Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Lạc
    Một loại cây lương thực ngắn ngày thuộc họ đậu, rất phổ biến trong đời sống của người dân Việt Nam. Lạc cho củ (thật ra là quả) mọc ngầm dưới đất, có vỏ cứng. Hạt lạc có thể dùng để ăn hoặc lấy dầu, vỏ lạc có thể ép làm bánh cho gia súc, thân và lá làm củi đốt. Ở miền Trung và miền Nam, lạc được gọi là đậu phộng, một số nơi phát âm thành đậu phụng.

    Hạt lạc (đậu phộng)

    Hạt lạc (đậu phộng)

  2. Cá nhồng
    Một loại cá săn mồi có cơ thể thuôn dài với các quai hàm khỏe, rất phàm ăn. Cá nhồng sống ngoài biển khơi, có thể bắt gặp ở dạng sống đơn độc hoặc thành bầy xung quanh các rạn san hô.

    Cá nhồng

    Cá nhồng

  3. Trà Nhiêu
    Tên một ngôi làng ở thôn Trà Đông, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Từ thế kỷ 16 đến 17, đây là nơi thông thương nổi tiếng nhờ có vị trí giao nhau thuận tiện của 3 nhánh sông Ly Ly, Thu Bồn và Trường Giang cùng đổ ra cửa biển Đại Chiêm.

    Đường làng Trà Nhiêu

    Đường làng Trà Nhiêu

  4. Mưa chẳng qua Ngọ, gió chẳng qua Mùi
    Kinh nghiệm đoán biết thời tiết: mưa buổi sáng thường không kéo dài sang quá buổi trưa (giờ Ngọ, từ 11h đến 13h); gió (bắc) thường lặng vào buổi chiều (giờ Mùi, từ 13h đến 15h).
  5. Câu liêm
    Dụng cụ gồm một lưỡi quắm hình lưỡi liềm lắp vào cán dài, dùng để móc vào mà giật, cắt những vật ở trên cao. Ngày xưa câu liêm còn được dùng làm vũ khí.

    Câu liêm

    Câu liêm

  6. Liềm
    Một nông cụ cầm tay có lưỡi cong khác nhau tùy từng loại, phía lưỡi thường có răng cưa nhỏ (gọi là chấu), dùng để gặt lúa hoặc cắt cỏ. Liềm có thể được xem là biểu tượng của nông nghiệp.

    Cái liềm

    Cái liềm

  7. Có bản chép: Mười lăm.
  8. Trăng náu
    Có ý kiến cho rằng trăng náu bắt nguồn từ "trăng đáo" nghĩa là trăng đầy, đủ.
  9. Trăng treo
    Có ý kiến cho rằng trăng treo bắt nguồn từ "trăng chiêu," nghĩa là trăng sáng.
  10. Đào
    Loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, cũng được trồng để lấy quả hay hoa. Hoa đào nở vào mùa xuân, là biểu tượng của mùa xuân và ngày Tết ở miền Bắc. Quả đào vị ngọt hoặc chua, mùi thơm, vỏ quả phủ một lớp lông mịn. Đào xuất hiện rất nhiều trong văn học cổ Trung Quốc và các nước đồng văn. Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Quả đào

    Quả đào

  11. Liễu
    Một loại cây thân nhỏ, lá rủ. Liễu xuất hiện rất nhiều trong thơ ca Á Đông, và thường tượng trưng cho người con gái chân yếu tay mềm.

    Liễu rủ bên hồ Gươm

    Liễu rủ bên hồ Gươm

  12. Mai
    Còn gọi là mơ, một loại cây thân nhỏ, nhiều cành, rất phổ biến các nước Đông Á, nhất là Trung Quốc và Nhật Bản. Cây ra hoa vào cuối mùa đông, đầu mùa xuân. Hoa mai nhỏ, mỗi hoa có năm cánh, thường hoa có màu trắng, mặc dù một số giống mai có thể cho hoa màu hồng hay đỏ sẫm. Trong văn học cổ, mai thường được dùng như một hình ảnh ước lệ, đại diện cho người phụ nữ. Lưu ý, cây mai này không phải là loại mai vàng của miền Nam nước ta.

    Hoa mai

    Hoa mai

  13. Trúc
    Một loại cây giống tre, mọc thành bụi, lá nhỏ và thưa hơn lá tre. Do trúc có dáng đẹp nên được trồng làm cây cảnh. Trong văn chương ngày xưa, trúc thường được dùng tượng trưng cho hình ảnh người quân tử, hoặc người con gái.

    Tranh thủy mặc vẽ trúc

    Tranh thủy mặc vẽ trúc

  14. Chàng ràng
    Quanh quẩn, vướng bận, chậm chạp (để kéo dài thời gian hoặc gây chú ý).
  15. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  16. Bằng trang
    Bằng cỡ, cỡ như.
  17. Bưng
    Vùng đồng lầy ngập nước, mọc nhiều cỏ lác. Từ này có gốc từ tiếng Khmer trapéang (vũng, ao), ban đầu đọc là trà bang, trà vang, sau rút lại còn bang rồi biến âm thành bưng. Bưng cũng thường được kết hợp với biền (biến âm của biên) thành bưng biền.
  18. Hẵm
    (Đất) lõm khuyết vào, tạo thành dốc đứng.
  19. Lài
    Thoai thoải.
  20. Gá duyên
    Kết thành nghĩa vợ chồng.
  21. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  22. Nam Vang
    Tên tiếng Việt của thành phố Phnom Penh, thủ đô nước Campuchia. Vào thời Pháp thuộc, để khai thác triệt để tài nguyên thuộc địa, chính quyền thực dân cho thành lập công ty tàu thủy, mở nhiều tuyến đường sông từ Sài Gòn và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, vận chuyển hành khách, thổ sản, hàng hoá các loại đến Nam Vang, và ngược lại. Do đời sống quá khổ cực, nhiều người Việt Nam đã đến lập nghiệp tại Nam Vang.
  23. Mần
    Làm (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Như mần ăn, mần việc, đi mần...
  24. Mần đĩ phải sắm giẻ lót
    Làm việc gì cũng phải lo liệu, chuẩn bị chu đáo.
  25. Ở đợ
    Làm công trong nhà người khác để trừ nợ (phương ngữ Nam Bộ). "Đợ" có nghĩa là thế vật hoặc người để trừ nợ.
  26. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  27. Sông Cầu
    Một nhãn hiệu thuốc lá bình dân phổ biến thời bao cấp.

    Thuốc lá Sông Cầu và Sa Pa

    Thuốc lá Sông Cầu và Sa Pa

  28. O
    Cô, cô gái, thím (phương ngữ miền Trung). Trong gia đình, o cũng dùng để chỉ em gái của chồng.