Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Hồ Hoàn Kiếm
    Còn gọi là hồ Gươm, hồ Hoàn Gươm, Lục Thủy, Thủy Quân, Tả Vọng, Hữu Vọng, một hồ nước ngọt tự nhiên thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Tên gọi Hoàn Kiếm (trả gươm) xuất hiện vào đầu thế kỷ 15, gắn với truyền thuyết vua Lê Thái Tổ trả gươm báu cho rùa thần.

    Hồ Gươm xưa

    Hồ Gươm xưa

  2. Cầu Thê Húc
    Cây cầu gỗ sơn màu đỏ, nối bờ hồ Hoàn Kiếm với cổng đền Ngọc Sơn (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), được Nguyễn Văn Siêu xây dựng vào năm 1865. Cầu bị gãy vào năm 1953 và được sửa lại, gia cố phần móng bằng xi măng. Tên cầu Thê Húc 棲旭 nghĩa là "đón ánh sáng mặt trời buổi sớm."

    Cầu Thê Húc năm 1945. Ảnh: Võ An Ninh

    Cầu Thê Húc năm 1945. Ảnh: Võ An Ninh

  3. Đền Ngọc Sơn
    Một ngôi đền nằm trên đảo Ngọc, nay thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Đền có từ trước thời Lý, được xây mới và tu sửa nhiều lần, có nhiều tên gọi khác nhau như đền Ngọc Tượng, chùa Ngọc Sơn... đến thế kỉ XIX được xây mới và đổi tên thành đền Ngọc Sơn. Đền hiện nay do Nguyễn Văn Siêu tu sửa năm 1865, đắp thêm đất và kè đá xung quanh, xây đình Trấn Ba, bắc cầu Thê Húc.

    Đền Ngọc Sơn hồi đầu thế kỉ XX

    Đền Ngọc Sơn hồi đầu thế kỉ XX

  4. Đài Nghiên
    Tên một cái cổng ở đầu cầu Thê Húc, trên cổng có đặt nghiên mực bằng đá hình quả đào bổ đôi theo chiều dọc, có tạc ba con ếch đội nghiên. Trên nghiên có khắc một bài minh (một thể văn xưa) của Nguyễn Văn Siêu. Từ cổng ngoài đi vào có hai bức tường hai bên, một bên là bảng rồng, một bên là bảng hổ, tượng trưng cho hai bảng cao quý nêu tên những người thi đỗ, khiến cho các sĩ tử đi qua càng gắng công học hành.

    Tháp Nghiên

    Đài Nghiên

  5. Tháp Bút
    Tên một tòa tháp ở Hồ Gươm (Hà Nội). Tháp được xây dựng từ thời vua Tự Đức, làm bằng đá, cao năm tầng, đỉnh có hình một chiếc bút lông chỉ lên trời.

    Tháp Bút. Ba chữ Hán từ trên xuống là 寫青天 (Tả Thanh Thiên), nghĩa là "viết lên trời xanh."

    Tháp Bút. Ba chữ Hán từ trên xuống là Tả Thanh Thiên, nghĩa là "viết lên trời xanh."

  6. Sơn khê
    Núi (sơn) và khe nước chảy (khê). Chỉ vùng rừng núi.
  7. Mì Quảng
    Một món ăn đặc trưng của tỉnh Quảng Nam, làm từ sợi mì bằng bột gạo xay mịn và tráng thành từng lớp bánh mỏng, sau đó thái theo chiều ngang để có những sợi mì mỏng. Dưới lớp mì là các loại rau sống, trên mì là thịt heo nạc, tôm, thịt gà cùng với nước dùng được hầm từ xương heo. Người ta còn bỏ thêm đậu phụng rang khô và giã dập, hành lá thái nhỏ, rau thơm, ớt đỏ... vào bát mì để thêm hương vị.

    Mì Quảng

    Mì Quảng

  8. Vịnh
    Phần biển ăn sâu vào đất liền, có cửa mở rộng ra phía khơi với chiều rộng đáng kể.

    Vịnh Cam Ranh thuộc thành phố Cam Ranh và huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.

    Vịnh Cam Ranh thuộc tỉnh Khánh Hòa.

  9. Thọ bịnh
    Thọ bệnh, bị bệnh (phương ngữ Nam Bộ).
  10. Gia Định
    Tên gọi một tỉnh ở miền Nam nước ta dưới thời triều Nguyễn. Tỉnh Gia Định xưa nằm giáp ở phía Nam tỉnh Đồng Nai, có thủ phủ là thành Gia Định. Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, vào năm 1957, tỉnh Gia Định gồm 6 quận: Gò Vấp, Tân Bình, Hóc Môn, Thủ Đức, Nhà Bè, Bình Chánh, đến năm 1970 thêm Quảng Xuyên và Cần Giờ. Đến tháng 6/1975, tỉnh Gia Định (ngoại trừ 2 quận Cần Giờ và Quảng Xuyên) được sáp nhập với Đô thành Sài Gòn, cộng thêm một phần các tỉnh Long An, Bình Dương, Hậu Nghĩa để trở thành thành phố Sài Gòn - Gia Định. Đến ngày 2 tháng 7 năm 1976, thành phố Sài Gòn - Gia Định được chính thức đổi tên là Thành phố Hồ Chí Minh.

    Ngày nay, địa danh Gia Định chỉ còn dùng để chỉ khu vực trung tâm quận Bình Thạnh của Thành phố Hồ Chí Minh.

  11. Chiền chiền
    Tỏ, rõ, rành rành.

    Hai bên giáp mặt chiền chiền
    Muốn nhìn mà chẳng dám nhìn lạ thay!

    (Truyện Kiều)

  12. O
    Cô, cô gái, thím (phương ngữ miền Trung). Trong gia đình, o cũng dùng để chỉ em gái của chồng.
  13. Mi
    Mày, ngôi thứ hai số ít để xưng hô thân mật, suồng sã ở các tỉnh miền Trung.
  14. Ve
    Ve vãn, tán tỉnh.
  15. Thuyền mành
    Thuyền có buồm trông giống cái mành.

    Một kiểu thuyền mành ở Nghệ An xưa qua nét vẽ của JB Pietri trong sách Voilers d'Indochine (1949)

    Một kiểu thuyền mành ở Nghệ An xưa qua nét vẽ của J.B. Pietri trong sách Voilers d'Indochine (1949)

  16. Có bản chép: Hạt đen, rễ trắng.
  17. Rau sam
    Một loại cỏ dại sống quanh năm ở những vùng ẩm mát như bờ ruộng, bờ mương, ven đường hoặc mọc xen kẽ trong những luống hoa màu. Thân gồm nhiều cành màu đỏ nhạt, lá hình bầu dục, phiến lá dày, mặt láng, mọc bò lan trên mặt đất. Rau sam có thể dùng để ăn như những loại rau trồng khác. Rau sam phơi khô dùng làm thuốc.

    Rau sam

    Rau sam

  18. Cam
    Bằng lòng chịu vì cho là không thể nào khác được.
  19. Nóc nhà xa hơn cửa chợ, lồn vợ gần hơn mả cha
    Nóc nhà dột mà thì không lo sửa mà chợ thì đi mãi. Mồ cha thì không thăm viếng, chăm sóc mà tối ngày thích quấn quít, gần gũi vợ. Đây là câu chê trách thói đời.
  20. Trẩy
    Đi đến nơi xa (thường nói về một số đông người). Trẩy hội nghĩa là đi dự ngày hội hằng năm.
  21. Chùa Hương
    Khu di tích lịch sử - văn hóa, đồng thời là danh lam thắng cảnh nổi tiếng, thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Chùa Hương gồm nhiều ngôi chùa nhỏ, nằm rải rác trong các hang động đẹp, lối vào bằng đò trên suối Yến. Trung tâm của cụm đền chùa này là chùa Hương nằm trong động Hương Tích hay còn gọi là chùa Trong. Hội chùa Hương bắt đầu từ mùng 6 tháng 1 cho đến tháng 3 âm lịch, hàng năm đón một lượng lớn du khách từ khắp nơi.

