Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Canh cửi
    Sợi chỉ dọc (canh hoặc kinh) trên Khung cửi">khung dệt (cửi). Chỉ công việc dệt vải, dệt lụa.

    Dệt cưởi

    Dệt cửi

  2. Làng Quả Linh (tức làng Cảo Linh, còn có tên Nôm là làng Gạo) thuộc xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, Nam Định xưa kia chia thành bốn giáp là giáp Đông, giáp Cầu, giáp Chải, giáp Cuối. Giáp là một loại đơn vị hành chính, cũng là một đơn vị tổ chức xã hội có ở miền Bắc nước ta từ khoảng thế kỉ thứ 10, tương đương một thôn hay một phường bây giờ.
  3. Chúa
    Chủ, vua.
  4. Rượu Kim Long
    Một loại rượu đế rất ngon, có nguồn gốc từ làng Kim Long, nay thuộc xã Hải Quế, huyện Hải Lăng tỉnh Quảng Trị. Sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Rượu Kim Long ở Hải Lăng, Quảng Trị ngon hơn hết.” Rượu được nấu trong nồi đồng nên có vị cay rất đặc trưng. Thời Pháp thuộc, người Pháp chiếm hết các lò nấu rượu trong tỉnh và lập ra công ty rượu Xika, vì vậy rượu Kim Long cũng được gọi là rượu Xika. Loại rượu này cùng với rượu Làng Vân ở miền Bắc, rượu Bàu Đá ở Bình Định và rượu đế Gò Đen ở miền Nam gộp thành Tứ Đại Danh Tửu (bốn loại rượu nổi tiếng).

    Làng Kim Long

    Làng Kim Long

    Nấu rượu Kim Long

    Nấu rượu Kim Long

  5. Đàn hương
    Cây đàn có mùi thơm. Theo Thiều Chửu: Lại có thứ bạch đàn 白檀  và hoàng đàn 黃檀, mùi gỗ thơm nức gọi là đàn hương 檀香  hay trầm bạch, dùng đốt cho thơm.
  6. Thạch Hãn
    Tên con sông lớn nhất tỉnh Quảng Trị, có chiều dài 155 km, bắt nguồn từ dãy núi Trường Sơn ở phía Tây tỉnh Quảng Trị và đổ ra biển Đông qua Cửa Việt. Sông vốn có tên là Thạch Hàn [石瀚], có lí giải rằng do ở giữa nguồn có một mạch đá ngầm chắn ngang sông, mạch đá như mồ hôi (hãn 汗) tiết ra thành dòng chảy, nên mới đổi thành Thạch Hãn.

    Một góc cảng Cửa Việt

    Một góc cảng Cửa Việt

  7. Lê Lai
    Một tướng lĩnh của quân khởi nghĩa Lam Sơn. Ông người gốc Mường, thôn Dựng Tú, huyện Lương Giang, tỉnh Thanh Hóa. Theo sách Đại Việt thông sử, cuối tháng 4 năm 1418, khi nghĩa quân bị giặc Minh vây hãm, tình thế nguy khốn, Lê Lai đã liều mình khoác hoàng bào, giả làm Lê Lợi, dẫn một nhóm quân nhỏ ra khiêu chiến, hô to "Ta là chúa Lam Sơn đây!" Quân Minh tưởng thật, xúm lại đánh kịch liệt, bắt được và đem ông hành hình. Nhờ đó mà Lê Lợi cùng các tướng chạy ra đường khác, trốn thoát. Hôm ấy là ngày 29 tháng 4 âm lịch.
  8. Lê Thái Tổ
    Tên húy là Lê Lợi, sinh năm 1385, mất năm 1433, thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, đánh đuổi quân Minh, giành lại độc lập, sáng lập nhà Hậu Lê. Ông được đánh giá là một vị vua vĩ đại và là anh hùng giải phóng dân tộc trong lịch sử nước ta. Đương thời ông tự xưng là Bình Định vương.

