Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Nam mô
    Phiên âm của từ Namo नमो (nghĩa là tôn kính hoặc hướng về) trong tiếng Sanskrit, để thể hiện sự sùng kính hoặc quy ngưỡng. Người theo đạo Phật thường dùng tiếng "Nam mô" để khởi đầu cho câu niệm danh hiệu các Phật và Bồ Tát. "Nam mô" còn đọc là "Nam vô" 南無 theo phiên âm từ tiếng Hán.
  2. Bồ
    Đồ cỡ lớn đựng thóc lúa, thường đan bằng tre.

    Bồ và cối xay thóc

    Bồ và cối xay thóc

  3. Gùa
    Cây thân gỗ, thường xanh (lá xanh hầu như quanh năm), còn có những tên gọi khác là báng, páng, gừa, đa gáo, đa chai, sung chai. Cây sinh trưởng hầu như trên mọi địa hình nước ta.

    Cây gùa

    Cây gùa

    Lá cây gùa non

    Lá cây gùa non

  4. Tào Khê
    Tên một con sông trước chảy qua làng Đình Bảng, tỉnh Bắc Ninh. Sông nay đã cạn, để lại dấu tích là những ao trũng quanh làng.
  5. Bài ca dao được cho là xuất phát từ làng Đình Bảng (Bắc Ninh), quê hương của Lý Thái Tổ, người dựng lên vương nghiệp nhà Lý. Xưa làng có rừng cây báng rậm rạp, về sau bị chặt trụi (nay người ta đang trồng lại). "Lý nay lại về" ý nói lòng thương tiếc của người dân Đình Bảng về sự kiện nhà Lý bị nhà Trần chiếm ngôi, con cháu họ Lý người bị giết, kẻ phải lưu lạc tha hương.
  6. Đầm Long
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Đầm Long, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  7. Cam sành
    Một loại cam có vỏ dày, sần sùi, thịt có màu cam hoặc vàng đậm, nhiều nước, được xem là một giống cam rất ngon.

    Quả cam sành

    Quả cam sành

  8. Bìm bìm
    Một loại cây leo, hoa hình phễu, trắng hoặc tím xanh, thường mọc hoang hoặc được trồng làm cảnh ở các bờ rào.

    Bìm bìm

    Bìm bìm

  9. Chùa Sỏi
    Tên Nôm của chùa Sùng Nghiêm (Sùng Nghiêm Linh Tự), sau đổi tên thành chùa Vân Lỗi, nay là chùa Vân Hoàn. Chùa được dựng vào thời nhà Lý, tọa lạc tại làng Thạch Giản, xã Nga Thạch, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá.

    Chùa Sùng Nghiêm

    Chùa Sùng Nghiêm

  10. Bạch Câu
    Tên nôm là kẻ Sung, một làng biển chuyên nghề cá nay thuộc địa phận xã Nga Bạch, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
  11. Thạch Tuyền
    Tên một làng nay thuộc địa phận xã Nga Thạch, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Từ triều Lý đến triều Nguyễn, làng có nhiều người thi cử đỗ đạt.

    Tam quan chùa Thạch Tuyền

    Tam quan chùa Thạch Tuyền

  12. Ba quân
    Người xưa chia quân đội thành ba cánh quân: tả quân (bên trái), trung quân (chính giữa) và hữu quân (bên phải), hoặc thượng quân (phía trên), trung quân, hạ quân (phía dưới), hoặc tiền quân (phía trước), trung quân, hậu quân (phía sau). Ba quân vì vậy chỉ quân đội nói chung, và chốn ba quân chỉ nơi chiến trường.
  13. Quần thoa
    Quần và trâm cài đầu, các vật dụng của phụ nữ. "Quần thoa" hay "khách quần thoa" vì thế chỉ người phụ nữ nói chung.
  14. Tây Thi
    Một trong tứ đại mĩ nhân thời Xuân Thu (Trung Hoa cổ đại). Tương truyền, nhan sắc nàng làm cá phải ngừng bơi mà lặn xuống đáy nước, (gọi là "trầm ngư"). Theo truyền thuyết, Tây Thi là người nước Việt, được dâng cho vua Ngô là Phù Sai. Phù Sai mê mẩn vẻ đẹp của Tây Thi, bỏ bê triều chính, cuối cùng mất nước vào tay vua Việt là Câu Tiễn.