    Trẩy hội chùa Hương

    Trẩy hội chùa Hương

  22. Chín phương trời, mười phương Phật
    Một khái niệm của dân gian Trung Quốc và Việt Nam. Có một số cách giải thích khác nhau về khái niệm này, trong đó có: Chín phương trời (cửu thiên) gồm Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Nam, Đông Bắc, Tây Nam, Tây Bắc và trung ương. Mười phương Phật (thập phương chư Phật) gồm có Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Nam, Đông Bắc, Tây Nam, Tây Bắc, trên trời, dưới đất. Cũng có ý kiến cho rằng mười phương Phật gồm có cửu thiên cộng với Niết Bàn.

    Mười phương (thập phương) vì vậy mang nghĩa là rộng khắp, tất cả mọi nơi.

  23. Rau sắng
    Còn gọi là cây mì chính, cây rau ngót rừng, thuộc loại cây thân gỗ lớn, mọc tự nhiên trên những vách đá, ưa ánh sáng. Lá rau sắng có mầu xanh thẫm óng ả, dùng để nấu canh với thịt hoặc cá. Rau sắng là loại rau quý, thơm ngon, giàu chất dinh dưỡng và có tác dụng chữa bệnh. Loại rau này được xem là đặc sản ở chùa Hương.

    Muốn ăn rau sắng chùa Hương
    Tiền đò ngại tốn con đường ngại xa
    Mình đi ta ở lại nhà
    Cái dưa thì khú cái cà thì thâm.

    (Tản Đà)

    Rau sắng

    Rau sắng

  24. Một loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, có hoa trắng hoặc đỏ, nở vào mùa xuân. Quả mơ vị chua chát, dùng để làm nước ép, ướp đường, làm ô mai, làm rượu, mứt, hoặc chế biến thành các món canh.

    Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, mơ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Quả mơ

    Quả mơ

  25. Lọng
    Đồ dùng để che phía trên đầu, gần giống cái dù nhưng kích thước lớn hơn, hình tròn, phẳng, có cán dài để cầm, thường được sử dụng trong nghi lễ hoặc đám rước, để thể hiện địa vị xã hội. Ngày xưa, lọng được sử dụng cho vua, quan, chức sắc; ngày nay, lọng chủ yếu được sử dụng trong các nghi lễ tôn giáo.

    Kết cấu của lọng thường bao gồm một khung bằng tre nứa, có thể giương lên, xếp lại dễ dàng. Mặt trên lọng lợp bằng giấy phết sơn ta để chống thấm nước. Lọng còn thường được trang trí nhiều màu sắc và họa tiết tùy theo địa vị của người sử dụng.

    Quan tổng đốc Hà Nội đi bốn lọng.

    Quan tổng đốc Hà Nội đi bốn lọng.

  26. Có nguồn cho rằng bài ca dao này nhắc đến cuộc đời của Phan Thanh Giản, đại thần triều Nguyễn, quê ở thôn An Hòa, làng Tân Thạnh, huyện Vĩnh Bình, phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thạnh (nay là xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre).
  27. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  28. Bợ
    Nâng, bê, hoặc ôm cái gì đó lớn và nặng.
  29. Trực nhìn
    Chợt nhìn thấy.
  30. Khai hoa nở nhụy
    Cách nói dùng trong văn chương, chỉ việc sinh nở của người phụ nữ.
  31. Có bản chép: Cái tôm cái tép nương nhờ vào đâu.
  32. Đơn bạc
    Mỏng manh, ít ỏi. Không nhớ ơn nghĩa, không giữ được tình nghĩa trọn vẹn.
  33. Đượm
    (Nói về chất đốt) Dễ bắt lửa, cháy tốt, đều và lâu.
  34. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  35. Ba mươi được ăn, mồng một tìm đến
    Hôm trước được cho ăn thì hôm sau lại đến ăn chực. Đại ý câu này muốn nói được ăn một lần, hay được lợi một lần thì lần sau cứ mong ngóng mãi.