Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Kim Bồng
    Tên cũ là Kim Bồng Châu, nay một phần lớn thuộc xã Cấm Kim, Hội An, tỉnh Quảng Nam, nằm ở hữu ngạn hạ lưu nơi sông Thu Bồn chảy qua Hội An trước khi đổ ra biển. Đây là nơi hình thành nghề thủ công nổi tiếng mang tên nghề mộc Kim Bồng. (Đọc thêm: Làng mộc Kim Bồng).

    Làng mộc Kim Bồng

    Làng mộc Kim Bồng

  2. Khoai lang
    Một loại cây nông nghiệp với rễ củ lớn, chứa nhiều tinh bột, có vị ngọt, gọi là củ khoai lang. Nhân dân ta trồng và sử dụng khoai lang làm lương thực, tận dụng cả phần củ (rễ), thân, và lá.

    Thu hoạch khoai lang

    Thu hoạch khoai lang

  3. Heo may
    Một loại gió nhẹ, hơi lạnh và khô, thường thổi vào mùa thu.

    Chỉ còn anh và em
    Cùng tình yêu ở lại…
    - Kìa bao người yêu mới
    Đi qua cùng heo may.

    (Thơ tình cuối mùa thu - Xuân Quỳnh)

  4. Quán Cháo
    Địa danh nay thuộc huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Ngày xưa nơi đây là rừng rậm, hiện nay vẫn còn đền Quán Cháo, tương truyền là nơi tiên nữ nhập vào người con gái sở tại để nấu cháo dâng cho quân lính Tây Sơn trước giờ xung trận trong cuộc chiến chống quân Thanh xâm lược.

    Đền Quán Cháo ngày nay

    Đền Quán Cháo ngày nay

  5. Đồng Giao
    Địa danh thuộc huyện Yên Mô, huyện Ninh Bình hiện nay. Xưa kia đây là một vùng rừng rậm hẻo lánh.
  6. Giác
    Sừng.
  7. Ý muốn nhắc đến tích Quan Vân Trường về hàng Tào Tháo trong Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung: Tào Tháo khởi 20 vạn quân đánh Lưu Bị. Lưu Bị thua to phải chạy sang nương nhờ Viên Thiệu. Bấy giờ, Quan Vân Trường đóng giữ Hạ Bì. Tào Tháo đem quân đến đánh, Hạ Bì thất thủ. Vân Trường phải rút quân lên núi đất đóng quân tạm nghỉ. Tào Tháo cho Trương Liêu lên dụ Quan Vân Trường hàng. Thế cô lực kiệt, Vân Trường nói: "Tôi có 3 điều giao ước, nếu Thừa tướng (Tào Tháo) nghe cho, tôi xin lập tức cởi giáp lại hàng, nhược bằng không nghe, tôi đành chịu 3 tội mà chết. Một là: Ta cùng Hoàng Thúc (chỉ Lưu Bị) có lập lời thề cùng nhau giúp nhà Hán, nay ta chỉ hàng vua Hán, không hàng Tào Tháo. Hai là: hai chị dâu ta phải được cấp dưỡng theo bổng lộc của Hoàng Thúc, nhất nhất người ngoài không được đến cửa. Ba là: Hễ ta được thấy Hoàng thúc ở đâu, ta lập tức cáo từ rồi đi theo. Ba điều ấy nếu thiếu một điều, ta nhất địnhkhông hàng." Tào Tháo ưng thuận, Quan Vân Trường bèn quy hàng Tào.
  8. Thọ Hạc
    Địa danh nay thuộc xã Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa. Vào thời cuối Lê đầu Nguyễn, đây là tên chung cả ba đơn vị, ba cấp hành chính cơ sở: thôn Thọ Hạc, xã Thọ Hạc, tổng Thọ Hạc thuộc huyện Đông Sơn.
  9. Linh Lộ
    Tên Nôm là làng Lăng, một ngôi làng nằm trên địa phận xã Quảng Hợp, huyện Quảng Xương tỉnh Thanh Hóa hiện nay.
  10. Cà làng Hạc ăn gãy răng, khoai làng Lăng ăn tắc cổ
    làng Hạc rất giòn, khi cắn thì nghe tiếng vỡ ra (như gãy răng). Khoai làng Lăng nhiều bột, khi ăn dễ bị nghẹn (tắc cổ). Câu này khen sản vật cà và khoai ở hai làng này.
  11. Cửa Đông
    Khu vực phố cổ Hà Nội nằm ngoài cửa đông thành Thăng Long, ngày nay là phố Cửa Đông.
  12. Tao khang
    Cũng nói là tào khang hay tào khương, từ Hán Việt: tao là bã rượu, khang là cám gạo, những thứ mà người nghèo khổ thường phải ăn. Vua Hán Quang Vũ (đời Đông Hán, Trung Quốc) có ý muốn gả người chị góa chồng là Hồ Dương công chúa cho quan đại phu Tống Hoằng, nên hỏi "Ngạn vân: phú dịch thê, quý dịch giao, hữu chư?" (Ngạn ngữ có nói: giàu thì đổi vợ, sang thì đổi bạn, có chăng?). Tống Hoằng đáp "Thần văn: Bần tiện chi giao mạc khả vong, tao khang chi thê bất khả hạ đường" (Thần nghe: Bạn bè lúc nghèo hèn chớ nên quên, người vợ tấm cám chớ để ở nhà sau). Nghĩa tao khang do đó chỉ tình nghĩa vợ chồng vun đắp từ những ngày cực khổ.
  13. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  14. Chay
    Một loại cây to cùng họ với mít, được trồng ở nhiều nơi, đặc biệt là các vùng rừng núi miền Trung. Quả chay có múi, khi chín có màu vàng ươm, ruột màu đỏ, vị chua, có thể ăn tươi hoặc dùng kho với cá, cua. Vỏ hoặc rễ cây dùng để ăn trầu hoặc làm thuốc nhuộm.

