Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Cơ hàn
    Đói (cơ 飢) và lạnh (hàn 寒). Chỉ chung sự nghèo khổ cơ cực.

    Bạn ngồi bạn uống rượu khan
    Tôi ngồi uống nỗi cơ hàn bạn tôi!

    (Gặp bạn ở chợ Bến Thành - Hoàng Đình Quang)

  2. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  3. Bần
    Còn gọi là cây thủy liễu, loài cây gặp nhiều ở các vùng ngập mặn Nam Bộ. Gỗ bần chủ yếu dùng làm chất đốt, còn trái bần có vị chua, chát với mùi thơm đặc trưng được chế biến thành nhiều món ăn đặc sản của Nam Bộ như mắm bần, lẩu cá nấu bần, mứt bần, kẹo bần...

    Cây và quả bần

    Cây và quả bần

  4. Phân
    Nói cho rõ, bày tỏ.
  5. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  6. Khoai lang
    Một loại cây nông nghiệp với rễ củ lớn, chứa nhiều tinh bột, có vị ngọt, gọi là củ khoai lang. Nhân dân ta trồng và sử dụng khoai lang làm lương thực, tận dụng cả phần củ (rễ), thân, và lá.

    Thu hoạch khoai lang

    Thu hoạch khoai lang

  7. Choòng
    Dụng cụ cầm tay bằng sắt hoặc thép, dùng để đào, bẩy, đục lỗ trong đất, đá.
  8. Hài nhi
    Trẻ thơ, trẻ sơ sinh (từ Hán Việt).
  9. Goòng
    Xe nhỏ có bốn bánh sắt chuyển trên đường ray để chở than, quặng, đất (từ tiếng Pháp wagon).
  10. Ghe
    Thuyền nhỏ, thường đan bằng tre (gọi là ghe nan) hoặc bằng gỗ. Từ này đôi khi được dùng để chỉ tàu thuyền nói chung, nhất là ở vùng Trung và Nam Bộ.

    Chèo ghe

    Chèo ghe

  11. Gành Hàu
    Địa danh nay thuộc thôn Tân Hòa, xã An Hòa, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Phía ngoài Gành Hàu là cù lao Mái Nhà.
  12. Go
    Một bộ phận của khung cửi, gồm nhiều dây bắt chéo nhau từng đôi một, dùng để luồn và đưa sợi dọc lên xuống trong khi dệt.

    Xâu sợi qua go

    Xâu sợi qua go

  13. Bồ nâu
    Cũng gọi là pha nâu, một loại cây lớn, có gai, cho quả lớn và thơm (theo Đại Nam quấc âm tự vị).
  14. Cà riềng cà tỏi
    Nói năng lăng nhăng, ấm ớ, lôi thôi (theo Từ điển phương ngữ Nam Bộ).
  15. Nẻ
    Nứt ra, nứt nẻ.
  16. Tim
    Bấc đèn. Gọi vậy là bắt nguồn từ tên Hán Việt hỏa đăng tâm (tim của lửa đèn). Tim hay bấc đèn dầu là một sợi dây thường làm bằng bông, một đầu nhúng vào dầu, đầu kia nhô một chút khỏi bầu đèn. Để chỉnh độ sáng tối của đèn, người ta điều chỉnh độ dài ngắn của phần tim đèn nhô lên này bằng một hệ thống nút vặn.

    Đèn dầu

    Đèn dầu

  17. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  18. Đom đóm
    Loài côn trùng cánh cứng nhỏ có khả năng phát quang, có tập tính hoạt động về ban đêm, con đực thường có cánh và bay vào những đêm đầu mùa hạ.

    Con đom đóm

    Con đom đóm

  19. Kỳ Đồng
    Tên thật là Nguyễn Văn Cẩm, sinh năm 1875 tại làng Trung Lập, phủ Tiên Hưng, tỉnh Hưng Yên, nay là xã Văn Cẩm, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Ông nổi tiếng thông minh từ nhỏ, 8 tuổi đã đỗ loại ưu kì thi hương (Kỳ Đồng là tên do vua Tự Đức sắc phong, nghĩa là "đứa trẻ kỳ tài"). Năm 1887, ông được Pháp cho đi du học tại Algérie, và quen thân với cựu hoàng Hàm Nghi đang bị đày ở đây. Sau ông từ chối lời mời làm quan của Pháp mà chỉ xin đất để mở mang việc làm ruộng ở Yên Thế vào năm 1897. Sợ ông liên lạc với Đề Thám, Pháp đã đày ông sang đảo Marquises, Tahiti. Ông mất ở Tahiti năm 1929.

