Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Khẩu trầu
    Một miếng trầu, gồm đủ ba phần: trầu, cau và vôi.

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

  2. Thuốc xỉa
    Một nhúm thuốc lào được ngậm bằng môi trên trong lúc ăn trầu để tẩy cổ trầu (nước bọt có màu hồng) và xác trầu bám vào răng. Động tác bỏ thuốc xỉa vào miệng gọi là xỉa thuốc.
  3. Bài ca dao này là một phiên bản hiện đại của bài "Thấy mẹ nằm võng, thấy cha nằm giường."
  4. Gié lúa
    Nhánh của một bông lúa.

    Bông lúa

    Bông lúa

  5. Nhơn ngãi
    Nhân nghĩa (phương ngữ Nam Bộ).
  6. Dầu chai
    Cũng gọi là dầu rái, làm từ nhựa cây dầu con rái (cây dầu chai). Nhựa cây dầu chai rất dính, không thấm nước và khi khô lại thì rất cứng nên nhân dân ta thường dùng để trét lên đáy ghe thuyền. Dầu chai sẽ lấp vào những kẽ ván thuyền và thấm vào gỗ ván thuyền, làm cho đáy thuyền trở nên không thấm nước và bảo vệ được gỗ thuyền khỏi bị ăn mòn do tác dụng của nước và muối.

    Một trong những cách làm ghe thuyền khác rất phổ biến là "đan" thuyền bằng nan tre, sau đó trét (sơn, quét) lên một lớp dầu chai thật dày để thuyền không thấm nước. Thúng chai và thuyền nan là hai ví dụ của cách làm này.

    Cây dầu con rái (dầu rái, dầu chai).

    Cây dầu con rái

    tau

    Mô hình thuyền Hoàng Sa, lườn thuyền bằng nan tre trát dầu rái.

  7. Vun
    Manh đệm đươn (đan) bằng cỏ bàng, có chiều dài khoảng 2m, rộng gần 1m. Để cho bìa vun đệm khỏi sút sổ, người ta phải “bẻ bìa”, tức là thắt đầu các cọng bàng lại với nhau theo dây chuyền (gần giống như kiểu thắt tóc bím). Xem thêm Nghề đươn đệm ở Đồng Tháp Mười.
  8. Cỏ bàng
    Còn gọi là cói bàng hay gọi tắt là bàng, một loài cỏ cao, thân rỗng, thường mọc thành đồng những vùng đất nhiễm phèn miền Tây Nam Bộ. Củ bàng có thể ăn thay cơm, thân bàng dùng để đan nhiều đồ dùng hữu ích như đệm lót, giỏ xách, bao (cà ròn), nón, võng, nóp (một loại nệm nằm), thậm chí cả buồm cho tàu ghe hay áo mặc. Nghề đan bàng do đó là nghề kiếm sống của nhiều người dân Nam Bộ trước đây, hiện đang được phục hồi sau một thời gian mai một, chủ yếu tập trung vào chế tác hàng mỹ nghệ.

    Đêm đêm trong ánh trăng mờ
    Gần xa rộn tiếng nhặt thưa giã bàng

    (Trường ca Đồng Tháp Mười - Nguyễn Bính)

    Đồng cỏ bàng ở Mộc Hoá, Long An

    Đồng cỏ bàng ở Mộc Hoá, Long An

    Đan (đươn) bàng

    Đan (đươn) bàng

  9. Bạn biển
    Những người làm mướn về nghề đi biển, nghề cá. Làm nghề này cũng gọi là đi bạn hoặc đi ghe bạn.
  10. Răng đen
    Người xưa có phong tục nhuộm răng đen. Từ điển Văn hoá cổ truyền Việt Nam, Nhà xuất bản Thế giới, 2002, trang 511, nói về nhuộm răng như sau:

    "Phong tục người Việt cổ coi răng càng đen càng đẹp. Trước khi nhuộm đen phải nhuộm đỏ. Thuốc nhuộm răng đỏ là cánh kiến đỏ trộn với rượu rồi đun quánh như bột nếp. Quét bột này lên mảnh lá chuối hột ấp vào răng trước khi đi ngủ. Làm nhiều lần cho đến khi hàm răng bóng ánh nổi màu cánh gián. Thuốc nhuộm đen: phèn đen, vỏ lựu khô, quế chi, hoa hồi, đinh hương nghiền nhỏ, hòa giấm hoặc rượu, đun cho quánh như hồ dán. Quét lên lá chuối đắp lên răng như nhuộm đỏ. Từ 5 đến 7 ngày thuốc mới bám vào răng, nổi màu đen thẫm rồi đen bóng. Súc miệng bằng nước cốt dừa. Kiêng ăn thịt mỡ, cua cá, vật cứng, nóng. Có khi chỉ nuốt cơm hoặc húp cháo. Kể cả nhuộm đỏ và đen, thời gian kéo dài đến nửa tháng."

    Xem phóng sự về phong tục nhuộm răng và ăn trầu.

    Răng đen

    Răng đen

  11. Công tử bột
    Trong tác phẩm Bến Nghé xưa, nhà văn Sơn Nam cho rằng thành ngữ Công tử bột có nguồn gốc từ một nhân vật trong hát bội tên là Hoa Bột, Ba Bột: "Hoặc hát khách thằng Bột: rượu bọt ngon, con gái tốt đẹp, xang xang xang cống xang xê cống cống xang xê. Hoa Bột, Ba Bột là tên của nhân vật xấu gần như vai hề, tính tình kiêu hãnh trong tuồng hát bội (nay hãy còn gọi là công tử bột). Trong Kim Thạch Kì Duyên của Thủ Khoa Nghĩa có bài hát thằng Bột: Cậu Ái Lang chữ đặt, cha tri phủ giàu sang, như nhà cụ: cửa nhà chớn chở bạc vàng, hầu thiếp nhởn nhơ điếu đỏ. Nói chi bạn hàng cũ, nuốn con gái nguyên. Cậu chơi hoài hoài, thiên hoàng thiến chi hoang, sướng đế sướng đê chí sướng…"

    Ngày nay thành ngữ này dùng để chỉ những công tử, cậu ấm con nhà giàu, không biết làm việc gì, chỉ biết chơi (hoặc học).

  12. Tằm
    Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.

    Tằm đang ăn lá dâu

    Tằm đang ăn lá dâu

    Kén tằm

    Kén tằm

  13. Dâu tằm
    Loại cây thường được trồng hai bên bờ sông, chủ yếu để lấy lá cho tằm ăn. Lá và rễ dâu cũng là vị thuốc đông y. Quả dâu tằm chín cũng có thể dùng để ăn hoặc ngâm rượu, gọi là rượu dâu tằm. Ở nước ta, dâu có nhiều giống: dâu bầu, dâu da, dâu cỏ, dâu tam bội...

    Lá và quả dâu tằm

    Lá và quả dâu tằm

  14. Có ý kiến cho rằng bài ca dao này nhằm đả kích chế độ sưu cao thế nặng của triều đình nhà Nguyễn và thực dân Pháp.
  15. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  16. Nguyệt Biều, Lương Quán
    Tên hai làng nay được hợp nhất thành phường Thủy Biều thuộc thành phố Huế.

    Di tích trường đấu voi và hổ ở làng Nguyệt Biều

    Di tích trường đấu voi và hổ ở làng Nguyệt Biều

  17. Hói
    Nhánh sông con, nhỏ, hẹp, do tự nhiên hình thành hoặc được đào để dẫn nước, tiêu nước.

    Hói Quy Hậu

    Hói Quy Hậu

  18. Vân Thê
    Một làng nay thuộc địa phận xã Thủy Thanh, huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên Huế. Tại đây có đình làng Vân Thê, được công nhận là di tích cấp Quốc gia từ năm 1997.
  19. Sư Lỗ
    Một làng nay thuộc xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 15km về hướng Đông Nam. Làng được thành lập khá sớm (khoảng năm 1558).
  20. Khoáy
    Xoáy tóc.
  21. Ngái
    Xa (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  22. Ăn cho ngái, đái cho xa
    Trong mọi việc phải biết tỉnh táo tính toán, trù bị cẩn thận.