    Quả chay

    Quả chay

  15. Bồ
    Đồ cỡ lớn đựng thóc lúa, thường đan bằng tre.

    Bồ và cối xay thóc

    Bồ và cối xay thóc

  16. Giành
    Còn gọi là trác, đồ đan bằng tre nứa hoặc mây, đáy phẳng, thành cao, thường dùng để chứa nông sản, gặp ở miền Bắc và một số tỉnh Bắc Trung Bộ.

    Cái giành

    Cái giành

  17. Ba vành
    Hiện tượng mắt bị gió cát làm cho toét, tạo thành ba vạnh.
  18. Dử
    Gỉ mắt (có nơi gọi là nhử). Miền Trung và miền Nam gọi là ghèn.
  19. Mực Tàu
    Mực đen đóng thành thỏi, dùng mài vào nước để viết thư pháp (chữ Hán và gần đây là chữ quốc ngữ) bằng bút lông, hoặc để vẽ.

    Bút và nghiên mực Tàu

    Bút và nghiên mực Tàu

  20. Tằm
    Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.

    Tằm đang ăn lá dâu

    Tằm đang ăn lá dâu

    Kén tằm

    Kén tằm

  21. Tằm nuôi ba lứa mới có nhiều kinh nghiệm, ruộng cấy ba năm mới biết đất tốt hay xấu.
  22. Hòa cốc phong đăng
    Thóc lúa, ngũ cốc được mùa (thành ngữ Hán Việt). Đây là câu chúc cho nhà nông, nằm trong bốn câu chúc cho tứ dân sĩ-nông-công-thương, với ba câu kia lần lượt là Văn tấn võ thăng (văn võ cùng tiến tới), Ngư hà lợi lạc (đánh cá sông biển đều được lợi) và Nhất bổn vạn lợi (một vốn vạn lời).
  23. Tay co
    Uốn vòng tay mà chịu lấy đồ nặng (Đại Nam Quấc Âm Tự Vị).

    Như chàng có vững tay co
    Mười phần cũng đắp điếm cho một vài

    (Truyện Kiều)

  24. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  25. Bụt
    Cách gọi dân gian của Phật, bắt nguồn từ cách phiên âm từ Buddha (bậc giác ngộ - Phật) trong tiếng Ấn Độ.
  26. Nhợ
    Cũng gọi là rợ, dây thừng nhỏ làm bằng gai hoặc xơ dừa, dùng để trói, buộc hoặc làm dây câu.
  27. Giá
    Mầm non của cây đậu, thường là đậu xanh.

    Giá đỗ

    Giá

  28. Khi hát bài chòi, chữ "dạ" được thay bằng chữ "bụng" và bài này được dùng để báo con Ba Bụng.
  29. Vải lĩnh
    Còn gọi là lãnh, loại vải dệt bằng tơ tằm nõn, một mặt bóng mịn, một mặt mờ. Lĩnh được cho là quý hơn lụa, có quy trình sản xuất rất cầu kì. Vải lãnh thường có màu đen, trơn bóng hoặc có hoa, gọi là lĩnh hoa chanh, thường dùng để may quần dài cho các nhà quyền quý. Lĩnh Bưởi ở vùng Kẻ Bưởi miền Bắc (gồm các làng An Thái, Bái Ân, Hồ Khẩu, Trích Sài) và lãnh Mỹ A ở miền Nam là hai loại vải lãnh nổi tiếng ở nước ta.

    Khăn nhỏ, đuôi gà cao
    Lưng đeo dải yếm đào
    Quần lĩnh, áo the mới
    Tay cầm nón quai thao

    (Chùa Hương - Nguyễn Nhược Pháp)

    Vải lãnh Mỹ A

    Vải lãnh Mỹ A

  30. Chó có váy lĩnh
    Vải lĩnh là một loại vải quý. Chó mặc váy làm bằng vải lĩnh thì hoặc là chuyện trớ trêu, hoang đường, hoặc là kiểu ăn mặc (mở rộng ra là dáng điệu, cách sống) kệch cỡm.