Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Ni
    Này, nay (phương ngữ miền Trung).
  2. Nớ
    Kia, đó (phương ngữ Trung Bộ).
  3. Đèn ba dây
    Loại đèn dầu lớn, thường được treo trên tường hoặc trên trần nhà để chiếu sáng cho cả phòng.

    Đèn ba dây

    Đèn ba dây

  4. Găng
    Căng thẳng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  5. Mắt xanh
    Do điển tích Thanh Bạch Nhãn, nghĩa là mắt xanh (đồng tử), tròng trắng. Nhà thơ Nguyễn Tịch, người đời Tấn, là người rất ưa rượu và đàn. Ông làm quan rồi cáo bệnh về nhà, kết bạn cùng Kê Khang, Lưu Linh, Nguyễn Hàn, Sơn Đào, Hướng Tú và Vương Nhung, người thường gọi là "Trúc lâm thất hiền" (bảy người hiền ở rừng trúc). Khi tiếp khách hễ là hạng quân tử, là hạng người vừa lòng mình thì Nguyễn Tịch nhìn thẳng bằng tròng mắt xanh; trái lại khách là kẻ tầm thường, người không vừa lòng mình thì ông nhìn bằng đôi tròng trắng. Do điển đó, sau này người ta dùng chữ "mắt xanh" để chỉ sự bằng lòng, vừa ý.

    Bấy lâu nghe tiếng má đào,
    Mắt xanh chẳng để ai vào có không?

    (Truyện Kiều)

  6. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  7. Đá vàng
    Cũng nói là vàng đá, lấy ý từ từ Hán Việt kim thạch. Kim là kim khí để đúc chuông, đỉnh. Thạch là đá. Ngày trước, những lời vua chúa hoặc công đức của nhân vật quan trọng được khắc ghi trên bia đá hay chuông, đỉnh đồng để lưu truyền mãi mãi. Đá vàng vì thế chỉ sự chung thủy son sắt, hoặc sự lưu truyền tên tuổi mãi mãi về sau.
  8. Nghiên
    Đồ dùng để mài mực hoặc son khi viết chữ Hán hoặc gần đây là thư pháp.

    Bút và nghiên mực Tàu

    Bút và nghiên mực Tàu

  9. Bụt
    Cách gọi dân gian của Phật, bắt nguồn từ cách phiên âm từ Buddha (bậc giác ngộ - Phật) trong tiếng Ấn Độ.
  10. Một loại nhạc khí thường làm bằng gỗ, khi gõ có tiếng vang. Trong đạo Phật, Phật tử gõ mõ khi tụng kinh. Ở làng quê Việt Nam xưa, khi muốn thông báo gì thì người ta gõ mõ. Người chuyên làm công việc đánh mõ rao việc làng cũng gọi là mõ.

    Mõ

  11. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  12. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  13. Vinh Ba
    Một thôn nay thuộc xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên, có nghề truyền thống là đan lát. Hiện nay thôn Vinh Ba đã phát triển thành một làng nghề thủ công mĩ nghệ của tỉnh.

    Đan hàng mĩ nghệ tại Vinh Ba

    Đan hàng mĩ nghệ tại Vinh Ba

  14. Cót
    Đồ đựng được làm bằng tấm cót đan từ những nan tre nứa mỏng đan chéo và khít vào nhau, quây kín, đặt trên một cái nong.

    Đan cót

    Đan cót

  15. Gàu
    Đồ dùng để kéo nước từ giếng hay tát nước từ đồng ruộng. Trước đây gàu thường được đan bằng tre hoặc làm từ bẹ cau, sau này thì gàu có thể được làm bằng nhựa hoặc tôn mỏng.

    Tát gàu sòng

    Tát gàu sòng

  16. Phú Diễn
    Nay là thôn Phú Diễn, xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên. Tại đây có nghề chằm nón từ lâu đời. Dưới thời Nguyễn có hơn 90% hộ gia đình làm nghề này, với hai loại sản phẩm chủ yếu là nón sụp và nón chóp. Sản phẩm nón Phú Diễn có mặt ở nhiều làng xã trong tỉnh và vùng Nam Trung Bộ.

    Chằm nón ở Phú Diễn

    Chằm nón ở Phú Diễn

  17. Chằm nón
    Công đoạn chính trong việc làm nón lá. Người làm nón chuốt từng sợi tre nan vành một cách công phu, sau đó uốn thành vòng cho tròn, rồi lợp lá (bao nhiêu lớp tùy loại nón) và khâu vào vành.