    Tây Thi

    Tây Thi

  15. Việt
    Một nước chư hầu của nhà Chu trong lịch sử Trung Quốc, được biết đến với việc Việt vương Câu Tiễn nuôi chí phục quốc, đánh bại vua Ngô là Phù Sai. Đến thời Chiến Quốc, Việt bị Sở tiêu diệt.
  16. Văn Khương
    Công chúa nước Tề thời Xuân Thu, phu nhân của Lỗ Hoàn công, mẹ của Lỗ Trang công, nổi tiếng xinh đẹp. Bà loạn luân với người anh khác mẹ là Tề Tương công, dẫn đến việc Tề Tương công giết chết chồng bà là Lỗ Hoàn công, gây nên loạn lạc ở nước Lỗ.
  17. Tề
    Một nước thuộc thời kì Xuân Thu - Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc, tồn tại từ khoảng thế kỷ 11 đến năm 221 trước Công nguyên.
  18. Đỗ quyên
    Có giả thuyết cho là chim cuốc. Theo hai học giả Đào Duy Anh và An Chi thì chim quyên là chim tu hú. Hình ảnh chim quyên trong ca dao dân ca thường tượng trưng cho những điều tốt đẹp.

    Chim tu hú

    Chim tu hú

  19. Riềng
    Một loại cây thuộc họ gừng, mọc hoang hoặc được trồng để lấy củ. Trong y học cổ truyền, củ riềng có vị cay thơm, tính ấm, chữa được đau bụng. Riềng cũng là một gia vị không thể thiếu trong món thịt chó, rất phổ biến ở các vùng quê Bắc Bộ.

    Củ riềng

    Củ riềng

    Hoa riềng nếp

    Hoa riềng nếp

  20. Bánh tráng
    Miền Trung và miền Nam gọi là bánh tráng, miền Bắc gọi là bánh đa. Đây một dạng loại bánh làm từ bột gạo, tráng mỏng, phơi khô, khi ăn có thể nướng giòn hoặc ngâm sơ với nước cho mềm để cuốn các thức ăn khác. Ngoài ra, bánh tráng còn có thể được làm với các thành phần khác để tạo thành bánh tráng mè, bánh tráng đường, bánh tráng dừa... mỗi loại có hương vị khác nhau.

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

  21. Sọt
    Đồ đựng đan bằng tre hoặc nứa, có mắt thưa.

    Kho bãi cơ sở Lâm Nho xuất khẩu sọt tre tại huyện Củ Chi, TP.HCM

    Kho bãi cơ sở Lâm Nho xuất khẩu sọt tre tại huyện Củ Chi, TP.HCM

  22. Sề
    Đồ đan mắt thưa, nan thô, rộng, to hơn rổ, thường dùng đựng bèo, khoai...
  23. Họ mạc
    Bà con họ hàng.
  24. Chương Đài
    Tên một con đường ở thành Trường An (Trung Quốc) thời Đường, nơi có nhiều lầu xanh. Nhà thơ Hàn Hoằng cưới một kĩ nữ họ Liễu làm vợ, nhà ở đường Chương Đài. Hàn Hoằng đi Thanh Châu nhậm chức, ba năm không về được, chỉ gửi cho vợ bài thơ: "Chương Đài liễu, Chương Đài liễu, tích nhật thanh thanh kim tại phủ? Túng sử trường điều y cựu thùy, dã ưng phan chiết tha nhân thủ." (Liễu Chương Đài, Liễu Chương Đài, ngày trước xanh xanh giờ ở đâu? Dẫu rằng cành dài rủ như xưa, cũng tay người khác vin bẻ rồi). Liễu thị cũng làm thơ đáp lại. Về sau, Liễu thị bị tướng Phiên là Sa Tra Lợi bắt làm thiếp. Một tráng sĩ là Hứa Tuấn dùng bài thơ cũ của Hàn Hoằng làm tin, liên lạc với Liễu thị, rồi lập mưu cứu nàng đưa về sum họp với Hàn Hoằng.

    Cụm khách Chương Đài dùng để chỉ người yêu, và liễu Chương Đài chỉ sự xa cách của hai người đang yêu.

    Khi về hỏi liễu Chương Đài,
    Cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay.

    (Truyện Kiều)

  25. Thế Đức, Lưu Bội, Mạnh Thần
    Ba loại ấm trà quý làm từ đất chu sa (đất sét đỏ), có nguồn gốc từ Trung Quốc.

    Ấm Mạnh Thần

  26. Điếu
    Đồ dùng để hút thuốc (thuốc lào hoặc thuốc phiện). Điếu để vào trong cái bát gọi là điếu bát. Điếu hình ống gọi là điếu ống.

