Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Ăn cướp cơm chim
    Theo Lê Gia trong 1575 thành ngữ tục ngữ cần bàn thêm: Phần ăn của con chim chỉ nhờ vào mấy hạt cơm rơi của người, không đáng gì mà còn nỡ ăn cướp của nó, khiến mình cũng chẳng no mà nó thì chết đói. Câu này ý nói: Ăn cướp cả cái nhỏ nhặt nhất của kẻ hèn yếu.
  2. Dã tràng
    Còn gọi là dạ tràng, một loài giáp xác nhỏ giống con cáy sống ở bãi cát ven biển, hàng ngày vê cát thành từng viên nhỏ để tìm kiếm thức ăn khi thủy triều xuống, nhưng khi thủy triều lên lại đánh tan hết. Đọc thêm về sự tích con dã tràng.

    Dã tràng xe cát

    Dã tràng xe cát

  3. Đông Ba
    Một địa danh ở Huế, vốn là tên dân gian của cửa Chính Đông, kinh thành Huế. Địa danh này gắn liền với chợ Đông Ba, ngôi chợ nổi tiếng nhất của Huế, trước đây tên là Quy Giả thị ("chợ của những người trở về," đánh dấu sự kiện trở lại Phú Xuân của quan quân nhà Nguyễn). Đến năm 1887 vua Đồng Khánh cho xây lại gồm có “đình chợ” và “quán chợ” lấy tên là Đông Ba. Đến năm 1899, trong công cuộc chỉnh trang đô thị theo phong cách phương Tây, vua Thành Thái chuyển chợ Đông Ba về vị trí bây giờ, đình chợ cũ sửa lại làm thành trường Pháp Việt Đông Ba.

    Địa danh Đông Ba thật ra tên cũ là Đông Hoa, nhưng do kị húy với tên vương phi Hồ Thị Hoa dưới thời Nguyễn mà đổi tên.

    Chợ Đông Ba ngày trước

    Chợ Đông Ba ngày trước

  4. Đập Đá
    Tên một con đập nổi tiếng của Huế, bắt ngang qua một nhánh sông Hương, ngăn cho dòng nước từ thượng lưu không chảy về phía hạ lưu và ngăn nước mặn từ biển Thuận An chảy vào các cánh đồng lúa.

    Đập Đá

    Đập Đá

  5. Vĩ Dạ
    Một địa danh thuộc Huế. Tên gốc của làng là Vĩ Dã, từ cách phát âm của người dân Huế mà dần trở thành Vĩ Dạ. Làng Vĩ Dạ nằm bên bờ sông Hương, phong cảnh thơ mộng, đã đi vào thơ ca nhạc họa, nổi tiếng nhất có lẽ là bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của nhà thơ Hàn Mặc Tử:

    Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
    Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.
    Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
    Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

    Toàn cảnh thôn Vĩ Dạ ngày nay

    Toàn cảnh thôn Vĩ Dạ ngày nay

  6. Ngã ba Sình
    Ngã ba sông nơi gặp nhau giữa sông Hương và sông Bồ trước khi xuôi về phá Tam Giang đổ ra biển. Đây cũng là nơi sinh tụ của nhiều làng nghề như tranh làng Sình, hoa giấy Thanh Tiên cùng với các hoạt động văn hóa đặc sắc. Video về Ngã ba Sình

    Ngã ba Sình

    Ngã ba Sình

  7. Phân kì
    Chia li, mỗi người mỗi ngả.

    Đoạn trường thay lúc phân kì
    Vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh

    (Truyện Kiều)

  8. Nhút
    Món dưa muối xổi (muối nhanh, làm ăn ngay trong ngày) làm từ xơ mít hoặc hoa chuối, có thể trộn thành nộm, hoặc nấu canh cá, xào với thịt ba chỉ v.v. Nước ta có nhút mít Thanh Chương (Nghệ An) ngon nổi tiếng.

    Nhút mít

    Nhút mít

  9. Thanh Chương
    Địa danh nay là một huyện miền núi phía Tây Nam của tỉnh Nghệ An, một trong chín huyện được UNESCO đưa vào Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An.
  10. Nam Đàn
    Tên một huyện nằm ở hạ lưu sông Lam, phía Đông Nam tỉnh Nghệ An. Nam Đàn có nhiều làng nghề truyền thống như làng mộc nề Nam Hoa, làng rèn Quy Chính, làng tương Tự Trì, làng nón Đông Liệt, các làng dệt Xuân Hồ, Xuân Liễu, Tầm Tang, làng nồi đồng Bố Ân, Bố Đức, làng gạch ngói Hữu Biệt, làng dầu bông, dầu lạc Đan Nhiệm, Đồng Trung v.v.

