Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Sông Hồng
    Còn gọi là sông Cái, con sông lớn nhất chảy qua các tỉnh miền Bắc với nhiều phụ lưu cũng là các con sông lớn như sông Đà, sông Lô... Vùng hạ lưu sông gọi là đồng bằng sông Hồng, rất rộng lớn và màu mỡ, là vựa lúa lớn thứ hai của cả nước (sau đồng bằng sông Cửu Long). Đoạn chảy qua Thăng Long trước đây gọi là Nhị Hà.

    Sông Hồng là con sông gắn liền với đời sống văn hoá, tình cảm của người dân Bắc Bộ.

    Sông Hồng buổi chiều nhìn từ cầu Long Biên

    Sông Hồng buổi chiều nhìn từ cầu Long Biên

  2. Kim Ngưu
    Tên một dòng sông tại Hà Nội. Kim Ngưu có nghĩa là Trâu Vàng. Theo truyện cổ dân gian, Trâu Vàng ở bên Tàu khi nghe thấy tiếng chuông đồng đen của thiền sư Nguyễn Minh Không ở nước Nam thì tưởng là tiếng trâu mẹ gọi, liền chạy sang. Đường nó chạy lún xuống thành sông Kim Ngưu. Đến phía Tây thành Thăng Long thì tiếng chuông dứt, Trâu Vàng liền xới đất tung lên để tìm mẹ làm đất chỗ đó thụt xuống, thành hồ Kim Ngưu, tức Hồ Tây. Sông Kim Ngưu xưa là một tuyến giao thông đường thủy, nay chỉ có chức năng là một sông thoát nước cho nội thành Hà Nội.

    Một đoạn sông Kim Ngưu

    Một đoạn sông Kim Ngưu

  3. Tô Lịch
    Một con sông nhỏ chảy trong địa phận thủ đô Hà Nội. Dòng chính sông Tô Lịch khi chảy qua Thanh Xuân, Hoàng Mai và Thanh Trì còn được gọi là Kim Giang. Sách Đại Nam nhất thống chí viết: Sông Tô ở phía Đông tỉnh thành (Hà Nội) là phân lưu của sông Nhị, chảy theo phía Bắc tỉnh thành vào cửa cống thôn Hương Bài, tổng Đồng Xuân, huyện Thọ Xương (cửa sông xưa nằm ở vị trí phố Cầu Gỗ, quận Hoàn Kiếm) chuyển sang phía Tây huyện Vĩnh Thuận đến xã Nghĩa Đô ở phía Đông huyện Từ Liêm và các tổng thuộc huyện Thanh Trì, quanh co gần 60 dặm, tới xã Hà Liễu chảy vào sông Nhuệ.
  4. Chùa Ông Thu Xà
    Một ngôi chùa tọa lạc ở thị tứ Thu Xà, xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, cách tỉnh lỵ Quảng Ngãi 10 km về hướng đông. Chùa có tên chữ Hán là Quan Thánh tự, hay Đại Tự Quan Thánh, được xây dựng vào năm 1821, Minh Mạng năm thứ hai, do tứ bang Minh Hương: Phúc Kiến, Triều Châu, Hải Nam, Quảng Đông cùng nhau tạo lập. Cho đến nay, mặc dù nhiều lần trùng tu nhưng kiến trúc chùa vẫn giữ được nguyên vẹn.

    Chùa Ông Thu Xà

    Chùa Ông Thu Xà

  5. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  6. Giậm
    Giẫm (cách phát âm của miền Trung và Nam).
  7. Ở vậy
    Ở giá, không lấy chồng (hoặc vợ).
  8. Nào (khẩu ngữ, phương ngữ miền Trung).
  9. Khỏi vòng cong đuôi
    Vô ơn, bội bạc, vừa thoát nạn là quên ngay người đã cứu giúp mình (như con vật vừa thoát khỏi vòng xích đã cong đuôi chạy mất).
  10. Răng đen
    Người xưa có phong tục nhuộm răng đen. Từ điển Văn hoá cổ truyền Việt Nam, Nhà xuất bản Thế giới, 2002, trang 511, nói về nhuộm răng như sau:

    "Phong tục người Việt cổ coi răng càng đen càng đẹp. Trước khi nhuộm đen phải nhuộm đỏ. Thuốc nhuộm răng đỏ là cánh kiến đỏ trộn với rượu rồi đun quánh như bột nếp. Quét bột này lên mảnh lá chuối hột ấp vào răng trước khi đi ngủ. Làm nhiều lần cho đến khi hàm răng bóng ánh nổi màu cánh gián. Thuốc nhuộm đen: phèn đen, vỏ lựu khô, quế chi, hoa hồi, đinh hương nghiền nhỏ, hòa giấm hoặc rượu, đun cho quánh như hồ dán. Quét lên lá chuối đắp lên răng như nhuộm đỏ. Từ 5 đến 7 ngày thuốc mới bám vào răng, nổi màu đen thẫm rồi đen bóng. Súc miệng bằng nước cốt dừa. Kiêng ăn thịt mỡ, cua cá, vật cứng, nóng. Có khi chỉ nuốt cơm hoặc húp cháo. Kể cả nhuộm đỏ và đen, thời gian kéo dài đến nửa tháng."

