Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Xống
    Váy (từ cổ).
  2. Quả
    Đồ đựng hình tròn, có nắp đậy, thường được dùng để đựng lễ vật khi đi hỏi cưới.

    Mâm quả cưới

    Mâm quả cưới

  3. Sa cơ
    Lâm vào tình thế rủi ro, khốn đốn.
  4. Mần
    Làm (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Như mần ăn, mần việc, đi mần...
  5. Mảng
    Mải, mê mải (từ cũ).
  6. Cơm tấm
    Cơm được nấu từ hạt gạo tấm, tức hạt gạo bị bể. Gạo này xưa là loại gạo thứ phẩm, rớt vãi sau khi sàng, thường dùng cho gà ăn hoặc cho người ăn lúc quá túng thiếu. Ngày nay cơm tấm đã trở thành món ăn quen thuộc, được coi là đặc sản của miền Nam.

    Cơm tấm

    Cơm tấm

  7. Lúa de
    Một giống lúa trước đây được trồng nhiều ở cánh đồng An Cựu, tỉnh Thừa Thiên-Huế.
  8. Quắn
    Xoăn tít (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  9. Ve
    Ve vãn, tán tỉnh.
  10. Cây trước
    Cây trúc (cách phát âm của người Nam Bộ).
  11. Mai
    Còn gọi là mơ, một loại cây thân nhỏ, nhiều cành, rất phổ biến các nước Đông Á, nhất là Trung Quốc và Nhật Bản. Cây ra hoa vào cuối mùa đông, đầu mùa xuân. Hoa mai nhỏ, mỗi hoa có năm cánh, thường hoa có màu trắng, mặc dù một số giống mai có thể cho hoa màu hồng hay đỏ sẫm. Trong văn học cổ, mai thường được dùng như một hình ảnh ước lệ, đại diện cho người phụ nữ. Lưu ý, cây mai này không phải là loại mai vàng của miền Nam nước ta.

    Hoa mai

    Hoa mai

  12. Trúc mai
    Trong văn chương, trúc và mai thường được dùng như hình ảnh đôi bạn tình chung thủy, hoặc nói về tình nghĩa vợ chồng.

    Một nhà sum họp trúc mai
    Càng sâu nghĩa bể càng dài tình sông

    (Truyện Kiều)

  13. Nước ròng
    Mực nước thấp nhất khi thủy triều xuống. Ngược lại với nước ròng là nước lớn, mực nước khi triều lên cao nhất.
  14. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  15. Đũi
    Một loại vải dệt bằng sợi kéo từ kén cắn tổ của tằm tơ. Ở những kén tằm già được nhà nuôi tằm để lại để gây giống, hoặc không ươm tơ kịp, nhộng tằm cắn kén để chui ra thành con ngài, làm cho tơ kén bị đứt, không thể ươm thành tơ được nữa, mà chỉ có thể dùng để kéo thành sợi đũi. Vải đũi thô hơn lụa, nên xưa kia được cho là loại vải thường, chỉ nhà nghèo mới mặc.
  16. Chợ Chùa
    Tên một ngôi chợ nằm ở địa bàn xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Tương truyền, tại làng Quảng Phong (tức thôn 5 xã Tam Quang hiện nay) có một người làm nhũ mẫu cho vua Gia Long, sau này thể theo ý nguyện của bà, vua cho lập ngôi chùa để bà thờ tự khói hương. Ngày ấy chùa được người địa phương gọi là chùa Bà Vú, trong sử sách ghi lại là chùa Quảng Phong. Sau đó ít lâu, người dân địa phương họp chợ ngay tại sân bãi cạnh chùa, bèn lấy tên chùa làm tên chợ là chợ Quảng Phong, sau dần dần gọi tắt là chợ Chùa.
  17. Chợ Vạn
    Tên một ngôi chợ là trung tâm mua bán ngày xưa của phủ Tam Kỳ, nay là thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Tên "Chợ Vạn" đôi khi còn được dùng để chỉ Tam Kỳ.
  18. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  19. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  20. Chíp miệng
    Chép miệng (phương ngữ Trung Bộ).
  21. Chợ Chùa
    Tên dân gian của một ngôi chợ có từ lâu đời, hiện nằm ở khu vực trung tâm huyện Nghĩa Hành, đồng thời cũng là tên một thị trấn thuộc huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Đây là nơi chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng sống và làm việc những năm tháng cuối đời.

    Thị trấn Chợ Chùa ngày nay

    Thị trấn Chợ Chùa ngày nay

  22. Có bản chép: Đặt chưn (chân, cách nói của người miền Trung).
  23. Én
    Loài chim nhỏ, cánh dài nhọn, đuôi chẻ đôi, mỏ ngắn, thường bay thành đàn.

    Chim én

    Chim én

  24. Hát bội
    Một loại hình văn nghệ dân gian cổ truyền phổ biến trước đây. Đây là một loại hình mang nặng tính ước lệ. Các diễn viên hát bộ phân biệt từ mặt mũi, râu tóc, áo quần để rõ kẻ trung nịnh, người sang hèn, ai thô lậu, thanh tú, ai minh chánh, gian tà. Sắc đỏ được dùng dặm mặt để biểu hiện vai trung thần; màu xám là nịnh thần; màu đen là kẻ chân thật; màu lục là hồn ma... Dàn nhạc dùng trong hát bội gồm có những nhạc cụ như: trống chiến, đồng la, kèn, đờn cò và có khi ống sáo. Nội dung các vở hát bội thường là các điển tích Trung Hoa.

    Về tên gọi, "bộ" đây có nghĩa là diễn xuất của nghệ sĩ đều phải phân đúng từng bộ diễn, nên gọi là "hát bộ", "diễn bộ", "ra bộ.. Gọi là “hát bội” là vì trong nghệ thuật hóa trang, đào kép phải đeo, phải giắt (bội) những cờ phướng, lông công, lông trĩ… lên người. Còn "tuồng" là do chữ "Liên Trường" (kéo dài liên tiếp thành một vở tuồng tích có khởi đầu truyện, có hồi kết cuộc, phân biệt với các ca diễn từng bài ngắn, từng trích đoạn), do ngôn ngữ địa phương mà thành "luông tuồng," "luôn tuồng..."

    Một cảnh hát bội

    Một cảnh hát bội

    Xem vở hát bội Thần nữ dâng Ngũ Linh Kỳ.

  25. Đào, kép
    Vai diễn trong một vở tuồng, chèo, cải lương... Đào là vai nữ, kép là vai nam. Cô dâu, chú rể trong đám cưới đôi khi cũng gọi là đào kép.

    Thanh Nga, nữ nghệ sĩ cải lương nổi tiếng của Nam Việt Nam vào những năm 70 của thế kỉ 20

    Thanh Nga, nữ nghệ sĩ cải lương nổi tiếng của Nam Việt Nam vào những năm 70 của thế kỉ 20

  26. Chém tre chẳng dè đầu mặt
    Đầu mặt (mắt tre) rất rắn. Chém tre mà chém vào đầu mặt thì lâu mới được và có khi mẻ dao. Câu này ý nói: Không kiêng nể kẻ quyền thế có khi gây hại cho công việc.
  27. Phong lưu
    Ngọn gió bay (phong), dòng nước chảy (lưu). Từ này vốn nghĩa là phẩm cách, tinh thần riêng của mỗi người, hiểu rộng ra là sung sướng, vui với cảnh, không phải chịu buồn khổ.

    Cõi trần thế nhân sinh là khách cả
    Nợ phong lưu kẻ giả có người vay

    (Nợ phong lưu - Nguyễn Công Trứ)

  28. Đồng Nai
    Tên gọi chung của toàn thể miền đồng bằng Nam Bộ, phổ biến vào thế kỉ 19 trở về trước, nay được giới hạn để chỉ một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ. Lịch sử của Đồng Nai gắn liền với lịch sử của vùng đất Nam Bộ, khi có làn sóng di dân từ Bắc vào Nam trong cuộc Trịnh-Nguyễn phân tranh vào thế kỉ 16. Hiện nay Đồng Nai là cửa ngõ đi vào vùng kinh tế Đông Nam Bộ, đồng thời là một trong ba mũi nhọn kinh tế miền Nam cùng với thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương.

    Văn miếu Trấn Biên - di tích tiêu biểu của Đồng Nai

    Văn miếu Trấn Biên - di tích tiêu biểu của Đồng Nai

  29. Nghệ Tĩnh
    Tên một vùng đất nay là hai tỉnh Nghệ AnHà Tĩnh.
  30. Trà Ôn
    Địa danh nay là một huyện của tỉnh Vĩnh Long, là vùng chuyên canh lúa và cây ăn trái của tỉnh. Huyện có cù lao Mây trên sông Hậu, là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển du lịch vườn. Ngoài ra Trà Ôn còn có chợ nổi ngay ngã ba sông Hậu và sông Mang Thít, quy tụ nhiều ghe thuyền đông vui tấp nập. Đến Trà Ôn, du khách còn có thể viếng lăng Thống chế Điều Bát, chùa Gò Xoài, đình Thiện Mỹ, đình Hậu Thạnh...

    Chợ nổi Trà Ôn

    Chợ nổi Trà Ôn

  31. Nguyễn Văn Tồn
    (1763–1820) Một danh tướng nhà Nguyễn, có công lớn trong việc giúp Thoại Ngọc Hầu chỉ huy quân dân đào kênh Vĩnh Tế (Châu Đốc, An Giang) và giúp dân nhiều vùng trong hai tỉnh Vĩnh Long-Trà Vinh khai khẩn đất hoang, thành lập nhiều xóm làng. Ông nguyên gốc người Khmer, có tên là Thạch Duồng hay Thạch Duông, nhờ lập nhiều công lớn mà được chúa Nguyễn Ánh ban cho tứ danh là Nguyễn Văn Tồn, về sau lại được phong hàm Thống chế, lãnh chức Điều bát nhung vụ (nên được gọi là Thống chế Điều bát). Mùng 4 tháng Giêng năm Canh Thìn (tức 27 tháng 2 năm 1820), ông bị bệnh mất tại Trà Ôn (Vĩnh Long). Tại đây vẫn còn đền thờ ông.

    Tượng Thống chế Điều bát trong đền thờ ông

    Tượng Thống chế Điều bát trong đền thờ ông

  32. Ăn độn
    Ăn cơm trong đó có độn thêm lương thực phụ như khoai, sắn, bo bo, v.v.

    Ngày hai bữa rau ta có muối
    Ngày hai buổi, không tìm củ pầu, củ nâu
    Có bắp xay độn gạo no lâu,
    Ðường ngõ từ nay không cỏ rậm

    (Dọn về làng - Nông Quốc Chấn)