Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Bầu
    Loại cây dây leo cho quả, thường được nhân dân ta trồng cho bò trên giàn. Quả bầu, hoa bầu và đọt bầu non thường được dùng làm thức ăn, ruột và vỏ bầu khô có thể dùng làm các vật dụng gia đình hoặc làm mĩ nghệ. Có nhiều loại bầu: bầu dài, bầu tròn, bầu hồ lô (bầu nậm)...

    Giàn bầu nậm

    Giàn bầu nậm

  2. Loại cây dây leo được trồng mọc trên giàn để lấy quả. Tương tự như bầu, quả, hoa, hạt và đọt bí được dùng làm thức ăn. Hai loại bí thường gặp nhất là bí xanh (còn gọi là bí đao, bí dài, bí chanh) và bí đỏ (bí rợ).

    Giàn bí đao

    Giàn bí đao

  3. Cội
    Gốc cây.
  4. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  5. Ăn cơm gà gáy, cất binh nửa ngày
    Hành sự chậm chạp (ăn cơm từ lúc gà gáy nhưng đến giữa trưa mới cất binh ra trận).
  6. Nêu
    Cây tre cao đem trồng trước sân nhà mỗi dịp tết Nguyên Đán, trên ngọn có đeo một vòng tròn nhỏ và treo nhiều vật dụng có tính chất biểu tượng tùy theo địa phương, phong tục, dân tộc. Đọc thêm về sự tích cây nêu.

    Cây nêu

    Cây nêu

  7. Dải đất nền phía trước hoặc chung quanh nhà.
  8. Vừng
    Miền Trung và miền Nam gọi là mè, một loại cây nông nghiệp ngắn ngày, cho hạt. Hạt vừng là loại hạt có hàm lượng chất béo và chất đạm cao, dùng để ăn và ép lấy dầu.

    Hạt vừng có hai loại: trắng và đen

    Hạt vừng có hai loại: trắng và đen

  9. Đểnh đoảng
    Nhạt nhẽo, vô vị (cũng có nghĩa như "đoảng").
  10. Rau cần
    Một loại rau xanh thường được nhân dân ta trồng để nấu canh, xào với thịt bò, hoặc làm vị thuốc.

    Canh cá nấu cần

    Canh cá nấu cần

  11. Suông
    Thiếu hẳn nội dung quan trọng, gây nên sự nhạt nhẽo: Nấu canh suông (nấu canh chỉ có rau, không thịt cá), uống rượu suông (uống rượu không có thức nhắm)...

    Ðêm suông vô số cái suông xuồng,
    Suông rượu, suông tình, bạn cũng suông!

    (Đêm suông phủ Vĩnh - Tản Đà)

  12. Én
    Loài chim nhỏ, cánh dài nhọn, đuôi chẻ đôi, mỏ ngắn, thường bay thành đàn.

    Chim én

    Chim én

  13. Một loài chim rất quen thuộc với đồng quê Việt Nam. Cò có bộ lông màu trắng, sống thành đàn ở vùng đất ngập nước ngọt như hồ ao, kênh mương, sông, bãi bùn ngập nước, ruộng lúa... Thức ăn chủ yếu là các loại ốc, các động vật thuỷ sinh như ếch, nhái, cua và côn trùng lớn. Hình ảnh con cò thường được đưa vào ca dao dân ca làm biểu tượng cho người nông dân lam lũ cực khổ.

    “Con cò bay la
    Con cò bay lả
    Con cò Cổng Phủ,
    Con cò Đồng Đăng…”
    Cò một mình, cò phải kiếm lấy ăn,
    Con có mẹ, con chơi rồi lại ngủ.

    (Con cò - Chế Lan Viên)

    Cò

  14. Có bản chép: Chiều chiều vịt lội cò bay.
  15. Mây
    Tên chung của khoảng hơn 600 loài dây leo thuộc họ cọ, thân có nhiều gai, mọc nhiều ở các vùng rừng núi nước ta. Gỗ mây rất dẻo, được khai thác để sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, đồ dùng trong gia đình như bàn, ghế, đan giỏ đựng... Loài mây được trồng và sử dụng nhiều nhất ở nước ta là mây nếp.

    Dây mây

    Dây mây

  16. Gióng
    Còn gọi là quang, đồ vật làm bằng mây, gồm có đế gióng và 4 hay 6 quai gióng. Gióng được dùng kết hợp với đòn gánh - đòn gánh ở giữa, hai chiếc gióng hai bên, để gánh gạo và các loại nông sản khác.

    Quang gánh

    Quang gánh

  17. Tu hú
    Một loài chim có kích cỡ khá lớn, ăn quả và côn trùng, có tiếng kêu to dễ phân biệt. Chúng là chim đẻ nhờ, đẻ trứng của mình vào tổ của các loài chim khác, đặc biệt vào tổ của các loài chim dạng sẻ.

    Chim tu hú

    Chim tu hú

  18. Ác là
    Còn có tên là bồ các, một loại chim lớn (có thể dài từ 40-50 cm) có đầu, cổ và ngực màu đen bóng, bụng và vai màu trắng. Ác là loài ăn tạp, chúng có thể ăn từ chim non tới trứng, thú, sâu bọ nhỏ, hạt ngũ cốc và nhiều thứ khác. Có lẽ vì vậy trong ca dao dân ca, ác là thường tượng trưng cho điều xấu hoặc những kẻ độc ác. Tuy nhiên trong văn hóa Trung Quốc, ác là lại có tên là hỉ thước, tượng trưng cho điềm lành.

