Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Gành Bà
    Một gành đá nằm ở phía bắc vịnh Xuân Đài, dọc theo bán đảo Xuân Thịnh, tỉnh Phú Yên.

    Hòn Chùa nhìn từ Gành Bà

    Hòn Chùa nhìn từ Gành Bà

  2. Gành Ông
    Một ghềnh đá thuộc địa phận thôn Mỹ Quang, xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, cách Gành Bà chừng một cây số.

    Gành Ông

    Gành Ông

  3. Sơn hà
    Núi sông (từ Hán Việt). Từ cũ, nghĩa rộng dùng để chỉ đất nước.

    Nam quốc sơn hà Nam Đế cư
    Tiệt nhiên phận định tại thiên thư
    Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
    Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

    (Lý Thường Kiệt)

    Dịch thơ:

    Sông núi nước Nam vua Nam ở
    Rành rành định phận tại sách trời
    Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
    Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.

  4. Cựa
    Mẩu sừng mọc ở sau chân gà trống hoặc một vài loài chim khác, dùng để tự vệ và tấn công. Trong trò đá gà, người ta thường mua cựa sắt tra vào chân gà hoặc chuốt cựa gà thật bén.

    Cựa gà

    Cựa gà

  5. Bắc Đẩu
    Cũng gọi là Bắc Thần, Tinh Đẩu, hoặc Đại Hùng Tinh (sao Gấu Lớn), một mảng sao gồm bảy ngôi sao sáng có hình dạng như cái gầu múc nước, hoặc như cái bánh lái (nên lại còn có tên là sao Bánh Lái). Cạnh ngắn phía dưới của chòm sao Bắc Đẩu (xem hình dưới) nối dài sẽ gặp sao Bắc Cực nằm rất gần với hướng Bắc. Vì vậy, người xưa thường dùng chòm sao Bắc Đẩu và sao Bắc Cực để tìm hướng Bắc.

    Chòm sao Bắc Đẩu

    Cụm sao Bắc Đẩu

  6. Gòn
    Còn gọi là cây bông gòn, một loại cây to, vỏ màu xanh tươi, lá kép hình chân vịt, cho quả hình thoi chứa nhiều sợi bông. Khi quả chín khô và nứt ra, từng túm bông sẽ phát tán theo gió, mang theo những hạt màu đen, giúp cây nhân giống. Bông trong quả gòn được dùng để nhồi nệm, gối và làm bấc đèn.

    Cây và quả gòn

    Cây và quả gòn

  7. Cỏ may
    Một loại cỏ thân cao, có nhiều hoa nhỏ thành chùm màu tím sậm, hay gãy và mắc vào quần áo (có lẽ vì vậy mà thành tên cỏ may). Cỏ may xuất hiện rất nhiều trong văn thơ nhạc họa.

    Hồn anh như hoa cỏ may
    Một chiều cả gió bám đầy áo em

    (Hoa cỏ may - Nguyễn Bính)

    Cỏ may

    Cỏ may

  8. Bòn bon
    Một loại cây cho trái ăn được, mọc nhiều ở các vùng rừng núi Quảng Nam (nơi bòn bon còn được gọi là lòn bon). Trái bòn bon còn có hai tên quý phái hơn do vua nhà Nguyễn ban: nam trân, tức "(trái) quý ở phương nam" và trung quân, tương truyền vì trong khi trốn tránh quân Tây Sơn, nhờ có trái bòn bon ăn cứu đói mà nhóm quân phò chúa mới cầm cự được. Ưu ái này còn được biểu hiện qua việc chạm hình bòn bon vào Nhân đỉnh, tức đỉnh thứ nhì trong Cửu Đỉnh ở sân Thế miếu trong Hoàng thành Huế. Trước năm 1854 triều đình có đặt quan trông coi việc thu hoạch bòn bon ở thượng nguồn sông Ô Gia, tỉnh Quảng Nam để tiến kinh. Ba huyện Đại Lộc, Quế Sơn và Tiên Phước nay vẫn nổi tiếng là xuất xứ bòn bon ngon và ngọt.

