Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Hàng Bột
    Một phố của thành Thăng Long ngày trước, nay là phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, Hà Nội.
  2. Hàng Đường
    Một phố trong khu phố cổ Hà Nội, dài 180m, chạy theo hướng bắc - nam, phía nam nối vào phố Hàng Ngang, phía bắc nối phố Đồng Xuân, cắt ngang bởi phố Hàng Cá và Ngõ Gạch. Tên phố từ xưa đến nay không bị thay đổi. Đây là nơi từ xưa chuyên bán các loại đường, mứt, bánh, kẹo. Từ khoảng những năm 1940 đến nay, phố này bắt đầu trở thành nơi nổi tiếng với các sản phẩm ô mai.
  3. Hàng Muối
    Một phố cổ của Hà Nội. Xưa kia phố này nằm sát bờ sông Hồng, có nhiều thuyền chở muối lên đem bán ở đây.
  4. Bển
    Bên đó (phương ngữ Nam Bộ).
  5. Cau
    Loại cây nhiều đốt, thân nhỏ và cao vút, có quả dùng để ăn với trầu.

    Cây cau

    Cây cau

    Quả cau và lá trầu

    Quả cau và lá trầu

  6. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  7. Đá vàng
    Cũng nói là vàng đá, lấy ý từ từ Hán Việt kim thạch. Kim là kim khí để đúc chuông, đỉnh. Thạch là đá. Ngày trước, những lời vua chúa hoặc công đức của nhân vật quan trọng được khắc ghi trên bia đá hay chuông, đỉnh đồng để lưu truyền mãi mãi. Đá vàng vì thế chỉ sự chung thủy son sắt, hoặc sự lưu truyền tên tuổi mãi mãi về sau.
  8. Tông chi
    Các chi trong một họ nói chung.
  9. Trăng gió
    Từ từ Hán Việt phong nguyệt, thú tiêu khiển hóng gió xem trăng, cũng chỉ sự tình tự hẹn hò của trai gái (thường hàm ý chê bai).
  10. Gẫm
    Ngẫm, suy nghĩ.
  11. Dũng Quyết
    Cũng gọi là rú (núi) Quyết, một ngọn núi nằm trong quần thể Lâm viên Núi Quyết thuộc địa bàn phường Trung Đô, thành phố Vinh, Nghệ An. Từ xưa núi đã được đánh giá là có thế Long, Ly, Quy, Phượng, được vua Quang Trung chọn là nơi đóng đô, gọi là Phượng Hoàng Trung Đô.

    Đền thờ vua Quang Trung trên núi Quyết

    Đền thờ vua Quang Trung trên núi Quyết

  12. Cửa Lò
    Một địa danh ven biển nay là thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An và là một địa điểm du lịch nổi tiếng.

    Bãi biển Cửa Lò

    Bãi biển Cửa Lò

  13. Mười hai bến nước
    Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huình Tịnh Paulus Của giảng “Con gái mười hai bến nước” là: “Thân con gái như chiếc đò, hoặc gặp bến trong, hoặc mắc bến đục, hoặc đưa người tốt, hoặc đưa người xấu, may thì nhờ, rủi thì chịu. Nói mười hai bến là nói cho vần.”

    Mười hai bến nước, một con thuyền
    Tình tự xa xôi, đố vẽ nên!

    (Bỏ vợ lẽ cảm tác - Nguyễn Công Trứ)

  14. Linh đinh
    Lênh đênh (phương ngữ Nam Bộ). Nghĩa rộng là nay đây mai đó.
  15. Ba Vát
    Còn gọi Ba Việt, địa danh gốc Khmer (Pears Watt, nghĩa là là chùa Phật). Vào thế kỷ XVIII, nơi đây là huyện lỵ của huyện Tân An - một trung tâm kinh tế khá phồn thịnh thời bấy giờ. Hiện nay Ba Vát là một thị trấn thuộc huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre. Do cách phát âm của người Nam Bộ, một số tài liệu địa danh này cũng được ghi thành Ba Giác.
  16. Chợ Giồng
    Một địa danh hiện thuộc thị trấn Vĩnh Bình, Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang. Tại đây có một đặc sản nổi tiếng là bánh giá Chợ Giồng.
  17. Chữ đồng
    Từ cụm từ Hán Việt "đồng tâm đái," hoặc "dải đồng," chỉ sợi thắt lưng ngày xưa có hai dải lụa buộc lại với nhau. Văn chương cổ dùng từ "chữ đồng" hoặc "đạo đồng" để chỉ sự kết nguyền chung thủy của vợ chồng.

    Đã nguyền hai chữ đồng tâm
    Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai

    (Truyện Kiều)

  18. Giồng
    Dải đất nổi cao ở ven sông do phù sa bồi đắp. Giồng có thể là do phù sa bồi đắp lâu năm tạo thành, hoặc cũng có thể do người dân tạo thành trong lúc đào kênh mương dẫn nước để lập vườn tược. Đất giồng là đất phù sa pha cát, sạch phèn, màu mỡ, nên rất thuận tiện để trồng trọt. Ở Nam Bộ có nhiều địa danh với tiền tố Giồng như Giồng Trôm, Giồng Tượng, Giồng Ông Tố...
  19. Lễ tơ hồng
    Cũng gọi là lễ Nguyệt Lão (xem thêm chú thích Nguyệt Lão), một nghi lễ trong đám cưới người Việt. Cô dâu và chú rể cùng quỳ trước bàn thờ (gọi là bàn thờ tơ hồng), nghe đọc một bài văn tế có nội dung ghi ơn Nguyệt Lão đã se duyên cho hai người.
  20. Hải Vân
    Một con đèo nằm giữa tỉnh Thừa Thiên-Huế ở phía Bắc và thành phố Đà Nẵng (trước đây là tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng) ở phía Nam. Đèo còn có tên là đèo Ải Vân hoặc đèo Mây, vì trên đỉnh đèo thường có mây bao phủ. Đèo Hải Vân một bên là biển, một bên là dốc núi dựng đứng, có tiếng hiểm trở, nhưng đồng thời cũng là một danh thắng từ trước đến nay.

    Đèo Hải Vân

    Đèo Hải Vân

  21. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  22. Răng
    Sao (phương ngữ Trung Bộ).
  23. Lam Cầu
    Cũng gọi là làng Cầu, nay là một thôn thuộc xã Tiên Tân, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, trước đây là xã Lam Cầu thuộc tổng Lam Cầu.
  24. Quan Nha
    Tên một làng nay thuộc xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.
  25. Cá trèn bầu
    Một loài cá nước ngọt phổ biến ở miền Nam nước ta, đặc biệt gặp nhiều ở vùng trung lưu và hạ lưu sông Đồng Nai và sông Sài Gòn. Cá trèn bầu dài từ 9 đến 50 cm, thân hơi dẹp ngang, thịt ngon là loài có giá trị kinh tế cao.

    Cá trèn bầu

    Cá trèn bầu