    Xem phóng sự về phong tục nhuộm răng và ăn trầu.

    Răng đen

    Răng đen

  11. Cống
    Học vị dành cho những người thi đỗ khoa thi Hương dưới chế độ phong kiến.

    Nào có ra gì cái chữ Nho
    Ông Nghè, ông Cống cũng nằm co

    (Chữ Nho - Tú Xương)

  12. Nghè
    Tên gọi dân gian của học vị Tiến sĩ dưới chế độ phong kiến.
  13. Phỗng
    Tượng bằng đất hoặc đá thường được đặt ở đền thờ trong tư thế quỳ gối, hai tay chắp lại. Phỗng còn là loại tượng dân gian bằng đất, sành hoặc bằng sứ, cỡ nhỏ, dáng to béo, lạc quan, để bày chơi trong các gia đình. Từ ông phỗng, thằng phỗng thường dùng để chỉ người ngây, đần.

    Ông đứng làm chi đó hỡi ông?
    Trơ trơ như đá, vững như đồng.
    Đêm ngày gìn giữ cho ai đó?
    Non nước đầy vơi có biết không?

    (Ông phỗng đá - Nguyễn Khuyến)

    Phỗng đá

    Phỗng đá

  14. Sông Thương
    Còn có tên là sông Nhật Đức, xưa còn gọi là sông Nam Bình, sông Lạng Giang, sông Long Nhỡn, một con sông lớn ở miền Bắc. Sông bắt nguồn từ dãy núi Na Pa Phước, làng Man, xã Vân Thuỷ, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, chảy qua các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương rồi đổ vào sông Thái Bình. Sông Thương có hiện tượng "nước chảy đôi dòng" do hiện tượng nhập giang của sông Sim mang nhiều phù sa đục vào dòng chính trong xanh, tạo thành hai dòng chảy song song không hòa với nhau.

    Nghe ca khúc Con thuyền không bến của nhạc sĩ Đặng Thế Phong, có nhắc đến sông Thương.

    Sông Thương đoạn chảy qua thành phố Bắc Giang

    Sông Thương đoạn chảy qua thành phố Bắc Giang

  15. Trâm
    Một loại cây gỗ cao, tán rộng, có quả nạc nhỏ hình bầu dục thon, xanh lúc ban đầu, khi chín chuyển sang màu hồng và cuối cùng có màu tím đen, ăn có vị ngọt chát.

    Quả trâm chín

    Quả trâm chín

  16. Của mòn, con lớn
    Nuôi con phải tốn công tốn của.
  17. Tuy Phước
    Tên một huyện lị của tỉnh Bình Định, ngày xưa là thôn Vinh Thạnh. Tuy Phước nổi tiếng với đặc sản là nem chợ Huyện, đồng thời là quê hương của danh nhân văn hóa, nhà soạn tuồng hát bội Đào Tấn và nhà thơ Xuân Diệu.

    Nem chợ Huyện

    Nem chợ Huyện

  18. Tháp Hưng Thạnh
    Tên một khu tháp của Chăm Pa, gồm hai tháp là tháp phía bắc và tháp phía nam cạnh nhau (nên gọi là tháp Đôi), hiện nằm ở phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

    Tháp Hưng Thạnh (tháp Đôi)

    Tháp Hưng Thạnh (tháp Đôi)

  19. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  20. Rỡ ràng
    Sáng ngời, rạng rỡ.
  21. Chùa Phả Lại
    Xưa tên Chúc Thánh, một ngôi chùa cổ nay thuộc thôn Phả Lại, xã Đức Long, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Chùa thờ thiền sư Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không - hai vị thiền sư có công lớn với vua Lý và tu ở chùa Phả Lại, sau khi mất, hai vị thiền sư được nhân dân tạc tượng thờ và tôn làm Thành hoàng làng.

    Cũng có một ngôi chùa khác tên Phả Lại thuộc thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương.