Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Hông xôi
    Cho gạo nếp vào cái hông (nồi chõ to) để hấp cho chín thành xôi.

    Cái hông (nồi chõ)

    Cái hông (nồi chõ)

  2. Bồ
    Đồ cỡ lớn đựng thóc lúa, thường đan bằng tre.

    Bồ và cối xay thóc

    Bồ và cối xay thóc

  3. Đay
    Một loại cây thuộc họ bông gòn, chiều cao từ 2 - 5 m, vỏ cây dùng để làm sợi. Trong Chiến tranh Đông Dương, Pháp và Nhật đã bắt dân ta "nhổ lúa trồng đay" nhằm phục vụ chiến tranh (sản xuất quân trang, quân phục), làm sản lượng lương thực bị giảm mạnh, góp phần gây nên nạn đói năm Ất Dậu ở miền Bắc.

    Cây đay

    Cây đay

  4. Bài ca dao này ra đời vào khoảng những năm 1940, khi quân đội Nhật Bản đổ bộ vào Bắc Kỳ với sự đồng ý của chính phủ Pháp, khi ấy đã đầu hàng Đức Quốc Xã. Dưới sự cai trị của Nhật, từ tháng 10 năm 1944 đến tháng 5 năm 1945, nạn đói khủng khiếp diễn ra trên toàn miền Bắc làm ước tính 2 triệu người chết. Đây là tiền đề cho cuộc cách mạng tháng Tám 1945.

    Người chết vì đói năm Ất Dậu

    Người chết vì đói năm Ất Dậu

  5. Bình vôi
    Ngày xưa nhân dân ta thường hay ăn trầu với cau và vôi. Bình vôi là dụng cụ bằng gốm hay kim loại để đựng vôi ăn trầu, đôi khi được chế tác rất tinh xảo, và tùy theo hình dạng mà cũng gọi là ống vôi.

    Bình vôi bằng gốm làng Dưỡng Động (Hải Phòng)

    Bình vôi bằng gốm làng Dưỡng Động (Hải Phòng)

  6. Bối
    Những sợi dây quấn buộc với nhau. Cũng có khi nói là búi, bới.
  7. Le le
    Tên một loài chim gần giống vịt trời, hay kiếm ăn ở vùng đồng ruộng hay bưng biền, gặp nhiều ở vùng Đồng Tháp Mười.

    Con le le

    Con le le

  8. Chân le chân vịt
    Trạng thái sốt ruột, đứng ngồi không yên, hoặc nửa muốn ở nửa muốn đi. Giống như một chân là chân le le (bay được), một chân là chân vịt (không bay được).
  9. Giang khúc
    Khúc sông quanh co.
  10. Con long
    Con rồng.
  11. Vụ năm
    Vụ lúa chiêm, gieo cấy vào cuối tháng mười âm lịch, thu hoạch vào đầu tháng năm âm lịch.
  12. Vụ mười
    Vụ lúa mùa, gieo cấy vào cuối tháng năm âm lịch, thu hoạch vào đầu tháng mười âm lịch.
  13. Có bản chép: Trời ra: gắng, trời lặn: về.
  14. Truân chuyên
    Vất vả. Từ này có gốc từ từ Hán Việt truân chiên 迍邅 nghĩa là "Vướng víu, chật vật không bước lên được" (theo Thiều Chửu).
  15. Dân họ
    Dân chúng.
  16. Quan viên
    Chỉ chung những người có địa vị hoặc chức vụ trong làng xã.
  17. Mực
    Mẫu mực, khuôn phép.
  18. Có bản chép: cho hay.
  19. Đồng điền
    Đồng ruộng.
  20. Có bản chép: đồng ruộng.
  21. Can qua
    Can 干 chữ Hán nghĩa là cái mộc để đỡ. Qua 戈 là cây mác, một loại binh khí ngày xưa. Can qua chỉ việc chiến tranh.
  22. Đương
    Trọn vẹn, đầy đủ.
  23. Sưu thuế
    Sưu (hay xâu) là số ngày người dân phải tham gia lao động công ích, nhưng cho phép nộp bằng tiền để thuê người làm thay; thuế là số tiền (hoặc hiện vật) người dân phải nộp cho chính quyền.
  24. Phép thường
    Quy định thông thường.
  25. Hỗ trợ
    Giúp đỡ lẫn nhau. Từ Hán Việt này được cấu thành từ hai chữ hỗ (lẫn nhau) và trợ (giúp đỡ). Hiện nay hỗ trợ thường được dùng với nghĩa "giúp đỡ" từ một phía (ví dụ: hỗ trợ học sinh học tập). Đây là một cách dùng sai.
  26. Lao đao
    Vất vả khó khăn từ nhiều phía.
  27. Tạo hóa
    Đấng tạo ra vạn vật theo quan niệm của người xưa.
  28. Bần
    Nghèo (từ Hán Việt).
  29. Phú
    Giàu (từ Hán Việt).
  30. Miếu
    Trung và Nam Bộ cũng gọi là miễu, một dạng công trình có ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng trong văn hóa nước ta. Nhà nghiên cứu Toan Ánh trong Tín ngưỡng Việt Nam, quyển thượng, cho rằng: Miếu cũng như đền, là nơi quỷ thần an ngự. Miếu nhỏ hơn đền, thường xây theo kiểu hình chữ nhật với hai phần cách nhau bởi một bức rèm, nội điện bên trong và nhà tiền tế bên ngoài… Miếu thường được xây trên gò cao, nơi sườn núi, bờ sông hoặc đầu làng, cuối làng, những nơi yên tĩnh để quỷ thần có thể an vị, không bị mọi sự ồn ào của đời sống dân chúng làm nhộn. Trong miếu cũng có tượng thần hoặc bài vị thần linh, đặt trên ngai, ngai đặt trên bệ với thần sắc hoặc bản sao…

