Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Ngâu
    Một loài cây bụi nhỏ. Trong văn hóa người Việt, ngâu là một trong ba loài gắn liền với nghệ thuật thưởng thức trà hương của người xưa. Cây ngâu gắn liền với kiến trúc Việt cổ. Nhà dân dã thuần Việt thường có cây ngâu trước sân. Đình chùa và các công trình văn hóa tín ngưỡng của người Việt cũng luôn có bóng dáng và hương thơm của hoa ngâu. Trong kiến trúc hiện đại ở Việt Nam cũng như Đông Nam Á, ngâu được sử dụng nhiều trong cảnh quan làm cây cảnh, có thể xén cắt hình khối dễ dàng (tròn đều, vuông góc).

    Hoa và quả ngâu

    Hoa và quả ngâu

  2. Ba
    Tiếng đọc chữ "hoa" dưới triều Nguyễn, để kiêng húy bà Hồ Thị Hoa, vợ của hoàng tử Nguyễn Phúc Đảm (sau là vua Thiệu Trị).
  3. Lỗ mọi
    Lỗ rất nhỏ.
  4. Lu
    Mờ, không thấy rõ. Lu li: hơi mờ, mờ mờ (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  5. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  6. Nhân sâm
    Loại cây thân thảo, củ và rễ được sử dụng làm thuốc từ rất lâu đời tại nhiều nước châu Á. Gọi là nhân sâm vì củ sâm có hình dáng hao hao giống người (nhân). Nhân sâm là một vị thuốc rất quý, chữa được nhiều loại bệnh, bổ sung trí lực, đôi khi được thần thoại hóa thành thuốc cải tử hoàn sinh.

    Nhân sâm

    Nhân sâm

  7. Cương thường
    Cũng đọc là cang thường, cách nói tắt của tam cương ngũ thường, một khái niệm về đạo lí của Nho giáo trong chế độ phong kiến dành cho nam giới. Tam cương nghĩa là ba giềng mối (cương là đầu mối của lưới, nắm được cương thì các mắt lưới sẽ giương lên), gồm có quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), và phu phụ (chồng vợ). Ngũ thường (năm đức tính phải có) gồm: Nhân (đức khoan dung), lễ (lễ độ), nghĩa (đạo nghĩa), trí (trí tuệ) và tín (lòng thành thật).

    Trong ca dao - dân ca, đạo cang thường thường dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.

  8. Xảo ngôn
    Lời nói khéo, nhưng giả dối.
  9. Nghĩa nhân
    Cũng viết nhân nghĩa, nghĩa là "lòng yêu thương người (nhân) và biết làm điều phải (nghĩa)." Hiểu rộng là đạo nghĩa sống ở đời.
  10. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  11. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  12. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  13. Tề gia
    Trông nom, chăm sóc việc gia đình.
  14. Rau bát
    Một loại dây leo thuộc họ bầu bí, sống rất khỏe, mọc hoang và được trồng ở bờ rào lùm cây. Dây bát có nhiều nhánh, tua cuốn, phiến lá dầy hình tim ngũ giác, hoa trắng, quả như trái dưa chuột nhỏ, khi chín có màu đỏ. Có hai loại rau bát là “bát cái” dây nhỏ nhiều lá, đọt được hái làm rau ăn, và “bát đực” ít lá, được thái lát phơi khô, sao qua làm thuốc nam.

    Rau bát

    Rau bát

  15. Rau sam
    Một loại cỏ dại sống quanh năm ở những vùng ẩm mát như bờ ruộng, bờ mương, ven đường hoặc mọc xen kẽ trong những luống hoa màu. Thân gồm nhiều cành màu đỏ nhạt, lá hình bầu dục, phiến lá dày, mặt láng, mọc bò lan trên mặt đất. Rau sam có thể dùng để ăn như những loại rau trồng khác. Rau sam phơi khô dùng làm thuốc.

    Rau sam

    Rau sam

  16. Văn kì thanh bất kiến kì hình
    Chỉ mới nghe tiếng mà chưa gặp mặt (chữ Hán).
  17. Đàm tiếu
    Bàn tán (đàm) và chê cười (tiếu).
  18. Cờ vây
    Một loại cờ có nguồn gốc từ Trung Quốc, gồm hai loại quân là trắng và đen trên bàn cờ hình vuông có 19 đường ngang dọc giao nhau tạo thành 361 giao điểm. Hai người chơi chơi theo lượt, mỗi lượt đặt một quân tại một giao điểm. Các giao điểm dọc và ngang lân cận của một quân cờ gọi là khí. Quân hoặc nhóm cờ nào hết khí sẽ bị nhấc ra khỏi bàn cờ và trở thành tù binh. Số điểm của mỗi người bằng số quân cờ bắt được cộng với số đất vây được hoàn toàn bằng quân của mình, ai nhiều điểm hơn thì thắng.

    Cờ vây là một loại cờ rất thường được nhắc tới trong văn thơ cổ.

    Khi chén rượu, khi cuộc cờ
    Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên
    (Truyện Kiều)

    Cờ vây

    Cờ vây

  19. Thưng
    Đồ đo lường, bằng một phần mười cái đấu ("thưng" do chữ "thăng" 升 đọc trạnh ra).

    Thưng bằng đồng

    Thưng bằng đồng

  20. Đấu
    Đồ dùng để đong thóc gạo ngày trước, bằng khoảng một lít hiện nay.
  21. Ba thưng một đấu
    Những đóng góp bỏ ra cho việc chung rồi cũng lại cho mình hưởng chứ không mất đi đâu.
  22. Võ Xá
    Tên một làng thuộc xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình ngày nay. Tại đây có đầm lầy Võ Xá, vốn là một dải đầm lầy tự nhiên kéo theo đường thiên lí từ Quảng Bình vào Thuận Hóa. Làng Võ Xá là một trong "bát danh hương" (tám ngôi làng nổi tiếng với truyền thống hiếu học, khoa bảng) của Quảng Bình, gồm: Lệ Sơn, La Hà, Cảnh Dương, Thổ Ngọa (cùng thuộc huyện Quảng Trạch), và Văn La, Võ Xá, Cổ Hiền, Kim Nại (cùng thuộc huyện Quảng Ninh).
  23. Côi
    Trên, cao (phương ngữ Trung Bộ).

    Ta bay lên! Ta bay lên!
    Gió tiễn đưa ta tới nguyệt thiềm
    Ta ở côi cao nhìn trở xuống
    Lâng lâng mây khói quyện trăng đêm

    (Chơi trên trăng - Hàn Mặc Tử)

  24. Khoai môn
    Tên một số giống khoai gặp nhiều ở nước ta, cho củ có nhiều tinh bột, ăn được. Có nhiều giống khoai môn như môn xanh, môn trắng, môn tím, môn tía, môn bạc hà, môn sáp, môn sen, môn thơm, môn trốn... mỗi loại có những công dụng khác nhau như nấu canh, nấu chè... Trước đây môn, sắn, khoai, ngô... thường được ăn độn với cơm để tiết kiệm gạo.

    Cây và củ khoai môn

    Cây và củ khoai môn

  25. Lúa (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  26. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  27. Người gầy, thầy cơm
    Những người gầy ăn cơm thường thấy ngon miệng nên ăn nhiều.