Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Căn duyên
    Theo giáo lý nhà Phật, hai người gặp nhau được là nhờ duyên nợ từ kiếp trước, hay còn gọi là nhân duyên. Lấy bản tính làm nhân duyên, gọi là căn duyên. Còn lấy ngoại cảnh làm duyên gọi là trần duyên. Cũng có sách gọi căn duyên là tâm duyên.
  2. Tợ
    Tựa như, giống như (phương ngữ Nam Bộ).
  3. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  4. Tỉ như
    Giống như, cũng như (phương ngữ Nam Bộ).
  5. Tầm gửi
    Còn gọi là chùm gửi, là tên gọi chung của một họ thực vật sống bán kí sinh trên những cây khác. Có khoảng 1300 loại tầm gửi, vài loại trong số đó có tác dụng chữa bệnh.

    Một chùm tầm gửi trên cây gạo

    Một chùm tầm gửi trên cây gạo

  6. Gắn bó không chặt chẽ, thường dùng trong những trường hợp quan hệ tình nghĩa không như ý.
  7. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  8. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  9. Cu li
    Từ tiếng Pháp coolie, chỉ người lao động làm những công việc nặng nhọc.
  10. Hồng Gai
    Cũng gọi là Hòn Gai, tên cũ là Bang Gai hoặc Áng Gai, nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Cuối thế kỷ 19 trở về trước, đây là một vùng vắng vẻ, cư dân thưa thớt, vốn chỉ là vũng biển đậu thuyền. Tại đây có mỏ Hòn Gai, một mỏ than đã được đưa vào khai thác từ thời Pháp thuộc.

    Một góc mỏ than Hòn Gai thời Pháp thuộc

    Một góc mỏ than Hòn Gai thời Pháp thuộc

  11. Công ti than Bắc Kì
    Tên tiếng Pháp là Société française des charbonnages du Tonkin (viết tắt là SFCT), một công ti Pháp được thành lập 1988 với mục đích quản lí và vơ vét tài nguyên than đá ở Hạ Long với thị trường xuất khẩu chính là Nhật Bản. Công ti này tuyển dụng người Hoa ("khách") và người Việt làm phu mỏ với mức lương rẻ mạt. Đây là cái nôi ra đời của giai cấp công nhân Việt Nam nói chung và công nhân khu mỏ Quảng Ninh nói riêng.

    Mỏ than Hà Tu

    Mỏ than Hà Tu thuộc công ti than Bắc Kì

  12. Chú khách
    Một cách gọi người Hoa sống ở Việt Nam. Từ này bắt nguồn từ chữ "khách trú," cũng gọi trại thành cắc chú.
  13. An Nam
    Tên gọi của nước ta trong một số giai đoạn lịch sử. Tiêu biểu nhất có lẽ là dưới thời kì đô hộ của thực dân Pháp, khi nước ta bị chia thành ba kỳ.
  14. Hà Lầm
    Địa danh nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long. Tại đây có mỏ Hà Lầm, một mỏ than đã được đưa vào khai thác từ thời Pháp thuộc.
  15. Hà Tu
    Tên cũ là Hà Sú, nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây có mỏ than Hà Tu, vào thời Pháp thuộc thuộc sự quản lí của công ti than Bắc Kì.

    Đường sắt mỏ Hà Tu (Nguồn: Thư viện quốc gia Pháp)

    Đường sắt mỏ Hà Tu (Nguồn: Thư viện quốc gia Pháp)

  16. Ngã Hai
    Một khu vực thuộc xã Dương Huy, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây có mỏ than Ngã Hai, hiện vẫn còn được khai thác.
  17. Vãng lai
    Đi lại (từ Hán Việt).
  18. Đốc công
    Người thay mặt chủ xí nghiệp trông nom công việc của thợ thuyền ngày trước.
  19. Cai
    Người trông coi trong các công trường, nhà tù thời phong kiến, Pháp thuộc.
  20. Va-gông
    Toa xe (từ tiếng Pháp wagon).
  21. La ga
    Tiếng Pháp la gare, nghĩa là nhà ga.
  22. Nagotna
    Một mỏ than thuộc quyền sở hữu của công ti Than Bắc Kì dưới thời Pháp thuộc, nối với mỏ than Hà Tu bằng một tuyến đường sắt dài 3km.
  23. Vân vi
    Đầu đuôi câu chuyện, đầu đuôi sự tình (từ cũ).
  24. Ăng-lê
    Nước Anh hoặc người Anh (từ tiếng Pháp Anglais).
  25. Cửa Ông
    Địa danh nay là phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây có đền Cửa Ông, được xem là một trong những ngôi đền đẹp nhất Việt Nam, thờ Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng cùng nhiều nhân vật lịch sử thời Trần.

    Đền Cửa Ông

    Đền Cửa Ông

  26. Cẩm Phả Po
    Cảng Cẩm Phả ("po" phiên âm từ tiếng Pháp port, nghĩa là cửa hoặc cảng).
  27. Cẩm Phả min
    Mỏ than Cẩm Phả ("min" phiên âm từ tiếng Pháp mine, nghĩa là mỏ).
  28. Cọc Sáu
    Tên một mỏ than nay thuộc địa phận phường Cẩm Phú, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.
  29. Mông Dương
    Địa danh nay là tên một phường thuộc thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Đây là nơi có mỏ than Mông Dương, một trong những mỏ thang có trữ lượng lớn và chất lượng tốt nhất từ thời Pháp thuộc.

    Khai thác than ở mỏ Mông Dương

    Khai thác than ở mỏ Mông Dương

  30. Tên Baille, sếp đường tàu hỏa.
  31. La voa
    Sổ nhật trình.
  32. Núi Béo
    Tên một mỏ than nay thuộc địa phận phường Bạch Đằng, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
  33. Cọc Năm
    Một mỏ than thuộc quyền quản lí của công ti than Bắc Kì dưới thời Pháp thuộc, nay thuộc địa phận phường Hồng Gai, thành phố Hạ Long.
  34. Tháng mười tháng một khí trời thường khô, se, da người thường bị nứt nẻ.
  35. Anh em cọc chèo
    Những người cùng làm rể trong một gia đình, còn gọi là anh em cột chèo, anh em đồng hao hay anh em đứng nắng.
  36. Sò huyết
    Một loại sò, có tên như vậy vì có huyết đỏ. Sò huyết là một loại hải sản rất tốt cho sức khỏe, và được chế biến thành nhiều món ăn ngon như sò huyết nướng, cháo sò huyết... Ngày xưa sò huyết còn dùng để tiến vua.

    Sò huyết

    Sò huyết

  37. Bãi Ngao
    Tên một phần thuộc xã An Hiệp, huyện Tuy An của đầm Ô Loan, tỉnh Phú Yên. Có tên như vậy vì ở đây rất nhiều nghêu sò, đặc biệt là sò huyết, một đặc sản của đầm Ô Loan.

    Đầm Ô Loan

    Đầm Ô Loan

  38. Đá Trắng
    Một ngọn núi nay thuộc xã An Dân, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Tại đây có chùa Đá Trắng (Bạch Thạc Tự, hoặc chùa Từ Quang) được xây dựng từ năm 1797, xung quanh là một vườn trồng giống xoài quý cũng có tên là xoài Đá Trắng. Tương truyền, xoài Đá Trắng trái nhỏ, vỏ mỏng, cùi ngọt lịm, để được lâu, hương không phai, mùa quả chín, mùi thơm đặc trưng bay xa vài trăm mét. Đặc biệt, các giống xoài khác khi ra hoa màu vàng, xoài Đá Trắng xưa thì hoa màu trắng và duy chỉ những cây trồng trong khuôn viên chùa thì quả mới có những đặc điểm quý hiếm kia. Thời Nguyễn đây là vật phẩm tiến vua. Mỗi năm vào tết Đoan Ngọ tỉnh Phú Yên phải dâng vua từ 1000 đến 2000 quả xoài.

    Chùa Đá Trắng

    Chùa Đá Trắng

  39. Hổ ngươi
    Xấu hổ, tự lấy làm thẹn.
  40. Nâu sồng
    Màu được nhuộm từ củ nâu và lá của cây sồng; dùng để chỉ quần áo của nhà chùa hay của người dân quê miền Bắc thường mặc.