    Miếu Nhị Phủ ở Sài Gòn

    Miếu Nhị Phủ ở Sài Gòn

  31. Có bản chép: tiếng đôi.
  32. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  33. Nỏ
    Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).
  34. Rầy
    La mắng (phương ngữ).
  35. Mê tâm
    Lòng dạ (đầu óc) u mê.
  36. Chình
    Cái chĩnh nhỏ, dùng để đựng gạo hoặc mắm (phương ngữ).
  37. Mắm nêm
    Cũng gọi là mắm cái ở một số vùng, một loại mắm lên men từ cá, có nhiều ở miền Trung và miền Nam, dùng làm nước chấm trong các bữa ăn. Tùy theo phong tục từng vùng mà mắm nêm được pha với các loại gia vị khác nhau, thường là tỏi, ớt, thơm (dứa)...

    Mắm nêm Bình Thuận

    Mắm nêm Bình Thuận

  38. Phượng hoàng
    Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

  39. Loan
    Theo một số điển tích thì phượng hoàng là tên chung của một loại linh vật: loan là con mái, phượng là con trống. Cũng có cách giải nghĩa khác về loan, mô tả loan là một loài chim giống với phượng hoàng. Trong văn thơ cổ, loan và phụng thường được dùng để chỉ đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng (đèn loan, phòng loan...)

    Nào người phượng chạ loan chung,
    Nào người tiếc lục tham hồng là ai

    (Truyện Kiều)

  40. Nam mô
    Phiên âm của từ Namo नमो (nghĩa là tôn kính hoặc hướng về) trong tiếng Sanskrit, để thể hiện sự sùng kính hoặc quy ngưỡng. Người theo đạo Phật thường dùng tiếng "Nam mô" để khởi đầu cho câu niệm danh hiệu các Phật và Bồ Tát. "Nam mô" còn đọc là "Nam vô" 南無 theo phiên âm từ tiếng Hán.
  41. Quan Âm bồ tát
    Quan Âm, Quan Thế Âm, Quán Âm, Phật Bà đều là các tên gọi khác nhau của Quán Thế Âm, một trong những vị Bồ Tát quan trọng nhất trong Phật giáo Đại thừa. Theo đạo Phật cũng như dân gian, Quan Âm có hình hài của một người phụ nữ, gương mặt hiền lành phúc hậu, đứng hoặc ngồi xếp bằng trên tòa sen, tay cầm bình nước cam lồ, thường hiện ra để cứu khổ cứu nạn - vì vậy những người gặp nạn thường niệm "Nam mô Quan Thế Âm bồ tát." Một số tài liệu, hình vẽ và tượng lại mô tả Quan Âm là một vị phật có nghìn mắt, nghìn tay để quán xuyến việc thế gian.

    Quan Thế Âm bồ tát

    Quan Thế Âm bồ tát

  42. Lạt
    Tre hoặc nứa chẻ mỏng, dẻo, dùng làm dây buộc.