Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Lọ là
    Chẳng lọ, chẳng cứ gì, chẳng cần, hà tất (từ cũ).

    Bấy lâu đáy bể mò kim,
    Là nhiều vàng đá phải tìm trăng hoa?
    Ai ngờ lại họp một nhà,
    Lọ là chăn gối mới ra sắt cầm!

    (Truyện Kiều)

  2. O
    Cô, cô gái, thím (phương ngữ miền Trung). Trong gia đình, o cũng dùng để chỉ em gái của chồng.
  3. Vạc
    Một loại chim có chân cao, cùng họ với diệc, , thường đi ăn đêm, tiếng kêu rất to.

    Vạc

    Vạc

  4. Một loài chim rất quen thuộc với đồng quê Việt Nam. Cò có bộ lông màu trắng, sống thành đàn ở vùng đất ngập nước ngọt như hồ ao, kênh mương, sông, bãi bùn ngập nước, ruộng lúa... Thức ăn chủ yếu là các loại ốc, các động vật thuỷ sinh như ếch, nhái, cua và côn trùng lớn. Hình ảnh con cò thường được đưa vào ca dao dân ca làm biểu tượng cho người nông dân lam lũ cực khổ.

    “Con cò bay la
    Con cò bay lả
    Con cò Cổng Phủ,
    Con cò Đồng Đăng…”
    Cò một mình, cò phải kiếm lấy ăn,
    Con có mẹ, con chơi rồi lại ngủ.

    (Con cò - Chế Lan Viên)

    Cò

  5. Vông đồng
    Loài cây tỏa cành rộng, tạo nhiều bóng mát, thân có nhiều gai, cành xốp dễ gãy đổ khi gặp gió lớn. Hoa màu đỏ, hoa đực mọc thành chùm dài, hoa cái mọc đơn độc tại các nách lá. Quả vông đồng thuộc dạng quả nang, khi khô sẽ nứt ra thành nhiều mảnh, tạo ra tiếng nổ lách tách.

    Cây vông đồng

    Cây vông đồng

    Hoa, lá, và quả vông đồng

    Hoa, lá, và quả vông đồng

  6. Cỏ gà
    Còn có các tên khác là cỏ chỉ, cỏ ống, một loại cỏ sinh trưởng rất mạnh, bò kết chằng chịt với nhau thành thảm dày đặc. Trẻ em ở nông thôn có trò chơi đơn giản từ cỏ gà gọi là "chọi cỏ gà" hay "đá cỏ gà."

    Cỏ gà

    Cỏ gà

  7. Hổ mang
    Một loại rắn rất độc, thân mình có thể dài tới 2m, không có vảy má, thường bạnh cổ ra khi bị kích thích, khi đó ở phía trên cổ trông rõ một vòng tròn màu trắng (gọi là gọng kính). Lưng có màu nâu thẫm, vàng lục hay đen, hoặc đồng màu hoặc có những dải hoa văn như những vạch ngang đơn hoặc kép sáng màu hơn.

    Rắn hổ mang

    Rắn hổ mang

  8. Rắn rồng
    Còn có tên là rắn hổ ngựa hoặc rắn sọc dưa. Rắn cỡ lớn, lưng có sọc, sống trên cạn, thường gặp ở đồng bằng và trung du, không độc, song rất dữ, dễ bị kích thích. Rắn rồng bắt mồi cả vào ban ngày và ban đêm và có tập tính săn đuổi mồi (chủ yếu là chuột, thằn lằn hoặc ếch nhái).

    Rắn rồng

    Rắn rồng

  9. Kiều Nguyệt Nga
    Tên nhât vật nữ chính trong truyện thơ Lục Vân Tiên. Kiều Nguyệt Nga là một người con gái xinh đẹp, đức hạnh, được Vân Tiên cứu thoát khỏi tay bọn cướp Phong Lai. Nghe tin Vân Tiên chết, nàng đã ôm bức hình Vân Tiên nhảy xuống sông tự vẫn, nhưng được Phật Bà đưa dạt vào vườn hoa nhà họ Bùi. Bùi Kiệm ép nàng lấy hắn. Nàng trốn đi, nương tựa nhà một bà lão dệt vải. Sau này khi Vân Tiên dẹp giặc Ô Qua, đi lạc vào rừng đã gặp lại Nguyệt Nga, hai người sống sum vầy hạnh phúc.

    Kiều Nguyệt Nga được người dân Nam Bộ xem là biểu tượng của lòng chung thủy.