    Bồ các (ác là)

    Ác là

  19. Chích chòe
    Tên chung của một số loài chim nhỏ, đuôi dài, ăn sâu bọ. Các loại chính chòe thường gặp là chích chòe than (lông màu đen, có đốm trắng), chích chòe lửa (có bụng màu gạch đỏ như lửa), chích chòe đất... Hiện nay chích chòe thường được nuôi làm cảnh.

    Chích chòe lửa

    Chích chòe lửa

  20. Bìm bịp
    Tên chung để chỉ khoảng 30 loài chim do tiếng kêu của chúng tương tự như "bìm bịp" vào mùa sinh sản. Bìm bịp có lông cánh màu nâu như áo của thầy tu.

    Một con bìm bịp

    Một con bìm bịp

  21. Một loài chim ăn thịt, thường kiếm mồi vào ban đêm, có mắt lớn ở phía trước đầu. Người xưa xem cú là loài vật xấu xa, tượng trưng cho những người hoặc việc xấu, việc xui xẻo.

    Cú mèo

    Cú mèo

  22. Diều hâu
    Loài chim dữ, mỏ quặp, có thị lực rất sắc bén, hay bắt gà, chuột, rắn.

    Một loại diều hâu

    Một loại diều hâu

  23. Sáo
    Tên chung của một số loài chim nhỏ, có bộ lông sẫm màu, thường sống trong các hốc, lỗ, và đẻ trứng có vỏ màu xanh lam hoặc trắng. Vài loài sáo có khả năng bắt chước tiếng người, nên thường được nuôi làm chim cảnh.

    Chim sáo

    Chim sáo

  24. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  25. Kẻ bể
    Làng biển.
  26. Giã
    Làm cá (từ cũ).
  27. Cá trắng
    Một loại cá nước ngọt sống chủ yếu ở sông, suối, có thân hình nhỏ dẹp, con to nhất cỡ bằng hai ngón tay người lớn. Cá trắng nướng có hương vị thơm ngọt hấp dẫn.

    Cá trắng nướng

    Cá trắng nướng

  28. Chí
    Đến, kéo dài cho đến (từ Hán Việt).
  29. Cá khoai
    Còn gọi là cá cháo, cá chuối, một loài cá sống chủ yếu ở biển, đôi khi ở nước lợ. Cá có thân dài, hình ống hơi dẹp, dài trung bình khoảng 10-27 cm, thịt mềm, có màu trắng đục, xương rất ít, chỉ có một đường sụn chạy dọc theo sống lưng, đầu to, mắt nhỏ, miệng rộng có nhiều răng cứng, nhọn và rất sắc. Cá khoai được chế biến thành nhiều món ăn dân dã rất hấp dẫn như cháo cá khoai, canh cá khoai nấu ngót, nấu riêu, nhúng mẻ, làm khô nướng hay làm lẩu, v.v.

    Canh chua cá khoai

    Canh chua cá khoai

  30. Cá lẹp
    Một loài cá nhỏ, màu trắng bạc, thân mềm nhũn, sống ở biển hay vùng nước lợ. Cá lẹp nướng kẹp với lộc mưng chấm ruốc tôm (ruốc hôi) là món ăn quen thuộc của người dân Nghệ Tĩnh. Cá lẹp còn được làm mắm (một loại mắm xổi, tức mắm chỉ ép với muối vài ba ngày là ăn được).

    Cá lẹp

    Cá lẹp

  31. Cá mai
    Một loài cá biển nhỏ, mảnh, khoảng chừng ngón tay trỏ, thịt trong, săn chắc. Cá mai được ăn tươi và làm khô, với món ăn nổi tiếng nhất có lẽ là gỏi cá mai, một đặc sản của các địa phương khu vực Nam Trung Bộ như Ninh Thuận, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà…

    Gỏi cá mai

    Gỏi cá mai

  32. Quý hồ
    Miễn sao, chỉ cần (từ Hán Việt).
  33. Phương La
    Một làng nay thuộc xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Tại đây có nghề truyền thống là dệt vải, kéo dài từ thế kỷ 13 khi nơi này là hậu phương trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên của nhà Trần cho đến nay.
  34. Xửng mưa
    Bớt mưa, sắp tạnh mưa (phương ngữ Nam Trung Bộ).
  35. Gò Găng
    Một địa danh nay thuộc phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Tại đây có nghề làm nón truyền thống, đồng thời có phiên chợ nón Gò Găng rất độc đáo, họp từ nửa đêm đến rạng sáng. Nón làm ở chợ Găng ngày xưa chủ yếu là nón ngựa.

    Chợ nón Gò Găng

    Chợ nón Gò Găng

  36. Sa đì
    Tên gọi dân gian của bệnh trĩ.
  37. Truông
    Vùng đất hoang, có nhiều cây thấp, lùm bụi, hoặc đường qua rừng núi, chỗ hiểm trở (theo Đại Nam quấc âm tự vị).
  38. Đồ
    Từ tục, chỉ bộ phận sinh dục của người phụ nữ.
  39. Cốc
    Loài chim lội nước thuộc họ Bồ nông, thức ăn là các loại động vật thủy hải sản nhỏ

    Chim cốc

    Chim cốc

  40. Khăn vuông mỏ quạ
    Khăn hình vuông, được chít khéo léo thành hình nhọn như chiếc mỏ quạ trước trán. Áo tứ thân, yếm, khăn mỏ quạ, nón quai thao là những trang phục truyền thống của phụ nữ Kinh Bắc xưa.

    Phụ nữ miền Bắc trong trang phục truyền thống áo tứ thân, yếm đào, khăn mỏ quạ, nón quai thao

    Phụ nữ miền Bắc trong trang phục truyền thống áo tứ thân, yếm đào, khăn mỏ quạ, nón quai thao