    Tượng đài Lê Lợi

    Tượng đài Lê Lợi

  9. Vì nhớ công Lê Lai chết thay cho mình ở núi Chí Linh trước kia, Lê Lợi dặn lại đời sau phải giỗ Lê Lai trước khi giỗ ông một ngày. Lê Lợi mất vào ngày 22 tháng 8 nhuận âm lịch năm 1433, vì vậy giỗ của Lê Lai là ngày 21.
  10. Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi, hăm ba giỗ mụ hàng dầu
    Tương truyền khi Lê Lợi dấy binh khởi nghĩa, có một người đàn bà chuyên gánh dầu tiếp tế để nghĩa quân đêm đêm thắp đèn làm hiệu cho nghĩa sĩ từ các nơi đổ về. Giặc Minh dò la biết được, bắt bà tra khảo nhưng bà không hề khai nửa lời, cuối cùng bị giết hại. Về sau, Lê Lợi định ngày giỗ "mụ hàng dầu" sau ngày giỗ của mình một ngày để tỏ lòng nhớ ơn.
  11. Dọi
    Theo (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  12. Nón quai thao
    Còn gọi là nón ba tầm, nón thúng, một loại nón xưa của phụ nữ đồng bằng Bắc Bộ. Nón làm bằng lá gồi hoặc lá cọ, mặt nón rộng 70 - 80 cm, hình bánh xe, đỉnh bằng, có vành cao độ 10 - 12 cm. Mặt dưới nón gắn một vành tròn vừa đầu người đội, gọi là khua. Quai nón dài, khi đội thì thả võng đến thắt lưng, người đội dùng tay giữ quai. Quai nón làm bằng từ một 1 tới 8 dây thao đen kết bằng tơ, chỉ, ngoài bọc tơ dệt liên tục. Đời nhà Trần, nón này được cải tiến cho cung nữ đội và gọi là nón thượng.

    Phụ nữ Hà Nội đội nón quai thao (đầu thế kỉ 20).

    Phụ nữ Hà Nội đội nón quai thao (đầu thế kỉ 20).

  13. Cốm
    Thức ăn được làm từ lúa nếp làm chín bằng cách rang và sàng sảy cho hết vỏ trấu, rất thịnh hành trong ẩm thực đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt là tại Hà Nội. Ở miền Bắc, lúa nếp để làm cốm thường là nếp non, hạt lúa bấm ra sữa, tuy ở miền Trung và Nam Bộ cốm có thể dùng để chỉ thành phẩm sử dụng loại lúa nếp già tháng hơn rang nổ bung ra và sau đó được ngào với đường. Nổi tiếng nhất có lẽ là cốm làng Vòng, đặc sản của làng Vòng (thôn Hậu) cách trung tâm Hà Nội khoảng 5–6 km, nay là phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

    Cốm

    Cốm

  14. Hồng
    Loại cây cho trái, khi chín có màu vàng cam hoặc đỏ. Tùy theo giống hồng mà quả có thể giòn hoặc mềm, ngọt hoặc còn vị chát khi chín.

    Quả hồng

    Quả hồng

  15. Long
    Lỏng ra, rời ra.
  16. Nhài
    Mảnh kim loại nhỏ, tròn, như cây đinh, giữ hai đầu chốt quạt giấy.

    Quạt giấy

    Quạt giấy

  17. Bào
    Đồ dùng nghề mộc, gồm hai lưỡi thép đặt trong khối gỗ, hai bên có tay cầm, dùng để làm nhẵn mặt gỗ. Động tác sử dụng bào cũng gọi là bào. Những việc đau lòng cũng được ví von là xót như bào, ruột xót gan bào...

    Cái bào

    Cái bào

  18. Gia nô
    Những người hầu hạ phục dịch trong nhà (từ Hán Việt).
  19. Đồng lân
    Hàng xóm (từ Hán Việt). Theo Thiều Chửu: Ngày xưa cứ năm nhà ở một khu gọi là lân, các nhà ở gần nhà mình đều gọi là lân.
  20. Đường
    Một triều đại kéo dài từ năm 618 đến năm 907 trong lịch sử Trung Quốc. Vào thời nhà Đường, văn học Trung Quốc, nhất là thơ ca, phát triển cực thịnh. Đa số những nhà thơ lớn nhất của Trung Quốc sống với thời kì này: Vương Bột, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Đỗ Mục...

