Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Cao tổ
    Gọi tắt là ông cao, cũng gọi là ông sơ, chỉ cha của ông cố về bên nội (từ Hán Việt).
  2. Tằng tổ
    Nói tắt là ông tằng, chỉ ông cố về bên nội (từ Hán Việt).
  3. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  4. Vông đồng
    Loài cây tỏa cành rộng, tạo nhiều bóng mát, thân có nhiều gai, cành xốp dễ gãy đổ khi gặp gió lớn. Hoa màu đỏ, hoa đực mọc thành chùm dài, hoa cái mọc đơn độc tại các nách lá. Quả vông đồng thuộc dạng quả nang, khi khô sẽ nứt ra thành nhiều mảnh, tạo ra tiếng nổ lách tách.

    Cây vông đồng

    Cây vông đồng

    Hoa, lá, và quả vông đồng

    Hoa, lá, và quả vông đồng

  5. Ngàn
    Rừng rậm.
  6. Vồ
    Dụng cụ gồm một đoạn gỗ chắc và nặng có tra cán, dùng để nện, đập. Trong nông nghiệp, vồ được dùng để đập cho đất nhỏ ra.

    Cái vồ

    Cái vồ

  7. Sắc
    Vẻ đẹp người phụ nữ (từ Hán Việt).
  8. Cự Đà
    Tên một làng cổ nay thuộc Cự Khê, xã cực bắc của huyện Thanh Oai, Hà Nội, nằm bên bờ sông Nhuệ. Khác với Đường Lâm là làng cổ điển hình của vùng trung du, làng cổ Cự Đà mang những đặc trưng của một làng ven sông. Hằng năm, cứ vào đúng ngày 14 tháng giêng âm lịch, người dân làng Cự Đà lại nô nức tổ chức lễ hội Đại kỳ phúc; còn lễ Đại đám tổ chức 5 năm một lần. Làng Cự Đà còn nổi tiếng với nghề làm tương truyền thống.

    Làng Cự Đà

    Làng Cự Đà

  9. Ông Núi
    Tương truyền năm Nhâm Ngọ 1702, có vị thiền sư Tánh Ban (tục danh Lê Ban) lên đỉnh Chóp Vung thuộc dãy Núi Bà lập chùa tranh, gọi là Dũng Tuyền tự (chùa Suối). Nhà sư dùng vỏ cây kết làm áo mặc nên nhân dân gọi là Mộc Y Sơn Ông, nghĩa là "ông Núi mặc áo vỏ cây." Sau chúa Nguyễn nghe tin, cho là đáng bậc chân tu, năm Quý Sửu (1733) truyền dựng nơi đây ngôi chùa ngói, đặt tên là Linh Phong Thiền tự, gọi tắt là chùa Linh Phong, nhưng dân chúng vẫn quen gọi là chùa Ông Núi. Lễ hội chùa Ông Núi được tổ chức vào ngày 24-25 tháng giêng hàng năm, là một trong những lễ hội lớn nhất của tỉnh Bình Định.

    Chùa Ông Núi

    Chùa Ông Núi

  10. Sơn thủy
    Núi sông (từ Hán Việt).
  11. Tà huy
    Ánh nắng (暉 huy) nghiêng (斜 tà). Chỉ ánh nắng buổi chiều, đồng thời hiểu rộng ra là buổi chiều.

    Em về rũ áo mù sa,
    Trút quần phong nhụy cho tà huy bay

    (Bùi Giáng)

  12. Cau
    Loại cây nhiều đốt, thân nhỏ và cao vút, có quả dùng để ăn với trầu.

    Cây cau

    Cây cau

    Quả cau và lá trầu

    Quả cau và lá trầu

  13. Vắt chân chữ ngũ
    Vắt (bắt) chéo chân nọ qua chân kia như hình chữ ngũ 五, có vẻ khệnh khạng.
  14. Con nước
    Cũng gọi là ngọn nước, chỉ sự lên xuống của mực nước sông theo thủy triều.
  15. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  16. Sào
    Gậy dài, thường bằng thân tre. Nhân dân ta thường dùng sào để hái trái cây trên cao hoặc đẩy thuyền đi ở vùng nước cạn.

    Cắm sào

    Cắm sào

  17. Cáy
    Một loại cua nhỏ, sống ở nước lợ, chân có lông, thường dùng làm mắm.

    Con cáy

    Con cáy

  18. Còng
    Một loại sinh vật giống cua cáy, sống ở biển hoặc các vùng nước lợ. Còng đào hang dưới cát và có tập tính vê cát thành viên nhỏ để kiếm thức ăn. Ngư dân ở biển hay bắt còng làm thức ăn hằng ngày hoặc làm mắm.

    Con còng

    Con còng

  19. Tam tòng
    Những quy định mang tính nghĩa vụ đối với người phụ nữ phương Đông trong xã hội phong kiến ngày trước, xuất phát từ các quan niệm của Nho giáo. Tam tòng bao gồm:

    Tại gia tòng phụ:  khi còn nhỏ ở với gia đình phải theo cha,
    Xuất giá tòng phu: khi lập gia đình rồi phải theo chồng,
    Phu tử tòng tử: khi chồng qua đời phải theo con.

  20. Nỏ
    Một loại vũ khí cổ truyền thường được dùng trong săn bắn và chiến tranh trước đây. Một chiếc nỏ đơn giản gồm một cánh nỏ nằm ngang hơi cong, đẽo từ một loại gỗ có sức đàn hồi cao, lắp vào báng nỏ có xẻ rãnh để đặt mũi tên. Trước khi bắn, cánh nỏ bị uốn cong bằng cách kéo căng và gài dây cung vào lẫy nỏ. Khi bóp cò, sức đàn hồi của cánh nỏ bắn mũi tên ra với sức đâm xuyên lớn và độ chính xác cao. Cây nỏ nổi tiếng trong lịch sử dân tộc ta với truyền thuyết nỏ thần của An Dương Vương, bắn một phát ra nhiều mũi tên đồng, đánh lui quân xâm lược. Trong kháng chiến chống Pháp, nhiều dân tộc Tây Nguyên đã dùng nỏ giết được nhiều quân địch.

    Ở một số vùng, nỏ cũng được gọi là ná (lưu ý phân biệt với cái bắn đạn sỏi).

    Bắn nỏ

    Bắn nỏ

  21. Cá chạch
    Miền Nam gọi là cá nhét, một loại cá nước ngọt trông giống như lươn, nhưng cỡ nhỏ, thân ngắn và có râu, thường rúc trong bùn, da có nhớt rất trơn. Vào mùa mưa cá chạch xuất hiện nhiều ở các ao hồ, kênh rạch; nhân dân ta thường đánh bắt về nấu thành nhiều món ngon như canh nấu gừng, canh chua, chiên giòn, kho tộ...

    Cá chạch

    Cá chạch