Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Cầu Đông
    Một cây cầu bắc qua con hào Sào Khê xuyên dọc kinh đô Hoa Lư và hiện tại là cửa ngõ phía đông vào khu di tích cố đô Hoa Lư, thuộc địa bàn tỉnh Ninh Bình. Cầu Đông nằm trên đường cửa đông còn cầu Dền nằm gần cửa bắc, kẹp giữa chúng là chợ Cầu Đông với phố Chợ dài 500m.

    Chợ Cầu Đông ngày nay

    Chợ Cầu Đông ngày nay

  2. Có bản chép: phán.
  3. Giần
    Đồ đan bằng tre, hình tròn và dẹt, mặt có lỗ nhỏ, dùng làm cho gạo đã giã được sạch cám (tương tự như cái sàng). Hành động dùng giần để làm sạch gạo cũng gọi là giần.

    Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
    Đất Nước có từ ngày đó

    (Mặt đường khát vọng - Nguyễn Khoa Điềm)

    Xay, giã, giần, sàng

    Xay, giã, giần, sàng

  4. Sàng
    Đồ đan bằng tre, hình tròn, lòng nông, có lỗ nhỏ và thưa, thường dùng để làm cho gạo sạch thóc, trấu và tấm. Hành động dùng cái sàng mà lắc cho vật vụn rơi xuống, vật to còn lại cũng gọi là sàng.

    Sàng gạo

    Sàng gạo

  5. Đa thê
    Nhiều vợ (từ Hán Việt).
  6. Gá tiếng
    Cất tiếng (phương ngữ). Còn nói gá lời.
  7. Nam tử
    Đàn ông, con trai (từ Hán Việt).
  8. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  9. Châu
    Hạt ngọc trai.
  10. Nguộc
    Ngọc (phương ngữ một số vùng Trung Bộ).
  11. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  12. Cải dung
    Cũng nói là cải dong, từ chữ Hán 改容, nghĩa là sửa đổi dung mạo.
  13. Biến nghì
    Thay đổi (biến) tình nghĩa (nghì).
  14. Đọi
    Cái chén, cái bát (phương ngữ một số vùng ở Bắc Trung Bộ).
  15. Chè tàu
    Chè sản xuất từ búp chè không ủ lên men, cánh nhỏ, nước xanh, có hương thơm. Chè có tên như vậy vì nguyên sản xuất ở Trung Quốc.
  16. Núi Đá Bia
    Tên chữ là Thạch Bi Sơn, dân gian cũng gọi là núi Ông hoặc Đá Chồng, ngọn núi cao nhất trong khối núi Đại Lãnh thuộc dãy Đèo Cả, một thời là cột mốc biên giới của Đại Việt xưa. Đá Bia nằm ở xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, phía Nam tỉnh Phú Yên, nổi tiếng vì tảng đá Bia khổng lồ cao khoảng 80 m trên đỉnh núi, đứng cách xa vẫn nhìn thấy. Có tên như vậy vì tương truyền vào năm 1471, khi thân chinh cầm quân tấn công Chăm Pa, vua Lê Thánh Tông dừng tại chân núi, cho quân lính trèo lên khắc tên, ghi rõ cương vực Đại Việt tại nơi này.

    Núi Đá Bia

    Núi Đá Bia

  17. Núi Bà
    Một dãy núi nằm địa phận huyện Phù Cát, phía Nam đầm Đạm Thủy, Bình Định, gồm trên sáu mươi ngọn cao thấp khác nhau, nổi bật là hòn Hang Rái ở phía đông bắc, hòn Hèo ở phía Đông - Nam và đỉnh cao nhất, tới gần 900 m, là hòn Chuông (Chung Sơn) ở phía Tây. Nếu nhìn toàn cảnh núi Bà thì thấy vùng quanh hòn Chuông tương đối bằng phẳng, giống như một cái chiêng đồng úp sấp mà núm chiêng chính là hòn Chuông. Có lẽ bởi dáng núi như vậy mà người ta đã đặt tên chữ cho núi Bà là Phô Chinh Đại Sơn (nghĩa là núi lớn bày chiêng). Núi Bà là một danh thắng của tỉnh Bình Định.

    Núi Bà

    Núi Bà

  18. Mắc thằng bố
    Bị vong hồn người chết nhập vào, trở nên lẩn thẩn, hay nói lảm nhảm một mình (theo tín ngưỡng dân gian).
  19. Nạm
    Nắm, nhúm (nạm tóc, nạm gạo...).
  20. Thưng
    Đồ đo lường, bằng một phần mười cái đấu ("thưng" do chữ "thăng" 升 đọc trạnh ra).

