Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Chài
    Loại lưới hình nón, mép dưới có chì, chóp buộc vào một dây dài, dùng để quăng xuống nước chụp lấy cá mà bắt. Việc đánh cá bằng chài cũng gọi là chài.

    Vãi chài trên dòng Nậm Hạt

    Vãi chài trên dòng Nậm Hạt

  2. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  3. Bõ công
    Đáng công.
  4. Vưng
    Vâng (phương ngữ Trung Bộ).
  5. Mược
    Mặc kệ (phương ngữ miền Trung).
  6. Bồ nông
    Một loài chim săn cá, có chiếc mỏ dài và túi cổ họng lớn đặc trưng để bắt con mồi.

    Bồ nông

    Bồ nông

  7. Lộn chồng
    Bỏ chồng theo trai (từ cũ).
  8. Bến Nghé
    Địa danh ban đầu là tên đoạn sông Sài Gòn, đoạn chảy qua thành phố Hồ Chí Minh ngày nay, sau đó được dùng để chỉ vùng trung tâm Sài Gòn. Hiện nay Bến Nghé là tên một phường thuộc quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Để giải thích cái tên Bến Nghé, hiện có hai thuyết:

    1. Theo phó bảng Nguyễn Văn Siêu trong cuốn Phương Đình dư địa chí (1900) thì: tục truyền sông này nhiều cá sấu, từng đàn đuổi nhau kêu gầm như tiếng trâu rống, cho nên gọi tên như thế. Sách Đại Nam nhất thống chí, phần tỉnh Gia Định, cũng chép tương tự.
    2. Theo học giả Trương Vĩnh Ký: Bến Nghé có nguồn gốc từ tiếng Khmer: Kompong: bến, Kon Krabei: con trâu. (Le Cisbassac, tr. 192). Nhà địa danh học Lê Trung Hoa cũng đồng ý rằng: Bến Nghé là cái bến mà "người ta thường cho trâu, bò ra tắm."

    Trước đây, nhắc đến vùng Đồng Nai - Bến Nghé nghĩa là nhắc đến cả vùng đất Nam Bộ.

    Bến Nghé của tiền tan bọt nước
    Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây

    (Chạy Tây - Nguyễn Đình Chiểu)

    Một đoạn sông Sài Gòn (Bến Nghé) ngày nay

    Một đoạn sông Sài Gòn (Bến Nghé) ngày nay

  9. Chợ Bến Thành
    Còn gọi là chợ Sài Gòn, ban đầu được xây bằng gạch, sườn gỗ, lợp tranh, nằm bên cạnh sông Bến Nghé, gần thành Gia Định (nên được gọi là Bến Thành). Sau một thời gian, chợ cũ xuống cấp, người Pháp cho xây mới lại chợ tại địa điểm ngày nay. Chợ mới được xây trong khoảng hai năm (1912-1914), cho đến nay vẫn là khu chợ sầm uất bậc nhất của Sài Gòn, đồng thời là biểu tượng của thành phố.

    Chợ Bến Thành

    Chợ Bến Thành

  10. Cả tiếng
    Lớn tiếng, nói lớn.
  11. Ba sinh
    Ba kiếp người: kiếp trước, kiếp này và kiếp sau, theo thuyết luân hồi của Phật giáo. Văn học cổ thường dùng chữ "nghĩa ba sinh" hoặc "nguyện ước ba sinh" để nói về sự gắn kết nam nữ.

    Ví chăng duyên nợ ba sinh,
    Làm chi những thói khuynh thành trêu ngươi?

    (Truyện Kiều)

  12. Phu thê
    Vợ chồng (từ Hán Việt).

    Có âm dương, có vợ chồng,
    Dẫu từ thiên địa cũng vòng phu thê.

    (Cung oán ngâm khúc)

  13. Gá bạc
    Tổ chức đánh bạc.
  14. Phúc
    Những điều tốt lành. Kinh Thi chia ra năm phúc: Giàu, Yên lành, Thọ, Có đức tốt, và Vui hết tuổi trời (theo Thiều Chửu). Từ thời nhà Nguyễn, chữ này được đọc trại ra thành phước vì kị húy họ Nguyễn Phúc của vua chúa nhà Nguyễn.
  15. Đồng Tháp
    Một tỉnh nằm ở miền Tây Nam Bộ, thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đồng Tháp nằm ở cửa ngõ của sông Tiền, có đường biên giới giáp với Campuchia, nổi tiếng với những đầm sen, bàu sen... Ngó và hạt sen là những đặc sản của vùng này.

    Đầm sen Đồng Tháp

    Đầm sen Đồng Tháp

  16. Xấu chàng, hổ ai
    Chàng xấu thì ai hổ thẹn. Ý nói người chồng (chàng) mang tiếng xấu thì người vợ cũng xấu lây.
  17. Pháo
    Một loại đồ chơi dân gian, gồm thuốc nổ (thuốc pháo) bỏ trong vỏ giấy dày hay tre quấn chặt để khi đốt nổ thành tiếng to trong các lễ hội như ngày Tết, đám cưới... Người xưa tin rằng tiếng nổ của pháo có thể xua ma quỷ. Ở một số vùng quê ngày trước cũng tổ chức hội pháo, như hội pháo Bình Đà (Thanh Oai, Hà Tây), hội pháo Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh). Trước đây, ngày Tết gắn liền với:

    Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
    Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh

    Năm 1994, chính phủ Việt Nam ra chỉ thị cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo để ngăn ngừa các tai nạn xảy ra do pháo, tuy nhiên nhắc đến Tết người dân vẫn nhớ đến tràng pháo. Những năm gần đây trên thị trường còn xuất hiện loại pháo điện tử, phát ra tiếng kêu như pháo nổ.

