Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Thầy
    Cha, bố (phương ngữ một số địa phương Bắc và Bắc Trung Bộ).
  2. Đèo bòng
    Mang lấy vào mình cái làm cho vương vấn, bận bịu thêm (thường nói về tình cảm yêu đương).
  3. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  4. Trân
    Quý trọng, coi trọng (chữ Hán).
  5. Kỳ
    Kỳ lạ, lạ lùng (từ Hán Việt).
  6. Sơn
    Núi (từ Hán Việt).
  7. Thủy
    Nước (từ Hán Việt), cũng chỉ sông nước.
  8. Phùng
    Gặp gỡ (từ Hán Việt).
  9. Tri
    Biết (từ Hán Việt).
  10. Kháp
    Khớp, ăn khít vào nhau. Cũng dùng với nghĩa là "gặp mặt."
  11. Tri âm
    Bá Nha đời Xuân Thu chơi đàn rất giỏi, thường phàn nàn thiên hạ không ai thưởng thức được tiếng đàn của mình. Một lần Bá Nha đem đàn ra khảy, nửa chừng đàn đứt dây. Đoán có người rình nghe trộm, Bá Nha sai lục soát, bắt được người đốn củi là Tử Kỳ. Tử Kỳ thanh minh rằng nghe tiếng đàn quá hay nên dừng chân thưởng thức. Khi Bá Nha ngồi gảy đàn, tâm trí nghĩ tới cảnh non cao, Tử Kỳ nói: Nga nga hồ, chí tại cao sơn (Tiếng đàn cao vút, ấy hồn người ở tại núi cao). Bá Nha chuyển ý, nghĩ đến cảnh nước chảy, Tử Kỳ lại nói: Dương dương hồ, chí tại lưu thủy (Tiếng đàn khoan nhặt, ấy hồn người tại nơi nước chảy). Bá Nha bèn kết bạn với Tử Kỳ. Sau khi Tử Kỳ chết, Bá Nha đập vỡ đàn mà rằng "Trong thiên hạ không ai còn được nghe tiếng đàn của ta nữa." Do tích này, hai chữ tri âm (tri: biết, âm: tiếng) được dùng để nói về những người hiểu lòng nhau.
  12. Nường
    Nàng (từ cũ).
  13. Núi, rừng nói chung (phương ngữ Trung Bộ).
  14. Thần Trụ Trời
    Theo truyện cổ tích Việt Nam, thuở ấy, chưa có muôn vật và loài người. Trời đất chỉ là một vùng hỗn độn, tối tăm. Bỗng xuất hiện một vị thần khổng lồ, đào đất, khuân đá, đắp thành một cái cột vừa to, vừa cao để chống trời. Từ đó, trời đất mới phân đôi: Đất bằng như cái mâm vuông, trời tròn như cái bát úp, chỗ trời đất giáp nhau ấy là chân trời.

    Khi trời đã cao và khô cứng, thần liền phá tan cột đi, lấy đất đá ném tung ra khắp nơi. Mỗi hòn đá văng đi biến thành một hòn núi hay một hòn đảo, đất tung tóe ra mọi nơi thành gò, đống, thành những dải đồi cao. Vì thế, mặt đất ngày nay không còn bằng phẳng mà có chỗ lõm, chỗ lồi. Chỗ thần đào sâu để lấy đất đá đắp cột, ngày nay là biển cả mênh mông.

    Cột trụ trời bây giờ không còn nữa. Người ta kể rằng vết tích cột đó ở núi Thạch Môn, vùng Hải Dương. Núi ấy còn gọi là Kình Thiên Trụ tức Cột chống Trời.

    Sau khi thần Trụ Trời chia ra trời đất thì có những thần khác nối tiếp công việc xây dựng nên cõi thế gian này. Các vị thần đó rất nhiều, như thần Sao, thần Sông, thần Núi, thần Biển...

  15. Tề
    Kìa (phương ngữ miền Trung).
  16. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  17. Kim Tiên
    Tên một ngôi chùa cổ, tọa lạc trên núi Bình An, xưa thuộc ấp Bình An, huyện Hương Thủy, nay thuộc phường Trường An, thành phố Huế.

    Chùa Kim Tiên

    Chùa Kim Tiên

  18. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  19. Rau húng
    Tên chung cho một số loài rau thuộc họ Bac Hà. Rau húng có nhiều loài, tên gọi mỗi loài thường chỉ mùi đặc trưng hay cách sinh trưởng của cây như húng quế (miền Nam gọi là rau quế) có mùi quế, húng chanh (miền Nam gọi là rau tần dày lá) có mùi tương tự chanh, húng lủi vì cây rau bò sát mặt đất... Ở miền Trung và miền Nam, một số loài húng được gọi tên là é. Rau húng là gia vị đặc sắc và không thể thiếu trong các món ăn dân gian như nộm, dồi, lòng lợn, tiết canh, thịt vịt, phở, bún... Tinh dầu trong lá và ngọn có hoa của một số loại húng được có tác dụng chữa bệnh (ví dụ húng chanh trị ho) hoặc dùng làm nguyên liệu sản xuất hương phẩm. Ở miền Nam, người ta lấy hạt húng quế (hạt é) làm nước uống giải nhiệt.

