Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Xoan
    Một loại cây được trồng nhiều ở các vùng quê Việt Nam, còn có tên là sầu đâu (đọc trại thành thầu đâu, thù đâu), sầu đông... Cây cao, hoa nở thành từng chùm màu tím nhạt, quả nhỏ hình bầu dục (nên có cụm từ "hình trái xoan"). Xoan thường được trồng lấy gỗ, vì gỗ xoan không bị mối mọt.

    Hoa xoan

    Hoa xoan

  2. Quạt mo
    Quạt làm bằng mo cau. Sau khi cau trổ bông, tàu cau úa vàng rồi rụng xuống, được người ta nhặt đem phơi khô, ép thẳng rồi cắt thành hình chiếc quạt vừa tay cầm.

    Chiếc quạt mo

    Chiếc quạt mo

  3. Đàn bầu
    Còn gọi là đàn độc huyền hoặc gọi tắt là đàn độc, vì chỉ có duy nhất một dây. Hộp đàn làm bằng ống tre hay gỗ, bầu đàn được làm từ một nửa quả bầu khô. Trước đây, dây đàn trước đây được làm bằng tơ, sau này thay bằng dây kim loại. Đàn bầu là một loại nhạc khí truyền thống rất độc đáo của dân tộc ta và chỉ duy nhất người Việt Nam mới có. 

    Xem nhạc sĩ Huỳnh Khải giảng giải về những nét độc đáo của đàn bầu Việt Nam đây và nghe nghệ sĩ ưu tú Thanh Tâm diễn tấu đàn bầu tại đây.

    Đàn bầu Việt Nam

    Đàn bầu Việt Nam

  4. Sãi
    Một địa danh nay thuộc xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Sãi là gọi theo chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, người đã cho lập nên vùng đất này. Tại đây có chợ Sãi nổi tiếng với món nem lụi.
  5. Chợ Sòng
    Một địa danh nay thuộc làng Kim Đâu, xã Cam An, huyện Cam Lộ, Quảng Trị, cũng là tên một ngôi chợ ở đây. Chợ Sòng cùng với chợ phiên Cam Lộ từng là hai trung tâm thương mại sầm uất nhất Quảng Trị ngày trước. Theo Phủ biên tạp lục: Xã Phổ-lạc huyện Đăng-xương tục gọi là Chợ Sòng đấy là nơi đường thủy, đường bộ đến thâu tập lại, đi về tất phải qua lối ấy, tự chợ ấy theo con đường chính mà đi, qua cửa Điếu-ngao đến dinh Cát thì trong một trống canh.
  6. Bánh ít
    Loại bánh dẻo làm bằng bột nếp, có mặt ở nhiều địa phương, có nơi gọi là bánh ếch hay bánh ết. Tùy theo từng vùng mà bánh ít có hình dạng và mùi vị khác nhau: hình vuông, hình tháp, hình trụ dài, gói lá chuối, lá dứa, không nhân, nhân mặn, nhân ngọt... Bánh ít là món bánh không thể thiếu trong các dịp lễ Tết, giỗ cúng.

    Bánh ít lá gai

    Bánh ít lá gai

    Bánh ít trần

    Bánh ít trần

  7. Non nhớt
    Còn rất non, chưa ráo mủ, còn nhiều nhớt (phương ngữ Nam Bộ).
  8. Chuối tiêu
    Còn gọi chuối già (có nơi đọc là chuối dà), một giống chuối cho trái nhỏ, dài, thơm, khi chín vỏ vẫn màu xanh, khi chín muồi vỏ chuyển sang màu vàng. Chuối tiêu rất giàu dinh dưỡng và là một vị thuốc dân gian.

    Chuối tiêu

    Chuối tiêu

  9. Trượng phu
    Người đàn ông có khí phách, giỏi giang, hào kiệt.
  10. Canh ngọt
    Cách nói để khen món canh ngon, đúng vị (cơm lành canh ngọt).
  11. Cau lùn
    Giống cau thuộc họ cau dừa, thân cột, cao tới 20m, tán lá rộng, ít rụng, hoa thơm, có trái quanh năm, thường được trồng làm cảnh.

    Hàng cau lùn

    Hàng cau lùn

  12. Cù Mông
    Một con đèo rất hiểm trở nằm giáp ranh giữa hai tỉnh Phú Yên và Bình Định. Đường đèo rất dốc, có nhiều cua gấp, hai bên là núi cao. Trước đây khi chưa có tuyến đường Quy Nhơn-Sông Cầu thì đèo là con đường chính để qua lại giữa hai tỉnh.

