây là những câu hát mà Hiếu Chiêu hoàng hậu Đoàn Thị Ngọc (còn thường gọi là Đoàn Quý Phi) vào một đêm năm 1615, hồi còn là thôn nữ tại huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, đã cất tiếng hát từ nương dâu bên bờ sông Thu Bồn khi thuyền rồng của Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên dạo ngang qua, làm rung động trái tim hoàng tử Nguyễn Phúc Lan. Hai năm sau, hai người kết duyên chồng vợ.
  7. Có bản chép: Hỏi
  8. Huế
    Một địa danh ở miền Trung, nay là thành phố thủ phủ của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Là kinh đô của Việt Nam dưới triều đại phong kiến nhà Nguyễn (1802 - 1945), Huế còn được gọi là đất Thần Kinh (ghép từ hai chữ kinh đôthần bí) hoặc cố đô. Huế là một vùng đất thơ mộng, được đưa vào rất nhiều thơ văn, ca dao dân ca và các loại hình văn học nghệ thuật khác, đồng thời cũng là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa với nón Bài Thơ, nhã nhạc cung đình, ca Huế, các đền chùa, lăng tẩm, các món ẩm thực đặc sắc...

    Địa danh "Huế" được cho là bắt nguồn từ chữ "Hóa" trong Thuận Hóa, tên cũ của vùng đất bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Thành Nội, Huế

    Thành Nội

  9. Đầu xanh
    Chỉ người tuổi còn trẻ.

    Hay là thuở trước khách hồng nhan?
    Sắc sảo khôn ngoan trời đất ghen.
    Phong trần xui gặp bước lưu lạc,
    Đầu xanh theo một chuyến xuân tàn.
    (Thăm mả cũ bên đường - Tản Đà)

  10. Đọi
    Cái chén, cái bát (phương ngữ một số vùng ở Bắc Trung Bộ).
  11. Nực
    Oi bức, nóng.
  12. Mảng
    Mải, mê mải (từ cũ).
  13. Cơm tấm
    Cơm được nấu từ hạt gạo tấm, tức hạt gạo bị bể. Gạo này xưa là loại gạo thứ phẩm, rớt vãi sau khi sàng, thường dùng cho gà ăn hoặc cho người ăn lúc quá túng thiếu. Ngày nay cơm tấm đã trở thành món ăn quen thuộc, được coi là đặc sản của miền Nam.

    Cơm tấm

    Cơm tấm

  14. Gạo tám xoan
    Cũng gọi là gạo tám thơm, loại gạo hạt nhỏ và dài, khi nấu thành cơm thì dẻo và thơm đặc biệt.

    Gạo tám xoan Hải Hậu

    Gạo tám xoan Hải Hậu

  15. Lầu hồng
    Nơi ở của phụ nữ quyền quý thời xưa (từ cũ).

    Thiếp danh đưa đến lầu hồng
    Hai bên cùng liếc, hai lòng cùng ưa

    (Truyện Kiều)

  16. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  17. Là ngà
    Một giống tre thẳng, cao, thân lớn (đường kính thân có thể đạt đến 15-18cm), vách dày, có rất nhiều gai.

    Một bụi tre là ngà

    Một bụi tre là ngà

  18. Áo bà ba
    Một loại áo phổ biến ở các địa phương miền Nam, ở miền Bắc gọi là áo cánh. Áo không có bâu (cổ áo), được xẻ ở hai bên hông, vạt áo ngắn ngang hông, có thêm hai túi to khá tiện lợi cho việc đựng những vật dụng nhỏ như thuốc rê, diêm quẹt, tiền bạc... Chính nhờ tính tiện dụng và sự thoải mái đó, chiếc áo bà ba được cả nam lẫn nữ ở đồng bằng sông Cửu Long mặc cả lúc đi làm, đi chợ, đi chơi.

    Áo bà ba cùng với khăn rằn được coi là một trong những đặc trưng văn hóa Nam Bộ, mặc dù hiện nay áo đã được "cải tiến" khá nhiều.

    Về nguồn gốc tên áo, nhà văn, nhà nghiên cứu Sơn Nam cho rằng “Bà Ba là người Mã Lai lai Trung Hoa. Chiếc áo bà ba mà người miền Nam ưa thích, vạt ngắn không bâu chính là kiểu áo của người Bà Ba” (Văn minh miệt vườn).

    Thiếu nữ Nam Bộ với áo bà ba và khăn rằn

    Thiếu nữ Nam Bộ với áo bà ba và khăn rằn

  19. Dầu chanh
    Tinh dầu làm từ vỏ chanh, mùi rất thơm và có nhiều công dụng: khử mùi, diệt khuẩn, làm đẹp...
  20. O mèo
    Tán tỉnh để bắt nhân tình (phương ngữ Nam Bộ).
  21. Ngày rày
    Lâu nay (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  22. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  23. Nỏ
    Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).
  24. Trà My
    Một địa danh thuộc miền núi của tỉnh Quảng Nam, nay là hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My, là địa bàn sinh sống của các dân tộc Ca Dong (Xê Đăng), M'nông, Co và Kinh. Trà My từ lâu nổi tiếng với đặc sản là cây quế.
  25. Người Thượng
    "Thượng" có nghĩa là ở trên, "người Thượng" là người ở miền cao hay miền núi, một cách gọi đặc trưng để chỉ những sắc dân sinh sống tại Tây Nguyên, còn gọi là miền Thượng.
  26. Người Kinh
    Cũng gọi là người Việt, một dân tộc hình thành tại khu vực địa lí ngày nay là miền Bắc Việt Nam và miền nam Trung Quốc. Đây là nhóm dân tộc chính, chiếm khoảng 86,2% dân số nước ta.
  27. Nớ
    Kia, đó (phương ngữ Trung Bộ).
  28. Thốt
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Thốt, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  29. Ni
    Này, nay (phương ngữ miền Trung).