    Chằm nón ở chợ Gò Găng

    Chằm nón ở chợ Gò Găng

  18. Xóm Bầu
    Một thôn nay thuộc xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên.
  19. Phú Thuận
    Một địa danh nay thuộc xã Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên, tiếp giáp với phía bắc tỉnh Khánh Hòa, trước có nghề dệt vải. Trong thế kỉ 19, Phú Thuận là một trong những căn cứ quan trọng của nghĩa quân trong phong trào Cần Vương tỉnh Phú Yên.
  20. Bắn bông
    Một công đoạn trong việc dệt vải: Dùng dây cung bật vào bông vải làm cho tơi xốp để kéo chỉ bằng con cúi.
  21. Đây đều là các thôn nay thuộc xã Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên, hoặc các xã lân cận (do chia lại địa giới hành chính).
  22. Đèn chai
    Chai là mủ (nhựa) của cây chò, một loại cây lớn, mọc ở các vùng rừng núi. Ngày trước nhân dân ta dùng chai làm đèn để thắp sáng, gọi là đèn chai. Để làm đèn chai, người ta giã cục chai đã đông cứng thành bột, sàng dừng cho mịn, trộn thêm trấu, đổ xuống đất thành đốt rồi đốt cho khối chai này chảy dẻo ra, sau đó dùng đũa bếp và bàn lăn, xúc lên thành từng lọn hình trụ dài khoảng 2 tấc (20cm), lớn bằng cổ tay, lăn xong thả vào thay nước cho nguội và cứng đèn.
  23. Mỹ Thành
    Một làng nay thuộc xã Hoà Mỹ Tây, huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.
  24. Lạc Chỉ
    Một thôn thuộc xã Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên.
  25. Ngọc Lâm
    Một thôn thuộc xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tuy Hòa tỉnh Phú Yên trước đây, nay được chia làm hai thôn là Ngọc Lâm 1 và Ngọc Lâm 2.
  26. Khăn xéo
    Một loại khăn bịt đầu ngày xưa, vừa để che mưa nắng vừa có thể làm tay nải để đựng đồ đạc khi cần. Cũng gọi là khăn chéo.
  27. Hạnh
    Trong ca dao, chữ hạnh ghép với các danh từ khác (như buồm hạnh, buồng hạnh, phòng hạnh, vườn hạnh, ...) thường dùng để chỉ những vật thuộc về người phụ nữ, trong các ngữ cảnh nói về sự hi sinh, lòng chung thủy, hay những phẩm hạnh tốt nói chung của người phụ nữ. Có thể hiểu cách dùng như trên bắt nguồn từ ý nghĩa chung của từ hạnhnết tốt.
  28. Gông xiềng
    Gông là một dụng cụ làm bằng gỗ hoặc tre, thường là rất nặng, để đeo vào cổ tội nhân ngày trước. Xiềng là sợi xích lớn có vòng sắt ở hai đầu để khoá chân tay người tù. Gông xiềng vì thế thường được dùng để chỉ ách nô lệ.

    Tù nhân đeo gông dưới thời Pháp thuộc

    Tù nhân đeo gông dưới thời Pháp thuộc

  29. Tổ tôm
    Một trò chơi bài lá phổ biến trong dân gian ngày trước (hiện chỉ thấy được chơi ở nước ta), thường chơi trong các dịp lễ, Tết. Tên gọi của trò chơi được đọc chệch ra từ chữ "tụ tam" nghĩa là hội tụ của ba lại hàng Văn, Vạn và Sách.

    Lá bài tổ tôm

    Lá bài tổ tôm

  30. Xóc đĩa
    Lối đánh bạc ăn tiền bằng cách xóc bốn đồng tiền (hoặc bốn miếng bìa có hai mặt khác nhau) trong một cái đĩa, trên có bát úp kín, ai đoán trúng có mấy đồng sấp, mấy đồng ngửa thì được. Có nơi gọi xóc đĩa là xóc dĩa, hoặc có tên khác là mở bát.

    Đồ để xóc đĩa

    Đồ để xóc đĩa

  31. Bồ hòn
    Cây to cùng họ với vải, nhãn, quả tròn, khi chín thì thịt quả mềm như mạch nha. Quả bồ hòn có vị rất đắng, có thể dùng để giặt thay xà phòng.

    Quả bồ hòn

    Quả bồ hòn

  32. Gia thế
    Thế lực, tầm ảnh hưởng của một gia đình.
  33. Gia giáo
    Có nền nếp, có giáo dục (thường nói về gia đình phong kiến thời trước).
  34. Cu cu
    Chim bồ câu (phương ngữ Trung Bộ).
  35. Tru
    Trâu (phương ngữ một số vùng Bắc Trung Bộ).
  36. Ràn
    Chuồng trâu, chuồng bò (phương ngữ Nghệ Tĩnh).
  37. Lươn
    Loài cá nước ngọt, thân hình trụ, dài khoảng 24-40 cm, đuôi vót nhọn, thoạt nhìn có hình dạng như rắn. Lươn không có vảy, da trơn có nhớt, màu nâu vàng, sống chui rúc trong bùn ở đáy ao, đầm lầy, kênh mương, hay ruộng lúa. Lươn kiếm ăn ban đêm, thức ăn của chúng là các loài cá, giun và giáp xác nhỏ.

    Ở nước ta, lươn là một loại thủy sản phổ biến, món ăn từ lươn thường được coi là đặc sản. Lươn được chế biến thành nhiều món ngon như: cháo lươn, miến lươn, lươn xào...

    Con lươn

    Con lươn

  38. Trầm hương
    Phần gỗ chứa nhiều nhựa thơm sinh ra từ thân cây dó mọc nhiều trong những cánh rừng già của nước ta.

    Gỗ có trầm hương

    Gỗ có trầm hương

  39. Kinh
    Kênh, sông đào dùng để dẫn nước hoặc để đi lại bằng đường thủy (phương ngữ Nam Bộ).

    Kênh Nhiêu Lộc (thành phố Hồ Chí Minh)

    Kênh Nhiêu Lộc (thành phố Hồ Chí Minh)

  40. Đỉa
    Một loại động vật thân mềm, trơn nhầy, sống ở nước ngọt hoặc nước lợ, miệng có giác hút để châm vào con mồi và hút máu. Tên gọi này có gốc từ từ Hán Việt điệt.

    Con đỉa

    Con đỉa