Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Sểnh
    Đồng nghĩa với sổng, nghĩa là để thoát khỏi, để mất đi cái mình đã nắm được hoặc coi như đã nắm được.
  2. Tiểu
    Người mới tập sự tu hành trong đạo Phật, thường tuổi còn nhỏ.
  3. The
    Hàng dệt bằng tơ nhỏ sợi, mặt thưa, mỏng, không bóng, thời xưa thường dùng để may áo dài hoặc khăn, màn.

    Áo dài the

    Áo dài the

  4. Tri âm
    Bá Nha đời Xuân Thu chơi đàn rất giỏi, thường phàn nàn thiên hạ không ai thưởng thức được tiếng đàn của mình. Một lần Bá Nha đem đàn ra khảy, nửa chừng đàn đứt dây. Đoán có người rình nghe trộm, Bá Nha sai lục soát, bắt được người đốn củi là Tử Kỳ. Tử Kỳ thanh minh rằng nghe tiếng đàn quá hay nên dừng chân thưởng thức. Khi Bá Nha ngồi gảy đàn, tâm trí nghĩ tới cảnh non cao, Tử Kỳ nói: Nga nga hồ, chí tại cao sơn (Tiếng đàn cao vút, ấy hồn người ở tại núi cao). Bá Nha chuyển ý, nghĩ đến cảnh nước chảy, Tử Kỳ lại nói: Dương dương hồ, chí tại lưu thủy (Tiếng đàn khoan nhặt, ấy hồn người tại nơi nước chảy). Bá Nha bèn kết bạn với Tử Kỳ. Sau khi Tử Kỳ chết, Bá Nha đập vỡ đàn mà rằng "Trong thiên hạ không ai còn được nghe tiếng đàn của ta nữa." Do tích này, hai chữ tri âm (tri: biết, âm: tiếng) được dùng để nói về những người hiểu lòng nhau.
  5. Dao cau
    Thứ dao nhỏ và sắc, dùng để bổ cau.

    Dao cau

    Dao cau

  6. Bởi chưng
    Bởi vì (từ cổ).
  7. Rựa
    Một loại công cụ có lưỡi dài, cong, cán dài, dùng để chặt cây, phát quang. Lưu ý, cái rựa khác với dao rựa, một loại dao lớn, bản to, sống dày, mũi bằng, dùng để chặt, chẻ.

    Cái rựa

    Cái rựa

  8. Bài chòi
    Một loại hình trò chơi dân gian và nghệ thuật độc đáo ở miền Trung, được tổ chức hằng năm vào dịp Tết Nguyên đán. Người ta dựng 9-11 chòi trên một bãi đất trống. Bộ bài để đánh bài chòi gồm 33 lá, với những cái tên nôm na như: Nhứt Nọc, Nhì Nghèo, Ông Ầm, Sáu Ghe, Bảy Liễu... vẽ trên giấy, dán vào thẻ tre. Vào cuộc chơi, anh hiệu (tức người hô thai) xóc ống bài, rút ra một con và xướng tên con bài lên. Để gây thêm sự hồi hộp và bắt người chơi phải suy đoán, anh hiệu hô lên một câu thai hoặc một câu ca dao có tên con bài. Chòi nào trúng tên con bài thì gõ mõ để anh hiệu mang con bài đến. Trúng ba con bài là chòi đó “tới.”

    Một buổi hát bài chòi

    Một buổi hát bài chòi

    Xem hát bài chòi ở Hội An.

  9. Kỳ Lộ
    Cũng gọi là sông Cái, một con sông lớn chảy qua tỉnh Phú Yên. Sông dài 120 km, bắt nguồn từ vùng núi La Hiên cao trên 1000 m tại giáp ranh giữa Bình Định và Gia Lai, chảy qua các huyện Đồng Xuân, Tuy An, đổ ra cửa biển Tiên Châu với một phân lưu đổ vào đầm Ô Loan. Các chi lưu của nó là Cà Tơn, suối Cối, Thác Dài. Đoạn chảy trên địa phận tỉnh Phú Yên dài 76 km. Phần thượng lưu của sông chảy giữa các dãy núi, nên hẹp, sâu và có độ dốc lớn. Mùa mưa trên sông hay có lũ. Do có đặc điểm như vậy, hàng ngàn năm những chân núi mà sông đi qua bị bào mòn tạo ra nhiều cảnh quang thiên nhiên đẹp và nên thơ. Tới hạ lưu, sông rộng hơn; hai bên bờ có nhiều bãi cát phẳng. Mùa hè nước sông trong veo tươi mát màu ngọc bích, có nơi nhìn thấy đáy sông.