    Pháo

    Pháo

  18. Nêu
    Cây tre cao đem trồng trước sân nhà mỗi dịp tết Nguyên Đán, trên ngọn có đeo một vòng tròn nhỏ và treo nhiều vật dụng có tính chất biểu tượng tùy theo địa phương, phong tục, dân tộc. Đọc thêm về sự tích cây nêu.

    Cây nêu

    Cây nêu

  19. Trần Tử Ca
    Cũng gọi là đốc phủ Ca, quan tri huyện Bình Long (Hóc Môn) vào khoảng nửa cuối thế kỉ 19. Y người thôn Hạnh Thông Tây, phủ Tân Bình. Nguyên xưa, Tử Ca làm phó tổng Bình Dương, sau khi đại đồn Chí Hòa thất thủ (tháng 2 năm 1861), được Quản Sĩ thân Pháp tiến cử làm tri huyện Bình Long. Trần Tử Ca là một cộng sự đắc lực của thực dân Pháp. Vào 25 tháng chạp năm Giáp Thân (ngày 8 rạng ngày 9 tháng 2 năm 1885) Phan Văn Hớn và Nguyễn Văn Quá (người Đức Hòa, Long An) cùng hơn ngàn nghĩa quân chia làm ba mũi, tấn công vào dinh huyện Bình Long. Đốc phủ Ca rút lên lầu chống cự; nghĩa quân dùng rơm và dây đậu phộng khô có sẵn trong dinh, đem chất xung quanh nơi Ca ẩn náu rồi châm lửa đốt. Vợ Ca chết cháy. Ca chạy thoát ra ngoài thì bị một nông dân bắt được giao cho quân khởi nghĩa xử chém, đầu bêu lên cột đèn trước chợ Hóc Môn.
  20. Sao Kim
    Hành tinh thứ hai trong hệ Mặt Trời, khi xuất hiện lúc chiều tối thì được gọi là sao Hôm, khi xuất hiện lúc sáng sớm thì được gọi là sao Mai. Người xưa lầm tưởng sao Hôm và sao Mai là hai ngôi sao riêng biệt. Trong thi ca, sao Hôm là hoán dụ của hoàng hôn, còn sao Mai là hoán dụ của bình minh.
  21. Lan
    Tên chung của một họ cây thân thảo lưu niên, thường cho hoa đẹp, do đó được trồng rất phổ biến. Hoa lan rất đa dạng về màu sắc và hình dạng, nhưng hoa của tất cả những loài lan đều có cấu tạo gồm ba lá đài và ba cánh hoa, trong đó có một cánh môi, luôn to hơn và có hình dạng rất khác hai cánh hoa còn lại. Vì ba lá đài của hoa lan khá giống với những cánh hoa chính nên thường có sự nhầm lẫn là hoa lan có sáu cánh. Hoa lan thường được chia làm phong lan, sống trên những thân gỗ mục lơ lửng trên cao, và địa lan, mọc trên lớp đất mùn. Hoa lan ưa nơi râm mát và độ ẩm cao nên những khu rừng và cao nguyên ở nước ta như Nam Cát Tiên, Tây Nguyên, Yên Bái, Sa Pa là nơi sống của nhiều loài lan quý như giả hạc, ngọc điểm, lan hài, ...

    Lan ngọc điểm (còn gọi là nghênh xuân hay đai châu)

    Lan ngọc điểm (còn gọi là nghênh xuân hay đai châu)

  22. Liễn
    Dải vải hoặc giấy, hoặc tấm gỗ dài dùng từng đôi một, trên có viết câu đối, thường mang ý nghĩa tốt đẹp, cầu hạnh phúc may mắn cho chủ nhà. Liễn thường được treo song song với nhau, gọi là cặp (đôi) liễn.

    Liễn

    Liễn

  23. Oanh
    Tên gọi chung của một số loài chim có bộ lông đẹp và giọng hát hay. Trong văn chương cổ, chim oanh tượng trưng cho điều cao quý.

    Gần xa nô nức yến oanh
    Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân

    (Truyện Kiều)

    Chim oanh cổ đỏ

    Chim oanh cổ đỏ

  24. Cha mẹ quê quán ở đâu, anh chị em nhiều hay ít.
  25. Làm mai
    Còn gọi là làm mối, mai mối. Người làm mai gọi là ông (bà) mối hay ông (bà) mai, là người đứng trung gian, giới thiệu cho hai bên trai gái làm quen hoặc cưới nhau.
  26. Nghĩa giao hòa
    Nghĩa vợ chồng (dùng trong ca dao dân ca).
  27. Có bản chép: Trách cái miệng, không vôi mà trắng.
  28. Phù du
    Tạm bợ, ngắn ngủi. Từ này có nguồn gốc từ tên một loài côn trùng có thời gian sống sau khi trưởng thành rất ngắn.
  29. Hồ dễ
    Không dễ dàng.

    Chưa chắc cây cao hồ dễ im
    Sông sâu hồ dễ muốn êm đềm

    (Buồn êm ấm - Quang Dũng)

  30. Hà Châu
    Dân địa phương cũng gọi là Hà Chiêu, một thôn thuộc xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Đây là khu vực trũng thấp, thường bị ngập lụt và cô lập trong mùa mưa bão.
  31. Chập miều
    Chim chào mào, cách gọi của người Huế.
  32. Khu
    Đít, mông (phương ngữ).
  33. Mặt mo
    Mặt dày như cái mo, thường có nghĩa chê bai.
  34. Hồng quần
    Cái quần màu đỏ. Ngày xưa bên Trung Hoa phữ nữ thường mặc quần màu đỏ, nên chữ "hồng quần" còn được dùng để chỉ phụ nữ.

    Phong lưu rất mực hồng quần,
    Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê.

    (Truyện Kiều)