    Đèo Cù Mông

    Đèo Cù Mông

  13. Phú Dương
    Một địa danh nay thuộc xã Xuân Thịnh, huyện sông Cầu, tỉnh Phú Yên, gần vịnh Xuân Đài.
  14. Phượng hoàng
    Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

  15. Loan
    Theo một số điển tích thì phượng hoàng là tên chung của một loại linh vật: loan là con mái, phượng là con trống. Cũng có cách giải nghĩa khác về loan, mô tả loan là một loài chim giống với phượng hoàng. Trong văn thơ cổ, loan và phụng thường được dùng để chỉ đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng (đèn loan, phòng loan...)

    Nào người phượng chạ loan chung,
    Nào người tiếc lục tham hồng là ai

    (Truyện Kiều)

  16. Đình
    Công trình kiến trúc cổ truyền ở làng quê Việt Nam, là nơi thờ Thành hoàng, và cũng là nơi hội họp của người dân trong làng.

    Đình Tiên Canh (tỉnh Vĩnh Phúc)

    Đình Tiên Canh (tỉnh Vĩnh Phúc)

  17. Ăn rở
    (Nói về phụ nữ) Thèm ăn của chua hoặc các thức ăn khác thường khi mới có thai.
  18. Nường
    Nàng (từ cũ).
  19. Sọt
    Đồ đựng đan bằng tre hoặc nứa, có mắt thưa.

    Kho bãi cơ sở Lâm Nho xuất khẩu sọt tre tại huyện Củ Chi, TP.HCM

    Kho bãi cơ sở Lâm Nho xuất khẩu sọt tre tại huyện Củ Chi, TP.HCM

  20. Chè
    Cũng gọi là trà, tên chung của một số loại cây được trồng lấy lá nấu thành nước uống. Một loại có thân mọc cao, lá lớn và dày, có thể hái về vò nát để nấu uống tươi, gọi là chè xanh. Loại thứ hai là chè đồn điền du nhập từ phương Tây, cây thấp, lá nhỏ, thường phải ủ rồi mới nấu nước, hiện được trồng ở nhiều nơi, phổ biến nhất là Thái Nguyên và Bảo Lộc thành một ngành công nghiệp.

    Đồi chè Thái Nguyên

    Đồi chè Thái Nguyên

  21. Tiền
    Năm 1439, vua Lê Thánh Tông quy định: 1 quan = 10 tiền = 600 đồng, gọi là tiền tốt hoặc tiền quý (quy định này ổn định cho đến năm 1945). Khoảng thế kỉ 18, trong dân gian xuất hiện cách tính tiền gián, mỗi quan tiền gián chỉ gồm 360 đồng.
  22. Rồng rồng
    Cũng gọi là ròng ròng, tên chung của những con cá con mới nở từ trứng của một số loài cá như cá tràu, cá chuối, cá sộp...
  23. Nhưn
    Nhân (cách phát âm của người Nam Bộ).
  24. Gá duyên
    Kết thành nghĩa vợ chồng.
  25. Vãi
    Người phụ nữ chuyên giúp việc và quét dọn trong chùa nhưng không tu hành.
  26. Bần
    Còn gọi là cây thủy liễu, loài cây gặp nhiều ở các vùng ngập mặn Nam Bộ. Gỗ bần chủ yếu dùng làm chất đốt, còn trái bần có vị chua, chát với mùi thơm đặc trưng được chế biến thành nhiều món ăn đặc sản của Nam Bộ như mắm bần, lẩu cá nấu bần, mứt bần, kẹo bần...

    Cây và quả bần

    Cây và quả bần

  27. Gie
    (Nhánh cây) chìa ra.
  28. Đom đóm
    Loài côn trùng cánh cứng nhỏ có khả năng phát quang, có tập tính hoạt động về ban đêm, con đực thường có cánh và bay vào những đêm đầu mùa hạ.

    Con đom đóm

    Con đom đóm

  29. Nhận
    Đè mạnh xuống, thường cho ngập vào nước, vào bùn.
  30. Ghe
    Thuyền nhỏ, thường đan bằng tre (gọi là ghe nan) hoặc bằng gỗ. Từ này đôi khi được dùng để chỉ tàu thuyền nói chung, nhất là ở vùng Trung và Nam Bộ.

    Chèo ghe

    Chèo ghe

  31. Bồng bồng
    Bồng khoai, có nơi gọi là dải khoai, ngó khoai - một phần mọc ra từ rễ của cây khoai ngứa (giống khoai thường trồng dưới nước, ven bờ ao hồ, để lấy thân và lá nấu cám cho lợn ăn). Khi dùng bồng bồng để nấu canh cho người ăn, trước hết phải ngắt ra từng đoạn ngắn rồi ngâm nước muối cho hết ngứa.

    Canh bồng nấu tôm

  32. Có bản chép: sớm hôm.