    Làng Láng thuộc Thăng Long xưa là nơi nổi tiếng với nghề trồng rau húng lủi, gọi là húng Láng.

    Rau húng

    Húng lủi (húng Láng)

  20. Vợ bé
    Vợ lẽ, vợ thứ (phương ngữ). Làm vợ lẽ, vợ thứ cũng gọi là làm bé.
  21. Đũi
    Một loại vải dệt bằng sợi kéo từ kén cắn tổ của tằm tơ. Ở những kén tằm già được nhà nuôi tằm để lại để gây giống, hoặc không ươm tơ kịp, nhộng tằm cắn kén để chui ra thành con ngài, làm cho tơ kén bị đứt, không thể ươm thành tơ được nữa, mà chỉ có thể dùng để kéo thành sợi đũi. Vải đũi thô hơn lụa, nên xưa kia được cho là loại vải thường, chỉ nhà nghèo mới mặc.
  22. Chợ Chùa
    Tên một ngôi chợ nằm ở địa bàn xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Tương truyền, tại làng Quảng Phong (tức thôn 5 xã Tam Quang hiện nay) có một người làm nhũ mẫu cho vua Gia Long, sau này thể theo ý nguyện của bà, vua cho lập ngôi chùa để bà thờ tự khói hương. Ngày ấy chùa được người địa phương gọi là chùa Bà Vú, trong sử sách ghi lại là chùa Quảng Phong. Sau đó ít lâu, người dân địa phương họp chợ ngay tại sân bãi cạnh chùa, bèn lấy tên chùa làm tên chợ là chợ Quảng Phong, sau dần dần gọi tắt là chợ Chùa.
  23. Chợ Vạn
    Tên một ngôi chợ là trung tâm mua bán ngày xưa của phủ Tam Kỳ, nay là thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Tên "Chợ Vạn" đôi khi còn được dùng để chỉ Tam Kỳ.
  24. Sáp vàng
    Tổ ong được nấu hoặc phơi cho chảy, rồi lọc, cô đặc thành bánh. Sáp ong từng được xem là sản vật quý hiếm, và nay vẫn được đánh giá cao vì giá trị dinh dưỡng và các lợi ích sức khỏe mà nó mang lại.

    Bánh sáp ong

    Bánh sáp ong

  25. Yến huyết
    Loại tổ yến màu đỏ tươi, rất hiếm, ngày xưa chỉ dùng để tiến vua chúa, và hiện nay vẫn có giá thành đắt nhất trong các loại tổ yến ở nước ta.

    Tổ yến huyết

    Tổ yến huyết

  26. Hồng rim
    Rim là cách ướp đường cho thức ăn là trái cây (củ hoặc quả) và đun trên lửa cho ngấm vào. Hồng rim là quả hồng được rim lên, nghĩa bóng chỉ thức ăn ngon.
  27. Đường phổi
    Loại đường được nấu từ mật mía, được đúc thành bánh màu trắng hơi vàng, xốp và giòn, vị ngọt thanh. Đường phổi là đặc sản riêng của Quảng Ngãi. Có tên gọi đường phổi là do hình dạng thỏi đường nhìn tựa lá phổi.

    Đường phổi

    Đường phổi

  28. Vi cá
    Vây cá mập, được xem là món ăn bổ dưỡng, quý hiếm, và rất đắt đỏ.
  29. Hải sâm
    Tên dân gian là đồn đột, đột ngậu, đồm độp, đỉa biển hay nhím biển, là tên gọi chung của một nhóm động vật biển có thân hình thuôn dài, da có lông, có xương trong nằm ngay dưới da. Hải sâm được xem là một loại thức ăn rất bổ dưỡng và có nhiều công dụng trị bệnh.

    Hải sâm

    Hải sâm

  30. Báng
    Giống cây lâu năm thuộc họ Cau, còn có tên gọi khác là đoác, co pảng, quang lang, bụng báng, búng báng, báng búng. Ở ta báng mọc nhiều ở các chân núi ẩm, chân núi đá vôi, rừng thứ sinh. Bột bên trong lõi cây có thể ăn hay làm đồ uống. Báng còn được trồng làm cảnh vì dáng đẹp. Rượu báng là một đặc sản của các vùng núi đá cao (Tây Bắc).

    Cây báng

    Cây báng

  31. Dầu thông
    Tinh dầu được chưng cất từ lá, cành non và quả của một số loài thông. Dầu thông có tác dụng tẩy uế, làm đẹp và trị một số bệnh ngoài da.
  32. Châu Hưng
    Một xã nay thuộc thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu.