Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Chữ đồng
    Từ cụm từ Hán Việt "đồng tâm đái," hoặc "dải đồng," chỉ sợi thắt lưng ngày xưa có hai dải lụa buộc lại với nhau. Văn chương cổ dùng từ "chữ đồng" hoặc "đạo đồng" để chỉ sự kết nguyền chung thủy của vợ chồng.

    Đã nguyền hai chữ đồng tâm
    Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai

    (Truyện Kiều)

  2. Nhơn đạo
    Nhân đạo (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  3. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  4. Bạn
    Người bạn gái, thường được dùng để chỉ người mình yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  5. Dầu mè
    Còn gọi là dầu lai, đậu cọc rào, bã đậu, loài cây bụi lâu năm, có độc, hay được trồng làm hàng rào. Lá, dầu và nhựa cây được sử dụng trong một số bài thuốc Đông y giúp tan máu ứ, tiêu sưng, chống ngứa...

    Dầu mè

    Dầu mè

  6. Chơi chữ giữa tên cây bã đậu và “bả (bà ấy) đậu.”
  7. Hẩm
    Chỉ thức ăn (thường là cơm, gạo) đã biến chất, hỏng.
  8. Nâu sồng
    Màu được nhuộm từ củ nâu và lá của cây sồng; dùng để chỉ quần áo của nhà chùa hay của người dân quê miền Bắc thường mặc.

    Áo nâu sồng

    Áo nâu sồng

  9. Sở
    Một nước thời Xuân Thu - Chiến Quốc ở Trung Quốc vào khoảng năm 1030 đến 223 trước Công nguyên. Với sức mạnh của mình, Sở đã tiêu diệt 45 chư hầu lớn nhỏ và ở thời hùng mạnh nhất, Sở chiếm nhiều vùng đất rộng lớn, gồm toàn bộ các tỉnh Hồ Nam, Hồ Bắc, và một phần của các tỉnh thành Trùng Khánh, Hà Nam, Thượng Hải, Giang Tô, Quý Châu, An Huy, Chiết Giang ngày nay.
  10. Tề
    Một nước thuộc thời kì Xuân Thu - Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc, tồn tại từ khoảng thế kỷ 11 đến năm 221 trước Công nguyên.
  11. Cẩm Nam
    Một cù lao nằm ở phía Nam thành phố Hội An, gần Cửa Đại, nơi sông Thu Bồn đổ ra biển.

    Phong cảnh Cẩm Nam

    Phong cảnh Cẩm Nam

  12. Giằng cối xay
    Cái cần dài một đầu có một khúc gỗ thọc vào lỗ tai cối, một đầu có thanh gỗ ngang buộc dính vào hai sợi dây từ cành cây hay trên sườn nhà thả thòng xuống. Khi xay bột hay xay lúa, người ta kéo giằng xay để cối quay tròn. Một số địa phương phát âm thành "giàng xay" hay "chàng xay".

    Xay lúa

    Xay lúa

  13. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  14. Nỏ
    Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).
  15. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  16. Cửu trùng
    Nghĩa đen là chín tầng, chỉ chín cõi trời theo quan niệm Phật giáo, gồm có: Vô vân, Phước sinh, Quảng quả, Vô tưởng, Vô phiền, Vô nhiệt, Thiện kiến, Thiện hiện, và Sắc cứu cánh.
  17. Dầu
    Dù (phương ngữ Nam Bộ).
  18. Xoan
    Một loại cây được trồng nhiều ở các vùng quê Việt Nam, còn có tên là sầu đâu (đọc trại thành thầu đâu, thù đâu), sầu đông... Cây cao, hoa nở thành từng chùm màu tím nhạt, quả nhỏ hình bầu dục (nên có cụm từ "hình trái xoan"). Xoan thường được trồng lấy gỗ, vì gỗ xoan không bị mối mọt.

    Hoa xoan

    Hoa xoan

  19. Me đất
    Còn gọi là chua me hoặc chua me đất, một loại cây thân thảo, mọc bò sát đất, hoa vàng hoặc tím. Lá me đất ăn được, vị hơi chua, có thể dùng để luộc, nấu canh ăn, nấu lấy nước uống. Cây và lá còn được dùng trong một số bài thuốc dân gian.

    Me đất

    Me đất

  20. "Me đất" nói lái lại thành "mất đe."
  21. Ngũ Hành Sơn
    Còn có tên là núi Non Nước, một danh thắng gồm 6 ngọn núi đá vôi nhô lên trên một bãi cát ven biển, trên một diện tích khoảng 2 km2, gồm: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn (lớn, cao và đẹp nhất), Hỏa Sơn (có hai ngọn) và Thổ Sơn, thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Ngũ Hành Sơn là một thắng cảnh nổi tiếng của Đà Nẵng.

    Ngũ Hành Sơn

    Ngũ Hành Sơn

  22. Châu Đốc
    Địa danh nay là thị xã của tỉnh An Giang, nằm sát biên giới Việt Nam - Campuchia và cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 250 km về phía Tây. Châu Đốc nổi tiếng vì có nhiều món ăn ngon và nhiều di tích lịch sử. Dưới thời Pháp thuộc, Châu Đốc là điểm khởi đầu thủy trình đến Nam Vang.

    Theo học giả Vương Hồng Sển, địa danh Châu Đốc có nguồn gốc từ tiếng Khmer moat-chrut, nghĩa là "miệng heo."

    Đêm Châu Đốc

    Đêm Châu Đốc

  23. Thất Sơn
    Còn có tên là Bảy Núi, chỉ hệ thống 37 ngọn núi mọc giữa đồng bằng Tây Nam Bộ, nằm trong địa phận hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, tỉnh An Giang. Bảy ngọn núi tiêu biểu được dùng để gọi tên cả dãy Thất Sơn bao gồm: Núi Cấm, Núi Dài Năm Giếng, Núi Cô Tô, Núi Phụng Hoàng, Núi Dài, Núi Tượng, Núi Két, Núi Nước. Hiện nay chưa rõ vì sao tên Bảy Núi lại được dùng.