Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Quế Sơn
    Địa danh thuộc huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam trước đây. Quế Sơn có nghề truyền thống là làm đồ gốm.
  2. Môn đương hộ đối
    Cổng và cửa nhà tương xứng (thành ngữ Hán Việt). Chỉ sự ngang bằng về nhà cửa, gia thế, địa vị của hai bên dâu rể. Cũng nói môn đăng hộ đối.
  3. Hồng xiêm
    Còn có tên là lồng mứt hay sa pô chê (từ tiếng Pháp sapotier), một loại cây cho quả khi chín có ruột thẫm, mềm, ăn rất ngọt.

    Quả hồng xiêm

    Quả hồng xiêm

  4. Quế
    Một loại cây rừng, lá và vỏ có tinh dầu thơm. Vỏ quế ăn có vị cay, là một vị thuốc quý (Quế chi) trong các bài thuốc Đông y. Trong văn học cổ, cây quế thường tượng trưng cho sự thanh cao, đẹp đẽ.

    Thu hoạch quế

    Thu hoạch và phơi quế

  5. Huế
    Một địa danh ở miền Trung, nay là thành phố thủ phủ của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Là kinh đô của Việt Nam dưới triều đại phong kiến nhà Nguyễn (1802 - 1945), Huế còn được gọi là đất Thần Kinh (ghép từ hai chữ kinh đôthần bí) hoặc cố đô. Huế là một vùng đất thơ mộng, được đưa vào rất nhiều thơ văn, ca dao dân ca và các loại hình văn học nghệ thuật khác, đồng thời cũng là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa với nón Bài Thơ, nhã nhạc cung đình, ca Huế, các đền chùa, lăng tẩm, các món ẩm thực đặc sắc...

    Địa danh "Huế" được cho là bắt nguồn từ chữ "Hóa" trong Thuận Hóa, tên cũ của vùng đất bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Thành Nội, Huế

    Thành Nội

  6. Vầy
    Như vậy, như thế này (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  7. Thắt cười
    Mắc cười, buồn cười (phương ngữ Trung Bộ).
  8. Bận
    Mặc (quần áo).
  9. Tầm Vu
    Tên thị trấn của huyện lị Châu Thành, tỉnh Long An.
  10. Cắm thẻ ruộng
    Cắm thẻ để nhận và xác định chủ quyền của một mảnh ruộng.
  11. Cắm nêu ruộng
    Cắm cây nêu để báo cho mọi người biết là ruộng đang bị tranh chấp hay bị thiếu thuế, không ai được mua lúa, gặt hái.
  12. Phơi màu
    (Lúa, ngô) ở giai đoạn mới trổ, các bao phấn nhị đực mở ra.
  13. Chài
    Loại lưới hình nón, mép dưới có chì, chóp buộc vào một dây dài, dùng để quăng xuống nước chụp lấy cá mà bắt. Việc đánh cá bằng chài cũng gọi là chài.

    Vãi chài trên dòng Nậm Hạt

    Vãi chài trên dòng Nậm Hạt

  14. Nhá
    Dụng cụ bắt cá của miền Trung và miền Nam, tương tự như chiếc vó bè ngoài Bắc. Nhá có bộ gọng tre gồm 5 cây: một cây làm trụ to bằng cổ chân, dài gần bốn sải tay, bốn cây làm bộ kèo nhá nhỏ hơn cổ tay, dài khoảng ba sải tay dùng để căng tấm lưới gai. Tấm lưới gai có chiếc rốn dài, thụng xuống để nhốt cá mỗi khi tấm nhá kéo lên. Muốn bắt cá phải vác nhá đi dọc bờ sông, tìm chỗ đón trổ, đón trúng luồng cá chạy rồi mới thả nhá. Việc đứng bắt cá bằng nhá gọi là đứng nhá.

    Đứng nhá

    Đứng nhá

  15. Lờ
    Dụng cụ đánh bắt cá đồng làm bằng nan tre. Hình dạng của lờ giống như một cái lồng, ở một đầu có chế tạo một miệng tròn gọi là miệng hom sao cho cá chỉ có thể từ ngoài chui vào lờ thông qua miệng hom mà không thể chui ra. Khi đặt lờ thường người đặt thả mồi vào trong để dụ cá bơi vào.

    Lờ có nhiều loại: Loại đại dài từ 0,5 đến 1 m, gọi là “lờ bầu”, thả chỗ nước sâu như sông, hồ để bắt cá diếc, sảnh, dầy. Loại tiểu gọi là “lờ đồng”, thả nơi nước cạn như ao, đìa, ruộng bắt cá trê, rô, sặc, mương, nhét…

    Lờ bắt cá

    Lờ bắt cá

  16. Yên Lãng
    Tên nôm là làng Láng, nay thuộc phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội, xưa thuộc xã Yên Lãng, gần cửa Bảo Khánh, thành Thăng Long. Làng có nghề trồng rau, trong đó nổi tiếng nhất là rau húng. Húng Láng khi trồng ở làng thì có một hương vị riêng rất đặc biệt, hương vị này không còn nếu đem đi trồng ở làng khác.

    Húng Láng

    Húng Láng

  17. Rắp toan
    Sắp sửa (từ cũ).
  18. Mài dừa
    Mài cho cơm dừa thành ra cám.
  19. Đạp cám
    Nhồi đạp cám dừa với nước để ra nước cốt dừa.
  20. Xuất giá
    Lấy chồng (từ Hán Việt)