    Bát điếu và xe điếu

    Bát điếu và xe điếu

  27. Nhất trụ, nhì khu, tam tù, tứ kết
    Chính sách sắp xếp, sử dụng cán bộ ở các tỉnh phía Nam sau chiến tranh: Những cán bộ bám trụ tại chỗ được bố trí vào những chức vụ quan trọng nhất; ưu tiên thứ hai là cán bộ đã chiến đấu ở chiến khu R; ưu tiên thứ ba dành cho cán bộ đã từng bị đi tù; ưu tiên cuối cùng dành cho cán bộ miền Nam từng tập kết ra Bắc.
  28. Cờ tướng
    Một trò chơi cờ rất phổ biến ở Trung Quốc và Việt Nam. Hai người chơi điều khiển hai nhóm quân (thường có màu xanh-đỏ hoặc trắng-đen), mỗi nhóm có các quân Tướng, Sĩ, Tượng (có nơi gọi là Bồ), Xe, Pháo, Mã, Tốt, đi theo lượt, mỗi quân có cách đi khác nhau. Nếu quân Tướng của bên nào bị "chiếu bí," nghĩa là không còn nước đi, thì bên ấy thua cuộc.

    Ngoại trừ cách chơi này, người ta cũng nghĩ ra một số biến thể của cờ tướng như cờ mù, cờ thế, cờ người, chấp...

    Cờ tướng

    Cờ tướng

  29. Đào tơ
    Do tiếng Hán Đào yêu, tên một bài thơ trong Kinh Thi, trong có đoạn:

    Đào chi yêu yêu,
    Hữu phần kỳ thực.
    Chi tử vu quy,
    Nghi kỳ gia thất.

    Tạ Quang Phát dịch:

    Đào tơ mơn mởn tươi xinh,
    Trái đà đơm đặc đầy cành khắp cây.
    Theo chồng, nàng quả hôm nay.
    Ấm êm hòa thuận nồng say gia đình.

    Văn học cổ thường dùng những chữ như đào non, đào tơ, đào thơ, đào yêu... để chỉ người con gái đến tuổi lấy chồng.

  30. Vú sữa
    Loại cây trồng lớn nhanh, thân dẻo, tán rộng. Trái vú sữa to khoảng một nắm tay, da màu xanh, khi chín chuyển sang màu hồng nhạt, tía hoặc nâu ánh lục, vỏ nhiều mủ. Vú sữa hiện có rất nhiều giống như vú sữa Lò Rèn, vú sữa nâu tím, vú sữa vàng. Trong đó, giống vú sữa Lò Rèn được trồng nhiều nhất vì có vỏ mỏng, sáng bóng rất đẹp, thịt trái nhiều, hương vị thơm ngọt. Cây vú sữa được trồng nhiều ở miền Nam nước ta, nhất là ở các tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Cần Thơ, Cà Mau và một số tỉnh khác ở miền Trung và miền Bắc. Theo Tổ chức Kỷ lục Việt Nam năm 2013, Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới xuất khẩu trái vú sữa.

    Trái vú sữa

    Trái vú sữa

  31. Của làm ăn no, của cho ăn thêm
    Chỉ có của cải tự mình làm ra mới ăn tiêu được thỏa thuê.
  32. Ngoải
    Ngoài đó (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  33. Dâu tằm
    Loại cây thường được trồng hai bên bờ sông, chủ yếu để lấy lá cho tằm ăn. Lá và rễ dâu cũng là vị thuốc đông y. Quả dâu tằm chín cũng có thể dùng để ăn hoặc ngâm rượu, gọi là rượu dâu tằm. Ở nước ta, dâu có nhiều giống: dâu bầu, dâu da, dâu cỏ, dâu tam bội...

    Lá và quả dâu tằm

    Lá và quả dâu tằm

  34. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  35. Vì chưng
    Bởi vì (từ cổ).
  36. Chè
    Cũng gọi là trà, tên chung của một số loại cây được trồng lấy lá nấu thành nước uống. Một loại có thân mọc cao, lá lớn và dày, có thể hái về vò nát để nấu uống tươi, gọi là chè xanh. Loại thứ hai là chè đồn điền du nhập từ phương Tây, cây thấp, lá nhỏ, thường phải ủ rồi mới nấu nước, hiện được trồng ở nhiều nơi, phổ biến nhất là Thái Nguyên và Bảo Lộc thành một ngành công nghiệp.

    Đồi chè Thái Nguyên

    Đồi chè Thái Nguyên