    Áo nâu sồng

    Áo nâu sồng

  41. Khăn vuông mỏ quạ
    Khăn hình vuông, được chít khéo léo thành hình nhọn như chiếc mỏ quạ trước trán. Áo tứ thân, yếm, khăn mỏ quạ, nón quai thao là những trang phục truyền thống của phụ nữ Kinh Bắc xưa.

    Phụ nữ miền Bắc trong trang phục truyền thống áo tứ thân, yếm đào, khăn mỏ quạ, nón quai thao

    Phụ nữ miền Bắc trong trang phục truyền thống áo tứ thân, yếm đào, khăn mỏ quạ, nón quai thao

  42. Dao phay
    Dao có lưỡi mỏng, bằng và to bản, dùng để băm, thái.

    Dao phay dùng trong bếp

    Dao phay dùng trong bếp

  43. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  44. Chúa
    Chủ, vua.
  45. Răng
    Sao (phương ngữ Trung Bộ).
  46. Nỏ
    Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).
  47. Côn Bằng
    Cũng gọi là Bằng Sơn, dân gian gọi là rú (núi) Bờng, một ngọn núi cao 230m thuộc huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh . Trên núi có mộ tổ Bằng Quận công Nguyễn Hữu Chỉnh.
  48. Quỳnh Viên
    Tên chữ là Nam Giới, cũng gọi là rú (núi) Bể hoặc rú Sót, một dãy núi thuộc địa bàn xã Thạch Bàn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh . Trên núi có đền Chiêu Trưng thờ danh tướng Lê Khôi, khai quốc công thần nhà Lê sơ.

    Đền Chiêu Trưng trên núi Quỳnh Viên

    Đền Chiêu Trưng trên núi Quỳnh Viên

  49. Rú Bin
    Một ngọn núi (rú) đá phấn nhỏ thuộc địa phận xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
  50. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  51. Gin
    Gần (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  52. Rú Mã
    Cũng nói và viết là rú Mả, một ngọn núi nhỏ hình yên ngựa (mã) thuộc địa phận xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, trên trồng nhiều chè.
  53. Chin
    Chân (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  54. Hồng Lĩnh
    Tên dãy núi nổi tiếng nhất Hà Tĩnh, cùng với sông Lam là biểu tượng cho xứ Nghệ (bao gồm Hà Tĩnh và Nghệ An). Theo một số nghiên cứu, đây là cố đô của Việt Thường, thủy tổ của dân tộc ta, trước khi dời về dãy Nghĩa Lĩnh, bắt đầu thời đại các vua Hùng.

    Núi Hồng Lĩnh nhìn từ Can Lộc

    Núi Hồng Lĩnh nhìn từ Can Lộc

  55. Chuồng heo ở dưới, chuồng gà ở trên
    Ở các vùng quê Việt Nam ngày xưa, nhân dân ta thường làm chuồng gà trên nóc của chuồng heo.
  56. Tể Dư
    (522–458 TCN) Tự là Tử Ngã, cũng gọi là Tể Ngã, học trò của Khổng Tử. Ông là người nước Lỗ, có khiếu chính trị và tài biện bác (được xem là người giỏi hùng biện nhất trong số các học trò của Khổng Tử).
  57. Phàn Tu
    (515-? TCN) Tự là Tử Trì, cũng gọi là Phàn Trì, một học trò của Khổng Tử.
  58. Trì
    Lôi, kéo, níu giữ (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  59. Nữ nhi
    Con gái nói chung.
  60. Cô Trúc
    Một nước chư hầu của các triều đại Thương, Chu trong lịch sử Trung Quốc. Năm 664 TCN, Cô Trúc bị liên minh Tề-Yên tiêu diệt. Một phần lớn lãnh thổ Cô Trúc bị nhập vào Yên.
  61. Trúc
    Trốc, đổ (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  62. Đơm
    Đặt bẫy để bẫy chim, cò.
  63. Chu Vũ Vương
    Tên thật là Cơ Phát hay Tây Bá Phát, vị vua sáng lập nhà Chu trong lịch sử Trung Quốc sau khi lật đổ nhà Thương. Nhà Chu tồn tại được 867 năm, là triều đại tồn tại lâu nhất trong lịch sử Trung Quốc.
  64. Vương: Vướng.
  65. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  66. Nường
    Nàng (từ cũ).