    Bòn bon

    Bòn bon

  9. Chúa
    Chủ, vua.
  10. Ý muốn nhắc đến tích Quan Vân Trường về hàng Tào Tháo trong Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung: Tào Tháo khởi 20 vạn quân đánh Lưu Bị. Lưu Bị thua to phải chạy sang nương nhờ Viên Thiệu. Bấy giờ, Quan Vân Trường đóng giữ Hạ Bì. Tào Tháo đem quân đến đánh, Hạ Bì thất thủ. Vân Trường phải rút quân lên núi đất đóng quân tạm nghỉ. Tào Tháo cho Trương Liêu lên dụ Quan Vân Trường hàng. Thế cô lực kiệt, Vân Trường nói: "Tôi có 3 điều giao ước, nếu Thừa tướng (Tào Tháo) nghe cho, tôi xin lập tức cởi giáp lại hàng, nhược bằng không nghe, tôi đành chịu 3 tội mà chết. Một là: Ta cùng Hoàng Thúc (chỉ Lưu Bị) có lập lời thề cùng nhau giúp nhà Hán, nay ta chỉ hàng vua Hán, không hàng Tào Tháo. Hai là: hai chị dâu ta phải được cấp dưỡng theo bổng lộc của Hoàng Thúc, nhất nhất người ngoài không được đến cửa. Ba là: Hễ ta được thấy Hoàng thúc ở đâu, ta lập tức cáo từ rồi đi theo. Ba điều ấy nếu thiếu một điều, ta nhất địnhkhông hàng." Tào Tháo ưng thuận, Quan Vân Trường bèn quy hàng Tào.
  11. Huyên đường
    Mẹ (từ cũ, văn chương).

    Huyên là một giống cỏ, tục gọi là cây hiên hay kim châm. Trong Kinh thi có câu: "Yên đắc huyên thảo, ngôn thụ chi bối", nghĩa là: ước gì được cây hoa hiên trồng ở chái phía bắc. Theo phương hướng kiến trúc Trung Hoa, chái nhà phía Bắc gọi là "bắc đường", là nơi phụ nữ ở. Từ đó, huyên đường - tức chái nhà có trồng cỏ huyên - còn có ý chỉ người mẹ.

    Tiên rằng: Thương cội thung huyên
    Tuổi cao tác lớn chịu phiền lao đao
    Trông con như hạn trông dào
    Mình này trôi nổi phương nào biết đâu
    (Lục Vân Tiên - Nguyễn Đình Chiểu)

  12. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  13. Trai son gái hóa
    Không xứng đôi vừa lứa: trai thì trẻ trung, chưa vợ (son); gái đã góa (hóa) chồng.
  14. Trai tân
    Con trai chưa vợ.
  15. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  16. Xuồng ba lá
    Một loại xuồng (thuyền) đặc trưng cho vùng sông nước Nam Bộ. Có tên như vậy vì xuồng được làm từ ba tấm ván, gồm hai tấm hai bên làm be xuồng và một tấm giữa làm đáy xuồng. Để xuồng được cứng chắc, người ta dùng những chiếc “cong” tạo thành bộ khung mô phỏng bộ xương sườn của cá. Bộ cong này có nhiệm vụ cố định thân xuồng, chống đỡ sức ép của nước từ bên ngoài vào, đồng thời giữ chặt ván xuồng, giúp xuồng không bị biến dạng.

    Xuồng ba lá

    Xuồng ba lá

  17. Thơ
    Thư (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  18. Tích thiện phùng thiện, tích ác phùng ác
    Theo Minh Tâm Bửu Giám: Tích thiện phùng thiện, tích ác phùng ác, tử tế tư lường, thiên địa bất thác. Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo, nhược hoàn bất báo, thời thần vị đáo. (Tích chứa điều thiện thì gặp thiện, tích chứa điều ác thì gặp ác, phải suy nghĩ cho kĩ, trời đất không khi nào sai lầm cả. Người làm điều thiện thì có điều thiện trả lại, người điều ác thì có điều ác trả lại, nếu chưa thấy trả lại thì là chưa đến ngày giờ).
  19. Mưu thâm họa diệt thâm
    Mưu mô càng hiểm độc thì tai họa đem lại (cho bản thân) càng tai hại.
  20. Đề lao
    Tù ngục.