    Lý Bạch

    Lý Bạch

  21. Tống
    Một triều đại kéo dài từ năm 960 đến năm 1279 trong lịch sử Trung Quốc (cùng thời với nhà Lý trong lịch sử nước ta).
  22. Tam Quốc
    Một giai đoạn trong lịch sử Trung Quốc, bắt đầu vào cuối nhà Đông Hán (năm 190) và kết thúc năm 280 với sự sụp đổ của Đông Ngô và sự thống trị của Tây Tấn. Đây là một thời kì loạn lạc, liên tục xảy ra tranh giành quyền lực giữa các phe phái, trong đó mạnh nhất là ba nhà Ngụy, Thục và Ngô cuối cùng tạo nên thế chân vạc, chia ba thiên hạ. Ở nước ta trước đây, thời Tam Quốc được biết đến (nhất là ở miền Nam) qua tác phẩm Tam Quốc Diễn Nghĩa của tác giả La Quán Trung.
  23. Chu Du
    Ở miền Nam cũng gọi là Châu Du hay Châu Do, một danh tướng của Đông Ngô thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông tự là Công Cẩn, là một nhà quân sự tài ba, chuyên về thủy chiến, chức vụ chính thức là Đại Đô Đốc, nên được gọi là Chu Đô Đốc. Chu Du nổi tiếng với chiến thắng Xích Bích, trận thủy chiến lớn nhất thời đó. Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, La Quán Trung mô tả Chu Du là một người còn trẻ, đẹp trai, hiếu thắng và luôn đố kị với Gia Cát Lượng, điều này có lẽ không đúng với lịch sử.

    Chu Du

    Chu Du

  24. Nói chuyện đưa đò
    Nói cho qua chuyện, có ý chòng ghẹo, không thật tâm (phương ngữ Nam Bộ).
  25. Tỉ như
    Giống như, cũng như (phương ngữ Nam Bộ).
  26. Đát Kỷ
    Cũng thường bị phiên âm sai thành Đắc Kỷ, một mỹ nhân nổi tiếng trong huyền sử Trung Quốc, gây nên sự sụp đổ của nhà Thương. Theo các câu chuyện dân gian, Đát Kỷ là một con hồ ly hóa thành, quyến rũ Trụ Vương, cùng làm những điều tàn ác, sau cùng bị Khương Tử Nha chém chết. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có chứng cứ về sự tồn tại của nhân vật này.
  27. Trụ Vương
    Tên thật là Tử Thụ, vị vua cuối đời nhà Thương trong lịch sử Trung Quốc, khét tiếng là một ông vua dâm đãng và tàn ác.
  28. Cám
    Chất bột màu vàng nâu, do lớp vỏ mềm bao ngoài hạt gạo nát vụn ra khi giã, xát, thường dùng làm thức ăn cho lợn.
  29. Cám hấp trên vung
    Người hoặc việc dở hơi, ngớ ngẩn, ngược đời.
  30. Cà Mau
    Tỉnh ven biển ở cực Nam nước ta, nằm trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Cà Mau là một vùng đất trẻ, mới được khai phá khoảng trên 300 năm. Tên gọi Cà Mau có gốc từ tiếng Khmer “Tưk Kha-mau” có nghĩa là nước đen - màu nước đặc trưng ở đây là màu đen do lá tràm của thảm rừng tràm U Minh rụng xuống. Cà Mau là xứ đầm lầy ngập nước, có nhiều bụi lác mọc tự nhiên và hoang dã, hệ thống sông ngòi chằng chịt, và có nguồn dự trữ sinh thái phong phú.

    Phong cảnh Cà Mau

    Phong cảnh Cà Mau

  31. Tùa
    Lớn (cách phát âm chữ 大 đại của người Triều Châu).
  32. Quỳ
    Một loại sen, cũng gọi là sen quỳ. Nhìn theo vẻ ngoài thì sen và quỳ rất giống nhau, nhưng hoa quỳ có màu đậm hơn. Lá và gai quỳ có độc tính hơn sen, gây ngứa ngáy. Búp sen cũng có dạng bầu chứ không nhọn như búp quỳ.

    Hoa quỳ

    Hoa quỳ

  33. Nam Kỳ lục tỉnh
    Tên gọi miền Nam Việt Nam thời nhà Nguyễn, trong khoảng thời gian từ năm 1832 tới năm 1862 (khi Pháp chiếm 3 tỉnh Miền Đông) và năm 1867 (khi Pháp chiếm nốt 3 tỉnh Miền Tây), bao gồm sáu (lục) tỉnh:

    1. Phiên An, sau đổi thành Gia Định (tỉnh lỵ là tỉnh thành Sài Gòn),
    2. Biên Hòa (tỉnh lỵ là tỉnh thành Biên Hòa),
    3. Định Tường (tỉnh lỵ là tỉnh thành Mỹ Tho) ở miền Đông;
    4. Vĩnh Long (tỉnh lỵ là tỉnh thành Vĩnh Long),
    5. An Giang (tỉnh lỵ là tỉnh thành Châu Đốc),
    6. Hà Tiên (tỉnh lỵ là tỉnh thành Hà Tiên) ở miền Tây.

    Bản đồ Lục tỉnh năm 1808

    Bản đồ Lục tỉnh năm 1808