    Sông Kỳ Lộ

    Sông Kỳ Lộ

  10. Thác Dài
    Tên một ngọn thác nằm ở quãng sông Kỳ Lộ chảy qua hai thôn Triêm Đức và Phú Sơn, xã Xuân Quang, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên.
  11. Bạn biển
    Những người làm mướn về nghề đi biển, nghề cá. Làm nghề này cũng gọi là đi bạn hoặc đi ghe bạn.
  12. Vạy
    Cong queo, không ngay thẳng. Từ chữ này mà có các từ tà vạy, thói vạy, đạo vạy...
  13. Nằm dưng
    Nằm không, nằm một mình.
  14. Vải bùi
    Loại vải được dệt ở làng Phượng Lịch (tên Nôm là Kẻ Trạch, nay là xóm 3, xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An).

    Làng vải Phượng Lịch

    Làng vải Phượng Lịch

  15. Vàng tâm
    Còn gọi là cây mỡ, một loại cây thuộc họ Mộc lan, cho gỗ tốt, thơm, khó mối mọt, không nứt nẻ hoặc biến dạng khi khô, được dùng làm đồ nội thất, mỹ nghệ, đóng quan tài.

    Cây vàng tâm

    Cây vàng tâm

  16. Rượu chát
    Rượu vang, vì có vị chát nên dân ta gọi là rượu chát.
  17. Nhà việc
    Từ cũ, chỉ nơi làm việc của chính quyền địa phương (ban hội tề) tại một làng thời triều Nguyễn và thời Pháp thuộc ở miền Nam nước ta.
  18. Tợ
    Tựa như, giống như (phương ngữ Nam Bộ).
  19. Ghe
    Thuyền nhỏ, thường đan bằng tre (gọi là ghe nan) hoặc bằng gỗ. Từ này đôi khi được dùng để chỉ tàu thuyền nói chung, nhất là ở vùng Trung và Nam Bộ.

    Chèo ghe

    Chèo ghe

  20. Hát huê tình
    Hay hát hoa tình, cũng gọi hát đối, hát giao duyên, hát ghẹo, lối hát mang âm hưởng hát ru pha với điệu hò, thường có đệm thêm những câu "em ôi," "bớ anh ơi," hay "này bạn mình ơi" v.v. Hát huê tình có nội dung chủ yếu là lời tán tỉnh, trêu ghẹo, ướm tình ý giữa đôi trai gái với nhau.
  21. Theo sách Cố đô Huế của Thái Văn Kiểm: Theo cụ Tùng Lâm, câu này do đám dân chài làng Quảng Tế, huyện Hương Trà đặt ra để nhắc lại sự tích ông Huỳnh Hữu Thường, con một ngư phủ, mà biết chăm lo việc học hành, thi đỗ Cử nhân, rồi đỗ Hoàng giáp, làm quan đến Thượng thư. Vua Tự Đức rất mến ông, nhận thấy làng ông không có đất đai chi cả, bèn hạ chỉ cắt 20 mẫu đất làng Nguyệt Biều giao cho làng Quảng Tế để có đất cho dân cư ngụ, trồng trỉa và xây cất đền chùa.
  22. Thượng thư
    Chức quan đứng đầu một Bộ thời phong kiến.
  23. Lọng
    Đồ dùng để che phía trên đầu, gần giống cái dù nhưng kích thước lớn hơn, hình tròn, phẳng, có cán dài để cầm, thường được sử dụng trong nghi lễ hoặc đám rước, để thể hiện địa vị xã hội. Ngày xưa, lọng được sử dụng cho vua, quan, chức sắc; ngày nay, lọng chủ yếu được sử dụng trong các nghi lễ tôn giáo.

    Kết cấu của lọng thường bao gồm một khung bằng tre nứa, có thể giương lên, xếp lại dễ dàng. Mặt trên lọng lợp bằng giấy phết sơn ta để chống thấm nước. Lọng còn thường được trang trí nhiều màu sắc và họa tiết tùy theo địa vị của người sử dụng.

    Quan tổng đốc Hà Nội đi bốn lọng.

    Quan tổng đốc Hà Nội đi bốn lọng.

  24. Lụy
    Chịu khốn khổ lây vì việc của người khác.