    Tương Nam Đàn

    Tương Nam Đàn

  11. Răng đen
    Người xưa có phong tục nhuộm răng đen. Từ điển Văn hoá cổ truyền Việt Nam, Nhà xuất bản Thế giới, 2002, trang 511, nói về nhuộm răng như sau:

    "Phong tục người Việt cổ coi răng càng đen càng đẹp. Trước khi nhuộm đen phải nhuộm đỏ. Thuốc nhuộm răng đỏ là cánh kiến đỏ trộn với rượu rồi đun quánh như bột nếp. Quét bột này lên mảnh lá chuối hột ấp vào răng trước khi đi ngủ. Làm nhiều lần cho đến khi hàm răng bóng ánh nổi màu cánh gián. Thuốc nhuộm đen: phèn đen, vỏ lựu khô, quế chi, hoa hồi, đinh hương nghiền nhỏ, hòa giấm hoặc rượu, đun cho quánh như hồ dán. Quét lên lá chuối đắp lên răng như nhuộm đỏ. Từ 5 đến 7 ngày thuốc mới bám vào răng, nổi màu đen thẫm rồi đen bóng. Súc miệng bằng nước cốt dừa. Kiêng ăn thịt mỡ, cua cá, vật cứng, nóng. Có khi chỉ nuốt cơm hoặc húp cháo. Kể cả nhuộm đỏ và đen, thời gian kéo dài đến nửa tháng."

    Xem phóng sự về phong tục nhuộm răng và ăn trầu.

    Răng đen

    Răng đen

  12. Lọc lừa
    Chọn đi lọc lại (cũng nói là "lừa lọc", trong đó "lừa" do từ "lựa" đọc trại đi).

    Bây giờ gương vỡ lại lành,
    Khuôn thiêng lừa lọc, đã đành có nơi.

    (Truyện Kiều)

  13. Đông Loan
    Tên một làng nay thuộc xã Lãng Sơn, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Làng được mệnh danh là "làng nói tức."
  14. Nội Hoàng
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Làng Nội Hoàng thuộc xã Nội Hoàng là một trong 8 làng cười của tỉnh.
  15. Hào mục
    Người có thế lực ở làng xã thời phong kiến. Dưới thời nhà Nguyễn, mỗi làng thường có hội đồng hào mục; những người có chức sắc trong làng đều có quyền tham dự.
  16. Nha
    Sở quan (từ Hán Việt), nơi các quan làm việc. Theo Thiều Chửu: Ta gọi là quan nha 官衙 hay là nha môn 衙門 vì ngày xưa trước quân trướng đều cắm lá cờ có tua như cái răng lớn, nên gọi là nha môn 衙門, nguyên viết là 牙門.
  17. Sượng mẹ, bở con
    Kinh nghiệm lựa chọn, đánh giá chất lượng các loại củ (sắn, dong, khoai lang, khoai tây, khoai sọ...). Củ cái to nhưng thường sượng, củ nhỏ mới là củ bở, ngon.
  18. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  19. Cheo
    Khoản tiền nhà trai nạp cho làng xã bên nhà gái khi làm lễ dạm hỏi theo tục lệ xưa.
  20. Để chế
    Để tang. Theo phong tục, khi một người qua đời thì những người thân phải để tang để tưởng nhớ, tùy theo quan hệ xa gần mà thời hạn để tang khác nhau.
  21. Rành rạnh
    Rõ ràng một cách chắc chắn, không thể nào sai được.

    Cổ kì oai ấy còn rành rạnh
    Cung điểu ca đâu khéo tỏ tường

    (Vịnh Hàn Tín - Lê Thánh Tông)

  22. Gòn
    Còn gọi là cây bông gòn, một loại cây to, vỏ màu xanh tươi, lá kép hình chân vịt, cho quả hình thoi chứa nhiều sợi bông. Khi quả chín khô và nứt ra, từng túm bông sẽ phát tán theo gió, mang theo những hạt màu đen, giúp cây nhân giống. Bông trong quả gòn được dùng để nhồi nệm, gối và làm bấc đèn.

    Cây và quả gòn

    Cây và quả gòn

  23. Hun
    Hôn (khẩu ngữ Trung và Nam Bộ).
  24. Bởi chưng
    Bởi vì (từ cổ).
  25. Kiếp chết, kiếp hết
    Chết rồi mới coi như hết một kiếp, ý nói muốn nhận xét đánh giá ai phải đến mãn đời họ mới biết được. Thành ngữ Hán Việt có câu tương tự: Tử giả biệt luận.