Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Làng Đông
    Một làng thuộc địa phận huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa, chuyên nghề bán, mổ lợn.
  2. Đại Huệ
    Tên dân gian là rú (núi) Nậy, dãy núi nằm ở phía Bắc huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
  3. Hùng Sơn
    Tên dân gian là rú (núi) Đụn, dãy núi cao 300m nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Nghệ An. Trên núi có thành cổ Vạn An, đền thờ và khu mộ Mai Hắc Đế, di tích động Lỗ Ngồi…
  4. Cồn
    Đảo nhỏ và thấp. Ở miền Trung và Nam Bộ, cồn còn được gọi là cù lao hoặc bãi giữa, là dải đất hình thành ở giữa các con sông lớn (sông cái) nhờ quá trình bồi đắp phù sa lâu năm.

    Cồn Phụng (thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang)

    Cồn Phụng (thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang)

  5. Cá sặc
    Một loại cá đồng, có rất nhiều ở vùng Tây Nam Bộ vào mùa nước nổi. Người dân Nam Bộ thường đánh bắt cá sặc để làm khô cá, mắm sặc, hoặc nấu thành nhiều món ăn ngon như gỏi, cháo, canh chua bông súng...

    Khô cá sặc

    Khô cá sặc

  6. Cá rô
    Loại cá rất thường gặp trên các đồng ruộng ở nước ta. Nhân dân ta thường tát đồng để bắt cá rô. Cá rô đồng có thịt béo, thơm, dai, ngon, dù hơi nhiều xương, và được chế biến thành nhiều món ngon như kho, nấu canh, làm bún...

    Lưu ý: Có một giống cá khác gọi là cá rô phi, thường được nuôi ở ao, nhưng khi nhắc đến cá rô thì người ta nghĩ ngay đến cá rô đồng.

    Cá rô đồng kho tộ

    Cá rô đồng kho tộ

  7. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  8. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  9. Nường
    Nàng (từ cũ).
  10. Bìm bịp
    Tên chung để chỉ khoảng 30 loài chim do tiếng kêu của chúng tương tự như "bìm bịp" vào mùa sinh sản. Bìm bịp có lông cánh màu nâu như áo của thầy tu.

    Một con bìm bịp

    Một con bìm bịp

  11. Chi tử vu quy
    Người con gái về nhà chồng. Lấy từ Kinh Thi:

    Đào chi yêu yêu,
    Hữu phần kỳ thực.
    Chi tử vu quy,
    Nghi kỳ gia thất.

    Dịch thơ:

    Đào tơ mơn mởn tươi xinh,
    Trái đà đơm đặc đầy cành khắp cây.
    Theo chồng, nàng quả hôm nay.
    Ấm êm hòa thuận nồng say gia đình.

    (Tạ Quang Phát dịch)

  12. Ngò
    Còn gọi là ngò rí, rau mùi, loại rau có mùi thơm, thường được trồng làm rau thơm và gia vị.

    Ngò

    Ngò

  13. Giã
    Như từ giã. Chào để rời đi xa.
  14. Bánh canh
    Một món ăn bao gồm nước dùng được nấu từ tôm, cá và giò heo thêm gia vị tùy theo từng loại. Sợi bánh to, được làm từ bột gạo, bột mì, hoặc bột sắn hoặc bột gạo pha bột sắn. Trảng Bàng (Tây Ninh) là nơi có đặc sản bánh canh có thể xem là nổi tiếng nhất nước ta.

    Bánh canh Trảng Bàng

    Bánh canh Trảng Bàng

  15. Cù Du
    Thật ra Cù Du không phải là địa danh, mà là tên một loại chiếu được dệt ở các làng nghề ở Phú Yên. Sách Phủ biên tạp lục do Lê Quý Đôn biên soạn năm 1776 có nói đến hộ quan tịch (dệt chiếu), hộ cù du.” Trước năm 1945, ở xã Trường Thịnh ở Phủ Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên (nay thuộc xã Hoà Vinh, huyện Tuy Hoà) có khoảng 20 hộ nông dân làm nghề dệt chiếu. Người Trường Thịnh gọi chung số hộ nông dân này là Cù Du. Chiếu Cù Du sở dĩ được ưa chuộng vì bền và dày.
  16. Vải lĩnh
    Còn gọi là lãnh, loại vải dệt bằng tơ tằm nõn, một mặt bóng mịn, một mặt mờ. Lĩnh được cho là quý hơn lụa, có quy trình sản xuất rất cầu kì. Vải lãnh thường có màu đen, trơn bóng hoặc có hoa, gọi là lĩnh hoa chanh, thường dùng để may quần dài cho các nhà quyền quý. Lĩnh Bưởi ở vùng Kẻ Bưởi miền Bắc (gồm các làng An Thái, Bái Ân, Hồ Khẩu, Trích Sài) và lãnh Mỹ A ở miền Nam là hai loại vải lãnh nổi tiếng ở nước ta.

    Khăn nhỏ, đuôi gà cao
    Lưng đeo dải yếm đào
    Quần lĩnh, áo the mới
    Tay cầm nón quai thao

    (Chùa Hương - Nguyễn Nhược Pháp)

    Vải lãnh Mỹ A

    Vải lãnh Mỹ A

  17. Ngân Sơn
    Một địa danh nay thuộc thôn Ngân Sơn, thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ngày trước đây là phường lụa Ngân Sơn, có cách đây hơn 300 năm. Phường lụa có ba sản phẩm là gấm, lụa và lãnh. Cả ba sản phẩm đều dệt từ tơ tằm, chỉ khác nhau ở cách dệt và cách nhuộm. Lụa thường không nhuộm, có màu trắng như vỏ trứng gà dùng để may áo; lãnh được nhuộm đen để may quần. Gấm lụa của phường lụa Ngân Sơn rất đắt, chỉ có nhà khá giả mới mua nổi mà mặc, đồng thời từng là sản phẩm cống vua, dùng để may trang phục cho vua Bảo Đại và hoàng hậu.
  18. Ngó
    Nhìn, trông (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  19. Chúa Nguyễn
    Cách gọi chung trong sử sách và dân gian về chín đời chúa đều thuộc dòng họ Nguyễn, kế tiếp nhau cai trị và mở mang các vùng đất từ Thuận Hóa (phía nam đèo Ngang hiện nay) vào miền Nam, bắt đầu vào đầu giai đoạn Lê trung hưng của nhà Hậu Lê, hay giữa thế kỷ 16, cho đến khi bị nhà Tây Sơn tiêu diệt năm 1777. Họ là tiền thân của nhà Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng của nước ta (1802-1945). Chín đời chúa Nguyễn và mười ba đời vua Nguyễn sau này có công rất lớn trong việc thống nhất đất nước, mở mang bờ cõi, mang lại hình dạng non sông như hiện nay.
  20. Đâm
    Giã, như đâm bèo, đâm tiêu... (phương ngữ).