    Thưng bằng đồng

    Thưng bằng đồng

  21. Tu
    Uống nhiều liền một mạch bằng cách ngậm trực tiếp vào miệng vật đựng.
  22. Me
    Mẹ (từ địa phương).
  23. Phạt vạ
    Hình phạt ở làng, xã nước ta thời phong kiến, thường là bằng tiền.
  24. Cheo
    Khoản tiền nhà trai nạp cho làng xã bên nhà gái khi làm lễ dạm hỏi theo tục lệ xưa.
  25. Cá mè
    Tên chung của một số loài cá nước ngọt cùng họ với cá chép, có thân dẹp, đầu to, vẩy nhỏ, trắng. Có nhiều loài cá mè, nhưng cá mè trắng và mè hoa là phổ biến hơn cả. Nhân dân ta đánh bắt cá mè để lấy thịt, mỡ và mật cá, vừa để chế biến thức ăn vừa làm thuốc.

    Cá mè

    Cá mè

  26. Cá chép
    Tên Hán Việt là lí ngư, một loại cá nước ngọt rất phổ biến ở nước ta. Ngoài giá trị thực phẩm, cá chép còn được nhắc đến trong sự tích "cá chép vượt vũ môn hóa rồng" của văn hóa dân gian, đồng thời tượng trưng cho sức khỏe, tài lộc, công danh.

    Ở một số địa phương miền Trung, cá chép còn gọi là cá gáy.

    Cá chép

    Cá chép

  27. Cá mái
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Cá mái, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  28. Bài ca dao này ra đời vào khoảng những năm 1940, khi quân đội Nhật Bản đổ bộ vào Bắc Kỳ với sự đồng ý của chính phủ Pháp, khi ấy đã đầu hàng Đức Quốc Xã. Dưới sự cai trị của Nhật, từ tháng 10 năm 1944 đến tháng 5 năm 1945, nạn đói khủng khiếp diễn ra trên toàn miền Bắc làm ước tính 2 triệu người chết. Đây là tiền đề cho cuộc cách mạng tháng Tám 1945.

    Người chết vì đói năm Ất Dậu

    Người chết vì đói năm Ất Dậu

  29. Đay
    Một loại cây thuộc họ bông gòn, chiều cao từ 2 - 5 m, vỏ cây dùng để làm sợi. Trong Chiến tranh Đông Dương, Pháp và Nhật đã bắt dân ta "nhổ lúa trồng đay" nhằm phục vụ chiến tranh (sản xuất quân trang, quân phục), làm sản lượng lương thực bị giảm mạnh, góp phần gây nên nạn đói năm Ất Dậu ở miền Bắc.

    Cây đay

    Cây đay

  30. Chầy
    Trễ, chậm (từ cổ). Trong ca dao ta cũng thường gặp cụm từ "canh chầy," nghĩa là canh khuya, đêm khuya.
  31. Thầy mẹ
    Cha mẹ (phương ngữ miền Bắc).

    Con đi mười mấy năm trời,
    Một thân, một bóng, nửa đời gió sương.
    Thầy đừng nhớ, mẹ đừng thương,
    Cầm như đồng kẽm ngang đường bỏ rơi!
    Thầy mẹ ơi, thầy mẹ ơi,
    Tiếc công thầy mẹ đẻ người con hư!

    (Thư gửi thầy mẹ - Nguyễn Bính)

  32. Mo
    Phần vỏ ngoài của hoa dừa hay hoa cau. Khi hoa còn non chưa nở, mo màu xanh, hai cánh dạng thuyền úp lại che chở cho hoa bên trong. Mo tự tách ra khi hoa nở và khô dần đi khi cây đậu quả. Mo cau, mo dừa già sẽ tự rụng xuống hoặc được người trồng giật xuống khi thu hái quả. Mo cau mềm mại, dẻo dai, được dân ta sử dụng để gói giò (chả) và nhất là gói cơm nắm mang theo khi làm đồng làm rẫy. Cơm nắm mo cau là một hình ảnh quen thuộc và thân thương với người nông dân nước ta.

    Mo cau

    Mo cau

    Cơm nắm gói trong mo cau.

    Cơm nắm gói trong mo cau.