    Kỳ Đồng (đứng) và một viên chức pháp ở Tahiti

    Kỳ Đồng (đứng) và một viên chức Pháp ở Tahiti

  20. Hoàng Hoa Thám
    Còn gọi là Đề Thám, lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Yên Thế chống Pháp (1885–1913), được nhân dân suy tôn là "Hùm thiêng Yên Thế." Ông sinh năm 1858 tại Tiên Lữ, Hưng Yên, tham gia chống Pháp khi mới 15 tuổi.Từ năm 1897, ông lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Đến năm 1913, do lực lượng giảm sút, nhiều người bỏ trốn, Đề Thám phải nhờ đến Lương Tam Kỳ hỗ trợ. Tuy nhiên, ngày 10-2-1913, ông bị hai tên thủ hạ Lương Tam Kỳ giết hại tại một khu rừng cách chợ Gồ 2km, nộp đầu cho Pháp lấy thưởng. Sự kiện này đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của phong trào khởi nghĩa Yên Thế.

    Đề Thám (hình trong bộ sưu tập của ông Guy Lacombe)

    Đề Thám (hình trong bộ sưu tập của ông Guy Lacombe)

  21. Trần Hữu Giảng
    Một nhà yêu nước hoạt động trong nhóm văn thân ở thôn Quần Anh (nên dân gian cũng gọi là bá hộ Quần Anh), nay thuộc xã Hải Trung, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Năm 1897, ông đã bắt liên lạc với Kỳ Đồng, đồng thời cử người lên tăng cường cho lực lượng của Đề Thám.
  22. Xắc-sơ
    Lính chiến (từ tiếng Pháp chasseur).

    Chasseur à cheval (khinh kị binh)

  23. Cát-xê
    Vỡ, rách (từ tiếng Pháp casser).
  24. Lờ
    Dụng cụ đánh bắt cá đồng làm bằng nan tre. Hình dạng của lờ giống như một cái lồng, ở một đầu có chế tạo một miệng tròn gọi là miệng hom sao cho cá chỉ có thể từ ngoài chui vào lờ thông qua miệng hom mà không thể chui ra. Khi đặt lờ thường người đặt thả mồi vào trong để dụ cá bơi vào.

    Lờ có nhiều loại: Loại đại dài từ 0,5 đến 1 m, gọi là “lờ bầu”, thả chỗ nước sâu như sông, hồ để bắt cá diếc, sảnh, dầy. Loại tiểu gọi là “lờ đồng”, thả nơi nước cạn như ao, đìa, ruộng bắt cá trê, rô, sặc, mương, nhét…

    Lờ bắt cá

    Lờ bắt cá

  25. Lính thú
    Lính đi đóng đồn, canh phòng ở các vùng biên giới.
  26. Cao Bằng
    Một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc nước ta, có núi, rừng, sông, suối trải dài hùng vĩ, bao la, thiên nhiên còn nhiều nét hoang sơ. Cao Bằng nổi tiếng với thắng cảnh thác Bản Giốc. Ngoài ra, nơi đây còn có các khu du lịch nổi tiếng khác như Động Ngườm Ngao hay hồ núi Thang Hen. Vì là vùng đất biên giới nên xưa kia các triều đại phong kiến nước ta luôn cho quân lính đồn trú tại Cao Bằng (gọi là trấn thủ lưu đồn).

    Thác Bản Giốc

    Thác Bản Giốc

  27. Giã
    Như từ giã. Chào để rời đi xa.
  28. Đạo hằng
    Đạo thường. Ý nói ăn ở bình thường, ngay thẳng, có đạo đức. Cũng nói là tính (tánh) hằng.