  10. Lục Vân Tiên
    Tên nhân vật chính, đồng thời là tên tác phẩm truyện thơ Nôm nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), được sáng tác theo thể lục bát vào đầu những năm 50 của thế kỷ 19, đề cao đạo lý làm người. Lục Vân Tiên là một chàng trai khôi ngô tuấn tú, tài kiêm văn võ, cùng với Kiều Nguyệt Nga, một người con gái chung thủy, đức hạnh trải qua nhiều sóng gió nhưng cuối cùng cũng đạt được hạnh phúc.

    Đối với người dân Nam Bộ, truyện Lục Vân Tiên có sức ảnh hưởng rất lớn, được xem là hơn cả Truyện Kiều của Nguyễn Du.

  11. Bùi Kiệm
    Tên một nhân vật phản diện trong truyện thơ Lục Vân Tiên. Y và Trịnh Hâm là bạn đồng hành của Lục Vân Tiên, Vương Tử Trực và Hớn Minh khi lên kinh ứng thí, nhưng rất ghen ghét và đố kị tài năng của Lục Vân Tiên. Sau này, Trịnh Hâm lừa đẩy Lục Vân Tiên xuống sông, còn Bùi Kiệm thì ép Kiều Nguyệt Nga phải lấy mình. Về cuối truyện, Lục Vân Tiên thành trạng nguyên, Hớn Minh đòi giết Trịnh Hâm và Bùi Kiệm, nhưng Vân Tiên truyền thả, đuổi về quê.

    Trịnh Hâm khỏi giết rất vui,
    Vội vàng cúi lạy chân lui ra về.
    Còn người Bùi Kiệm máu dê,
    Ngồi chai bề mặt như sề thịt trâu.

  12. Biểu
    Bảo (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  13. Đọi
    Cái chén, cái bát (phương ngữ một số vùng ở Bắc Trung Bộ).
  14. Trúc
    Một loại cây giống tre, mọc thành bụi, lá nhỏ và thưa hơn lá tre. Do trúc có dáng đẹp nên được trồng làm cây cảnh. Trong văn chương ngày xưa, trúc thường được dùng tượng trưng cho hình ảnh người quân tử, hoặc người con gái.

    Tranh thủy mặc vẽ trúc

    Tranh thủy mặc vẽ trúc

  15. Hiệp
    Họp, hợp (sum họp, hòa hợp) (phương ngữ Nam Bộ).
  16. Mai
    Cây cùng loại với tre, gióng dài, thành dày, đốt lặn, lá rất to, dùng làm nhà, làm ống đựng nước...

    Gốc mai và măng mai.

    Gốc mai và măng mai.

  17. Sum hiệp
    Sum họp (phương ngữ Nam Bộ).
  18. Nhác
    Lười biếng.
  19. Sơn, Hà, Cảnh, Thổ, Văn, Võ, Cổ, Kim
    Tám ngôi làng nổi tiếng với truyền thống hiếu học, khoa bảng của tỉnh Quảng Bình ngày xưa: Lệ Sơn, La Hà, Cảnh Dương, Thổ Ngoạn, Văn Hóa, Võ Xá, Cổ Hiền, Kim Nại.
  20. Bù loong
    Cũng gọi là bu lông (từ tiếng Pháp boulon), một sản phẩm cơ khí dạng hình thanh trụ tròn, tiện ren, dùng để lắp ráp, ghép nối, liên kết các chi tiết rời rạc thành một hệ thống hoàn chỉnh.

    Bù loong

  21. Cẩm Phả
    Một địa danh nay là thành phố thuộc tỉnh Quảng Ninh. Tại đây từ xưa đã nổi tiếng với ngành khai thác than đá. Cẩm Phả cũng có nghề khai thác hải sản với hơn 50 km bờ biển, nhưng chủ yếu là đánh bắt gần bờ, sản lượng thấp.

    Cẩm Phả về đêm

    Cẩm Phả về đêm

  22. Đi trấn
    Đi đóng quân những vùng biên thùy để bảo vệ bờ cõi.
  23. Huê Cầu
    Nay là làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Nguyên tên làng là Tân Kiều, nhưng dân chúng gọi là làng Hoa Kiều, sau trại ra thành Hoa Cầu. Đời vua Thiệu Trị, vì kỵ húy đổi là Xuân Kỳ nhưng nhân dân quen dùng tên cũ, mà đọc chệch đi là Huê Cầu, rồi thành Xuân Cầu. Làng có nghề nhuộm thâm truyền thống, đồng thời là quê hương của nhà yêu nước Tô Hiệu, nhà văn Nguyễn Công Hoan, họa sĩ Tô Ngọc Vân...